Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 82 - 85)

b) Những nguyên nhân khách quan dẫn đến trình trạng án tồn đọng trong thi hành án dân sự

3.2.4.Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án dân sự

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là một nguyên tắc hiến định được ghi nhận tại Điều 12 Hiến pháp năm 1992 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tuy nhiên, muốn quản lý xã hội, quản lý nhà nước bằng pháp luật, thì từ nhà quản lý đến mọi cán bộ công chức, công dân phải hiểu biết pháp luật, từ đó hình thành tri thức pháp luật, tình cảm đối với pháp luật và có những hành vi, xử sự phù hợp với yêu cầu của pháp luật.

Đối với thi hành án dân sự, cho dù có cơ cấu tổ chức, mô hình quản lý và cơ chế hoạt động tốt, nhưng nếu không làm tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là pháp luật về thi hành án dân sự, thì hiệu quả thi hành án sẽ không cao. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật thi hành án nói riêng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc hỗ trợ thi hành án đạt hiệu quả, bởi lẽ khi con người có nhận thức đúng, hiểu rõ vấn đề họ sẽ có quyết định, hành động đúng, tôn trọng pháp luật và làm theo các qui định của pháp luật. Vì vậy, để khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nhất là từ cơ sở. Cần tập trung một số việc sau đây:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là cấp xã, phường, cần quan tâm chỉ đạo, giúp cơ quan thi hành án phối hợp với các cơ quan, tổ chức có liên quan tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân nói chung, ý thức tuân thủ pháp luật trong thi hành án nói riêng. Phải coi đây là hoạt động thường xuyên, liên tục của cấp ủy, chính quyền địa phương.

Thứ hai, phải xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cụ thể, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với thực tế và trình độ dân trí của từng vùng, miền, địa phương, từng đối tượng; bám sát sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên, đồng thời phát huy tính sáng tạo của cơ sở.

Nội dung phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tập trung vào các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự và các văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến thi hành án dân sự như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn

thi hành, Bộ luật Hình sự năm 1999 (phần các tội xâm phạm hoạt động tư pháp), Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004.

Phương pháp, hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phải linh hoạt, phù hợp với đặc điểm của địa phương, để các cấp các ngành, các cơ quan, đoàn thể có thể hiểu sâu vị trí, vai trò, tầm quan trọng của thi hành án, qua đó, xác định rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện cho cơ quan thi hành án hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đối với công dân, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giải thích pháp luật về thi hành án dân sự để mọi người hiểu được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình trong việc tôn trọng và thực hiện nghiêm chỉnh các bản án, quyết định của Tòa án. Có thể sử dụng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật như tuyên truyền trên đài truyền thanh, thông qua sinh hoạt của các tổ chức, đoàn thể; thông qua việc giáo dục, thuyết phục trực tiếp của cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, hòa giải viên, tổ trưởng tổ dân phố, già làng, trưởng bản và những người có uy tín trong cộng đồng dân cư... Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tủ sách pháp luật ở xã, phường, vì đây là nguồn cung cấp thông tin pháp luật quan trọng cho người dân.

Thứ ba, Nhà nước cần quan tâm đầu tư kinh phí, điều kiện bảo đảm cho hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, pháp luật về thi hành án dân sự nói riêng. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử để cán bộ, nhân dân dễ dàng truy cập, tìm hiểu các văn bản pháp luật, trong đó có các văn bản pháp luật về thi hành án dân sự. Xây dựng cơ sở dữ liệu và mạng tin học kết nối với các cơ quan thi hành án phục vụ công tác thi hành án. Hình thành trang chủ của cơ quan thi hành án để nhân dân có thể truy cập thông tin về các bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực thi hành, các bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của trọng tài nước ngoài đã được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, các án tồn đọng và các thông tin có liên quan đến thi hành án...

Thứ tư, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật, các cơ quan thi hành án cần lựa chọn các vụ việc phức tạp, điển hình có điều kiện thi hành án nhưng cố ý chây ỳ, dây dưa, kéo dài, không tự nguyện chấp hành án mặc dù đã

được cơ quan thi hành án và các cơ quan, tổ chức liên quan thuyết phục, giải thích, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên, Ban chỉ đạo thi hành án cùng cấp để huy động lực lượng, tập trung chỉ đạo, tổ chức cưỡng chế thi hành án. Những vụ cưỡng chế thi hành án cũng là một trong các hình thức để nâng cao ý thức pháp luật về thi hành án của người dân.

Đối với những cá nhân có hành vi cản trở, chống đối việc thi hành án mà có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, thì phải kiên quyết truy cứu trách nhiệm hình sự và tổ chức xét xử lưu động một số vụ điển hình, tuyên truyền rộng rãi, làm gương cho những đối

tượng có ý đồ không chấp hành án khác.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 82 - 85)