số nước trên thế giới
Nghiên cứu những quy định của pháp luật về thi hành án dân sự của một số nước trên thế giới cho thấy, tùy theo tình hình, đặc điểm kinh tế - xã hội, mà thi hành án dân sự có thể được tiến hành dưới hình thức công, bán công hoặc do tư nhân đảm nhiệm. Trong các văn bản pháp luật của các nước như Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Nhật Bản, Liên bang Nga... không sử dụng thuật ngữ "án tồn đọng", nhưng lại có các điều luật quy định rất cụ thể về các biện pháp để "án tồn đọng trong thi hành án dân sự" không xảy ra.
Pháp luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định rất rõ về trách nhiệm của chấp hành viên nếu không thi hành án được: "Một quyết định thi hành án sẽ không có hiệu lực pháp luật cho đến khi nó được thi hành và chấp hành viên có thể phải chịu trách
nhiệm về thiệt hại nếu thi hành án không được
thi hành một cách thích hợp" [3, tr. 1]. Để tránh tình trạng "án tồn đọng", pháp luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có quy định về việc trả lại quyết định thi hành án:
1. Chấp hành viên là người được giao quyết định thi hành án sẽ trả lại quyết định cho Tòa án cùng với một báo cáo về hoạt động của chấp hành viên, tổng số tiền thu được và chi phí phát sinh tại những thời điểm sau:
a) Hai năm sau ngày ra quyết định thi hành án. b) Ngay sau khi thi hành án xong.
c) Khi chủ nợ yêu cầu trả lại quyết định thi hành án bằng văn bản. d) Nếu không thi hành án được trong vòng 180 ngày sau khi quyết định được ra, thì ngay sau khi hết hạn 180 ngày.
đ) Quá thời hiệu thi hành án đối với án liên quan đến tiền.
2. Một lệnh thi hành án được đưa ra trên cơ sở một lợi ích đối với bất động sản thuộc sở hữu cá nhân trong điền trang của người đã chết, thì lệnh này sẽ được trả lại trong vòng một năm sau khi quyết định về phân chia tài sản đó có hiệu lực [3, tr. 2].
Pháp luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ còn quy định rất cụ thể về trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án như có chỉ dẫn về tịch biên bất động sản, tịch biên tài sản cá nhân, thi hành án đối với cơ sở thương mại, công ty đang hoạt động... Ví dụ: đối với doanh nghiệp đang hoạt động:
Việc giao tài sản thuộc quyền chiếm hữu của con nợ phải được thu giữ bằng cách đặt nó dưới sự kiểm soát của chấp hành viên. Biện pháp đặt tài sản dưới sự trông nom được quy định tại Điều 687.030 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Hai phương pháp chính là: 1) chuyển tài sản đến nơi cất giữ an toàn hoặc 2) cử người trông nom [3, tr. 4].
Thẩm quyền của cơ quan thi hành án, chấp hành viên được quy định rất rộng và bảo đảm hiệu lực thực thi. Ví dụ: pháp luật Hợp chủng quốc Hoa Kỳ quy định:
Khi một tờ séc, lệnh chi hoặc bất cứ lệnh liên quan đến việc rút tiền từ ngân hàng hoặc tổ chức nào đó ở Hoa Kỳ hoặc bất cứ công sở nào đó trong
bang để thực hiện việc thanh toán theo yêu cầu của con nợ thuộc sự quản lý của chấp hành viên theo quyết định của Tòa án, chấp hành viên sẽ ký ngay để rút tiền [3, tr. 8].
Tại Vương quốc Nhật Bản, một trong các biện pháp để "án tồn đọng" không xảy ra là quy định cụ thể về lệ phí thi hành án, theo đó người được thi hành án phải nộp lệ phí, chi phí đặt cọc kèm theo đơn yêu cầu thi hành án. Nếu họ không đặc cọc hoặc đặt không đủ, chấp hành viên có quyền từ chối thi hành án, trừ trường hợp được miễn giảm theo quy định của pháp luật. Ngoài các khoản lệ phí giấy tờ nêu trên, người được thi hành án còn phải nộp những chi phí thực tế mà chấp hành viên đã bỏ ra trong quá trình thi hành án. Quy định này tạo điều kiện cho việc thi hành án được tiến hành thuận lợi, Nhà nước không phải bỏ ra những khoản chi phí không cần thiết.
Theo quy định của pháp luật Nhật Bản, nếu người phải thi hành án không tự nguyện thi hành, thì trên cơ sở yêu cầu của người được thi hành án, Tòa thi hành án ra lệnh cưỡng chế thi hành án. Việc quy định cụ thể trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án là một trong những bảo đảm không để xảy ra "án tồn đọng trong thi hành án dân sự" ở Nhật Bản.
Tại Liên bang Nga, việc thi hành án dân sự do nhân viên thi hành án của Tòa án đảm nhiệm. Để hoạt động thi hành án dân sự mang tính khả thi cao, không để xảy ra "án tồn đọng trong thi hành án dân sự", pháp luật Liên bang Nga quy định các cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân phải thực hiện mọi yêu cầu của nhân viên thi hành án của Tòa án. Điều 353 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định:
Mọi yêu cầu của nhân viên thi hành án của Tòa án phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, công dân, người có chức vụ tôn trọng và thực hiện.
Trong quá trình thi hành án, nếu có sự chống đối lại nhân viên thi hành án của Tòa án, thì phải lập biên bản về sự chống đối đó và chính quyền sở tại phải có biện pháp loại trừ ngay sự chống đối. Biên bản về sự chống đối phải có chữ ký của nhân viên thi hành án của Tòa án, người chứng kiến và
được gửi cho Tòa án để xem xét vấn đề truy cứu trách nhiệm hình sự người đã thực hiện hành vi chống đối nhân viên thi hành án của Tòa án [47, tr. 316]. Để việc thi hành án có tính khả thi cao, pháp luật Liên bang Nga quy định thủ tục bắt buộc phải định giá tài sản của người phải thi hành án. Điều 374 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định:
Việc định giá tài sản của người phải thi hành án do nhân viên thi hành án của Tòa án đảm nhiệm. Nếu việc định giá một số đồ vật gặp khó khăn hoặc người được thi hành án hay người phải thi hành án không đồng ý với kết quả định giá tài sản của nhân viên thi hành án của Tòa án, thì nhân viên thi hành án phải mời giám định viên định giá tài sản [47, tr. 318].
Trong trường hợp người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án, pháp luật Liên bang Nga còn quy định trình tự, thủ tục các biện pháp cưỡng chế thi hành án như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản thi hành án. Đặc biệt, pháp luật quy định rất rõ trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản của người phải thi hành án. Điều 376 Bộ luật Tố tụng dân sự Liên bang Nga quy định: "Trường hợp để xảy ra mất mát hoặc cố tình cất giấu tài sản, người được giao quản lý tài sản của người phải thi hành án ngoài việc phải đền bù thiệt hại, còn phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 185 Bộ luật Hình sự Liên bang Nga" [47, tr. 319].
Từ sự phân tích ở trên, có thể rút ra một số kinh nghiệm không để xảy ra "án tồn đọng trong thi hành án dân sự" của các nước nói trên như sau:
Thứ nhất, thẩm quyền của cơ quan thi hành án, chấp hành viên được quy định khá rộng, bảo đảm hiệu lực thực thi, đồng thời quy định rõ trách nhiệm của chấp hành viên trong trường hợp không chịu áp dụng các biện pháp cần thiết để thi hành án.
Thứ hai, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước, tổ chức, công dân, phải thực hiện các yêu cầu của chấp hành viên trong quá trình thi hành án.
Thứ ba, trình tự, thủ tục tiến hành các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định rất chặt chẽ cụ thể.
Thứ tư, các nước đều quy định chế độ lệ phí thi hành án, trong đó nhìn chung các chi phí thi hành án do người được thi hành án chịu, Nhà nước chỉ hỗ trợ trong những trường hợp cần thiết. Đây là một trong những kinh nghiệm không để xảy ra "án tồn đọng trong thi hành án dân sự" rất tốt, vì nếu để người được thi hành án chịu các chi phí thi hành án, thì việc thi hành án sẽ được tiến hành thuận lợi hơn rất nhiều.
Kết luận chương 1
Thi hành án dựa trên cơ sở kết quả xét xử của Tòa án và quyết định của trọng tài. Những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật là căn cứ để các cơ quan nhà nước, người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền và lợi ích liên quan thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo đúng nội dung bản án, quyết định của Tòa án. Đối với một bản án, quyết định của Tòa án, cơ quan thi hành án có thể ra nhiều quyết định thi hành án và mỗi quyết định này được coi là một việc thi hành án. Vì vậy, chỉ cần một quyết định thi hành án còn tồn đọng không thi hành được, thì có thể coi bản án, quyết định của Tòa án chưa được thực hiện trong cuộc sống và trong một bản án, quyết định của Tòa án có thể có nhiều quyết định thi hành án tồn đọng. Đây là điểm khác biệt so với khái niệm "án tồn đọng" trong hoạt động xét xử của Tòa án, mặc dù bản chất đều là những vụ việc chưa giải quyết xong.
Tình trạng án tồn đọng trong thi hành án dân sự là một trong những biểu hiện của sự không nghiêm minh của pháp luật, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật. Vì vậy, khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự là công
việc có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng có những ý nghĩa rất quan trọng như: góp phần
bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo
đảm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; góp phần giữ
vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; góp phần nâng cao ý thức pháp
luật của nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án.
Chương 2
Thực trạng khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay