2.1.1. Cảm hứng nghệ thuật:
2.1.1.1. Khái niệm:
Để sáng tạo văn chương, người nghệ sĩ phải có cảm xúc, và là cảm xúc mãnh liệt, tập trung: trạng thái cảm xúc ở cường độ cao đặc biệt ấy, người ta gọi là cảm hứng. Cảm hứng buộc nhà văn phải ngồi vào bàn, viết ngay những gì đang ứ đầy trong tâm hồn mình. Cảm hứng làm cho trang viết phập phồng ấm nóng, có hồn. Nói tóm lại, cảm hứng có mặt trong suốt quá trình sáng tác của nhà văn, góp phần làm nên giá trị tác phẩm, để lại ấn tượng mạnh mẽ cho người đọc. Đề cập đến vấn đề này, văn hào L.Tolstoi cho rằng, không có xúc động thì nghề văn của chúng ta không nhích lên được: “Sự lí giải, đánh giá sâu sắc và chân thực - lịch sử đối với các tính cách được miêu tả vốn nảy sinh từ ý nghĩa dân tộc khách quan của các tính cách ấy là cảm hứng tư tưởng sáng tạo của nhà văn và của tác phẩm của nhà văn” (25, tr.141).
Như vậy, nội dung tác phẩm văn học không chỉ là sự lí giải dửng dưng lạnh lùng, mà gắn liền với cảm xúc mãnh liệt. Rõ ràng, cảm hứng trong sáng tạo nghệ thuật là một tình cảm mạnh mẽ mang tính tư tưởng. “Đó là trạng thái phấn hứng cao độ của nhà văn do việc chiếm lĩnh
được bản chất của cuộc sống mà họ miêu tả. Sự chiếm lĩnh ấy bao giờ cũng bắt nguồn từ lí tưởng xã hội của nhà văn nhằm phát triển và cải tạo thực tại xã hội” [25, tr. 141]. Chính cảm hứng đó tạo nên sự ham muốn tích cực, thôi thúc nhà văn phải viết. Và quan trọng hơn, cảm hứng đó cần được nhìn nhận như một lớp nội dung đặc thù của tác phẩm văn học.
Cảm hứng sáng tạo ở nhà văn không thể hiểu một cách đơn giản như là phút say mê bất chợt, là phút thần hứng, mà nó là một trạng thái lao động nghiêm túc của nhà văn. Viết văn là gan ruột, là tâm huyết, khi ấy nhà văn chỉ bộc lộ những gì đã thật sự tràn đầy trong lòng, không thể có một sản phẩm văn chương đích thực của một tâm hồn bằng lặng, vô vị và miễn cưỡng. Trong cuốn Lí luận văn học, GS.PTS Trần Đình Sử đã viết “Cảm hứng là trạng thái tâm lí căng thẳng nhưng say mê khác thường. Sự căng thẳng của ý chí và trí tuệ, sự dồi dào về cảm xúc, khi đã đạt đến sự hài hoà, kết tinh, sẽ cháy bùng trong tư duy nghệ thuật của nhà văn, dẫn dắt họ đến những mục tiêu da diết bằng con đường gần như trực giác, bản năng” [67, tr.210]
Cảm hứng nghệ thuật trong tác phẩm văn chương, trước hết là sự say mê khẳng định lý tưởng chân chính mà nhà văn theo đuổi, hoặc là sự phủ định những mặt đối lập với lý tưởng ấy. Và tất cả những điều đó được cụ thể hóa ở thái độ của người nghệ sĩ, đồng tình ca ngợi nhân vật chính diện, những hiện tượng tích cực phù hợp với lý tưởng hay phê phán, lên án những nhân vật phản diện, những hiện tượng tiêu cực, phi đạo đức, phi nhân cách…Tuy nhiên, cảm hứng trong tác phẩm không phải là thứ tình cảm một chiều, “không phải là thứ tình cảm được xướng lên, mà phải là tình cảm toát ra từ tình huống, từ tính cách và sự miêu tả” [67, tr.270]. Cảm hứng chính là năng lượng tình cảm của tác phẩm, một tình cảm xã hội đã được ý thức, và chỉ có những tư tưởng lành mạnh, tiến bộ của thời đại mới dấy lên được những cảm hứng nghệ thuật đích thực.
Cảm hứng nghệ thuật là trạng thái tâm lí then chốt và bao trùm trong sáng tác của nhà văn. Nó là yếu tố đầu tiên dẫn đến sự hình thành của một tác phẩm nghệ thuật. Cảm hứng đó có thể đến trong một giây với thi sĩ, nhưng nó lại là sự tích tụ, thai nghén lâu dài trong một quá trình đối với một nhà tiểu thuyết, bởi tiểu thuyết là thể loại có dung lượng đồ sộ, kết cấu phức tạp và hệ thống nhân vật phong phú…