Nhân vật vị tha:

Một phần của tài liệu Đặc trưng tiểu thuyết thế sự Ma Văn Kháng (Trang 65 - 69)

Người đọc đã không khỏi băn khoăn khi tiếp cận với kiểu nhân vật tha hóa, sa ngã trong tiểu thuyết thế sự của Ma Văn Kháng, bởi đó là hiện thân của sự sa sút, băng hoại đạo đức, phẩm giá con người. Dẫu thực tại đã xảy ra bao điều chua xót, nhưng Ma Văn Kháng đã không bi quan, không mất niềm tin ở con người và ông đã lấy lại trạng thái cân bằng cho chúng ta bởi

sự xuất hiện của những con người có tấm lòng nhân ái. Theo chúng tôi, đây cũng là một kiểu nhân vật đáng quan tâm trong những tác phẩm của ông. Trước lối sống thực dụng, con người bị phụ thuộc bởi vật chất, quyền lực… thì chính những con người này đã gìn giữ được những tính cách ổn định, gìn giữ được những nét đẹp của đạo đức, đạo lý truyền thống. Họ mang trong mình một tấm lòng vị tha, nhân hậu, lối sống trọng tình nghĩa và giàu đức hy sinh. Cuộc sống hôm nay là những giằng co thầm lặng về nhiều giá trị, là sự định hình trong thử thách những khuôn phép con người, những con người ấy đã giữ được mình, ít bị ảnh hưởng bởi hoàn cảnh xã hội quá xô bồ, ồn ã bên ngoài. Có thể nói không quá rằng họ là những hình ảnh rất đẹp của truyền thống văn hóa và đạo đức dân tộc. Đó là những người như bà Lang Chí, chị Hoài, cô Phượng, Vân (Mùa lá rng trong vườn), ông Diệp, anh Khương, cô Nguyên (Ngược dòng nước lũ), chị Lụa (Đám cưới không có giy giá thú)…

Đối lập với nhân vật Lý, chỉ biết khát khao tầm thường, tham lam quá quắt, Phượng hiện lên đằm thắm, dịu dàng, giàu lòng yêu thương, biết hy sinh, nhường nhịn và sẻ chia. Không thờ ơ như những người khác, với một thái độ dứt khoát, Phượng nhận trách nhiệm giúp đỡ cho vợ con Cừ cho dù cuộc sống gia đình chị còn khó khăn, cho dù chị chưa biết mình sẽ giúp họ như thế nào. Điều đó nói lên rằng Phượng là một người giàu tình cảm và luôn hướng thiện. Từ ngày nhận trách nhiệm đón vợ con Cừ lên, sự vất vả mà Phượng phải gánh chịu lại nhiều hơn trước. “Tất cả khó nhọc đã phản ánh trên mặt Phượng gầy guộc và ở bộ quần áo vá, hai gấu quần rách xơ”. Nhưng chị đã chịu đựng một cách giản dị, “chị không một lời than, không một biểu hiện khó chịu thậm chí như không cảm thấy mình đang gánh chịu cho kẻ khác”. Trong khung cảnh ấm cùng của gia đình đêm ba mươi Tết, Phượng cũng chạnh lòng nghĩ “giờ này ở ngoài ga còn nhiều người nhỡ tàu, đêm đông rét mướt thế này, chắc gia đình họ mong lắm”. Khi chứng kiến cảnh Lý hết sức giận dữ tung cú đá con mèo hoang như một búi giẻ ra sân, Phượng đã kinh hãi, run rẩy đến chừng nào. Chị dành cả những tình cảm yêu thương như thế cho một sinh vật bé nhỏ. Chị thật nhân hậu.

Một nét đặc trưng trong tính cách của Phượng là chị có “lòng xót thương người khác hơn cả bản thân mình”. Dường như với chị lúc nào con người cũng “cần phải được thể tất, cần đỡ nâng, dắt dìu”. “Dường như trong Phượng đã có thêm khả năng thính nhậy với khổ đau của kẻ khác và sẵn sàng đền bù cho họ”. Chính Luận cũng phải bất ngờ. “Ôi Phượng, không chỉ là một tấm lòng vị tha thật sự. Phượng còn là sự tinh tế và là một tinh thần trách nhiệm lớn lao trước con người”. Cuộc sống vợ chồng Luận Phượng đã được mười năm. Mười năm ấy như lời Luận nói là “ba nghìn sáu trăm ngày vất vả” nhưng Phượng đã vượt qua. Đấy chính là lòng nhân hậu,

sự kiên nhẫn chịu đựng, đức hy sinh cao quý và sức chống chọi cứng cỏi, bền bỉ của chịđã làm nên sức mạnh. Chính vì thế, Luận nhận ra ở Phượng “những vẻ đẹp mạnh mẽ, bình dị và tự nhiên”. Điều đó làm anh tự hào và tin yêu cuộc sống này hơn.

