hội khi giáo dục thế giới quan
Các trường Đại học, Cao đẳng ở Tây Nguyên cũng giống với các trường Đại học, Cao đẳng cả nước thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ là đào tạo ra những trí thức tương lai
không những giỏi về chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải giác ngộ lý tưởng xã hội chủ nghĩa và trung thành với sự nghiệp xây dựng đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Để thực hiện tốt nhiệm vụ đó các trường Đại học, Cao đẳng ở Tây Nguyên đã tập trung vào đổi mới, cải tiến phương pháp giảng dạy các môn khoa học Mác - Lênin. Đoàn thanh niên, Hội sinh viên thực hiện đa dạng các hình thức tổ chức giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên, tạo ra “sân chơi” cho thanh niên sinh viên rèn luyện và trưởng thành. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên, người giảng viên các môn khoa học Mác - Lênin và các tổ chức tham gia trực tiếp vào giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên đang gặp những khó khăn, nhất là những tác động của thực tế đối lập ngoài xã hội.
Một là, sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội Liên xô và Đông Âu đã làm cho không ít người nhất là sinh viên nghi ngờ vào học thuyết Mác - Lênin, mất niềm tin vào sự thắng lợi của công cuộc đổi mới và đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Thực tế này đã ảnh hưởng không nhỏ đến nhận thức, tư tưởng trong học tập các môn khoa học Mác - Lênin của sinh viên ngày nay.
Trong khi đó, hình ảnh của chủ nghĩa tư bản phát triển cao đang tràn vào nước ta, nó mang theo chủ nghĩa hiện sinh, chủ nghĩa thực dụng, coi trọng sự hưởng thụ vật chất đã và đang ảnh hưởng trực tiếp vào sinh viên. Đặc biệt Tây Nguyên là vùng rất nhạy cảm về chính trị, các thế lực thù địch đang ráo riết lợi dụng thực tế này để kích động, gây rối. Thực tế này có thể làm nảy sinh sự hoài nghi lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, theo đó có cả sự phủ nhận thế giới duy vật biện chứng. Không chỉ giáo dục lý luận chính trị mà cả các tổ chức Đoàn thanh niên, Hội sinh viên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong công tác tập hợp thanh niên.
Hai là, nạn tham nhũng, thoái hoá, biến chất, suy đồi về đạo đức lối sống của một số cán bộ, đảng viên không nhỏ. Chính những hình ảnh tiêu cực được nhìn thấy, được nghe thấy trong cuộc sống xã hội; những hình ảnh, vụ việc, vụ án được đăng tải trên báo chí của Trung ương và địa phương nhiều hơn những tấm gương “người tốt, việc tốt” trong thời kỳ đổi mới…cũng gây ra những phản tác dụng. Thực tế này đã
và đang ảnh hưởng tiêu cực đến niềm tin vào thế giới quan duy vật biện chứng. Nó là mặt đối lập trực tiếp, và là trở lực không nhỏ với việc giáo dục thế giới quan trong nhà trường.
Dường như khoảng cách giữa lý luận và thực tiễn đang tồn tại. Nhà trường miệt mài giáo dục những chuẩn mực của con người mới với thế giới khoa học và cách mạng. Bên ngoài xã hội thì không ít cán bộ đảng viên “tham nhũng, suy thoái về đạo đức lối sống” tôn thờ chủ nghĩa cá nhân… vẫn tiếp tục tồn tại như một hiện trạng không quá khó thấy. Vì vậy, khi sinh viên được nghe những bài giảng của những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng họ thấy thật khoa học và đúng đắn vế mặt lý luận, nhưng rồi sinh viên lại cho rằng đó chỉ là lý thuyết mà thôi, còn những gì thực tiễn đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày của xã hội lại trái ngược đối với lý thuyết đó: tham nhũng trở thành một quốc nạn, một hiện tượng phổ biến, tình trạng thiếu kỷ cương, mất đoàn kết nội bộ, kỷ luật Đảng chưa nghiêm, sự phân hoá giàu nghèo ngày càng tăng, lối sống thực dụng, chủ nghĩa cá nhân ngày càng mạnh. Chính mặt đối lập này là một lực cản rất lớn trong việc nâng cao chất lượng dạy và học các môn khoa học Mác - Lênin, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên Tây Nguyên hiện nay.
Ba là, những hiện tượng mà khoa học chưa thể lý giải được một cách đầy đủ và thuyết phục cũng gây không ít sự hoài nghi. Trong thời gian gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng và cả trong dư luận xã hội đang rộ lên những vấn đề, những hiện tượng mê tín dị đoan ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm, tâm lý của mọi tầng lớp nhân dân trong đó có sinh viên. Vấn đề “thế giới tâm linh” không chỉ dừng ở câu chuyện truyền miệng mà đã xuất hiện nhiều trên các phương
tiện truyền thông. Chẳng hạn như: trên Báo An ninh thế giới đăng 8 số về bí ẩn hiện
tượng tìm mộ bằng ngoại cảm; chuyện “Thánh vật ở sông Tô Lịch”, tác giả Nguyễn
Hùng Cường, (Báo bảo vệ pháp luật, đăng ngày 31-3-2007)… Nhiều sinh viên cũng
đã bày tỏ sự băn khoăn và cả ít nhiều những hoài nghi trước các thông tin trên. Chừng nào khoa học chưa giải thích cặn kẽ về bản chất của các hiện tượng trên, chừng nào những tin đồn thổi, “giật gân” chưa được kiểm duyệt trên một số báo chí
bị thương mại hoá … thì khi đó, không ít những trở ngại còn đặt ra trên con đường giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng.
Bốn là, với nhóm sinh viên dân tộc thiểu số dường như, tác động của thế giới quan duy vật biện chứng mới chỉ dừng lại ở sách vở và khuôn viên nhà trường. Khi trở về với buôn làng, trong môi trường – không gian xã hội cổ truyền, nhiều sinh viên dân tộc ít người khá nhanh chóng quay lại với nếp tư duy truyền thống vốn có nhiều yếu tố phi duy vật. Tập tục và hủ tục, truyền thống và cộng đồng trở thành những tác nhân làm mai một thế giới quan mới.
Như vậy, giáo dục không chỉ là công việc của nhà trường và sự định hình thế giới quan duy vật và khoa học cũng không chỉ là công việc của những người giảng dạy lý luận Mác – Lênin.