PHẦN KẾT LUẬN

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 113 - 118)

1. Cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã khép lại sau 30 năm khói lửa nhưng "chiến tranh – dù nó đã đi xa, dù hiện tại và tương lai có thể còn

nhiều biến động phức tạp mới, vẫn không thể lãng quên, vẫn sẽ là một đề tài lớn và hấp dẫn"[42]. Mảng văn học chiến tranh sau 1975 với sự phát triển

phong phú cả về nội dung và nghệ thuật ở nhiều thể loại (truyện ngắn, tiểu thuyết, kịch, thơ ca…) đã chứng tỏ sức sống và sự thu hút của đề tài này đối với người cầm bút. Hoà cùng với không khí của văn học sau 1975, tiểu thuyết chiến tranh đã có những vận mình thay đổi, tạo nên nét riêng khác biệt so với mảng văn học viết về chiến tranh trước đó. Trong phạm vi nghiên cứu của đề tài, luận văn đã đề cập sâu đến một phương diện cơ bản trong những đổi mới đó – sự thay đổi trong cảm hứng sáng tác. Đó là hứng thú viết về chiến tranh bằng cảm hứng bi kịch với dư âm của nỗi buồn sâu lắng, khắc khoải của nhiều nhà văn sau 1975 nói chung và các nhà tiểu thuyết nói riêng. Toàn bộ ba chương của luận văn (Chương I: Cảm hứng bi kịch trong cái nhìn về hiện thực. Chương II: Mối quan hoài về số phận con người. Chương III: Một số biện pháp nghệ thuật thể hiện cảm hứng bi kịch) với các mục cụ thể đều được triển khai để làm nổi bật các đặc điểm cùng các phương diện biểu hiện của cảm hứng bi kịch trong văn học chiến tranh sau 1975.

2. Khảo sát các tiểu thuyết viết về chiến tranh sau 1975- đặc biệt là tiểu thuyết thời kì đổi mới, có thể nhận thấy dấu ấn của cảm hứng bi kịch thể hiện ngay trong cách tiếp cận và miêu tả hiện thực của nhà văn. Chiến tranh không còn được phản ánh qua lăng kính cộng đồng như văn học trước đây mà bằng sự trải nghiệm cá nhân, cá thể của một thế hệ nhà văn đã từng cầm đứng ở vị trí của người lính nên có sự thấm thía rất riêng. Được nhìn nhận trung thực hơn ở những mất mát, hi sinh, ở nỗi đau cùng sự tha hoá, tâm lí hoang mang dao động, không ngần ngại đề cập đến những góc khuất của hiện thực, tiểu

thuyết giai đoạn này đã phác hoạ được bộ mặt chiến tranh với đầy đủ vẻ gai góc bản chất của nó.

Trong các sáng tác về chiến tranh sau 1975, chiến tranh đã được miêu tả như là một hiện thực bất thường với những quy luật nghiệt ngã của riêng mình. Đó là môi trường không chỉ đày ải con người trong sự thiếu thốn vật chất mà còn đày đoạ họ trong nỗi thống khổ cùng cực về tinh thần. Môi trường đó không cho phép con người được sống một cuộc sống bình thường với nỗi buồn, niềm vui của kiếp người khi tất cả mọi nỗi niềm hạnh phúc hân hoan bỗng trở thành điều trái lẽ hiếm hoi hoạ hoằn. Và nhiều khi muốn nếm trải chút dư vị ngọt ngào giản dị đó, con người lại phải trả những cái giá rất đắt.

Từ tính chất bất thường đó của hiện thực, nhà văn đồng thời nhận ra chiến tranh là môi trường huỷ diệt, phi nhân tính tàn bạo nhất. Trong môi trường đó, con người là những nạn nhân khốn khổ bị chiến tranh tước đoạt quyền sống một cách oan uổng. Nhân tính, tình người dường như không có cơ hội để tồn tại khi tất cả những con người vốn là đại diện cho lòng nhân, tình người thường lại phải trả giá bằng chính sinh mệnh của mình cho sự trỗi dậy của lòng nhân và tình người đó.

3. Cùng với sự bổ khuyết thêm phần thiếu hụt của văn học trước 1975 trong hướng khám phá hiện thực, tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 tỏ ra đặc biệt quan tâm đến số phận con người. Thông qua những số phận con người vốn ít nhiều chịu tác động của chiến tranh mà nỗi buồn được thể hiện sắc nét, chân thực hơn. Ở hướng khám phá này nhà văn nhận thấy con người là những nạn nhân khốn khổ nhất, bị chiến tranh nghiền nát, bị làm cho tuyệt diệt. Thân phận con sâu cái kiến bé nhỏ ấy còn theo con người cả vào trong cuộc sống thời bình khi họ không thể sống cuộc đời bình thản bởi những ám ảnh quá khứ vẫn trĩu nặng tâm hồn.

