Thiết kế sinh thái (Ecodesign)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật xây dựng mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường áp dụng cho khu công nghiệp Minh Hưng Hàn Quốc tỉnh Bình Phước (Trang 32 - 34)

VII. KẾT CẤU CỦA ĐỒ ÁN

1.2.5. Thiết kế sinh thái (Ecodesign)

Thiết kế sinh thái là luôn hướng về khía cạnh môi trường trong tất cả các giai đọan của quá trình phát triển sản xuất và thiết kế sản phẩm mà tác động đến môi trường là thấp nhất trong suốt vòng đời sản phẩm. [2]

Sản phẩm sinh thái được thiết kế dựa theo các khái niệm và nguyên tắc về thiết kế sinh thái để có được những tính năng thân thiện với môi trường. Các khái niệm về vòng đời và thiết kế kỹ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong suốt giai đoạn phát triển của sản phẩm sinh thái. Sản phẩm sinh thái có thể được sản xuất từ vật liệu tái chế hoặc nguyên vật liệu sinh khối. Thêm vào đó, trong suốt quá trình sản xuất giảm thiểu nguồn năng lượng và nước là đồng hành với ít rác, ít ô nhiễm hơn.

Trong quá trình sử dụng, sản phẩm sinh thái có thể giúp tiết kiệm nước, năng lượng, giảm thiểu khí thải, chất thải và những nhu cầu về xử lý chất thải sau đó. Sản phẩm sinh thái cũng được thiết kế nhằm bảo đảm khả năng tái chế, tái sử dụng và phục hồi.

Sản phẩm sinh thái thường đi kèm với nhãn hiệu sinh thái loại I, loại II hoặc loại III, theo bộ tiêu chuẩn ISO 14000. Bên cạnh đó những sản phẩm được đưa vào cơ sở dữ liệu của Mạng lưới thu mua Xanh cũng được coi là sản phẩm sinh thái. Sản phẩm sinh thái thường phân theo nhóm sản phẩm như: thiết bị điện, điện tử gia dụng,

thiết bị văn phòng, công nghệ thông tin, phương tiện vận chuyển, máy móc, cơ khí, đồ nội thất và trang trí, vật liệu và máy móc xây dựng, vật liệu bao gói, bao bì, sản phẩm may mặc, các sản phẩm làng nghề, nông sản thiết bị an ninh an toàn và y tế năng lượng, dịch vụ sinh thái, du lịch, các hoạt động nghiên cứu và phát triển về môi trường, công nghệ và thiết bị liên quan đến môi trường...

Nếu chu trình sản xuất sạch và hiệu quả, bản thân sản phẩm sẽ là nguồn phát thải chính vào cuối chu trình sống của sản phẩm (giai đoạn sử dụng và thải bỏ). Giá trị sử dụng về kinh tế của nhà sản xuất là bán sản phẩm. Nếu nhà sản xuất bán “sản phẩm” dịch vụ, có nghĩa là bao gồm cả bảo trì và thải bỏ, giá trị về kinh tế của sản phẩm sẽ có thể được gia tăng. Điều này có thể thực hiện được bằng cách thiết kế mọi quá trình xoay quanh sản phẩm hướng tới mục tiêu hiệu quả hơn cũng như kéo dài vòng đời của sản phẩm. Cách thức này cũng sẽ đem lại những tác động tích cực đến môi trường. [2]

Kỹ thuật này đã đem lại hiệu quả khả quan về kinh tế và môi trường. Người tiêu dùng sẽ thận trọng hơn khi quyết định mua sản phẩm và thải bỏ sản phẩm sau thời gian khai thác, sử dụng. Tương tự, nhà sản xuất cũng ra sức tìm tòi các giải pháp thiết kế nhằm giảm thiểu ô nhiễm song song với việc đổi mới công nghệ sản xuất ngày càng hoàn thiện hơn để sản phẩm của họ có thể cạnh tranh được trên thị trường.

Ở Việt Nam, kỹ thuật này cũng đã xuất hiện nhưng chưa được áp dụng một cách triệt để, nên chưa phát huy được tính hiệu quả của nó. Ví dụ như đối với sản phẩm điện tử hay bếp gas, giá thành của sản phẩm bao gồm giá trị sản phẩm, giá trị bảo hành sản phẩm trong một thời gian nhất định, giá trị của bao bì sản phẩm,…Trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm, nếu sản phẩm bị hư hỏng, người tiêu dùng có thể liên hệ với nhà sản xuất để được hưởng những quyền lợi nhất định. Vào cuối vòng đời sản phẩm, nhà sản xuất có thể thu lại sản phẩm theo tỷ lệ so với giá trị sản phẩm ban đầu. Với cách này, người tiêu dùng sẽ ý thức hơn trong việc thải bỏ chất thải.

* Quá trình thiết kế sinh thái

Quá trình thiết kế có ý thức môi trường không nhất thiết phải khác với các quá trình thiết kế khác. Quá trình này vẫn lặp lại chu trình cơ bản nói trên. Điểm khác biệt ở đây là khía cạnh môi trường cũng sẽ được cân nhắc trong khi xác định vấn đề thiết kế và đánh giá các ý tưởng. Điều đó có nghĩa là có thêm một yếu tố để người thiết kế

phải quan tâm bên cạnh tất cả các điểm cần cân nhắc khác. Nhóm phát triển sản phẩm sẽ phải biểu thị được tầm quan trọng tương xứng của các tác động môi trường trong giai đoạn lập kế hoạch sản phẩm, nếu không thì họ không thể cân bằng khía cạnh môi trường với các khía cạnh khác.

Chúng ta có thể tóm tắt những nhận định chính làm cơ sở để tiếp cận trong thiết kế sinh thái hướng đến phát triển bền vững như sau:

- Tạo điều kiện thuận lợi cho con người giữ gìn môi trường tồn tại được về phương diện sinh học;

- Tình trạng suy thái ngày một nặng của môi trường hiện nay gây ra bởi hoạt động con người là không thể chấp nhận được.

- Cần phải giảm thiểu các tác động huỷ diệt của con người đối với hệ sinh thái càng sớm càng tốt.

- Các nguồn lực tự nhiên chỉ có giới hạn. Chất thải, một khi đã sản ra thì không dễ tái sinh.

- Con người là một bộ phận của hệ thống kín và những quá trình của môi trường tự nhiên, thực thể tồn tại, phải được xem như một bộ phận của quá trình thiết kế và quy hoạch.

- Đó là những mối quan hệ tương hỗ giữa môi trường nhân tạo và môi trường tự nhiên, bất kỳ một thay đổi nào gây ra cho bộ phận của hệ thống đều tác động tới toàn bộ hệ thống.

Đây là những nguyên tắc cơ bản, có tính chất quyết định tới việc tiếp cận sinh thái trong thiết kế và là những nhân tố quan trọng cần phải xem xét trong thiết kế.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật xây dựng mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường áp dụng cho khu công nghiệp Minh Hưng Hàn Quốc tỉnh Bình Phước (Trang 32 - 34)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(113 trang)
w