I. Dạy học phần lí thuyết làm văn nghị luận
I.2. Hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tri thức thông qua các tình huống giao tiếp
Sau khi thiết kế nội dung dạy học bằng cách xây dựng những tình huống giao tiếp cụ thể, giáo viên sẽ tiến hành tổ chức cho học sinh chiếm lĩnh những tri thức lí thuyết đã định thông qua bản thiết kế ấy. Đây là giai đoạn được triển khai ở trên lớp, đòi hỏi giáo
viên phải nắm chắc giáo án mà mình xây dựng để có thể tự tin tạo không khí học tập một cách sôi nổi, tự nhiên. Trong quá trình giảng bài, giáo viên phải luôn có ý thức tạo cho học sinh được học tập trong môi trường giao tiếp, với phương pháp giao tiếp và hướng tới mục tiêu giao tiếp. Một yêu cầu nữa phải đảm bảo là có sự chuẩn bị của học sinh về nội dung bài sẽ học.
Việc hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tri thức lí thuyết bằng cách sử dụng tình huống giao tiếp được tiến hành theo trình tự sau đây:
- Bước 1: Miêu tả tình huống giao tiếp. Sự miêu tả này cần tập trung làm sáng tỏ
những nhân tố để lại dấu ấn trong lời nói. Các nhân tố này càng sáng rõ bao nhiêu học sinh càng hiểu được và tạo ra được những lời nói phù hợp bấy nhiêu.
- Bước 2: Phân tích tình huống để lựa chọn hoặc đưa ra những lời nói vừa phù hợp
nội dung (phản ánh đúng đắn, chính xác hiện thực được nói tới), vừa phù hợp với hoàn cảnh giao tiếp (đối tượng, mục đích giao tiếp).
- Bước 3: Phân tích mức độ phù hợp của lời nói với hoàn cảnh giao tiếp. Chỉ ra
những chỗ chưa phù hợp và sửa lại.
- Bước 4: Rút kết luận cần ghi nhớ cho học sinh và luyện tập vận dụng những ghi
nhớ đó.
Sau đây là tiến trình hướng dẫn học sinh chiếm lĩnh tri thức thông qua tình huống giao tiếp giả định:
Ví dụ: Dạy học bài “Phép phân tích và tổng hợp”
(Bài 18, tiết Tập làm văn, SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr.9)
- Bước 1: Miêu tả tình huống giao tiếp
Có ba học sinh cùng tranh luận với nhau về vai trò, tác dụng của việc đọc sách đối với đời sống. Bạn nào cũng đưa ra những lí lẽ nhằm bảo vệ và thuyết phục các bạn khác tin vào ý kiến của mình.
Bạn thứ nhất: Tớ thấy trong đời sống hiện đại, việc đọc sách trở nên không cần thiết lắm. Công việc này chiếm của chúng ta quá nhiều thời gian trong khi cũng với khoảng thời gian đó, chúng ta có thể tìm kiếm được vô số thông tin bằng internet, ti vi, báo chí, đài phát thanh… Hơn nữa, những kiến thức và thông tin trong sách vở thường thiếu tính cập nhật.
Bạn thứ hai: Tớ nghĩ đọc sách cũng thú vị đấy chứ. Tớ tìm thấy ở trong đó những bài học vô cùng quý báu về cuộc sống, về tình người.
Bạn thứ ba: Mình cho rằng sách có những tác dụng rất lớn đối với đời sống con người. Sách là kho tàng tri thức của nhân loại. Nó đem đến cho chúng ta những tri thức về thế giới tự nhiên, về đời sống xã hội. Sách cũng là sản phẩm tinh thần của nhân loại. Nó là kết quả của những quá trình lao động trí tuệ không nghỉ. Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới. Đọc sách, ta có được những hiểu biết mới mẻ về mọi lĩnh vực; những hiểu biết vượt không gian, thời gian. Sách còn giúp ta tìm hiểu thế giới nội tâm của con người: niềm vui, nỗi buồn, khát vọng, ước mơ, hạnh phúc, khổ đau… Bởi vậy, đọc sách là vô cùng quan trọng và cần thiết vì nó làm phong phú đời sống tinh thần và trí tuệ con người.”
- Bước 2: Phân tích tình huống:
+ Hoàn cảnh giao tiếp: cuộc tranh luận giữa ba người bạn học về một sự việc trong đời sống: việc đọc sách.
+ Nội dung giao tiếp: sự cần thiết và vai trò, tác dụng của việc đọc sách đối với đời sống con người.
+ Nhân vật giao tiếp: ba nhân vật giao tiếp ở đây là những người bạn học, cùng chung một môi trường giáo dục, cùng lứa tuổi, cùng trình độ.
