Giải pháp về chương trình, nội dung, phương pháp dạy học

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên ở tỉnh Thái Bình hiện nay ppt (Trang 81 - 86)

Chương trình, nội dung, phương pháp dạy học là một trong nhiều nhân tố có ảnh hưởng trực tiếp đến việc nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên Thái Bình. Sau 20 năm đổi mới giáo dục đại học, cao đẳng ở tỉnh Thái Bình đã có những bước tiến lớn, tuy vậy vẫn chưa thoả mãn yêu cầu của cơ chế thị trường, yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh.

Vấn đề trăn trở hiện nay của tất cả những người có chức trách cũng như cán bộ, giảng viên trực tiếp giảng dạy là nội dung chương trình đào tạo đại học, cao đẳng của chúng ta rất khác với các nước trong khu vực có nền kinh tế thị trường. Nhiều năm qua chúng ta sử dụng mô hình cấu trúc của Liên Xô cũ nhưng đến bây giờ khi chúng ta chuyển sang cơ chế thị trường thì cấu trúc và nội dung chương trình không còn phù hợp nữa. Nhiều năm qua chúng ta tích cực đổi mới nội dung chương trình, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Đội ngũ cán bộ giảng dạy và cán bộ quản lý đào tạo ở các trường thiếu kiến thức về phương pháp luận xây dựng chương trình đào tạo, thiếu kiến thức tài liệu và thông tin cần thiết cũng như những tri thức hiện đại về các ngành đào tạo. Vì vậy cần phải đổi mới hơn nữa nội dung, chương trình của từng trường, từng ngành học cho phù hợp với đối tượng sinh viên, với địa phương và yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Đối với đại học thời gian đào tạo được thiết kế là 4 -6 năm, cao đẳng từ 3 đến không quá 4 năm. Như vậy phải xây dựng nội dung chương trình cho phù hợp, tránh đưa kiến thức quá nặng hoặc quá nhẹ. Đại hội Đảng toàn quốc lần IX đã nhấn mạnh "Trong những năm trước mắt giải quyết dứt điểm các vấn đề bức xúc: Sửa đổi chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, cải tiến chế độ thi cử khắc phục khuynh hướng "thương mại hoá"giáo dục"... [32, tr.111-112].

Đối với trường đại học Y khoa Thái Bình, dựa vào chương trình khung đào tạo Bác sỹ đa khoa của Bộ Giáo dục và Đào tạo theo Quyết định số 5995/QĐ - Bộ GDDT/ĐH ngày 29/12/1999 về việc thành lập Hội đồng ngành Y khoa, tổng khối lượng kiến thức học tập trong khung chương trình đào tạo Bác sỹ đa khoa là 320 đơn vị học trình, tự chọn lý thuyết thực hành do trường đề xuất và xây dựng thể hiện trong chương trình chi tiết [17], [47].

Trường đại học Y khoa Thái Bình đã xây dựng chương trình đào tạo chi tiết từng môn học và trình Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành để thực hiện gồm 264 đơn vị học trình bắt

buộc (giáo dục đại cương, giáo dục chuyên nghiệp), 41 đơn vị học trình tự chọn của trường.

Nội dung đào tạo thống nhất thực hiện theo khung chương trình của các trường Đại học Y trong cả nước, đồng thời nhà trường thường xuyên khuyến khích các bộ môn biên soạn và đổi mới nội dung giảng daỵ. Hiện nay 100% bộ môn có chương trình chi tiết, 100% giáo viên có chương trình chi tiết môn học được thông qua kế hoạch giảng dạy trong bộ môn trước khi giảng [30].

Các chỉ số đánh giá tiêu chuẩn chương trình đào tạo đạt điểm tối đa theo bảng điểm đánh giá điều kiện đảm bảo chất lượng đạo tạo bác sỹ đa khoa tại Việt Nam của Bộ Y tế.

Đối với trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật Thái Bình và trường Cao đẳng Sư phạm Thái Bình thời gian đào tạo được thiết kế là 3 năm. Sản phẩm đào tạo ở các ngành được cung cấp ở trình độ dưới chuẩn Đại học, do đó phải thiết kế cấu tạo nội dung chương trình cho phù hợp, tránh đưa kiến thức không hợp lý.

