Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về thừa kế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 94 - 97)

- Diện và hàng thừa kế theo pháp luật:

3.2.3. Kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn về thừa kế

Xây dựng luật là công việc hết sức khó khăn nhưng để luật đi được vào cuộc sống, phát huy giá trị trong cuộc sống còn khó khăn hơn gấp bội. Để luật đi được vào cuộc sống, điều chỉnh một cách hiệu quả các quan hệ xã hội thì công tác hướng dẫn thi hành luật có ý nghĩa vô cùng quan trọng [72, tr.100].

Như chúng tôi đã phân tích ở các phần trước thì các quy định về thừa kế hiện hành còn khái quát cô đọng nhưng thực tiễn lại hết sức đa dạng phong phú và không ngừng biến đổi. Đặc biệt, trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, thu nhập của nhân dân ta không chỉ đủ để chi phí sinh hoạt hàng ngày mà còn có điều kiện tích luỹ để lại cho con cháu sau này, rồi đây di sản thừa kế không chỉ đơn thuần là tài sản có thể xác định ngay được ở thời điểm mở thừa kế, mà còn là giá trị phần trăm, cổ phần, sở hữu đối với một công ty, một tập đoàn kinh tế... Do đó, để áp dụng pháp luật đạt hiệu quả không chỉ dựa vào các văn bản đã được pháp điển hoá thành bộ luật mà còn dựa vào các văn bản hướng dẫn thi hành luật. Vấn đề này đã được quy định trong Nghị quyết của Quốc hội về việc hướng dẫn thi hành BLDS 2005 như sau: "Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình hướng dẫn thực hiện BLDS ". Qua quá trình nghiên cứu lý luận và thực tiễn áp dụng chúng tôi thấy những vấn đề sau đây cần có hướng dẫn cụ thể để áp dụng thống nhất :

* Về quan hệ thừa kế giữa con riêng với bố dượng, mẹ kế:

Điều 679 BLDS 2005 quy định: “Con riêng và bố dượng mẹ kế đều có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con thì được thừa kế di sản của nhau và được thừa kế theo quy định tại Điều 676 và Điều 677 Bộ luật này”.

Trên tinh thần Điều 679 thì tiêu chí để xác định con riêng với bố dượng, mẹ kế có được hưởng thừa kế của nhau hay không là dựa trên quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng lẫn nhau. Nếu hai phía không có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng thì không được thừa kế của nhau. Tuy nhiên “quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng” là một phạm trù rất trừu tượng, không thể xác định một cách cụ thể, rõ ràng. Vậy, dựa vào tiêu

chí đâu để đánh giá “chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con, mẹ con?” Mức độ như thế nào? Thời gian bao lâu? Nếu chỉ quan hệ một chiều, một bên chăm sóc nuôi dưỡng, còn bên kia không chăm sóc nuôi dưỡng thì có được hưởng thừa kế không? Pháp luật có đòi hỏi con riêng và bố dượng sống chung nhà hay không?... Như vậy, nếu không có sự hướng dẫn kịp thời của cơ quan có thẩm quyền thì việc xác định quyền thừa kế giữa con riêng và cha, mẹ kế là một vấn đề rất phức tạp, sẽ có nhiều quan điểm khác nhau trong việc áp dụng quy phạm này để giải quyết tranh chấp. Trên thực tế, tuỳ theo cách hiểu của thẩm phán, có trường hợp toà án cho hưởng thừa kế, nhưng có trường hợp chỉ trích công sức nuôi dưỡng lo ma chay và thậm chí không chấp nhận yêu cầu của họ. Lúc đó quyền lợi con riêng với bố dượng, mẹ kế khó có cơ sở pháp lý để bảo vệ, khi xung quanh họ có rất nhiều người, có quan hệ thân thuộc, gần gũi trong diện thừa kế. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cơ quan thẩm quyền cần phải có một văn bản hướng dẫn cụ thể Điều 679, để cơ quan chức năng nhất quán thi hành.

Theo tác giả, khi xây dựng điều luật về vấn đề thừa kế theo pháp luật giữa con riêng với cha kế, mẹ kế thì phải quy định cụ thể về tiêu chí xác định "quan hệ chăm sóc nuôi dưỡng nhau như cha con mẹ con" như về thời gian chăm sóc, mức độ chăm sóc, căn cứ xác định... có quy định cụ thể như vậy, không những thuận tiện cho việc áp dụng quy phạm để giải quyết những tranh chấp về quyền thừa kế mà còn phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam.

* Về sự đồng ý của cha mẹ đối với con từ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi lập di chúc.

