Môi trường kinh tế - xã hội suy cho cùng là cái quyết định trong việc hình thành nhân cách con người, vì thế để phát huy các giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay thì việc xây dựng môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh là một việc làm cần thiết và cấp bách. Chúng ta biết rằng môi trường sống, điều kiện kinh tế - xã hội là những yếu tố đóng vai trò to lớn đối với nhận thức, lối sống, tình cảm của con người trong việc xây dựng đạo đức mới cho thanh niên nói chung, thanh niên Bạc Liêu nói riêng. Chính vì vậy để phát huy những giá trị đạo đức truyền thống trong việc xây đạo đức mới cho thanh niên Bạc Liêu hiện nay cần phải xây dựng một môi trường kinh tế - xã hội trong sạch, lành mạnh, tạo điều kiện để hình thành những chuẩn mực giá trị mới cho thanh niên Bạc Liêu, vì như C.Mac và Ph.Ăngghen đã viết trong tác phẩm “hệ tư tưởng Đức” của mình rằng: con người tạo ra hoàn cảnh đến mức nào thì hoàn cảnh cũng tạo con người đến mức ấy.
Môi trường kinh tế - xã hội bao gồm các yếu tố kinh tế và yếu tố xã hội có quan hệ mật thiết với nhau, chúng bao quanh con người và có ảnh hưởng tới sự phát triển của con người. Một môi trường kinh tế - xã hội được xem là trong sạch, lành mạnh khi ở đó sự phát triển và tăng trưởng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các mặt của đời
sống xã hội và ngược lại, chính sự phát triển các mặt của đời sống xã hội sẽ tạo động lực và định hướng cho sự phát triển và tăng trưởng kinh tế.
Thanh niên là lực lượng nhạy bén, năng động nên việc xây dựng một môi trường kinh tế - xã hội lành mạnh có một ý nghĩa quan trọng trong việc phát huy những giá trị đạo đức truyền thống để xây dựng đạo đức mới cho Thanh niên Bạc Liêu. Nếu môi trường kinh tế - xã hội không lành mạnh sẽ cản trở, thậm chí còn làm “lệch chuẩn” đạo đức, từ đó có thể làm băng hoại, phá vỡ những giá trị đạo đức của dân tộc, xa rời bản chất tốt đẹp của con người.