Đối với trường Cao đẳng kinh tế kỹ thuật (Cao đẳng thực hành) thì chương trình có nhiệm vụ cung cấp cho người học các kiến thức và kỹ năng hoạt động nghề nghiệp là chủ yếu, chương trình đào tạo kiến thức đại cương cần giới hạn ở mức cơ bản nhất.

Đối với chương trình cao đẳng Sư phạm Thái Bình (cao đẳng cơ bản) thì có thể xem như một bộ phận cấu thành của chương trình đào tạo đại học thuộc ngành tương ứng. Vì vậy chương trình của dạng cao đẳng này có thể chứa trọn vẹn hoặc chứa một phần khối lượng kiến thức giáo dục đại cương ở chương trình đại học.

Bên cạnh nội dung chương trình thì phương pháp dạy - học cũng tác động rất lớn đến việc nâng cao vai trò chủ thể nhận thức của sinh viên Thái Bình.

Trong nhiều năm qua giáo dục đại học, cao đẳng ở Thái Bình tích cực rất nhiều trong việc đổi mới phương pháp dạy - học nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu của thực tiễn.

Bản chất của quá trình dạy- học là có tính quy luật. Có rất nhiều quy luật chi phối hoạt động dạy- học nhưng có lẽ quy luật cơ bản nhất là quy luật thống nhất biện chứng giữa hoạt động dạy của giảng viên và hoạt động học tập nghiên cứu khoa học của sinh viên. Nhận thức được quy luật này cán bộ giảng viên của 3 trường đại học, cao đẳng ở

Thái Bình luôn cố gắng phấn đấu để vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học hiện đại trongquá trình giảng dạy của mình, nhằm thu được kết quả cao nhất. Giảng viên ở tỉnh Thái Bình đã và đang tập trung đổi mới một cách mạnh mẽ phương pháp giảng dạy của mình, từ năm 2004 đã triển khai đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, học tập và quản lý ở nhà trường, coi đây là cách đột phá để đổi mới cách giảng dạy, học tập và quản lý ở các trường.

Có rất nhiều quan niệm về cách đổi mới phương pháp nhưng theo chúng tôi mọi sự đổi mới về phương pháp đều phải tuân thủ nguyên tắc “đặt sinh viên vào vị trí trung tâm” của quá trình giảng dạy dưới sự hướng dẫn gợi mở tích cực của giảng viên. Đây là phương pháp sẽ đưa đến những nhận thức mới về mục đích, mục tiêu đào tạo, về vai trò của người dạy, người học, về bản chất của quá trình dạy - học, về hệ thống các phương pháp... nghĩa là chúng ta đã tiếp cận được các vấn đề của sư phạm học hiện đại. Phương pháp dạy học tích cực lấy “sinh viên làm trung tâm” không phải ngẫu nhiên mà có, nó có cơ sở lý luận từ trong Triết học. Người dạy và người học có mối quan hệ qua lại, thầy đóng vai trò là ngoại lực tác động tới sinh viên, giúp sinh viên phát huy hết nội lực của bản thân, tự vận động để tìm ra tri thức và như vậy là họ đóng vai trò chủ động, quyết định tới chất lượng học tập của bản thân. Nhưng như trên đã nói, vì là mối quan hệ qua lại cho nên trong phương pháp này vai trò của người thầy không thể bị coi nhẹ mà ngược lại phải có sự dẫn dắt, gợi mở của người thầy thì sinh viên mới hiểu sâu sắc kiến thức, có định hướng đúng, không phải mò mẫm.