Để đảm bảo quyền tự định đoạt của những người ở độ tuổi này, pháp luật nước ta vẫn quy định cho họ được lập di chúc dù họ chưa thành niên. Tuy nhiên, vì sự nhận thức của họ còn hạn chế nên trong Khoản 2 Điều 652 BLDS2005 đã quy định việc lập di chúc của những người này phải có sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ. Do hiện nay pháp luật chưa quy định cụ thể về thời điểm cũng như hình thức đồng ý của cha mẹ người giám hộ là đồng ý về việc lập di chúc hay là đồng ý về sự định đoạt trong nội dung di chúc, nên còn có những ý kiến khác nhau trong khoa học pháp lý. Về nguyên tắc thì do chưa có văn bản nào khác ngoài quy định BLDS 2005, nên cha mẹ có thể đồng ý bất kỳ ở giai đoạn nào của quá trình lập di chúc; Trước, trong, sau khi lập di chúc. Nếu để cha, mẹ có ý kiến sau khi di chúc đã được lập thì sẽ không đảm bảo được tính

khách quan. Nếu như di chúc không có lợi cho cha, mẹ thì việc để cha, mẹ đồng ý là vấn đề rất khó, vì người cha, mẹ chỉ cần không đồng ý thì di chúc đương nhiên không có hiệu lực, di sản được chia theo pháp luật, cha mẹ sẽ là người ở hàng thừa kế thứ nhất của người con chưa thành niên. Nếu hiểu sự đồng ý là đồng ý việc định đoạt nội dung di chúc thì vô hình dung pháp luật đã can thiệp đến quyền tự định đoạt, ý chí tự nguyện của người lập di chúc, trong lúc đó ý chí tự nguyện là một trong những điều kiện để di chúc được xem là hợp pháp.

Từ những lý lẽ trên, chúng tôi cho rằng các cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi ban hành các văn bản để giải thích luật hoặc để hướng dẫn thi hành Đ 652 BLDS 2005 thì cần phải quy định cụ thể theo hướng sau:

Sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ là ý kiến của họ về việc cho hay không cho người trên 15 tuổi nhưng chưa đủ 18 tuổi lập di chúc chứ không can thiệp sự định đoạt của họ trong nội dung của bản di chúc. ý kiến của những người nói trên phải được thể hiện trong một văn bản riêng và phải thể hiện trước khi di chúc được lập.

Nếu di chúc đã được lập mà cha, mẹ hoặc người giám hộ của người lập di chúc không có ý kiến gì thì coi như họ đã đồng ý cho lập di chúc và vì vậy di chúc đó sẽ được coi là hợp pháp.

Nếu những người nói trên không đồng ý việc lập di chúc của người chưa đủ 18 tuổi sau khi đã nắm bắt nội dung của di chúc vì sự định đoạt trong nội dung di chúc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người không đồng ý thì di chúc đó vẫn được coi là có hiệu lực pháp luật.

* Về di chúc miệng: hình thức di chúc miệng vốn là một trong những tập

quán hình thành từ lâu đời của người Việt Nam. Đó là sự bày tỏ bằng lời nói ý chí của mình cho người khác sau khi chết. Cho tới nay pháp luật vẫn ghi nhận thừa kế theo hình thức di chúc miệng. Tuy nhiên, đây là hình thức di chúc được thực hiện "bằng lời nói" nên thực tế rất khó khăn cho việc ghi nhận sự thật cũng như xác định tính khách quan của di chúc. Do vậy Điều 651 BLDS 2005 đã quy định di chúc miệng chỉ được coi là hợp pháp khi nó đáp ứng được những yêu cầu cụ thể:

Trước hết, việc lập di chúc miệng chỉ được áp dụng trong trường hợp khi tính mạng của một người bị cái chết đe doạ do bệnh tật hoặc các nguyên nhân khác mà không thể lập di chúc bằng văn bản.

Hai là người lập di chúc phải thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại cùng ký tên hoặc điểm chỉ.

Ba là sau ba tháng, kể từ thời điểm di chúc miệng mà người di chúc còn sống, minh mẫn, sáng suốt thì di chúc miệng bị huỷ bỏ.

Bốn là trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày người lập di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.

Chúng tôi cho rằng, những quy định trên về di chúc miệng là quá sơ sài, đơn giản. Dả dụ như việc ghi ngày, tháng, năm lập di chúc là một quy định bắt buộc đối với di chúc bằng văn bản được quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều 656 BLDS 2005 thì đối với di chúc miệng cũng không thấy nêu gì vấn đề này. Mặt khác, khi những người làm chứng ghi lại nội dung di chúc miệng cũng cần tuân theo các quy định của di chúc văn bản (Điều 653 BLDS 2005). Hơn nữa, những người nào được mang di chúc miệng đi chứng nhận, chứng thực hay chỉ người làm chứng và trách nhiệm của họ khi không thực hiện việc đi chứng nhận chứng thực cũng là vấn đề cần quy định.

Theo BLDS Nhật Bản thì quy định rất cụ thể về người viết cũng như người đi chứng nhận, chứng thực di chúc miệng, các căn cứ cơ quan có thẩm quyền xác định di chúc Điều 976. Vì vậy, để việc áp dụng pháp luật được thống nhất chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần có hướng dẫn kịp thời về hình thức di chúc này, người viết lại di chúc miệng, trách nhiệm của người mang di chúc miệng đi công chứng, chứng thực...

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 94 - 97)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)