Sau chiến tranh, trở về với đời thường, hành trình nhập cuộc với đời, kiếm tìm tình yêu, hạnh phúc của con người thật vất vả, nhọc nhằn. Người anh hùng năm xưa trong cuộc sống hôm nay chỉ là những binh nhì bé nhỏ với cảm giác cô đơn, lạc lõng, nỗi bất hạnh luôn đè nặng lên số phận. Bi kịch thời kì hậu chiến trong tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 mang một nỗi xót xa, cay đắng đó đã góp phần tạo nên dư âm của nỗi buồn chiến tranh dai dẳng trong văn học thời kì này.

Với một cái nhìn công bằng hơn về chiến tranh, mối quan hệ giữa con người và hoàn cảnh cũng được nhà văn nhìn nhận trong cái nhìn biện chứng, ở đó, không phải bao giờ con người cũng đủ sức mạnh vượt lên trên hoàn cảnh để toả sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhìn nhận con người như một cá nhân bé nhỏ, không nằm ngoài guồng quay tác động của hoàn cảnh, những trang viết về bi kịch tha hoá của con người của nhà văn tạo đã nên dấu ấn rõ nét của cảm hứng bi kịch trong văn học chiến tranh sau 1975.

4. Bên cạnh việc khảo sát cảm hứng bi kịch được thể hiện qua hướng tiếp cận hiện thực và số phận con người, khi khảo sát cảm hứng bi kịch trong tiểu thuyết chiến tranh sau 1975, luận văn cũng đã đề cập tới các phương diện biểu hiện của cảm hứng bi kịch. Có thể nhận thấy không gian, thời gian nghệ thuật, tình huống nghệ thuật, ngôn ngữ độc thoại… đã được các cây bút tiểu thuyết sau1975 sử dụng như là những biện pháp nghệ thuật đắc dụng, làm nổi bật cảm hứng bi kịch khi viết về đề tài chiến tranh. Sự chồng lớp không gian, thời gian, sự gia tăng tỉ lệ của thời gian quá khứ so với thời gian hiện tại, của ngôn ngữ độc thoại so với ngôn ngữ đối thoại … đã mở ra những chiều kích khám phá mới mà ở đó nhà văn có điều kiện hơn trong việc đi sâu khám phá và thể hiện cảm hứng bi kịch trong chiều sâu.

Cùng với việc chỉ ra những phương diện biểu hiện cảm hứng bi kịch trong văn học chiến tranh, người viết luận văn cũng khẳng định tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 không chỉ có âm hưởng bi kịch. Ở nhiều tác phẩm, bên cạnh cảm hứng bi kịch vẫn có sự xuất hiện của cảm hứng ngợi ca tuy không còn vị thế chủ đạo như văn học giai đoạn trước. Và cùng với dư âm của chất tráng, chất hùng đó, việc hướng về con người, cất lên tiếng nói bênh vực quyền sống, quyền được hưởng hạnh phúc, tình yêu, được hưởng cuộc sống yên bình vốn rất chính đáng của con người của tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 đã thể hiện những giá trị nhân văn cao cả như là những giá trị kết tinh của văn học thời kì này. Khai thác cảm hứng bi kịch trong tiểu thuyết chiến tranh sau 1975, người viết luận văn ngoài việc làm sáng rõ hơn một đặc điểm của tiểu thuyết chiến tranh còn muốn khẳng định vị trí cũng như những đóng góp của mảng văn học này trong quá trình vận động, đổi mới của văn học nước nhà.

Do đối tượng khảo sát giới hạn trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975, đặc biệt là tiểu thuyết thời kì đổi mới, luận văn chưa thể khảo sát cảm hứng bi kịch được thể hiện trong toàn bộ các sáng tác viết về chiến tranh sau ngày giải phóng. Tuy nhiên, với những kết quả nghiên cứu được trình bày trên đây, người viết hi vọng qua luận văn này có thể đóng góp, bổ sung thêm một ý kiến vào số lượng các công trình nghiên cứu còn ít ỏi về cảm hứng bi kịch và phần nào giúp đỡ người đọc trong hành trình tiếp cận, tìm hiểu mảng văn học hiện đại Việt Nam vốn rất phong phú, hấp dẫn và đặc biệt còn rất mới mẻ này.

THƯ MỤC THAM KHẢO

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 113 - 118)