Những ưu điểm pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 63 - 66)

- Diện và hàng thừa kế theo pháp luật:

2.2.2. Những ưu điểm pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua, hệ thống pháp luật của nước ta ngày càng hoàn thiện, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, trong đó phải kể đến BLDS 2005 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2006 và Bộ luật TTDS 2004, có hiệu lực 2005. Sự ra đời của BLDS 2005 và TTDS 2004 là một mốc son trong lịch sử lập pháp của nước nhà, tạo ra cơ sở pháp lý nhằm tiếp tục giải phóng mọi năng lực sản xuất, phát huy dân chủ, bảo đảm công bằng xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cá nhân, pháp nhân và các chủ thể khác, bảo đảm an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội trong thời kỳ mới.

Cùng với sự phát triển của pháp luật dân sự nói chung, các quy định về thừa kế cũng đã có những bước phát triển đồng bộ thể hiện các khía cạnh sau:

Thứ nhất, PLVTK hiện hành đã quán triệt và cụ thể hoá các quan điểm, chủ

trương của Đảng, nhà nước về xây dựng và hoàn thiện pháp luật trong điều kiện mới.

Nội dung các quy phạm pháp luật đã thể chế hoá quyền cơ bản con người trong lĩnh vực dân sự, đã được khẳng định trong Hiến pháp 1992 như quyền sở hữu, quyền thừa kế, quyền sử dụng đất... và quan trọng hơn còn có các chế định bảo đảm việc thực hiện các quyền này trong thực tế.

Thứ hai, PLVTK hiện hành đã xây dựng một hành lang pháp lý vững chắc

để thực hiện và bảo vệ quyền thừa kế công dân.

Bất kỳ một cá nhân nào trước khi chết cũng đều có mối quan tâm hàng đầu là di sản của họ được pháp luật quy định và bảo hộ như thế nào. Phạm vi thực hiện quyền thừa kế đối với di sản của họ ra sao. Để giải quyết nguyện vọng tha thiết này của họ, PLVTK Việt Nam đã trang bị cho họ những công cụ pháp lý cơ bản để thực thi các quyền thừa kế đối với di sản của mình. Nếu như trước đây, nhà nước chỉ quy định tản mạn trong các văn bản dưới luật, chỉ dừng lại ở việc quy định những nguyên tắc, thủ tục cơ bản mà còn thiếu nhiều những quy định cụ thể phát sinh trong phương thức chia di sản, thanh toán di sản. Thì hiện nay các văn bản quy phạm PLVTK quy định thống nhất rõ ràng về trình tự, phương thức chia di sản, thanh toán di sản.

Bên cạnh đó, pháp luật hiện hành còn bảo đảm quyền thừa kế của công dân với những quy phạm về thủ tục thực hiện quyền đó. Những quy định về thủ tục tố

tụng để bảo vệ quyền thừa kế của công dân đã được hoàn thiện một cách cơ bản, rõ nét. Chẳng hạn thủ tục tố tụng dân sự để bảo vệ quyền lợi của người thừa kế đã được quy định gọn, rõ và thống nhất hơn trước rất nhiều. Bộ luật tố tụng dân sự 2004 đã thống nhất được các vấn đề có tính then chốt mà các pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động trước kia chưa giải quyết dứt điểm như: thời hiệu khởi kiện, thủ tục hoà giải, thủ tục tại phiên toà, thành phần Hội đồng xét xử... Do đó, khi có bất cứ tranh chấp hay yêu cầu gì bên liên quan đến di sản thừa kế thì sẽ được giải quyết theo thủ tục chặt chẽ và nhanh chóng, công khai và minh bạch.

Thứ ba, những quy định về thừa kế hiện hành đã khắc phục được những hạn

chế và bất cập của những quy định về thừa kế trước đây.

* Về diện và hàng thừa kế

Các văn bản PLVTK trước năm 2005 đều quy định trong trường hợp con của người để lại di sản chết trước những người để lại di sản, thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ chắt được hưởng nếu còn sống".

Mặc dù theo Điều 644 BLDS năm 1995 quy định những người có quyền thừa kế di sản của nhau chết trong cùng một thời điểm, hoặc được coi là chết trong cùng một thời điểm do không thể xác định được người nào chết trước, người nào chết sau thì họ không được thừa hưởng thừa kế di sản của nhau và di sản của mỗi người sẻ chia cho người thừa kế của người đó hưởng. Vì vậy, nếu trên thực tế áp dụng một cách cứng nhắc Điều 644 BLDS và Điều 680 BLDS năm 1995 thì dẫn đến tình trạng cháu nội đích tôn lại không được thừa kế di sản của ông nội mình khi bố và ông nội mình chết cùng một thời điểm.

