trong xây dựng đạo đức mới cho thanh niên
Để có thể biến tri thức đạo đức thành từ cảm và hành vi đạo đức, đòi hỏi phải thông qua một quá trình tự giáo dục, rèn luyện của bản thân thanh niên. Khẳng định điều đó là vì sự hình thành các phẩm chất đạo đức của thanh niên không chỉ đơn thuần là tiếp thu những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức xã hội, do quá trình học tập đem lại mà còn do quá trình tự rèn luyện, sự đúc kết từ thực tiễn cuộc sống của từng cá nhân. Những phẩm chất đạo đức khi đã hình thành, được củng cố sẽ trở thành nét tính cách ổn định, bền vững, thể hiện sự trưởng thành của con người xã hội, là nền tảng để phát triển và hoàn thiện nhân cách của thanh niên. Vì vậy tự rèn luyện cá nhân đóng vai trò quyết định. Từ đây có thể khẳng định rằng không có quá trình tự ý thức, tự giáo dục, rèn luyện và tu dưỡng của thanh niên thì mọi nỗ lực từ bên ngoài vào dù có tốt đến đâu thì cũng trở nên vô ích.
Xuất phát từ những đặc điểm đặc thù tâm lý lứa tuổi, từ những đặc trưng của thanh niên thì việc tự giáo dục, tự tu dưỡng, rèn luyện phải được khích lệ, chú ý đề cao. Có như vậy thanh niên mới thật sự tự tin và chủ động trong quá trình rèn luyện của mình. Tu dưỡng rèn luyện là một quá trình vận động của bản thân, là sự hướng nội, sự đấu tranh để chiến thắng bản thân mình. Để làm được điều này đòi hỏi thanh niên phải có lòng quyết tâm cao với một ý chí và nghị lực vươn lên không ngừng. Tuy nhiên việc tự rèn luyện, tu dưỡng bản thân của thanh niên là một quá trình khó khăn và phức tạp, vì vậy các chủ thể giáo dục mà nồng cốt là Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh phải chú ý khuyến khích, đề cao ý thức tự rèn luyện, tự giáo dục cho thanh niên trên cơ sở định hướng, giúp đỡ và hướng dẫn của tổ chức. Sự quan tâm giúp đỡ ấy thể hiện ở việc đầu tư tích cực về cơ sở vật chất như tạo ra các sân chơi thể thao, hình thành các câu lạc bộ sinh hoạt văn hoá, văn nghệ… đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất giúp cho thanh niên (nhất là thanh niên nông thôn) tự học tập, nghiên cứu và tham gia các hoạt động bổ ích khác.
Tóm lại, quá trình tự giáo dục là quá trình “tự thân vận động”, đòi hỏi thanh niên phải có một nghị lực, một ý chí và quyết tâm cao để chiến thắng bản thân mình. Nếu
không tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức thường xuyên thì thanh niên dễ sa ngã trước nhiều cám dỗ của cuộc sống, tự đánh mất mình, xa rời những chuẩn mực đạo đức của dân tộc.
KẾT LUẬN
Trong lịch sử dựng nước và giữ nước qua mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam đã hình thành nên những giá trị đạo đức truyền thống vô cùng quý báu, đó là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đoàn kết cộng đồng sâu sắc, tính cần cù, tiết kiệm…Chính nhờ những giá trị quý báu đó đã giúp cho dân tộc Việt Nam nói chung, thanh niên Việt Nam nói riêng vượt qua muôn trùng khó khăn gian khổ. Mặc dù trong từng giai đoạn lịch sử nhất định, dân tộc ta bị các thế lực ngoại xâm đô hộ, chúng đã tìm mọi cách để đồng hoá văn hoá Việt Nam, thế nhưng nhờ có những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đã giúp chúng ta giữ được bản sắc văn hoá của mình, giữ vững được nền độc lập, tự do cho đất nước và xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng tươi đẹp. Ngày nay trong quá trình mở cửa giao lưu quốc tế, các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc vẫn tiếp tục được khẳng định vị trí là cơ sở, nền tảng trong việc xây dựng đạo đức mới - đạo đức Cộng sản. Điều đó giúp cho nền đạo đức dân tộc Việt Nam “hoà nhập” với những giá trị đạo đức tiên tiến của nhân loại mà không bị “hoà tan”, không bị mất đi bản sắc văn hoá của mình.
Trong xu thế hội nhập thế giới và trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước nhằm đưa nước ta thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, lạc hậu hiện nay đã gây ra những biến đổi nhất định đến những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc theo cả hai hướng: tích cực và tiêu cực. Sự tác động tiêu cực đặc biệt là các hiện tượng phản giá trị, đi ngược với thuần phong mỹ tục của dân tộc đang có chiều hướng gia tăng. Vì vậy yêu cầu cấp thiết hiện nay là phải giáo dục cho thanh niên Việt Nam nói chung, thanh niên Bạc Liêu nói riêng thấy được những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, của quê hương Bạc Liêu, từ đó định hướng cho lực lượng này hướng đến một nền đạo đức mới - đạo đức Cộng sản. Trên cơ sở đó sẽ xây dựng được một thế hệ trẻ, khoẻ, năng động, nhiệt tình, sáng tạo, biết yêu quý và giữ gìn được những truyền thống tốt đẹp của quê hương, dân tộc.
Để thực hiện được mục đích trên, việc kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc đồng thời tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hoá nhân loại là một yêu cầu không thể thiếu.
Ở Bạc Liêu hiện nay, việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức cho thanh niên nhìn chung còn những bất cập, hạn chế nhất định. Vì vậy đánh giá thực trạng, tìm ra nguyên nhân của thực trạng, để từ đó đề ra phương hướng và giải pháp để giáo dục cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay là một yêu cầu cấp thiết.
Để phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới của thanh niên Bạc Liêu hiện nay, theo tác giả cần thực hiện đồng bộ, cụ thể các giải pháp sau:
Một là, xây dựng môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay.
Hai là, đổi mới nội dung, hình thức giáo dục đạo đức truyền thống cho thanh niên.
Ba là, phát huy vai trò của Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trong việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống để xây dựng đạo đức mới cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay.
Bốn là, nâng cao ý thức tự giác rèn luyện, học tập giá trị đạo đức truyền thống trong xây dựng đạo đức mới cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay.
Những giải pháp trên nếu được triển khai một cách đồng bộ, hy vọng rằng nó có thể góp phần to lớn trong việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay.