- Thị trường: Thị trường là phạm vi của lĩnh vực trao đổi, mua bán, nhờ đó mà các chủ thể kinh tế cạnh tranh nhau trong việc xác định giá cả hàng hóa, giá cả dịch vụ và
1.3.2. Hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm trong cơ chế thị trường ở nước ta
ta
Công cuộc đổi mới từ năm 1986 đã đưa nền kinh tế nước ta từ cơ chế kế hoạch hóa tập trung dựa trên chế độ sở hữu công cộng về tư liệu sản xuất sang nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Cơ chế quản lý ấy đã tác động mạnh mẽ đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; không chỉ kinh tế mà cả trên lĩnh vực văn hóa, không chỉ với sản xuất vật chất mà cả đối với lĩnh vực sản xuất tinh thần. Xuất bản là ngành sản xuất, truyền bá các sản phẩm văn hóa, vừa có bộ phận sản xuất tinh thần, vừa có các khâu sản xuất vật chất, nên tất yếu cũng phải hoạt động theo cơ chế mới - cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng XHCN. Nếu như trong cơ chế cũ, mọi hoạt động biên tập xuất bản phát hành đều theo kế hoạch thống nhất của Nhà nước, chịu sự quản lý tập trung của Nhà nước, mỗi chỉ tiêu kế hoạch đều mang tính pháp lệnh thì trong cơ chế mới, kế hoạch xuất bản của mỗi cơ sở xuất bản phải tuân theo quy luật, điều tiết của thị trường. Các cơ sở xuất bản chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình và chịu trách nhiệm về hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh ấy, kế hoạch của Nhà nước về xuất bản mang tính chất định tính, hướng dẫn nhiều hơn là định lượng, các chỉ tiêu Nhà nước chỉ dừng lại như là các chương trình mục tiêu toàn ngành, định hướng phát triển của ngành. Cơ chế cũ vì thế đã dẫn tới nguy cơ quan liêu hóa hoạt động xuất bản, bởi lẽ các đề tài, mục tiêu xuất bản không xuất phát từ việc nắm bắt nhu cầu thực sự của quần chúng, mà chỉ xuất phát từ ý đồ chiến lược, từ phương hướng công tác tư tưởng trong mỗi thời kỳ. Những người làm công tác biên tập xuất bản không phát huy được tính chủ động sáng tạo trong việc tìm chọn, phát hiện đề tài nảy sinh từ cuộc sống thực tế; tạo thói quen ỷ lại, dựa dẫm vào các cấp lãnh đạo quản lý... Cơ chế thị trường buộc những người làm xuất bản phải nắm vững nhu cầu của thị trường. Nhu cầu đó chính là đòi hỏi thực tế của cuộc sống, từ đó họ đề xuất được những đề tài thiết thực mang lại hiệu quả thực tế to lớn.
Trong cơ chế cũ, Nhà nước quản lý và phân phối mọi nguồn lực sản xuất, kinh doanh của xuất bản như tiền vốn, kho giấy, máy móc, thiết bị in (nhân bản), các trung tâm PHS. Việc tổ chức sản xuất của các đơn vị xuất bản hoàn toàn phụ thuộc vào sự phân
phối của cấp trên, thời gian sản xuất kéo dài và hoàn toàn bị động. Cơ chế thị trường cho phép các đơn vị chủ động khai thác mọi khả năng, lực lượng của mình, tổ chức sản xuất chủ động linh hoạt theo yêu cầu của thị trường. Ngoài ra, các cơ sở xuất bản còn có thể chủ động liên doanh, liên kết với nhau để giải quyết những nhiệm vụ có tầm cỡ quy mô, cần nhiều công sức trí tuệ và chi phí vật chất, mang lại lợi ích to lớn cho xã hội.
Như vậy, trong cơ chế cũ, nhà nước bao cấp cả đầu vào và đầu ra của quá trình sản xuất XBP. Các cơ sở xuất bản nhận đề tài biên tập như nhận chỉ tiêu pháp lệnh của Nhà nước, Nhà nước chỉ định cả nơi in và khống chế thời gian, in, PHS. Nhà nước bao mua toàn bộ sách được in ra và phân phối theo kế hoạch. Người làm ra sách không chịu trách nhiệm và không nắm được kết quả cuối cùng của sản phẩm do mình làm ra. Cơ chế cũ không tạo điều kiện và quy định trách nhiệm cho người biên tập quan tâm đến việc tiêu thụ các cuốn sách do mình làm ra và những tác dụng của nó đối với thực tiễn xã hội. Cơ chế thị trường đặt quá trình xuất bản trong một chu trình khép kín. Người biên tập xuất bản phải có trách nhiệm kiểm soát từ đầu đến cuối quá trình sản xuất, sao cho sản phẩm ấy đáp ứng đúng nhu cầu thị trường, được tổ chức sản xuất một cách hợp lý nhất, phù hợp với thị hiếu, điều kiện sử dụng và sức mua của bạn đọc đã xác định. Hơn nữa, việc sản xuất ấy còn phải mang lại lợi nhuận cho những người làm xuất bản. Cơ chế đó đòi hỏi một sự phát triển đồng bộ, nhịp nhàng, một sự gắn bó hữu cơ giữa các khâu của quá trình xuất bản: từ biên tập đến in ấn, phát hành, sao cho việc sản xuất gắn chặt với tiêu thụ, thời gian sản xuất ngắn nhất, có chất lượng bảo đảm yêu cầu, thời gian sách đến tay bạn đọc ngắn nhất, mọi ý kiến bạn đọc về sản phẩm đều được những người biên tập - xuất bản tiếp nhận.
Trong cơ chế cũ, Nhà nước còn bao cấp hoạt động kinh doanh xuất bản thông qua chính sách giá cả, tiền lương. Giá sách, giá công in, giá phát hành do Nhà nước quy định. Lương cán bộ do Nhà nước cấp phát theo ngạch bậc không phụ thuộc và kết quả kinh doanh cụ thể của nhà xuất bản, cơ sở in và phát hành. Cơ chế thị trường cho phép người sản xuất tự xác định giá bán sản phẩm căn cứ vào quy luật giá cả ở thị trường, phù hợp với sức mua của công chúng. Đồng thời, các cơ sở xuất bản kinh doanh phải tự hạch toán kinh doanh, lời ăn lỗ chịu. Tiền lương, tiền thưởng cán bộ kinh doanh xuất bản
phẩm do các cơ sở tự chi trả theo kết quả kinh doanh cụ thể của cá nhân và đơn vị. Chính điều đó đã tạo ra động lực kinh tế kích thích những người làm nghề kinh doanh xuất bản phẩm gắn bó hơn, năng động sáng tạo hơn trong nghề nghiệp của mình.
Tóm lại, công cuộc đổi mới đã thúc đẩy mạnh mẽ những đổi mới trong cơ chế quản lý và phương thức hoạt động xuất bản, phát hành. Kinh doanh xuất bản phẩm nước ta từ 1986 đã chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Cơ chế thị trường có nhiều điểm khác về chất so với cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước kia. ở những nét chung nhất, cơ chế thị trường đòi hỏi phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về xuất bản và chức năng quản lý sản xuất kinh doanh của các cơ sở xuất bản, phát hành; đề cao tính chủ động, tự giác, tự chịu trách nhiệm về sản xuất kinh doanh của các cơ sở xuất bản, chống lại tính quan liêu, bao cấp trong cơ chế cũ, mang lại một động lực mới kích thích hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm phát triển.
Song, cơ chế thị trường tác động tới kinh doanh XBP nước ta có sự khác biệt về chất với cơ chế thị trường ở các nước tư bản chủ nghĩa. Chúng ta đặt hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm trong cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Vai trò quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm nước ta khác hẳn với các nước tư bản chủ nghĩa. Chúng ta không thả nổi hoạt động xuất bản cho cơ chế thị trường, kinh doanh XBP không coi mục tiêu kinh doanh, lợi nhuận là hàng đầu, là tối cao mà phải hướng tới các mục đích cao đẹp về văn hóa tinh thần của xã hội. Trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm là phương tiện không thể thiếu để đạt tới mục tiêu văn hóa xã hội. Lợi nhuận là một phương tiện, một động lực kích thích hoạt động kinh doanh XBP. Song lợi nhuận không thể lấn át các mục tiêu văn hóa, tư tưởng vốn là mục tiêu cao cả nhất, là tôn chỉ, mục đích của hoạt động xuất bản. Thậm chí, khi cần thiết có thể hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để đạt tới mục tiêu văn hóa - tư tưởng.
ở tầm quản lý vĩ mô, Nhà nước bao quát được toàn bộ nhu cầu, phương hướng phát triển tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Sự điều tiết, quản lý Nhà nước về kinh doanh XBP thông qua các chương trình mục tiêu định hướng, thông
qua pháp luật, các chính sách đòn bẩy, chính sách cán bộ sẽ hướng sự phát triển của hoạt động kinh doanh XBP trong cơ chế thị trường đạt tới sự kết hợp hài hòa các mục tiêu kinh tế và văn hóa xã hội, trước mắt và lâu dài, cá nhân và tập thể, dân tộc và quốc tế... để góp phần phát huy cao nhất nguồn nội lực dân tộc, phát huy nhân tố con người, xây dựng đất nước văn minh, giàu mạnh, tiến lên chủ nghĩa xã hội.