PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Dạy học làm văn nghị luận cho học sinh lớp 9 THCS theo hướng giao tiếp (Trang 85 - 89)

Sau khi định hướng, đề xuất những nội dung kĩ năng làm văn nghị luận theo hướng giao tiếp cần rèn luyện cho học sinh và đưa ra những cách thức tổ chức rèn luyện các kĩ

năng đó cho học sinh lớp 9 THCS, chúng tôi đã tiến hành thực nghiệm sư phạm để bước đầu vận dụng những vấn đề lý thuyết trên vào thực tế dạy học.

Tuy kết quả thực nghiệm chưa cao nhưng quá trình thực nghiệm đã thực sự tạo nên sự biến chuyển đối với hiệu quả dạy học làm văn nghị luận cũng như sự hứng thú trong học tập của học sinh.

Dạy học làm văn nói chung, làm văn nghị luận nói riêng theo hướng giao tiếp là một định hướng đúng cần phải cố gắng phát huy và hoàn thiện. Tuy vậy, để tiến hành dạy học một tiết làm văn nghị luận theo quan điểm giao tiếp là vô cùng phức tạp, khó khăn.

Thứ nhất là do thời gian dạy học trên lớp rất hạn chế.

Thứ hai là về phía giáo viên. Nó đòi hỏi người thầy phải nắm chắc các nhân tố quan trọng của hoạt động giao tiếp, biết cách xây dựng những tình huống giao tiếp giả định để triển khai bài giảng và biết chủ động trong việc vận dụng các phương pháp và hình thức dạy học. Nghĩa là người giáo viên phải giỏi chuyên môn và thực sự tâm huyết, luôn tìm tòi để làm mới phương pháp dạy học, làm sinh động hơn bài giảng của mình.

Thứ ba là về phía học sinh. Dạy học theo quan điểm giao tiếp đòi hỏi học sinh phải luôn tích cực, chủ động để giải quyết những tình huống giao tiếp giả định đưa ra. Hơn nữa, đây là kiểu làm văn nghị luận nên trong suốt quá trình học tập, các em phải vận dụng kết hợp năng lực sử dụng ngôn ngữ và năng lực tư duy logic của mình. Như vậy việc học tập mới đạt hiệu quả cao.

Mặt khác, việc dạy học làm văn nghị luận theo quan điểm giao tiếp cũng đòi hỏi chúng ta phải có những đổi mới cho phù hợp trong việc ra đề bài và đánh giá bài làm văn nghị luận của học sinh.

Việc ra đề có ý nghĩa rất quan trọng đối với quá trình tổ chức dạy học làm văn nghị luận theo hướng giao tiếp.

Từ trước tới nay đề bài làm văn thường chỉ định hướng cho học sinh nội dung nghị luận (nói, viết cái gì?) và cách thức nghị luận (nói, viết như thế nào?). Như vậy, đề văn mới chỉ ra hai trong số bốn nhân tố cần thiết cho công việc định hướng (nội dung, mục đích, cách thức, đối tượng). Cũng chính vì lâu nay ta không chú ý tới hai nhân tố mục đích và đối tượng giao tiếp nên học sinh nhầm tưởng rằng đối tượng giao tiếp luôn là giáo viên và mục đích bài viết thường bị đồng nhất với cách thức

làm bài. Điều này là không đúng với thực tiễn giao tiếp ngôn ngữ. Với cùng một nội dung, ta có thể nói với nhiều đối tượng khác nhau, nhằm những mục đích khác nhau và do đó cách thức trình bày cũng phải khác nhau. Hai nhân tố trên góp phần điều chỉnh nội dung, lựa chọn chi tiết, dẫn chứng và quyết định cách thức triển khai văn bản; từ việc chọn từ, đặt câu tới việc lựa chọn bố cục, hình ảnh sao cho đối tượng của mình dễ tiếp nhận nhất để đạt mục đích đề ra. Việc bỏ qua hai nhân tố này khi ra đề bài làm văn nghị luận sẽ làm cho bài viết của học sinh lúng túng, chung chung, tẻ nhạt, lặp lại, thiếu sinh động và do đó không rèn luyện được cho các em khả năng ứng xử linh hoạt trong những tình huống giao tiếp thực tế.

Tuy nhiên, việc ra đề bài làm văn nghị luận có định hướng cho học sinh các nhân tố giao tiếp của bài viết cũng không hề đơn giản. Đề bài ngoài việc đưa ra được các nhân tố giao tiếp cơ bản còn phải đảm bảo tính chuẩn mực về nội dung và hình thức. Nội dung vấn đề nghị luận cần phải chính xác, đầy đủ, toàn diện, gần gũi với tâm lí và đời sống của các em học sinh. Cách diễn đạt phải mẫu mực, trong sáng, ngắn gọn mà chính xác. Nếu giáo viên chỉ chú trọng vào việc diễn tả các nhân tố giao tiếp thì cũng dễ rơi vào tình trạng diễn đạt một cách thô thiển, khô cứng những kiến thức lí luận.

“Một đề bài tốt là một đề vừa đảm bảo được tính khoa học, chính xác, đặt ra được

những vấn đề vừa tầm kiến thức của học sinh, vừa có cách diễn đạt mẫu mực, trong sáng, lôi cuốn, khơi gợi được hứng thú làm bài của học sinh. ” [03; 218]

Đối với việc đánh giá bài làm văn nói chung, bài làm văn nghị luận nói riêng của học sinh, giáo viên cần có cái nhìn toàn diện hơn.

Lâu nay trong nhà trường phổ thông, giáo viên và cả học sinh luôn đề cao tính chuẩn mực ngôn ngữ của bài làm văn. Nghĩa là giáo viên chấm bài dựa trên cơ sở nội dung và hình thức của bài làm. Bài làm có đủ ý hay không, diễn đạt có trôi chảy, lưu loát hay không, có sai chính tả không, phạm các lỗi dùng từ không… Bài làm văn được xem xét, đánh giá với tư cách là một đơn vị của hệ thống ngôn ngữ, đơn vị lớn nhất. Còn vai trò là một đơn vị giao tiếp cơ bản của văn bản hầu như không được chú ý. Trong khi như chúng ta biết, mục đích ngôn ngữ chỉ là phương tiện để văn bản đạt tới mục đích giao tiếp. Mục đích của bài làm văn không phải là viết đúng ngữ pháp, chính tả tiếng Việt, viết chính xác, đủ ý. Mà việc đảm bảo những yêu cầu ấy chính là cơ sở, là

cách thức, là con đường để người viết đạt tới mục đích cuối cùng - đích tác động về nhận thức, tình cảm và hành động.

Như vậy, khi đánh giá bài làm của học sinh, chúng ta không thể chỉ dừng lại ở việc đánh giá cái “đích ngôn ngữ” mà phải qua đó để đánh giá xem bài làm của các em có đạt được “đích giao tiếp” hay không.

Hơn nữa, trong hoạt động giao tiếp, việc sử dụng ngôn ngữ có rất nhiều đặc điểm khác với ngôn ngữ trong trạng thái tĩnh của nó. Có những cách diễn đạt, dùng từ, đặt câu xét về tính chuẩn mực ngôn ngữ là sai, là vi phạm chuẩn mực nhưng đặt trong từng hoàn cảnh giao tiếp cụ thể lại chấp nhận được, thậm chí còn rất hay, có tính sáng tạo. Giáo viên phải là người nắm được những vấn đề này để tránh rơi vào tình trạng đánh giá bài làm của học sinh một cách cứng nhắc. Chúng ta phải linh hoạt hơn, cởi mở hơn trong việc đánh giá bài viết của các em thì mới có thể khuyến khích, động viên tinh thần học tập, sáng tạo của thế hệ trẻ.

Trong tình hình hiện nay, việc vận dụng định hướng giao tiếp vào dạy học tiếng nói chung, dạy học làm văn nói riêng đang còn rất nhiều vấn đề khúc mắc mặc dù đây là một định hướng đúng đắn trong quá trình đổi mới phương pháp dạy học Ngữ văn. Để tạo thuận lợi cho việc đưa quan điểm này vào dạy học rộng rãi ở các trường phổ thông, chúng ta cần có hướng chỉ đạo, bồi dưỡng về lí luận và phương pháp cho giáo viên ở các trường phổ thông nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức của họ về nhiệm vụ và mục tiêu dạy học bộ môn.

Với đề tài “Dạy học làm văn nghị luận theo hướng giao tiếp cho học sinh lớp 9 THCS” và những gì đã đề xuất, chúng tôi mong muốn đóng góp phần nào vào quá trình đổi mới phương pháp dạy học nói chung, dạy học Ngữ văn nói riêng và nâng cao chất lượng dạy học, đáp ứng phần nào những yêu cầu mà đất nước, xã hội đã đặt ra cho ngành giáo dục - đào tạo.

Một phần của tài liệu Dạy học làm văn nghị luận cho học sinh lớp 9 THCS theo hướng giao tiếp (Trang 85 - 89)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(89 trang)
w