Chức năng của người giáo viên chủ nhiệm

Một phần của tài liệu Biện pháp giáo dục kỹ năng sống của giáo viên chủ nhiệm lớp cho sinh viên nội trú ở trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang - Khánh Hòa (Trang 26 - 28)

- Chức năng người quản lý giáo dục toàn diện sinh viên một lớp

Giáo viên chủ nhiệm cần không chỉ nắm được tên, tuổi, số lượng, trình độ, lực học và phẩm chất của sinh viên… mà còn dự báo được xu hướng nhân cách của sinh viên. Trên cơ sở đó có phương hướng tổ chức hoạt động dạy học và giáo dục phù hợp với người học. Muốn thực hiện được chức năng này, người giáo viên chủ nhiệm phải có những kiến thức về tâm lý học, giáo dục học như kỹ năng tiếp cận đối tượng, kỹ năng nghiên cứu tâm lý lứa tuổi, kỹ năng lập kế hoạch chủ nhiệm, kỹ năng tổ chức hoạt động ngoài giờ lên lớp. Trong chức năng quản lý giáo dục, giáo viên chủ nhiệm cần đặc biệt quan tâm tới kỹ năng quản lý thời gian học tập và quản lý sự hình thành và phát triển nhân cách.

- Chức năng lãnh đạo và động viên tập thể sinh viên hoạt động tự quản nhằm phát huy tính tích cực của mọi thành viên trong tập thể lớp

Đây là chức năng đặc trưng của giáo viên chủ nhiệm ở các trường cao đẳng và đại học. Để thực hiện tốt chức năng này người giáo viên chủ nhiệm cần phải:

+ Luôn luôn giữ vai trò cố vấn trong mọi hoạt động của lớp.

+ Phải thường xuyên bồi dưỡng năng lực tự quản cho toàn lớp. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ từ tổ trưởng trở lên, đội ngũ cán bộ lớp phải xuất phát từ đặc điểm, nhiệm vụ năm học và tính chất phát triển của tập thể lớp. Ví dụ: ở giai đoạn đầu (tập thể mới hình thành) rất cần có một lớp trưởng, bí thư

chi đoàn (thủ lĩnh) có uy tín, biết cảm hóa các bạn, không nhất thiết là người học giỏi nhất lớp, khi tập thể sinh viên đã phát triển thì có cần có 1 thủ lĩnh năng động, sáng tạo, luôn luôn tìm tòi nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức hoạt động để lôi kéo mọi thành viên của lớp tham gia.

+ Vai trò “cố vấn” đòi hỏi phải sâu sát với mọi hoạt động của tập thể lớp, nếu có thể trực tiếp được thì càng tốt, nếu không thì hãy bằng mọi cách để trao đổi thông tin giữa giáo viên chủ nhiệm - ban cán sự lớp, giữa giáo viên chủ nhiệm – các thành viên của lớp. Không nắm bắt được thông tin, không biết được những diễn biến của tập thể cũng như từng cá nhân trong lớp thì vai trò “cố vấn” không được phát huy. Vai trò “cố vấn” không có nghĩa là khoán trắng cho tập thể lớp, cố vấn là tham mưu, là chỉ đạo, là cổ vũ để mọi thành viên lớp phát huy được tính năng động, sáng tạo của bản thân.

- Chức năng làm cầu nối giữa tập thể lớp với các tổ chức xã hội trong và ngoài nhà trường, tổ chức và phối hợp các lực lượng giáo dục

Giáo viên chủ nhiệm là nhà quản lý, nhà sư phạm đại diện cho Hiệu trưởng truyền đạt đầy đủ nghị quyết của nhà trường tới sinh viên. Giáo viên chủ nhiệm là người đại diện cho quyền lợi chính đáng của sinh viên trong lớp, bảo vệ sinh viên về mọi mặt một cách hợp lý, phản ánh với Hiệu trưởng, giáo viên bộ môn, gia đình và các đoàn thể trong và ngoài trường về nguyện vọng chính đáng của sinh viên, để có giải pháp kịp thời và phù hợp. Trong hoàn cảnh hiện nay, do tác động của nền kinh tế thị trường, sinh viên sống trong các mối quan hệ xã hội rất đa dạng và vô cùng phức tạp. Tuổi trẻ rất nhạy cảm với cái mới, cái lạ, trong đó có cả cái tốt lẫn cái xấu. Giáo viên chủ nhiệm cần giúp các em thiết lập mối quan hệ đúng đắn, lành mạnh. Đây là nhiệm vụ không đơn giản nhưng rất cần thiết đối với công tác giáo viên chủ nhiệm.

- Chức năng giám sát và người đánh giá khách quan kết quả rèn luyện của mỗi sinh viên và phong trào chung của lớp

Giám sát và đánh giá khách quan kết quả rèn luyện của từng sinh viên là một việc làm hết sức quan trọng và có ý nghĩa rất lớn đối với quá trình hoàn thiện nhân cách của sinh viên. Giáo viên chủ nhiệm cần vạch ra những tiêu chí cụ thể và chi tiết để đánh giá sinh viên và có thể thông qua trên lớp. Muốn xây dựng được bộ tiêu chí đánh giá cần dựa vào mục tiêu đào tạo, kế hoạch chương trình năm học, khóa học và căn cứ vào các điều kiện khác. Thực tiễn việc đánh giá sinh viên hiện nay còn nhiều vấn đề phải kiện toàn, tiêu chí duy nhất là dựa vào điểm số môn học, mà kết quả học tập chỉ là một phần nhỏ trong quá trình hình thành nhân cách, mặt khác điểm chưa phải là khách quan.

Đánh giá là sự thừa nhận những cố gắng, những tiến bộ của người được đánh giá, cùng với nó là việc vạch ra phương hướng mới để sinh viên phấn đấu rèn luyện là việc làm cần được coi trọng. Như vậy đánh giá, nhận định và yêu cầu là 2 mặt của quá trình hình thành nhân cách cho sinh viên, yêu cầu càng cao và phù hợp là thể hiện sự tôn trọng nhân cách con người.

Một phần của tài liệu Biện pháp giáo dục kỹ năng sống của giáo viên chủ nhiệm lớp cho sinh viên nội trú ở trường Cao đẳng sư phạm Nha Trang - Khánh Hòa (Trang 26 - 28)