Các công cụ đảm bảo an ninh tín dụng của TCB-ĐĐ

Một phần của tài liệu Biện pháp tăng cường an ninh tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam-Chi nhánh Đông Đô (Trang 57 - 59)

b. Dấu hiệu nhận biết các khoản vay có vấn đề

2.3.3.3.Các công cụ đảm bảo an ninh tín dụng của TCB-ĐĐ

Xếp hạng doanh nghiệp (chấm điểm tín dụng)

Chấm điểm tín dụng là một công cụ chiến lược để TCB-ĐĐ đánh giá và phân loại khách hàng. Chấm điểm tín dụng đòi hỏi phải đánh giá đặc điểm của khách hàng và khoản vay để xác định mức độ rủi ro và thiệt hại có thể xảy ra nhằm mục đích an toàn cho các khoản tín dụng. Việc chấm điểm tín dụng được tiến hành bằng các phương pháp chủ quan hoặc sử dụng các mô hình chấm điểm định lượng.

 Mục tiêu của chi nhánh trong chấm điểm tín dụng là đánh giá, phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro và theo tính chất rủi ro của hội sở Techcombank; tạo ra một công cụ để thực hiện chính sách tín dụng và chính sách khách hàng tốt hơn.

 Với công cụ này TCB-ĐĐ đề ra nguyên tắc thực hiện:

- Phải áp dụng hệ thống chấm điểm tín dụng đối với tất cả khách hàng có quan hệ tín dụng với chi nhánh mình.

- Việc chấm điểm tín dụng phải được tiến hành khi xét duyệt cho vay khoản vay đầu tiên.

- Việc chấm điểm xếp hạng khách hàng được lập thành báo cáo và được phê duyệt bởi cấp có thẩm quyền.

- Việc chấm điểm tín dụng được tiến hành đánh giá lại, xếp hạng lại trên cơ sở định kỳ 3tháng/lần.

Giới hạn cấp tín dụng

Hạn mức tín dụng là giá trị tín dụng tối đa mà Ngân hàng có thể cấp cho một khách hàng, một ngành hoặc một khu vực địa lý. Quy mô của hạn

mức thể hiện số tiền tối đa ứng với mức độ rủi ro mà Ngân hàng có thể chấp nhận được. Đối với khách hàng, ngành, khu vực có nhiều rủi ro thì hạn mức càng thấp và ngược lại. Mục tiêu là để tránh các thiệt hại lớn có thể dẫn đến sự sụp đổ của Ngân hàng.

 Mục tiêu của chi nhánh: Áp dụng chế độ cấp hạn mức tín dụng nhằm đa dạng hóa cơ cấu danh mục tín dụng, từ đó tránh sự tập trung rủi ro và tăng cường chất lượng cơ cấu danh mục tín dụng.

 Nguyên tắc của chi nhánh:

- Áp dụng hạn mức tín dụng trong khi xác định thị trường mục tiêu, các phân đoạn trong thị trường mục tiêu.

- Đối với hạn mức giao dịch khách hàng, các khách hàng sẽ chỉ giao dịch vay vốn trong hạn mức giao dịch khách hàng (hạn mức tín dụng) đã được phê duyệt.

- Tuân thủ các văn bản còn hiệu lực của Techcombank liên quan đến việc xác định hạn mức cho vay đối với các ngành kinh tế và đối với các loại tài sản đảm bảo khác nhau.

Phân loại khoản vay

Phân loại khoản vay là việc đánh giá mức độ rủi ro liên quan đến khoản vay nhằm giúp cho Ngân hàng đánh giá mức độ an toàn đối với mỗi khoản cho vay cũng như làm cơ sở để xác định trật tự các khoản vay cần được ưu tiên theo dõi. Khi nảy sinh vấn đề, các khoản vay sẽ được phân loại cho phù hợp với mức độ rủi ro và khả năng phải tiến hành thanh lý tài sản để xử lý nghĩa vụ trả nợ của khách hàng.

 Mục tiêu của TCB-ĐĐ:

- Hạn chế rủi ro trong tổng thể cơ cấu danh mục tín dụng.

- Đạt được sự cân bằng về cơ cấu rủi ro trong tổng thể danh mục tín dụng của Ngân hàng.

- Tạo ra một công cụ để xác định và đánh giá chất lượng tín dụng. - Tạo ra một công cụ để tiến hành theo dõi sau khi cho vay, đặc biệt là khi khoản vay có vấn đề.

 Nguyên tắc của TCB-ĐĐ:

- Việc phân loại khoản vay phải được thực hiện ngay khi khoản vay được phê duyệt.

- Phải thường xuyên đánh giá và phân loại khoản vay định kỳ theo quy định của Ngân hàng.

- Phải đánh giá lại các khoản vay có vấn đề.  Lập dự phòng xử lý rủi ro tín dụng

Dự phòng rủi ro là dự phòng được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tín dụng thông qua việc trích lập dự phòng cho phần giá trị tài sản "có" có khả năng không thể thu hồi được (QĐ448 của NHNN). Theo quy định của Ngân hàng Nhà Nước Việt Nam, việc lập dự phòng rủi ro tín dụng là bắt buộc.

 Mục tiêu của chi nhánh: Lập dự phòng rủi ro là để tránh và hạn chế đến mức thấp nhất các tổn thất có thể xảy ra trong hoạt động tín dụng, đồng thời đảm bảo tuân thủ các nguyên tắc lành mạnh trong quản lý rủi ro của Ngân hàng.

 Nguyên tắc của chi nhánh: Thường xuyên tiến hành phân loại tài sản "có" và trích lập dự phòng rủi ro đối với những hạng mục tài sản phải trích lập dự phòng theo đúng quy định. Mặt khác phải đảm bảo tuân thủ các quy định của Ngân hàng Nhà Nước và của Techcombank liên quan đến việc trích lập dự phòng.

Một phần của tài liệu Biện pháp tăng cường an ninh tín dụng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ Thương Việt Nam-Chi nhánh Đông Đô (Trang 57 - 59)