Giải pháp liên quan đến đội ngũ giảng viên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên ở tỉnh Thái Bình hiện nay ppt (Trang 79 - 81)

Sinh viên là “trung tâm” của quá trình đào tạo, nhưng quyết định chất lượng đào tạo lại là người thầy, trình độ chuyên môn và phương pháp sư phạm của người dạy có ảnh hưởng lớn đến chất lượng học tập của sinh viên. Thông qua quá trình đào tạo, người thầy tác động đến sinh viên, biến thành sức mạnh chủ quan của họ. Sức mạnh bên trong ấy có thể làm cho kiến thức mà thầy truyền thụ cho sinh viên được nhân lên, sáng tạo thêm rất nhiều.

Thực tế đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng ở tỉnh Thái Bình hiện nay, đặc biệt ở 2 trường cao đẳng không những thiếu về số lượng mà còn hạn chế về trình độ, chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới giáo dục, đào tạo và sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá của tỉnh. Nhu cầu của người học ngày càng tăng nhanh nhưng số lượng cũng như chất lượng giảng viên thì tăng rất chậm. Điều này đã tạo ra sự mất cân đối về tỷ lệ giảng viên trên số lượng sinh viên, làm ảnh hưởng không tốt đến chất lượng giáo dục, đào tạo.

Qua khảo sát ở các trường đại học, cao đẳng ở tỉnh Thái Bình chúng tôi thấy cơ cấu độ tuổi của giảng viên như sau:

Bảng 3.2: Cơ cấu độ tuổi giảng viên các trường đại học, cao đẳng

ở tỉnh Thái Bình từ tháng 4 - tháng 5/2005

stt độ tuổi tỷ lệ

1 Dưới 35 tuổi 22

2 Từ 36  50 tuổi 50

3 Từ 51  60 tuổi 28

Nguồn: Phòng Tổ chức cán bộ các trường đại học, cao đẳng ở tỉnh Thái Bình.

Từ thực tế trên chúng ta thấy số giảng viên trẻ ở Thái Bình còn rất thấp (chiếm 22%)

Giảng viên trẻ có trình độ chuyên môn ngoại ngữ, tin học tương đối khá nhưng phương pháp và kinh nghiệm giảng dạy chưa vững vàng. Đội ngũ giảng viên lâu năm tuy phương pháp tốt, giàu kinh nghiệm., song do hoàn cảnh lịch sử, đào tạo có khi chắp vá

không cơ bản, cùng với sự gia tăng không ngừng của tri thức nên nhiều khi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Theo chúng tôi Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có kế hoạch đào tạo lại, nâng cao trình độ cho bộ phận này.

Số cán bộ chuyên môn làm công tác giảng dạy và phục vụ giảng dạy tại 3 trường chiếm tỷ lệ là 68,7%. Số sinh viên trên một giảng viên là: 10 sinh viên/1 giảng viên.

Về chất lượng, đội ngũ giảng viên có trình độ trên và sau đại học là: 4 phó giáo sư, 22 tiến sỹ, 115 thạc sỹ. (Chiếm tỷ lệ thấp, nhất là ở 2 trường cao đẳng).

Hiện nay có 75 cán bộ giảng viên đang học nghiên cứu sinh, cao học; 50 cán bộ giảng viên đang học chương trình sau đại học và gần 30 cán bộ giảng viên đang ôn và thi nghiên cứu sinh, cao học vào năm 2005 - 2006.

So với chỉ tiêu đánh giá của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế thì số giảng viên của trường có học vị tiến sỹ, giáo sư, phó giáo sư của 3 trường: Đại học Y khoa, cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, cao đẳng Sư phạm của Thái Bình hiện nay là chưa đạt yêu cầu. Hạn chế này do nhiều nguyên nhân, công tác đào tạo chưa được triển khai mạnh ở các khối, các bộ môn, một số cán bộ có trình độ chuyên môn, có học vị Tiến sỹ thì thuyên chuyển công tác ra tỉnh khác hoặc nghỉ hưu…

Giảng viên có trình độ ngoại ngữ C trở lên còn thấp, chưa đạt chỉ tiêu của Bộ

(>80%). Mặc dù các trường đã được cấp kinh phí đào tạo lại cán bộ, đào tạo ngoại ngữ cho cán bộ giảng dạy nhưng thực tế trình độ ngoại ngữ của cán bộ giảng dạy nói chung còn quá yếu. Do vậy đối với trường Đại học Y khoa Thái Bình thì việc hợp tác Quốc tế cũng như việc cập nhật thông tin qua thư viện điện tử và qua mạng Internet còn bị hạn chế.

