Lan
BLDS và thương mại Thái Lan chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng trong pháp luật của nước này. BLDS và thương mại Thái Lan có hiệu lực từ ngày 01/01/B.E 2468 theo lịch của vương quốc Thái Lan, tương đương với năm 1925. Bộ luật điều chỉnh toàn bộ các quan hệ phát sinh từ hoạt động thương mại và dân sự.
Quyền thừa kế được quy định tại phần cuối cùng trong BLDS và thương mại Thái Lan từ Điều 1599 đến Điều 1755 được chia thành 6 phần:
Phần 1: Những quy định chung;
Phần II: Quyền thừa kế theo pháp luật; Phần III: Di chúc;
Phần IV: Quản lý và phân phối di sản; Phần V: Tài sản không có người thừa kế; Phần VI: Thời hiệu.
Về di sản thừa kế, điều 1600 quy định: "tuỳ thuộc vào các quy định của bộ luật này tài sản của một người chết bao gồm mọi loại tài sản của người đó cũng như các quyền, nghĩa vụ và các trách nhiệm của người đó, từ những quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm mà theo quy định của pháp luật hoặc theo tính chất của chúng hoàn toàn mang tính cá nhân đối với người đã chết". Như vậy, theo BLDS và thương mại Thái Lan di sản của người chết là mọi tài sản do người chết để lại. Mà tài sản là những đối tượng cụ thể (gọi là vật) và những đối tượng không cụ thể có thể có một giá trị và có thể chiếm dụng được [12, Điều 99], cũng theo Điều 1600, di sản mà người chết để lại không chỉ là tài sản, quyền tài sản mà còn là nghĩa vụ tài sản.
Về hàng thừa kế, theo quy định tại điều 1629 BLDS và thương mại Thái Lan thì "người thừa kế theo pháp luật được chia thành 6 loại, tuỳ thuộc vào từng trường hợp cụ thể, mỗi loại có quyền thừa kế theo thứ tự sau đây: 1. Con cái; 2. Bố, mẹ; 3. Anh, chị, em đồng huyết thống; 4. Anh, chị, em cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha; 5. Ông, bà; 6. Chú, bác, cô, dì".
Người vợ (hay chồng) còn sống cũng là người thừa kế theo pháp luật và chịu sự điều chỉnh của những quy định đặc biệt của điều 1635 [16, tr.464]. Theo tinh thần điều luật trên, thì con (các cháu) của người để lại di sản được thừa kế ở hàng thừa kế thứ nhất. Quyền thừa kế của các cháu (các chắt) được thực hiện trong trường hợp người cha, người mẹ của cháu chết trước hoặc chết cùng vào một thời điểm với người để lại di sản là ông bà nội, ngoại. Vợ hoặc chồng của người để lại di sản không được quy định cụ thể trong một hàng thừa kế nhất định nào mà phụ thuộc vào các hàng và bậc thừa kế theo quan hệ huyết thống nội tộc của người để lại di sản. Theo đó mà phần di sản người vợ hoặc người chồng được hưởng của nhau khi một bên chết trước, tuỳ thuộc vào người chồng hoặc người vợ đó được xếp cùng hàng thừa kế với những người có quan hệ huyết thống ở bậc khác nhau của người để lại di sản.
Luật thừa kế của Thái Lan quy định hàng thừa kế xen kẽ với bậc thừa kế, thừa kế theo bậc được thực hiện khi người thuộc hàng thừa kế được hưởng di sản đã chết trước hoặc chết cùng một thời điểm với người để lại di sản, thì các con (các cháu) của người đó được hưởng di sản, họ được gọi là người thừa kế đại diện. Vấn đề thừa kế theo di chúc được quy định tương đối rõ ràng, cụ thể trong BLDS và thương mại Thái Lan. Theo BLDS và thương mại Thái Lan thì bất kỳ một cá nhân nào, trước khi chết cũng có quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình. Người lập di chúc có thể huỷ bỏ toàn bộ hoặc một phần di chúc của mình vào bất cứ lúc nào. Di chúc có hiệu lực sau khi người lập di chúc chết. Một di chúc có giá trị pháp lý phải đảm bảo 3 điều kiện:
Thứ nhất, là người lập di chúc phải đủ 15 tuổi trở lên, minh mẫn, sáng suốt
và có năng lực, hành vi lập [12, Điều 1703].
Thứ hai, hình thức di chúc phải phù hợp với quy định chương II tiêu đề này
[12, Điều 1655 đến Điều 1672].
Thứ ba, người lập di chúc hoặc người làm chứng của di chúc không được là
người thừa kế theo di chúc đó [12, Điều 1653].
Ngoài ra, BLDS và thương mại Thái Lan còn quy định các trường hợp lập di chúc là người câm, điếc, đang có nguy hiểm chết người; di chúc có chỉ định người kiểm tra tài sản, giải thích di chúc... Từ những quy định này cho thấy BLDS và thương mại Thái Lan quy định về thừa kế theo di chúc rất chặt chẽ, chúng ta nên tham khảo trong quá trình xây dựng luật.
Như vậy, xuất phát từ điểm tương đồng về hoàn cảnh kinh tế, xã hội của Việt Nam và Thái Lan nên có rất nhiều quy định về thừa kế trong BLDS và thương mại Thái Lan tương tự như quy định của pháp luật nước ta.