Xuất hiện không nhiều trong tác phẩm nhưng chị Hoài được người đọc biết đến như là một con người giàu tình nghĩa. Như đã nói ở phần trên, chị như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. Nơi chịđã lưu giữ những gì tốt đẹp của đạo lý làm người. Bởi thế trong buổi cúng cơm tất niên chiều ba mươi Tết, cả nhà ông Bằng ai cũng mong chị, bởi trong tâm thức ai cũng có hình bóng chị Hoài. Từng là con dâu trưởng của gia đình ông Bằng, vợ anh cả Tường liệt sĩ, và trong tiềm thức mỗi người “vẫn sống động một chị Hoài đẹp người, đẹp nết”. Giờđây chịđã có cuộc sống riêng với gia đình mới, với những quan hệ riêng của mình. “Chị có quyền quên mà không ai được trách cứ”, thế nhưng chị vẫn duy trì mối quan hệ ấy với một tinh thần trách nhiệm đáng quý, chị “vẫn giao cảm, vẫn chia sẻ buồn vui và cùng tham dự cuộc sống của gia đình này”. Đi trong vườn cây nhà ông Bằng, chị “vỗ nhè nhẹ vào từng thân cây, như người mẹ đi xa về vỗ về, vuốt ve những đứa con yêu”. Chị vẫn tìm thấy được cái cảm giác rất đỗi thân thiết từ những cây vải, cây nhãn trong vườn. Trong mắt Phượng, đó là “một con người có cuộc đời không may mắn mà tình nghĩa mặn mà, nhân hậu, thủy chung vô cùng”. Chị nhận ra Phượng sẽ là người rất tốt và đã động viên Phượng hãy sống thật đức độ, “không gì bằng đức độ”. Trước khi rời gia đình ông Bằng, chị cũng đã kịp quan tâm đến cảnh sống tuổi già của ông cụ. Hơn ai hết, chị hiểu sự mất mát, buồn vì vắng vẻ của ông khi bà mất đi và chị muốn mình là người chắp nối tình cảm cho ông và bà Chí “sống gần gụi nhau cho có bạn bè lúc già cả”. Hình ảnh người phụ nữ “giầu lòng nhân ái và đầy tinh thần trách nhiệm” ấy đã gợi lên cho cả gia đình ấy lẫn người đọc một cảm giác ấm áp đến lạ.

Láng giềng nhà ông Bằng có bà Lang Chí nhân từ, hiền dịu và nhiều khổ đau. Đời bà là một chuỗi những mất mát thiệt thòi. Bà không được hưởng cái hạnh phúc thiêng liêng và giản dị như rất nhiều người đàn bà khác. Nay bà thường xuyên đến chữa mắt và săn sóc ông, “Nước không uống. Tiền không lấy. Chỉ vì cái nghĩa xóm giềng”. Trong mối quan hệ với bà, ông Bằng cũng tìm cho mình được sự yên ổn, tìm được niềm an ủi, tin yêu bởi “Người tốt còn nhiều. Người biết điều hay lẽ phải còn nhiều”.

Là một phụ nữ miền quê, cô giáo Nguyên máng vẻ “đẹp phong nhã và hiền hậu. Gương mặt Nguyên mảnh dẻ như một chiếc lá, hòa hợp với hai con mắt ướt rụt rè, một đôi môi nhỏ, với một chấm nốt ruồi bên má trái, vẻ trầm tĩnh giản dị ánh xạ một tâm hồn trong trẻo, và một tấm lòng vị tha”. Nguyên tận tụy với gia đình. Bao năm qua, Khiêm xa nhà thì “cô là chỗ dựa

cậy của mẹ già, là cái linh hồn nâng đỡ mẹ qua cơn lao lung, kể từ cái chết bí ẩn của cha”. Ở cô, luôn toát lên cái đẹp tự nhiên và “sự tận tụy xả thân”. Chính đôi tay ấy vừa cầm bút soạn bài, vừa săn sóc mẹ, vừa nuôi con nhỏ, và chăm lo cho Khương, chồng cô - một thương binh thời chống Mỹ. Với Khiêm, “Nguyên là em gái dịu dàng, là người vợ tần tảo, Nguyên còn là người chị lo toan sau trước vẹn toàn, người mẹ có tấm lòng cao cả của Khiêm”. Và lúc này đây, khi Khiêm “lâm nạn” trở về bên gia đình, “Nguyên đang giang đôi cánh gà mẹ chở che, đang tỏa ra sự yên bình an ủi anh trai”.

Cuộc sống chất đầy những lừa lọc, dối trá đè nặng lên vai mỗi con người. Với sự hiện diện của những con người có tấm lòng nhân ái như chị Hoài, cô Phượng, bà Lang Chí, cô Nguyên… tác giả đã khẳng định với chúng ta rằng trên cuộc đời này vẫn còn nhiều lắm những tấm lòng yêu thương mà không một thế lực nào có thể dập tắt được. Dù xã hội thế nào thì trong lòng mỗi con người chúng ta luôn tồn tại một phần tốt đẹp. Ma Văn Kháng đã khắc họa kiểu nhân vật này bằng một tình cảm yêu thương sâu lắng với con người, với cuộc đời, nên tự thân nhân vật đã có sức sống, để lại nhiều cảm xúc đẹp đẽ trong lòng người đọc. Chính những nhân vật này đã góp phần nâng đỡ tâm hồn cũng như nhân cách của mỗi con người. Hướng con người về với cái thiện, cái đức độ, với những giá trị đạo đức truyền thống, văn hóa cội nguồn. Đây cũng chính là thành công của Ma Văn Kháng. Chính ông đã đem lại cho con người niềm tin yêu cuộc sống, khẳng định sự chiến thắng tất yếu của cái đẹp, cái thiện.

Chương 3:

Một phần của tài liệu Đặc trưng tiểu thuyết thế sự Ma Văn Kháng (Trang 65 - 69)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(112 trang)