ĐỘNG BÁC BỎ TRONG TIẾNG VIỆT
3.2.10.2. Ngắt lời tiêu cực
Ngược với cách ngắt lời tích cực, hành động ngắt lời được cho là tiêu cực vì không hướng tới người tiếp nhận, mà hướng về phía người thực hiện hành động bác bỏ nhằm bảo vệ điều “lợi” của họ.
Ví dụ 115
- Thưa sếp, tôi làm việc rất tốt, tháng này tôi muốn đề nghị sếp…(tăng lương).
- Việc gì thì để sau đi, tôi đang bận lắm, công ty còn khó khăn, còn nhiều việc phải làm.
Đối ngược với tình huống trên, ở tình huống này, khi người thực hiện hành động bác bỏ “nhận biết”, “tiên đoán” trước được việc người nói sẽ nói ra điều bất lợi cho mình, họ sẽ tìm cách ngắt lời hoặc tạo ra những tình huống trong đó người nói sẽ không thể nói trọn vẹn được yêu cầu, đề nghị của mình nữa. Trường hợp ví dụ trên đây, tại giai đoạn giữa của quá trình diễn ngôn, vì đoán trước được là người nhân viên sẽ đề nghị tăng lương, lúc đó ông sẽ khó đưa ra lời từ chối. Vì vậy, ông đã ngắt ngang lời người nhân viên trước khi cậu ta kịp đề cập vào nội dung chính, và bác bỏ một cách hiệu quả: vừa cứu mình khỏi thế bí, khỏi phải giải thích lý do cho quyết định của mình, vừa làm người nhân viên e ngại không dám đưa ra đề nghị một lần nữa.
Chúng tôi dựa trên cơ sở của tính lịch sự trong giao tiếp (tức mức độ lịch sự càng cao khi người ta tính toán mối thiệt hại cho người tiếp nhận càng thấp) chứ không phải nội dung giao tiếp để phân chia hai thái cực tích cực và tiêu cực ở các cách thức thực hiện bác bỏ. Do đó, kể cả những trường hợp hành động ngắt lời của người thực hiện bác bỏ được phần đông người nghe ủng hộ, chẳng hạn, luật sư ngắt lời khai vô lý của bị cáo, thì chúng tôi cũng cho hành động này nằm trong bình diện tiêu cực theo tiêu chí trên.