I. Dạy học phần lí thuyết làm văn nghị luận
I.1. Thiết kế nội dung dạy học bằng cách xây dựng những tình huống giao tiếp cụ thể
Theo quy luật tâm lí, quá trình nhận thức và hình thành kĩ năng, kĩ xảo ngôn ngữ của học sinh sẽ diễn ra nhanh hơn, dễ dàng hơn, nếu quá trình đó gắn với những điều kiện như giao tiếp thực. Việc tổ chức giảng dạy lí thuyết làm văn theo định hướng giao tiếp là quá trình cung cấp cho các em những tri thức lí thuyết về làm văn nghị luận trong chính hoạt động giao tiếp.
Để có thể đạt được mục tiêu ấy, người giáo viên phải đưa ra được những tình huống giao tiếp giả định phù hợp với nội dung bài giảng. Nhưng rõ ràng, giao tiếp học tập dù có giống với thực tế đến đâu thì cũng chỉ là giao tiếp giả định. Vì vây, việc xây dựng những tình huống giao tiếp này đòi hỏi kinh nghiệm và kĩ thuật chứ không phải là sự lựa chọn tình huống theo cảm giác, kinh nghiệm, thói quen.
Giáo viên có thể đưa ra những tình huống giao tiếp diễn ra trong cuộc sống thực tế xung quanh học sinh, những tình huống giao tiếp trong tưởng tượng nhưng lại có hiệu
quả cao với việc truyền thụ tri thức hoặc những tình huống giao tiếp mới do giáo viên soạn thảo dựa trên những tình huống đã có.
Những tình huống giao tiếp được đưa ra chính là những tình huống có vấn đề (vấn đề về tri thức, vấn đề về kĩ năng, vấn đề về các nhân tố giao tiếp, vấn đề về sử dụng ngôn ngữ…). Vì vậy, những tình huống này phải thỏa mãn một số điều kiện sau:
- Phải tồn tại một vấn đề: nghĩa là phải tạo ra ít nhất là một mâu thuẫn giữa tri thức học sinh đã biết và những vấn đề, những hiện tượng mới mà các em chưa biết.
- Phải gợi nhu cầu nhận thức của học sinh: có nghĩa là phải làm nảy sinh ở học sinh sự tò mò, niềm khát khao muốn tìm hiểu, khám phá những hiện tượng, những vấn đề mới lạ đó, từ đó thúc giục các em tích cực, chủ động, sáng tạo trong quá trình tìm hiểu vấn đề.
- Phải đảm bảo tính vừa sức trong dạy học: tình huống được đưa ra không quá dễ mà cũng không quá khó đối với học sinh nhưng nó đòi hỏi mọi học sinh phải nỗ lực, tích cực, tự giác, chủ động suy nghĩ để giải quyết vấn đề.
Mặt khác, là những tình huống giao tiếp giả định phục vụ cho hoạt động giảng dạy, truyền thụ và lĩnh hội tri thức, do đó, những tình huống ấy phải luôn bám sát nội dung bài học, phục vụ tối đa cho mục tiêu của bài học và không quá xa lạ với học sinh.
Sau đây là ví dụ về việc xây dựng tình huống giao tiếp để dạy học dạng bài lí thuyết về làm văn nghị luận.
Ví dụ: Dạy học bài “Nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống”
(Bài 19, tiết Tập làm văn, SGK Ngữ văn 9, tập 2, tr.20)
Mục đích của bài học: giúp học sinh hiểu và biết cách làm bài văn nghị luận về một sự việc, hiện tượng đời sống.
Để tiến hành dạy học bài này theo định hướng giao tiếp, chúng tôi xin đưa ra tình huống sau:
“Liên có một bạn gái ở xa. Bạn ấy viết thư nói với Liên rằng: “bí quyết để đạt điểm cao trong các kì thi là học tủ”. Sau đây là lá thư mà Liên viết cho bạn ấy để bày tỏ quan điểm của mình:
…, ngày… tháng…năm… Mai thân mến!
Lời đầu thư mình xin chúc bạn và gia đình luôn mạnh khỏe, may mắn và hạnh phúc.
Mình đọc lá thư của cậu mà không khỏi băn khoăn tự hỏi: có thật bí quyết để đạt điểm cao trong các kì thi là học tủ hay không?
Theo mình có lẽ là không. Bởi vì sao vậy?
Thứ nhất, học tủ là cách học chỉ tập trung vào một số nội dung nhất định (theo phỏng đoán là đề thi dễ rơi vào) trong khi lẽ ra phải học toàn bộ hệ thống kiến thức.
Thứ hai, việc học tập trong nhà trường là nhằm cung cấp cho chúng ta những hệ thống tri thức cơ bản về tự nhiên, xã hội. Tri thức nào cũng có tầm quan trọng như nhau. Việc tổ chức kiểm tra, thi cử là nhằm củng cố những kiến thức ấy, giúp chúng ta nắm chắc hơn những gì mình đã được học. Đây là cơ hội cho chính chúng ta học tập. Tại sao chúng ta không nắm lấy cơ hội này để hoàn thiện những kiến thức của mình?
Thứ ba, mình cho rằng trong học tập, điểm số không phải là tất cả. Có được điểm số cao là một điều vinh dự. Nhưng điểm số đó phải dựa trên năng lực, kiến thức thực tế của mình. Học tủ để được điểm cao thì sao bằng mình có được một nền tảng kiến thức vững chắc dù cho điểm số có thấp hơn.
Và cuối cùng, điều này có lẽ ai cũng hiểu, học tủ là một cách học mang nặng tính may rủi, rất dễ đem lại thất bại cho người học bởi đâu ai biết trước được đề thi sẽ rơi vào nội dung nào.
Tóm lại, theo mình đây là một cách học đối phó, chỉ dành cho những học sinh thiếu chăm chỉ và coi trọng điểm số. Bí quyết để đạt điểm cao trong các kì thi chỉ đơn giản là “Học, học nữa, học mãi”.
Đây là những suy nghĩ rất thực của mình, mình tin rằng bạn sẽ hiểu và đồng tình với mình. Chúng ta cũng đang đứng trước những kì thi đầy khó khăn đấy, hãy cùng cố gắng để đạt được những điểm số thật cao nhé (bằng bí quyết của mình ấy).
Một lần nữa chúc bạn luôn vui, khỏe và thành công trong học tập. Chào bạn! ”
Yêu cầu: học sinh phân tích văn bản, tìm hiểu sự phù hợp của văn bản trên với mục
đích giao tiếp, đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp.