Nghĩa của việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 31 - 34)

Khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự được hiểu là hoạt động của Nhà nước nói chung, cơ quan thi hành án nói riêng nhằm làm cho các quyết định thi hành án tồn đọng được thực thi trên thực tế. Đây là công việc có nhiều khó khăn, phức tạp, nhưng có những ý nghĩa rất quan trọng sau đây:

Thứ nhất, góp phần bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nguyên tắc pháp chế là một trong những nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Điều 12 Hiến pháp năm 1992 của Nhà nước ta qui định:

Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp và pháp luật. Mọi hành động xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tập thể và công dân đều bị xử lý theo pháp luật. Đối với lĩnh vực thi hành án nói chung, thi hành án dân sự nói riêng, Điều 136 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 qui định: "Các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật phải được các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, các đơn vị vũ trang nhân dân và mọi công dân tôn trọng, những người và đơn vị hữu quan phải nghiêm chỉnh thi hành"; Điều 3 Pháp lệnh Thi hành án dân sự ngày 14 tháng 01 năm 2004 quy định cụ thể:

Bản án, quyết định dân sự đã có hiệu lực pháp luật phải được người phải thi hành án, người được thi hành án, người có quyền, nghĩa vụ liên quan đến việc thi hành án (gọi chung là đương sự) nghiêm chỉnh thi hành và được các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và cá nhân tôn trọng.

Như vậy, việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự không những bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Thi hành án dân sự là hoạt động nhằm làm cho các bản án, quyết định dân sự của Tòa án và các quyết định khác theo quy định của pháp luật được thực hiện trên thực tế. Mọi hành vi thi hành án chậm, thi hành không đúng với nội dung của bản án, quyết định hoặc để án tồn đọng..., về thực chất đều xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân. Vì vậy, khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự không những bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật, mà còn bảo đảm bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân.

Thứ ba, góp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội. Khắc phục án tồn đọng về bản chất là làm cho những phán quyết của Tòa án nhân danh Nhà nước, thể hiện ý chí Nhà nước trở thành hiện thực. Quá trình giải quyết một vụ án sẽ chỉ được coi là kết thúc khi bản án, quyết định của Tòa án được thực thi đầy đủ và kịp thời, đúng như ý kiến của PGS.TS Trần Đình Hảo:

Các đương sự khi tham gia tố tụng kinh tế - dân sự không chỉ quan tâm đến kết quả xét xử là bản án hoặc quyết định của Tòa án; ý nguyện và lợi ích của họ còn là ở chỗ: quyền và lợi ích hợp pháp của họ được công nhận và bảo đảm thi hành trên thực tế bằng sự cưỡng chế của Nhà nước trong trường hợp cần thiết [30, tr. 23].

Nếu bản án, quyết định của Toà án chỉ nằm trên giấy không được thực thi trên thực tế, thì không những thể hiện pháp luật không nghiêm, còn ảnh hưởng trực tiếp tới quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức và công dân, dẫn đến việc khiếu nại, tố cáo gay gắt, bức xúc kéo dài của đương sự. Nếu giải quyết không tốt, án tồn đọng trong thi hành án dân sự sẽ trở thành những điểm nóng mà các thế lực thù địch dễ lợi dụng, xuyên tạc, chống phá cách mạng. Vì vậy, việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án

dân sựgóp phần giữ vững an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội của nước ta.

Thứ tư, góp phần nâng cao ý thức pháp luật của nhân dân, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong thi hành án dân sự.

Thi hành án dân sự ở nước ta là sự kết hợp chặt chẽ giữa vai trò chủ động, phát huy trách nhiệm của chấp hành viên, cơ quan thi hành án và sự chỉ đạo sát sao cụ thể của chính quyền địa phương, sự phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan, sự đồng tình của quần chúng, tạo ra sức mạnh tổng hợp chung. Thi hành án không chỉ là hoạt động nghiệp vụ đơn thuần riêng của cơ quan thi hành án, chấp hành viên mà còn là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đoàn thể xã hội và mọi thành viên trong cộng đồng. Thông qua thi hành án nói chung, khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự nói riêng, ý thức pháp luật của nhân dân, vai trò trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức được nâng lên, tạo

niềm tin của mọi tầng lớp nhân dân vào tính nghiêm minh của pháp luật và sức mạnh của Nhà nước ngày càng được củng cố, tăng cường.

Thứ năm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động xét xử của Tòa án. Việc điều tra, hòa giải, xét xử vụ án là những giai đoạn đầu của quá trình bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, trong đó mới chỉ giải quyết nội dung vụ án, xác định được quyền và nghĩa vụ của các đương sự, còn phán quyết của Tòa án có trở thành hiện thực hay không còn tùy thuộc vào quá trình thực thi nó trong cuộc sống. Thông qua giai đoạn thi hành án, bản án, quyết định của Tòa án mới có hiệu lực trên thực tế, công lý mới được thực hiện. Mặt khác, thi hành án còn là giai đoạn kiểm nghiệm qua thực tiễn những phán quyết của Tòa án, phản ánh trung thực chất lượng và hiệu quả của hoạt động xét xử. Từ việc khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự, cán bộ ngành Tòa án có thể rút ra cho mình những bài học bổ ích, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác xét xử.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Cơ sở lý luận và thực tiễn khắc phục án tồn đọng trong thi hành án dân sự ở Việt Nam hiện nay pptx (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(108 trang)