NGHỆ THUẬT XÂY DỰNG TÌNH HUỐNG:

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 94 - 103)

Không phải chỉ riêng tiểu thuyết mà ngay cả với kịch, truyện ngắn, truyện vừa và nhiều thể loại sáng tác văn xuôi khác, tình huống truyện có một vị trí hết sức quan trọng. Đó là yếu tố nâng đỡ cốt truyện, góp phần tạo nên bộ

khung vững chắc cho toàn bộ tác phẩm. Vừa mang tính nội dung, vừa mang tính hình thức, tình huống tự thân nó đã biểu hiện nội dung tác phẩm song đồng thời cũng được nhà văn xây dựng và sử dụng như một thủ pháp nghệ thuật để thể hiện sâu sắc hơn nội dung tư tưởng muốn gửi gắm. Tiểu thuyết sau 1975 với mong muốn thể hiện một cái nhìn mới thành thực về chiến tranh, khám phá sâu hơn mảng đề tài này từ góc độ nỗi buồn đã dựng lên một hệ thống các tình huống bất thường, ngẫu nhiên, nghịch lý, mang tính thử thách con người. Từ hệ thống các tình huống đa dạng này, bi kịch và nỗi buồn chiến tranh được thể hiện sắc nét trong những diễn biến lắt léo, bất ngờ được tổ chức bởi bàn tay nghệ thuật của nhà văn.

Chiến tranh vốn là hiện thực bất thường nên luôn chứa đựng bên trong những điều bất thường vốn hiếm khi xảy ra trong cuộc sống hoà bình. Để diễn tả tính chất bất thường đó của hiện thực, các cây bút tiểu thuyết sau 1975 đã xây dựng nên các tình huống bất thường- ở đó, con người thường không thể lường trước được kết cục số phận dành cho mình. Là môi trường của đạn bom, chết chóc, lam chướng mùi tử khí, chiến tranh không phải là mảnh đất thích hợp để ươm mầm sống, nuôi dưỡng những khát vọng, ước mơ nhỏ bé, vốn rất giản dị, đời thường của con người. Bởi vậy, sự xuất hiện của những khát vọng tình cảm trần thế đó trong môi trường sặc mùi chết chóc này lại trở thành một điều trái lẽ, hoạ hoằn lắm mới có được. Hoạ hoằn, hiếm hoi tới độ chúng gần như một điềm gở, báo hiệu những bi kịch mất mát mà ngay sau đó con người phải gánh chịu. Thu (Nước mắt đỏ) dâng tặng toàn bộ cuộc đời con gái trong trắng của mình cho người yêu thì ngay sau đó đã có những linh tính không hay về số phận của người yêu. Tuấn (Ăn mày dĩ vãng) lần đầu tiên được nếm trải hạnh phúc trần thế của loài người, cảm giác ngây ngất, choáng ngợp, run rẩy còn chưa tan thì đã lặng câm, uất hận trước thi thể vấy máu của người bạn tình. Ở "Thân phận của tình yêu", Bảo Ninh đã dựng lên một tình

huống bi đát, cảm động, thương tâm trên chặng đường tìm kiếm hạnh phúc của nhân vật. Đó là tình huống các đội viên tiểu đội chinh sát của Kiên lao vào mối tình say đắm lạ lùng, cuồng si bí ẩn, đầy tội lỗi vào có một không hai với ba cô gái trong trại tăng gia của huyện đội 67. Bất kể những đêm mưa nặng nề xối dội, hay những đêm vội vã từng cơn mưa rào rào, bất kể ướt át, lầy lội khốn khổ, tiếng gọi của bạn tình vẫn có một sức hút ma quái thúc giục họ tìm vào cái lán nhỏ trong lòng núi tối tăm đắm dưới mùa mưa như thác đổ. Và nhiều giờ sau khi các gã trai lần về, thở hổn hển, be bét bùn thì "ngoài

mùi thơm của hồng ma còn thoang thoảng, là lạ một làn hương ngây ngây, dìu dịu, không có thật và không đàn ông, không lính tráng một chút nào, vương vấn mơ hồ, u ẩn trên tóc, trên áo, trong gió" [25.399]. Nhưng cái khát

