Yêu cầu khách quan và những quan điểm hoàn thiện pháp luật về thừa kế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 75 - 79)

- Diện và hàng thừa kế theo pháp luật:

3.1.Yêu cầu khách quan và những quan điểm hoàn thiện pháp luật về thừa kế

ở việt nam

3.1. Yêu cầu khách quan và những quan điểm hoàn thiện pháp luật về thừa kế thừa kế

3.1.1. Yêu cầu khách quan hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay

Một là, yêu cầu về xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam XHCN kể từ

khi thực hiện công cuộc đổi mới, Đảng ta đặc biệt quan tâm tới việc cải cách bộ máy nhà nước, xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật phù hợp với điều kiện mới. Đặc biệt, tại Hội nghị đại biểu toàn quốc giữa nhiệm kỳ 1994, Đảng ta đã khẳng định phương hướng xây dựng nhà nước ta là nhà nước pháp quyền Việt Nam. Phương hướng này đã được chính thức khẳng định trong các văn kiện của Đảng kể từ hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ khoá VII, đến văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và được thể chế hoá tại Điều 2 Hiến pháp 1992 sửa đổi, bổ sung một số điều 2001, đó là: "Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức".

Nhà nước pháp quyền có nhiều nội dung, nhưng một trong những nội dung quan trọng nhất đó là sự ngự trị pháp luật, pháp luật là công cụ chủ yếu và hiệu quả để quản lý nhà nước, quản lý xã hội. Pháp luật đóng vai trò như những quy tắc xử sự chung mang tính bắt buộc, định ra hành lang pháp lý cho các quan hệ của toàn xã hội. Pháp luật về thừa kế trong nhà nước pháp quyền vừa phải đảm bảo với thực tiễn khách quan, đồng bộ, toàn diện, đồng thời vừa phải đảm bảo tính công bằng, nhân đạo, thể hiện ý chí của nhân dân lao động. Trong khi đó, hệ thống pháp luật nước ta nói chung và pháp luật về thừa kế nói riêng còn nhiều hạn chế, bất cập. Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các văn bản luật và ngay trong chính bản thân từng văn bản, không phát huy giá trị trong cuộc sống. Đặc biệt hệ thống pháp luật về thừa kế của chúng ta còn có những lỗ hổng nên không theo kịp sự phát triển của các quan hệ xã hội về thừa kế, nhiều quan hệ xã hội về thừa kế mới phát sinh nhưng không có luật điều chỉnh. Điều đó đã gây cản trở cho công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền ở Việt Nam.

Vì vậy, một trong những yêu cầu cơ bản của nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay là phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, hoàn chỉnh, chất lượng cao, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, phù hợp với hiện thực khách quan của cuộc sống. Để có được một hệ thống pháp luật như thế, đòi hỏi phải tiếp tục xây dựng và hoàn thiện từng ngành luật, từng chế định pháp luật làm cho các ngành luật, các chế định pháp luật phát triển đồng bộ, phù hợp có tính khả thi. Trong đó có một bộ phận quan trọng của ngành luật Dân sự đó là PLVTK. PLVTK cũng phải đáp ứng kịp thời nhu cầu điều chỉnh các quan hệ thừa kế, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người thừa kế, phù hợp với điều kiện cụ thể Việt Nam và xu hướng chung của nhân loại. Có như vậy nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền mới sớm đạt kết quả.

Hai là, yêu cầu về hội nhập kinh tế quốc tế:

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hoá hiện nay, các quốc gia muốn phát triển không thể độc lập với bên ngoài, mà phải thiết lập các mối quan hệ bang giao rộng rãi. Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, chúng ta đã chú ý hội nhập với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới trên nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ... Đây là điều kiện hết sức thuận lợi cho phép chúng ta tiếp thu học tập những kinh nghiệm của các nước và vận dụng một cách sáng tạo vào điều kiện cụ thể Việt Nam.

Để thực hiện thành công đường lối đối ngoại, yêu cầu đặt ra chúng ta phải xây dựng được một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh, đồng bộ, phù hợp với pháp luật của cộng đồng quốc tế. Theo tiến sĩ Dương Đăng Huệ:

Pháp luật của Việt Nam không chỉ thể hiện được tính đặc thù của nền kinh tế xã hội Việt Nam mà còn phải thể hiện được những thông lệ những quy định có tính chất chung đã được nhiều nước thừa nhận. Không tuân thủ nguyên tắc này, thì chúng ta về mặt lập pháp đã tự gây trở ngại cho chính mình trong việc hội nhập khu vực và quốc tế [38, tr.21].

Hiện nay nền kinh tế ở nước ta đang trên đà hội nhập với khu vực và quốc tế. Kinh tế thị trường phát triển sẽ ảnh hưởng đến lối sống của nhiều người, quan hệ đối xử của những người thân trong gia đình có thể bị tha hóa, trong xã hội xuất hiện nhưng hành vi vi phạm đạo đức nghiêm trọng. Để cho các quan hệ thừa kế nói chung và thừa kế có yếu tố nước ngoài nói riêng diễn ra một cách thuận lợi, để quyền và lợi ích của người thừa kế được đảm bảo trong cơ chế mới, thì hệ thống pháp luật nói chung, PLVTK nói riêng, phải thường xuyên

được hoàn thiện theo điều kiện thực tế của Việt Nam và phù hợp với những giá trị, chuẩn mực chung của pháp luật quốc tế.

Như vậy, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, PLVTK nói riêng phải luôn chú ý để đảm bảo xích lại gần nhau giữa PLVTK Việt Nam và PLVTK các nước trên thế giới và thông lệ quốc tế. Qua đó đảm bảo cho việc thực thi một cách nghiêm túc các cam kết quốc tế về hội nhập kinh tế tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, bảo đảm lợi ích của các chủ thể đó đồng thời đảm bảo lợi ích kinh tế, chính trị của nhà nước Việt Nam, góp phần quan trọng vào việc hội nhập phát triển kinh tế nước ta với các nước trên thế giới.

