Tình hình thế giới vào những năm cuối thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI đang có những biến đổi lớn, sự kiện chính trị tác động mạnh mẽ đến việc giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng là sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu. Sự sụp đổ ấy diễn ra trên diện rộng và diễn biến nhanh làm cho cả thế giới phải bàng hoàng kinh ngạc. Trước sự kiện ấy, đã có biết bao câu hỏi được đặt ra và có nhiều cách trả lời khác nhau. Điều này phải được làm rõ trong quá trình giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng cho sinh viên, nếu không sinh viên sẽ mơ hồ về sự tồn tại của chủ nghĩa xã hội trong tiến trình lịch sử, hoài nghi về học thuyết Mác - Lênin, thiếu ý chí phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Trong nền kinh tế thế giới, xu thế toàn cầu hoá đang trở nên phổ biến. Cả thế giới đang sôi động trong một thị trường tự do, vừa hợp tác vừa cạnh tranh, hàng hoá ngày càng đa dạng, phong phú phục vụ mọi đối tượng tiêu dùng. Điều đó, làm cho bộ mặt của đời sống nhân dân thế giới ngày một no đủ hơn. Những nước nghèo và nhân dân các nước nghèo từng bước tiếp cận được với những sản phẩm tiên tiến của thời đại. Tầng lớp trí thức ngày càng được coi trọng, nền kinh tế tri thức đã trở thành xu thế tất yếu của thời đại. Hơn nữa, những năm qua, việc áp dụng những thành tựu của cuộc cách mạng khoa học và công nghệ hiện đại vào đời sống kinh tế - xã hội làm xuất hiện nhu cầu phải xã hội hoá về sở hữu, về quản lý và đặc biệt là nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ nghĩa tư bản đã có những điều chỉnh như: cổ phần hoá đối với một bộ phận công nhân; điều tiết thu nhập, thuê đội ngũ chuyên gia quản lý… Điều đó đã chứng minh chủ nghĩa tư bản còn có khả năng phát triển kinh tế và làm dịu xung đột xã hội. Vì vậy, nếu không có cái nhìn tổng thể, khách quan và sâu xa thì những hiện tượng trên đang “tô hồng” chủ nghĩa tư bản; làm cho bộ phận không nhỏ nhân dân thế giới nói chung, nhân dân ta nói riêng, trong đó có sinh viên tưởng rằng chủ nghĩa tư bản đang thay đổi bản chất để có xu hướng ngày càng một tốt đẹp hơn. Chính vì vậy mà hơn bao giờ hết phải giáo dục thế giới quan duy vật biện chứng trong nhà trường để cho sinh viên hiểu rằng sự điều chỉnh ấy của chủ nghĩa tư bản không làm giảm đi sự phân cực giữa giai cấp tư sản đang
giàu lên nhanh chóng với những người lao động nghèo, và những mâu thuẫn vốn có của chủ nghĩa tư bản không hề mất đi.
Trong xu thế toàn cầu hoá, chúng ta mở cửa hội nhập với nền kinh tế thế giới. Song phải làm sao để giữ được bản sắc văn hoá dân tộc vì quá trình hội nhập kinh tế thì không thể không hội nhập cả văn hoá - xã hội. Vì vậy, khi tiếp thu những tinh hoa văn hoá của thế giới cần phải giáo dục cho sinh viên hình thành ở họ một “chất miễn dịch”, làm cho họ biết chắt lọc những gì là giá trị đích thực, những gì phù hợp với cốt cách của con người Việt Nam.