Các trường đã mở trên 20 lớp tập huấn về phương pháp giảng dạy tích cực cho 100% giảng viên trong trường. Nội dung tập huấn bao gồm: Mục tiêu học tập, lập kế hoạch bài giảng, đánh giá sinh viên, phương pháp soạn câu hỏi trắc nghiệm và thống nhất sử dụng các phương tiện dạy học, sử dụng một số trang thiết bị nghe nhìn. Đến nay 100% giảng viên đã áp dụng phương pháp dạy - học tích cực, có kế hoạch bài giảng và sử dụng tốt các phương tiện dạy học.

Cán bộ, giảng viên ở 3 trường đại học Y khoa, cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, cao đẳng Sư phạm ở tỉnh Thái Bình đã tích cực tham gia biên soạn giáo trình, bài giảng nhằm

nâng cao trình độ chuyên môn nghiêp vụ, nâng cao năng lực giảng dạy. Đây còn là một hình thức bồi dưỡng, tự bồi dưỡng trình độ chuyên môn của mỗi cán bộ giảng viên nhằm đáp ứng nhiệm vụ giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Hiện nay số sách đã phát hành lên tới 100 đầu sách trong đó bài giảng được phát hành chính thức chiếm 12,28%, bài giảng phát hành và sử dụng trong nội bộ nhà trường chiếm 87,72%.

99% giảng viên của 3 Trường đại học Y khoa, cao đẳng Kinh tế kỹ thuật, cao đẳng Sư phạm Thái Bình tham gia hoạt động nghiên cứu khoa học ở hầu hết các bộ môn. Nghiên cứu khoa học bước đầu đã trở thành phong trào thi đua mang lại hiệu quả cao cho công tác đào tạo. Xét các danh hiệu thi đua, góp phần tăng cường mối quan hệ giữa từng trường và các trường bạn, với các đơn vị, cơ quan khác. Nghiên cứu khoa học đã tạo điều kiện về đề tài và phương pháp nghiên cứu cho các nghiên cứu sinh và và học viên cao học của trường (đại học Y khoa).

Để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, Nhà nước, Bộ giáo dục, Bộ Y tế và tỉnh Thái Bình cần kết hợp với các trường tạo những điều kiện thuận lợi nhất về kinh phí cũng như thời gian để cán bộ giảng viên phát huy và nâng cao hơn nữa chuyên môn nghiệp vụ, được đi học nâng cao chuyên môn nghiệp vụ trong nước hoặc nước ngoài, quan tâm động viên kịp thời đối với những cán bộ giảng viên có thành tích. Có chế độ ưu đãi về lương cũng như các chế độ khác đối với cán bộ, giảng viên để họ an tâm công tác và cống hiến hết khả năng cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế và tỉnh Thái Bình có kế hoạch đầu tư ngân sách, tăng cường trang thiết bị do việc dạy - học nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực cho tỉnh và cho đất nước.

Đối với từng trường cụ thể cần phải có chính sách ưu đãi hợp lý, đảm bảo công bằng trong lao động cũng như hưởng thụ cho đội ngũ cán bộ, giảng viên; phải tổ chức đánh giá đội ngũ cán bộ giảng dạy của nhà trường đáp ứng hay không đáp ứng được yêu cầu đào tạo, phải chuẩn hoá cán bộ giảng dạy theo các tiêu chí: kiến thức, phương pháp giảng dạy, đạo đức - tư cách và khả năng nghiên cứu. Có như vậy thì mới đảm bảo được chất lượng dạy- học đáp ứng được yêu cầu của xã hội trong giai đoạn hiện nay. Như vậy thì mới có điều kiện để nâng cao vai trò tích cực, chủ động của sinh viên trong học tập.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Nâng cao vai trò của chủ thể nhận thức trong học tập của sinh viên ở tỉnh Thái Bình hiện nay ppt (Trang 79 - 81)