Ba là, yêu cầu bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế công dân.

Đảm bảo ngày càng tốt hơn quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế công dân là trách nhiệm của Đảng và Nhà nước ta, là sự thể hiện tính ưu việt của chế độ XHCN và phù hợp với xu thế phát triển của thời đại. Chính vì vậy, tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Đảng ta đã tiếp tục khẳng định: "Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và trong từng chính sách phát triển, tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá, y tế, giáo dục... giải quyết tốt các vấn đề xã hội vì mục tiêu phát triển con người" [29, tr.77]. Với tư cách là phương tiện để duy trì, củng cố và phát triển sở hữu tài sản. Thừa kế là sự chuyển dịch tài sản của người chết cho người còn sống, nó gắn chặt với lợi ích của cá nhân, gia đình, cộng đồng dòng họ. Vì thế, trong bất kỳ chế độ xã hội nào, việc bảo đảm quyền sở hữu hợp pháp và quyền thừa kế công dân là động lực trực tiếp thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các quan hệ xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp. Vì thế các quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cũng đòi hỏi được pháp luật bảo hộ ở mức độ cao hơn. Sự vững mạnh của một quốc gia không chỉ dựa trên sự phát triển của nền kinh tế mà còn được đánh giá trên cơ sở pháp luật bảo hộ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân như thế nào. Do vậy, Nhà nước luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho công dân thực hiện quyền của mình một cách đầy đủ và toàn diện trong đó có quyền thừa kế.

Với bản chất là một quan hệ tài sản, quan hệ thừa kế dưới tác động của nền kinh tế thị trường cũng trở nên phong phú và phổ biến trong các giao lưu dân sự. Các tranh chấp di sản thừa kế diễn ra ngày càng gay gắt và phức tạp. Tình trạng cha kiện con, anh em kiện nhau đòi chia di sản thừa kế cũng xảy ra ở nhiều nơi. Số

lượng các vụ án tồn đọng chưa được giải quyết trên phạm vi toàn quốc hàng năm tăng cao. Trong đó có những tranh chấp kéo dài qua nhiều lần xét xử nhưng vẫn không giải quyết dứt điểm. Vì vậy, nhu cầu hoàn thiện các quy định pháp luật về thừa kế để cho bộ phận pháp luật này trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người thừa kế, bảo đảm sự bình đẳng và an toàn trong quan hệ thừa kế, góp phần tạo điều kiện đáp ứng nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân. Thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội là một yêu cầu cấp bách trong giai đoạn hiện nay.

Bốn là, yêu cầu cần khắc phục những hạn chế trong pháp luật Việt Nam về thừa kế.

Trong những năm qua, các quy phạm PLVTK nước ta ngày càng hoàn thiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó phải kể đến BLDS 2005, có hiệu lực từ ngày 1/1/2006. Sự ra đời của BLDS 2005 là một mốc son trong lịch sử lập pháp của nước nhà. Đó là kết quả của các quá trình pháp điển hoá, kế thừa và phát triển những quy định phù hợp với thực tiễn, không ngừng hoàn thiện để đảm bảo quyền lợi của người thừa kế một cách có hiệu quả nhất.

Tuy vậy, hệ thống pháp luật nói chung và PLVTK nói riêng vẫn rất cần được hoàn thiện. Điều này cũng là một hiện tượng khách quan, bởi pháp luật bao giờ cũng được xây dựng trên nền tảng kinh tế xã hội. Khi xã hội phát triển thì không thể nào tránh khỏi những thiếu sót. Những quan hệ xã hội, nhất là những quan hệ trong lĩnh vực tài sản luôn luôn vận động, biến đổi không ngừng, tất yếu dẫn đến sự lỗi thời của pháp luật. Đối với nước ta, đang trong quá trình chuyển đổi từ cơ chế tập trung bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có rất nhiều sự thay đổi, bổ sung về các quan hệ xã hội. Vì vậy, so với yêu cầu phát triển nền kinh tế xã hội của đất nước, PLVTK ở nước ta đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập.

Như phân tích ở chương II, PLVTK hiện hành ở Việt Nam còn chưa đồng bộ, kỹ thuật lập pháp còn thấp, còn tỏ ra lạc hậu so với yêu cầu đổi mới của đất nước và xu thế hội nhập đời sống kinh tế quốc tế. Nhiều quy định của pháp luật còn chưa cụ thể, chưa rõ ràng, nên khi áp dụng vào thực tế sẽ xảy ra tình trạng không nhất quán trong cách hiểu cũng như giải quyết tranh chấp... điều đó sẽ ảnh hưởng nhất định đến quan hệ thừa kế, đôi khi còn xâm phạm đến quyền thừa kế của công dân. Vì vậy thực tiễn cuộc sống đã thực sự đặt ra những dòi hỏi cấp bách đối với việc hoàn thiện PLVTK ở Việt Nam.

Từ sự phân tích trên cho thấy, đổi mới và hoàn thiện PLVTK ở Việt Nam là vấn đề bức xúc đang được đặt ra. Điều đó không chỉ xuất phát từ yêu cầu trong nước mà còn xuất phát từ những yêu cầu có tính quốc tế cũng như xu hướng vận động và phát triển chung của thế giới. Một khối lượng rất lớn công việc đang được đặt ra đối với công tác xây dựng và hoàn thiện PLVTK, đòi hỏi phải có những quan điểm chỉ đạo đúng đắn và những giải pháp đồng bộ cho vấn đề này.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 75 - 79)