Ví dụ: Trường hợp Ông A là nhà doanh nghiệp lớn giàu có, với người vợ của

Ông có một người con chung là B. Sau khi người vợ đầu chết, ông A cưới bà E, hai người không có con chung. Đột nhiên ông A và con trai duy nhất là B bị tai nạn và chết cùng thời điểm, B không có tài sản riêng vì sống dựa vào người cha của mình là ông A. Trong trường hợp này, nếu áp dụng theo BLDS năm 1995 thì C là con của B và là cháu nội của A và là cháu đích tôn của A không được hưởng thừa kế của ông nội, mà tài sản của ông A thuộc về người vợ thứ 2 thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông A và tương lai tài sản của ông A thuộc người con riêng của bà

E và có thể nói rằng cuối cùng tài sản của ông A không được để lại thừa kế theo đường huyết thống cho cháu nội đích tôn của mình.

Đây là một hạn chế của BLDS năm 1995, bởi vì cha mẹ của cháu chết trước hoặc cùng thời điểm với người để lại di sản thì phần đáng lẽ ra, cha mẹ cháu được hưởng phải thế vị cho các cháu và xem đó như là quyền lợi, trách nhiệm bổn phận mà đáng lẽ ra cha mẹ cháu không chết sẽ nuôi dưỡng và chăm sóc cháu. Vì vậy, BLDS năm 2005 đã bổ sung thêm thừa kế thế vị đặt ra trong trường hợp “chết cùng thời điểm” tại Điều 677. Việc sửa đổi mới này nhằm mục đích bảo vệ quyền lợi cho người thừa kế thuộc đối tượng “thế vị” này được công bằng với những đồng thừa kế khác; đồng thời, đảm bảo được nguyên tắc thừa kế theo huyết thống, phù hợp với phong tục Việt Nam.

Về thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp, trước đây theo Điều 740 BLDS

năm 1995 quy định đối với đất nông nghiệp người được thừa kế phải có đủ điều kiện: "có nhu cầu sử dụng đất, có điều kiện tiếp tục sản xuất nông nghiệp chưa có đất hoặc đang sử dụng đất dưới hạn mức theo quy định của pháp luật về đất đai". Vì vậy, người để lại thừa kế có di chúc để lại di sản đất nông nghiệp thì phải di chúc đúng đối tượng quy định tại Điều 740. Hơn nữa, "điều kiện có nhu cầu sử dụng đất, điều kiện trực tiếp sử dụng đất đúng mục đích" còn có nhiều cách hiểu khác nhau dẫn đến việc áp dụng pháp luật không thống nhất. Vì vây, PLVTK hiện hành đã bỏ đi quy định điều kiện thừa kế quyền sử dụng đất nông nghiệp, nhằm khắc phục mâu thuẫn không thống nhất giữa các quy định, đảm bảo sự bình đẳng giữa những người thừa kế quyền sử dụng đất.

Ngoài ra BLDS 2005 còn sửa đổi những bất cập, hạn chế của quy định BLDS 1995 như thời hiệu khởi kiện, những người thừa kế di sản của nhau chết cùng một thời điểm, hiệu lực pháp luật di chúc chung vợ chồng, hình thức di chúc, di chúc hợp pháp, phân chia di sản trong trường hợp có người thừa kế, pháp luật về thủ tục bảo vệ quyền thừa kế... Quy định bổ sung này đã tạo ra khả năng áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thừa kế cụ thể, rõ ràng, tránh sự áp dụng pháp luật không thống nhất.

Thứ tư nội dung của PLVTK hiện hành đã kế thừa và tiếp tục phát huy

những quy định có nội dung tiến bộ, thể hiện bản chất và ý nghĩa của PLVTK của nhà nước XHCN, xoá bỏ tàn tích của chế độ thừa kế xã hội phong kiến Việt Nam, những biểu hiện tư tưởng gia trưởng, trọng nam, khinh nữ, bảo vệ quan hệ hôn nhân tiến bộ, vợ chồng bình đẳng, bảo vệ quyền thừa kế giữa các con, không phân

biệt con trai, con gái, con đẻ, con nuôi. Những quy định PLVTK đã góp phần giáo dục ý thức tuân theo pháp luật của công dân trong cuộc sống, đồng thời có trách nhiệm với những người thân thuộc và tôn trọng pháp luật, tôn trọng đạo đức xã hội.

Thứ năm, về trình độ kỹ thuật pháp lý của PLVTK hiện hành thể hiện ở mức

độ tương đối cao, tiếp thu những kinh nghiệm của PLVTK một số nước trên thế giới, PLVTK hiện hành được xây dựng một cách khá khoa học, đúng về thẩm quyền nội dung, có kết cấu văn bản hợp lý, phương pháp trình bày rõ ràng, khoa học, dễ áp dụng, ngôn ngữ tương đối chính xác. Có thể nói BLDS 2005 được xem là kết quả cao của quá trình pháp điển hoá những quy định của PLVTK. Nó kế thừa và phát triển những quy định phù hợp với thực tiễn, không ngừng hoàn thiện để đảm bảo quyền lợi của người thừa kế một cách có hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Hoàn thiện pháp luật về thừa kế ở Việt Nam hiện nay pdf (Trang 63 - 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(106 trang)