Đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực hoá chủ thể nhận thức chống khuynh hướng phát triển cá nhân chủ nghĩa trong sinh viên ở tỉnh Thái Bình

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên ở tỉnh Thái Bình hiện nay ppt (Trang 65 - 68)

Nước ta, sau 20 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã thu được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Những thành tựu to lớn đã cho phép chúng ta chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, đẩy nhanh công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước. Tại hội nghị lần 2 BCHTW Đảng khoá VIII khi thông qua đường lối đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, Đảng ta đã chỉ rõ: Muốn tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa thắng lợi phải phát triển mạnh giáo dục, đào tạo.

Tuy vậy, giáo dục, đào tạo của chúng ta vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Chất lượng giáo dục, đào tạo còn thấp so với yêu cầu về chất lượng thì đa số sinh viên còn yếu về kiến thức, kỹ năng thực hành, phương pháp tư duy khoa học, ngoại ngữ, tin học, thể lực, kể cả phẩm chất đạo đức. Sinh viên ở Thái Bình cũng nằm trong tình hình chung như vậy.

Về phương pháp dạy - học vẫn còn hạn chế. Qua khảo sát ở 3 trường đại học, cao đẳng ở Thái Bình thì giảng viên chủ yếu vẫn sử dụng phương pháp truyền thống, chưa phát huy được tính chủ động sáng tạo, tích cực của sinh viên. Để nâng cao hơn nữa chất lượng học tập của sinh viên, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của tỉnh Thái Bình, cần phải đổi mới phương pháp giảng dạy, đổi mới giáo dục theo hướng tích cực hoá chủ thể nhận thức của sinh viên, đặt sinh viên vào vị trí “trung tâm” của hệ thống giáo dục dưới sự hướng

dẫn, gợi mở của giảng viên. Chỉ có như vậy mới có thể khai thác tối đa tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.

Lịch sử phát triển của xã hội loài người cho thấy rất nhiều tác giả đề cập đến việc chú trọng khai thác tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học. Như các phương pháp mà Khổng Tử đã dùng để dạy: gợi mở, đối thoại, học gắn với hành, lời nói kết hợp với việc làm, thường xuyên ôn cũ biết mới… đều nhằm nâng cao tính năng động, chủ quan, sự độc lập, sáng tạo của người học.

Bốn trăm năm trước công nguyên, Xôcrát nhà triết học Hy Lạp cổ đại đặt vấn đề đổi mới phương pháp dạy học chú trọng đến đối thoại, đặt câu hỏi giải quyết mâu thuẫn giữa người dạy và người học.

Các triết gia phương Tây cận đại như Đêcáctơ, Rútxô đều có ý tưởng khai thác tính chủ động, tự giác trong nhận thức của chủ thể, coi trọng vai trò tư duy, lý tính trong phân tích, phê phán những tri thức khoa học, triết học đương thời. Đềcáctơ chú trọng xây dựng những phương pháp nhằm phát triển tiềm năng sáng tạo, ý thức làm chủ của người học ngay từ khi còn ấu thơ. Nhưng vì quá đề cao vai trò của tư duy lý tính tách rời hoàn toàn cảm tính mà những phương pháp “trực giác lý tính” chỉ là “khả năng linh cảm của lý trí” một cách chủ quan của chủ thể không dựa vào các khái niệm, phán đoán, suy lý mà chủ yếu dựa vào linh cảm. Vì thế “trực giác lý tính” của Đềcác tơ là chủ quan và dẫn đến sai lầm.

Các tác giả của chủ nghĩa hiện sinh như: Haiđơgơ, J.Xactơrơ đã đề cao quá mức vai trò chủ quan cá nhân, vai trò chủ thể nhận thức nên phạm sai lầm tách rời cá nhân với xã hội, đề cao, tuyệt đối hoá tự do cá nhân đến cực đoan, phủ nhận vai trò của giáo dục, đạo đức, pháp luật… dẫn đến chủ nghĩa cá nhân hẹp hòi, ích kỷ.

Đảng, Nhà nước ta cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết tâm đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo đại học, cao đẳng theo hướng phát triển tư duy độc lập, sáng tạo của sinh viên hiện nay là xuất phát từ thực trạng nền giáo dục nước ta. Một thời gian dài chúng ta đề cao tuyệt đối về quyền uy, về chân lý khoa học của người dạy. Nguồn tri thức mà người dạy cung cấp cho người học được tuyệt đối hoá như những chân lý bất di bất dịch mà sinh viên chỉ có nhiệm vụ tiếp thu, ghi nhớ và không được bàn cãi gì thêm.

Chủ trương của chúng ta là phải đổi mới nội dung, phương pháp dạy học đại học, cao đẳng nhằm tích cực hoá chủ thể nhận thức của sinh viên, biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo (tích cực hoá chủ thể nhận thức) là xuất phát từ quan điểm nhân văn cao cả của Mác để đạt được mục tiêu giải phóng trí tuệ, giải phóng năng lực, sáng tạo cho từng cá thể; biến quá trình giáo dục thành quá trình tự giáo dục giúp cho chủ thể nhận thức đạt tới trình độ “tự ý thức”, có khả năng tự điều chỉnh, tự thức tỉnh, có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và trong cuộc sống.

Nội dung của đổi mới giáo dục, đào tạo nhằm phát huy tối đa tính chủ động, tích cực, sáng tạo của sinh viên, phát huy và nâng cao hơn nữa nội lực bên trong của mỗi sinh viên. Tuy nhiên việc tích cực hoá chủ thể nhận thức sẽ dẫn đến thực trạng trình độ nhận thức của sinh viên sẽ bị phân hoá thành nhiều tầng, nhiều cấp độ khác nhau, ranh giới giữa người giỏi và người kém sẽ được phân định. Sinh viên giỏi sẽ có nhiều cơ hội như được nhận học bổng, có nhiều cơ may trong việc lựa chọn nghề nghiệp và nơi làm việc, con đường học vấn sẽ tiếp tục được mở rộng… và như vậy trong xã hội sẽ có sự bất bình đẳng về thu nhập và địa vị… Trong nhà trường những mâu thuẫn này chưa phát triển đến mức gay gắt, nhưng nếu không quan tâm, giáo dục đúng mức thì chủ nghĩa cá nhân sẽ có nguy cơ phát triển.

Trước yêu cầu của nền kinh tế thị trường, của yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giáo dục, đào tạo phải nhằm vào việc phát huy và nâng cao hơn nữa nội lực bên trong của mỗi cá thể và cụ thể ở đây là phải phát huy và nâng cao tính chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập của sinh viên, có như vậy mới có thể cung cấp cho xã hội những nhân lực có chất lượng cao, cống hiến được nhiều nhất cho xã hội.

Giáo dục trong nhà trường, bên cạnh việc đào tạo ra những con người có trình độ chuyên môn giỏi, đồng thời phải giáo dục cho sinh viên có thế giới quan và phương pháp nghiên cứu khoa học, có tinh thần tập thể, trung thực và nhân đạo, có tinh thần yêu nước xã hội chủ nghĩa chống khuynh hướng phát triển chủ nghĩa cá nhân ích kỷ.

Đối với giáo dục, đào tạo ở tỉnh Thái Bình thì việc đổi mới giáo dục, đào tạo theo hướng tích cực hoá chủ thể nhận thức là rất quan trọng và thiết yếu. Bởi lẽ, đặc thù của tỉnh Thái Bình là một vùng nông nghiệp, nông thôn với sản xuất nhỏ, con người Thái Bình quen với nếp sống và cách sinh hoạt cá nhân, riêng rẽ, ít giao tiếp, ít có quan hệ tập

thể. Sinh viên Thái Bình phần lớn là con em nông dân, chịu ảnh hưởng của gia đình, của phong tục tập quán làng xã, nên sinh viên ở Thái Bình chưa có ý thức tập thể cao, còn rụt rè, nhút nhát, không dám bộc lộ những ưu điểm của bản thân, chưa mạnh dạn tiếp xúc với thầy cô và bạn bè. Vì lẽ đó, đổi mới phương pháp dạy - học theo hướng tích cực hoá chủ thể nhận thức ở Thái Bình là rất cần thiết, để giáo dục cho chủ thể nhận thức nơi đây trở thành những con người toàn diện, khắc phục những hạn chế, tăng cường giáo dục ý thức tập thể, ý thức cộng đồng, mạnh mẽ vươn lên trong cuộc sống. Sự gắn kết giữa cá nhân với tập thể qua các hình thức tổ, nhóm, lớp vừa là điều kiện, vừa là phương tiện để phát triển, hoàn thiện nhân cách sinh viên nói chung và phát triển trí tuệ độc lập, tích cực, sáng tạo của sinh viên ở tỉnh Thái Bình với tư cách là thành viên của tập thể. Sự phát triển, hoàn thiện nhân cách của sinh viên ở tỉnh Thái Bình tạo nên sự phát triển hài hoà của tập thể, trở thành mục tiêu phấn đấu của giáo dục chuyên nghiệp Thái Bình. Sự gắn kết gữa cá nhân với tập thể, tổ, nhóm, lớp… không những có ý nghĩa quan trọng đối với chất lượng giáo dục và đào tạo đại học, cao đẳng mà còn giúp sinh viên ở tỉnh Thái Bình khắc phục được những nhược điểm của địa phương và những biểu hiện lệch lạc trong phát triển nhân cách cá nhân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên ở tỉnh Thái Bình hiện nay ppt (Trang 65 - 68)