+ Mục đích giao tiếp: thuyết phục người khác hiểu và đồng tình với ý kiến của mình.
- Bước 3: Phân tích mức độ phù hợp của lời nói với các nhân tố giao tiếp.
Giáo viên hướng dẫn học sinh tập trung phân tích, chỉ ra sự phù hợp giữa luận cứ và kết luận để tăng sức thuyết phục cho các lập luận.
Ý kiến của bạn thứ nhất là: trong đời sống hiện đại, việc đọc sách trở nên không
cần thiết. Và để khẳng định điều đó, người nói đưa ra các luận cứ sau: việc đọc sách chiếm quá nhiều thời gian; có thể tìm kiếm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng khác nhanh chóng hơn, hiệu quả hơn (như internet, tivi, báo, đài…); những kiến thức và thông tin trong sách thường thiếu cập nhật. Ở đây, bạn này đã sử dụng phép lập luận phân tích để chỉ rõ từng phương diện của vấn đề, để chứng minh ý kiến của mình là có lí.
Bạn thứ hai cho rằng: đọc sách cũng thú vị. Và để lí giải điều này, bạn đưa ra luận
cứ là: sách chứa đựng những bài học vô cùng quý báu về cuộc sống, về tình người. Đây cũng là một lập luận có tính chất giải thích.
Bạn thứ ba khẳng định: sách có những tác dụng rất lớn đối với đời sống con người. Bạn đã phân tích kĩ từng phương diện để làm rõ những tác dụng cụ thể của sách đối với đời sống. Mỗi phương diện là một luận cứ, mỗi luận cứ lại bao gồm các luận chứng.
Luận cứ 1: Sách là kho tàng tri thức của nhân loại (đem đến những tri thức về thế giới tự nhiên, về đời sống xã hội).
Luận cứ 2: Sách là sản phẩm tinh thần của nhân loại (là kết quả của những quá trình lao động trí tuệ).
Luận cứ 3: Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới (đem đến những hiểu biết mới mẻ về mọi lĩnh vực; những hiểu biết vượt không gian, thời gian).
Luận cứ 4: Sách giúp ta tìm hiểu thế giới nội tâm của con người (niềm vui, nỗi buồn, khát vọng, ước mơ, hạnh phúc, khổ đau…)
Với những luận cứ và luận chứng trên, bạn đưa ra kết luận: “đọc sách là vô cùng quan trọng và cần thiết vì nó làm phong phú đời sống tinh thần và trí tuệ con người”.
Bạn thứ ba đã sử dụng trong lời nói của mình kết hợp phép phân tích và tổng hợp. Bạn lần lượt phân tích các phương diện của vấn đề (tác dụng của sách với đời sống), đưa ra các luận cứ, luận chứng. Từ sự phân tích đó, bạn tổng hợp lại và rút ra kết luận cuối cùng: việc đọc sách là cần thiết và quan trọng.
Cả ba bạn đều sử dụng các phép lập luận để tăng sức thuyết phục cho lời nói của mình. Các lời nói cũng phù hợp với nhân vật giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp. Những luận cứ đưa ra đều phù hợp và phục vụ cho việc đi đến kết luận về vấn đề. Tuy nhiên, hiệu quả giao tiếp lại không hề giống nhau.
Có thể thấy rõ là lời nói của bạn thứ ba có sức thuyết phục hơn cả, bởi bạn đã xem xét vấn đề từ nhiều góc độ, vận dụng linh hoạt, mềm dẻo các phép lập luận là phân tích và tổng hợp. Trong khi hai bạn kia chỉ chú trọng tới một phương diện nào đó của vấn đề. Bạn thứ nhất quan tâm tới chức năng thông tin của sách. Bạn thứ hai lại đề cao chức năng giáo dục của sách.
Sau khi phân tích như trên, giáo viên có thể hình thành cho học sinh những nội dung tri thức sau:
+ Khái niệm về phép lập luận phân tích và tổng hợp.
+ Tác dụng của việc sử dụng các phép lập luận này: Phép phân tích và phép tổng hợp là các phép lập luận có tác dụng làm rõ ý nghĩa của một sự vật, hiện tượng nào đó.
+ Cách thức sử dụng các phép lập luận này sao cho đạt hiệu quả cao nhất trong hoạt động giao tiếp thực tế.
Mục tiêu mà chúng tôi hướng tới không chỉ là hình thành tri thức khái niệm mà quan trọng hơn là cách thức vận dụng những khái niệm ấy vào trong hoạt động giao tiếp một cách phù hợp nhất với các nhân tố giao tiếp, nhằm đạt được mục đích giao tiếp đề ra.