Trong quá trình sử dụng phương pháp dạy học tích cực người dạy đóng vai trò là người tổ chức, hướng dẫn gợi mở, sinh viên tự chủ, độc lập, tự tích cực hoá bản thân. Trong quá trình ấy sẽ diễn ra nhiều quan điểm, nhiều ý kiến trái ngược mâu thuẫn nhau về một hoặc nhiều vấn đề. Trong tình huống ấy, người thầy sẽ phát hiện kịp thời với tư cách là cố vấn, là trọng tài khoa học đưa ra những kết luận cuối cùng trong các cuộc tranh luận. Đồng thời, người thầy cũng kiêm luôn vai trò là người đánh giá, kiểm tra kết quả học tập của sinh viên. Thông qua cách học như vậy mỗi sinh viên sẽ tự động sửa chữa, điều chỉnh, đánh giá, rút kinh nghiệm về phương pháp học, về cách xử lý các tình huống có vấn đề của mình. Ngược lại khi người thầy tiếp nhận từ các em những vấn đề mới nảy sinh qua quan hệ của các em với bạn bè, thầy cô, xã hội... sẽ khiến người dạy phải tự điều

chỉnh hệ thống phương pháp của mình, có thể tăng lên ở phương pháp này, giảm bớt ở phương pháp kia… Như Mác đã nói: "Nhà giáo dục cũng phải được giáo dục". Vì vậy bản thân người dạy cũng phải tích cực, năng động, sáng tạo để không ngừng đổi mới, cải tiến phương pháp dạy học. Quan hệ thầy - trò trong dạy - học luôn là một quá trình vừa thống nhất vừa mâu thuẫn, mâu thuẫn này được giải quyết thì mâu thuẫn khác nảy sinh cứ như thế cả thầy và trò sẽ đều đạt đến một trình độ cao hơn cả về tri thức khoa học và phương pháp.

Đổi mới phương pháp đào tạo với phương trâm lấy người học làm “trung tâm” của quá trình đào tạo dưới sự hướng dẫn của người thầy là phát huy vai trò chủ thể nhận thức của sinh viên trong học tập, đồng thời người thầy sẽ giúp sinh viên cách học, cách tự hiểu bản thân để tự học có hiệu quả.

Để quá trình dạy - học của thầy - trò đạt hiệu quả cao không phải chỉ dựa vào một phương pháp nào đó mà người thầy ở đây phải biết kết hợp nhiều phương pháp dạy để giờ lên lớp của thầy - trò đạt hiệu quả cao nhất.

Các yếu tố như cấu trúc, nội dung chương trình, cách dạy của giảng viên... đều đóng vai trò quan trọng trong quá trình học tập của sinh viên.

Tuy nhiên, tất cả các yếu tố trên xét đến cùng chỉ là những nguyên nhân bên ngoài, sự ảnh hưởng của những nguyên nhân này đến mức nào là phụ thuộc vào khả năng nhận thức, vận dụng, chuyển hoá tri thức của từng sinh viên.

Như vậy, có thể nói phương pháp dạy học tích cực là phương pháp có nhiều ưu điểm kết hợp giữa cá thể hoá và xã hội hoá quá trình dạy - học. Đồng thời để phát huy tối đa hiệu quả của một giờ giảng thì người giảng viên phải biết kết hợp linh hoạt nhiều phương pháp: Truyền thống và hiện đại, phương pháp giảng giải, thuyết trình, đặt câu hỏi, nêu tình huống có vấn đề, phương pháp hợp tác, phương pháp tự học tập và nghiên cứu khoa học, tự đánh giá kiểm tra.

Khi vận dụng phương pháp giảng dạy tích cực có tác dụng giảm được thời gian soạn bài, giảm thời gian giảng giải trên lớp và sẽ tăng thời gian đối thoại, giờ giảng sẽ sinh động, sôi nổi lên rất nhiều. Thầy đặt câu hỏi, nêu tình huống có vấn đề, trò trả lời. Cả thầy và trò đều làm việc tích cực, hứng thú sinh viên có niềm vui được khám phá chân lý, tự tin, mạnh dạn phát biểu, tranh luận với thầy với bạn..

Tóm lại: Để góp phần nâng cao vai trò chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên thì chúng ta cần phải quan tâm đúng mức đến nội dung chương trình, phương pháp dạy và học. Có như vậy mới thúc đẩy các em tích cực hơn, chủ động hơn trong quá trình học tập. Để đáp ứng được yêu cầu của thời đại thì chất lượng đào tạo của chúng ta phải được nâng cao, muốn có chất lượng đào tạo tốt thì chúng ta phải có kế hoạch đầu tư cho người dạy, người học và những vấn đề có liên quan đến họ.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên ở tỉnh Thái Bình hiện nay ppt (Trang 81 - 86)