Tái sử dụng và tái chế chất thải (upsizing – recycling)

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật xây dựng mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường áp dụng cho khu công nghiệp Minh Hưng Hàn Quốc tỉnh Bình Phước (Trang 29 - 30)

VII. KẾT CẤU CỦA ĐỒ ÁN

1.2.2.Tái sử dụng và tái chế chất thải (upsizing – recycling)

Tái sử dụng chất thải là việc sử dụng lại sản phẩm hoặc nguyên, nhiên, vật liệu mà không có sự thay đổi hình dạng vật lý. Tái sử dụng thông thường liên quan đến việc sử dụng cho cùng một mục đích hoặc mục đích tương tự. Tái sử dụng cũng nằm trong mục đích phòng ngừa và giảm thiểu chất thải bằng cách kéo dài tuổi đời hữu ích của sản phẩm, nguyên, nhiên, vật liệu, giúp tiết kiệm các chi phí sản xuất cũng như chi phí thải bỏ. [1]

Tái chế chất thải là việc sử dụng một phần của sản phẩm được loại bỏ làm nguyên vật liệu để chế tạo ra sản phẩm mới. Như vậy, tái chế chất thải liên quan đến việc tách nguyên vật liệu từ một sản phẩm được loại bỏ để dùng cho mục tiêu khác. Việc tái chế thường liên quan đến chất thải rắn. Trong thực tế, nhiều nước hình thành và phát triển một ngành công nghiệp tái chế chất thải. [1]

Rác thải là giấy, bìa, nhựa, thuỷ tinh, kim loại vụn là những thứ có thể tái chế hoặc tái sử dụng được. Việc tái chế, tái sử dụng đem lại nhiều lợi ích:

Làm giảm lượng rác thải ra môi trường. Tạo thêm hàng hoá sử dụng.

Tạo công ăn việc làm cho những người làm công tác thu nhặt, phân loại rác. Thay thế một phần nguyên liệu đầu vào, do đó tiết kiệm được tài nguyên, khoáng sản và công khai thác chúng.

Góp phần thay đổi thói quen của con người trong tiêu thụ và thải loại.

Các chất thải cháy được như chất hữu cơ, giấy, vải, nhựa,... có thể dùng làm chất đốt, lấy nhiệt cung cấp cho sưởi ấm, sấy hàng hoá. Tuy nhiên, phương pháp này có thể sinh ra nhiều loại khí độc có hại cho sức khoẻ. Những phần không thể tái chế, tái sử dụng, làm phân bón được của rác thải có thể dùng làm vật liệu san lấp trong xây dựng. (200 câu hỏi môi trường).

Thực tế cho thấy trong hầu hết những quy trình sản xuất, chỉ một phần nhỏ nguyên liệu trong quy trình có thể tìm thấy trong sản phẩm cuối cùng. Phần còn lại được thải ra dưới dạng chất thải hay những dòng thải không mong muốn. Tận dụng và tái chế chất thải giúp cho mọi nguyên liệu đầu vào đều được chuyển đổi thành những sản phẩm hữu dụng và giảm được một lượng lớn rác thải ra môi trường, giảm chi phí xử lý rác thải, hạn chế sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, góp phần vào quá trình phát triển bền vững.

Hiện nay, việc tận dụng và tái chế rất được quan tâm và hầu như nhà máy nào cũng quan tâm để sử dụng được nhiên liệu, nguyên vật liệu với một hiệu quả cao nhất. Và đây cũng là một cách hữu hiệu nhất để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu đề xuất các giải pháp kỹ thuật xây dựng mô hình khu công nghiệp thân thiện môi trường áp dụng cho khu công nghiệp Minh Hưng Hàn Quốc tỉnh Bình Phước (Trang 29 - 30)