vọng nguyên thuỷ của loài người ấy lại là điều trái lẽ, bất thường trong thời buổi chiến tranh ngược đời này nên nó không có đủ dưỡng khí để sống, để bay bổng. Cuộc tình tập thể cuồng si kết thúc bằng cái chết của ba cô gái và Thịnh con- như một sự trả giá cho giấc mơ tình yêu, hạnh phúc vốn quá xa xỉ trong môi trường sống bạo liệt của chiến tranh. Mối tình đẹp đẽ của Hai hùng- Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng) cũng không nằm ngoài quy luật trả giá nghiệt ngã, phi lí đó. Chu Lai đã tạo nên hàng loạt các tình huống thử thách mối tình của hai nhân vật này, và tình huống cao trào, đỉnh điểm- nút thắt mở quan trọng của toàn bộ tiểu thuyết, quyết định mọi nông nỗi cuộc đời của nhân vật chính, là tình huống Hai Hùng- Ba Sương nằm chung hầm sau đêm đột ấp bị bại lộ. Trong không gian chật chội, mờ tối đó, điều gì phải đến đã đến với hai cơ thể tràn trề sinh lực, đầy sức sống và tình yêu. Và chính giữa lúc họ đang cuộn lấy nhau để mơ những giấc mơ vĩnh cửu thì thần chết đã ngồi chồm hỗm trên nóc hầm. Cuộc li tán định mệnh ngay sau giây phút hạnh phúc ngọt ngào đã cắt lìa họ khỏi nhau để suốt thời gian còn lại của cuộc đời, Hai Hùng phải

"ăn mày dĩ vãng" đi tìm sự thật về người đàn bà đã lấy đi toàn bộ những đam mê, say đắm của cuộc đời mình.

Cảm nhận rõ "Thời buổi chiến tranh là thời buổi ngược đời, cho nên

những chuyện được coi như là lớn lao, những mối nguy to tát đều là sự thường nhật, còn những gì nhỏ nhoi, cỏn con như niềm vui, nỗi buồn hàng ngày của kiếp người thì lại rất trái lẽ và họa hoằn lắm, hãn hữu lắm mới có nổi. Hãn hữu tới độ chúng trở nên gần như điềm gở" [25.400], các nhà văn

sau 1975 đã dựng lên kiểu tình huống bất thường mà ở đó luôn luôn mở ra những bi kịch, những nỗi buồn chiến tranh đau đớn, thảm khốc. Xây dựng tình huống truyện từ môi trường chiến tranh nghịch lí, các nhà tiểu thuyết đã miêu tả sự xuất hiện của tình yêu, hạnh phúc và những khát vọng giản dị đời thường khác của con người như là những điều bất thường, trái lẽ. Những tình huống bất thường ấy đã nói lên một thực tế bi đát: chiến tranh không cho phép con người được hưởng hạnh phúc trọn vẹn và muốn sống với những khát vọng tự nhiên giản dị người ta lại thường phải trả cái giá rất đắt.

Bên cạnh kiểu tình huống bất thường, có tính chất tiên liệu, dự báo cho sự xuất hiện của bi kịch, ở tiểu thuyết sau chiến tranh còn có sự góp mặt của rất nhiều tình huống ngẫu nhiên. ở kiểu tình huống này dường như nhà văn không cần nhiều dụng công sắp xếp, bố trí, dàn cảnh. Sự việc xảy ra hoàn toàn mang tính ngẫu nhiên, nằm ngoài tầm kiểm soát và nhân vật thường là không ý thức được diễn biến của tình thế. Nếu như ở kiểu tình huống bất thường nhà văn thường bám vào một sự việc, một yếu tố bất thường để xây dựng tình huống, dẫn dắt đến bi kịch, thì ở tình huống ngẫu nhiên, tình huống được phát triển chủ yếu dựa trên sự vô tâm, vô tình, không chủ ý của nhân vật. Vì vậy tình huống này vừa đem đến yếu tố bất ngờ song đồng thời cũng thừa nhận tính chất tự nhiên của sự việc. "Ăn mày dĩ vãng" của Chu Lai có sự lồng ghép của nhiều kiểu tình huống ngẫu nhiên như thế. Trái tạc đạn đã rút

chốt bỏ quên trong túi áo đã lấy đi sinh mạng của Khiển ngay khi anh và đồng đội vừa thắng trận trở về. Số phận của Bảo được định đoạt ngay trong buổi chiều yên bình hiếm hoi của rừng già, lúc mà bữa cơm chiều ấm cúng được nhen lên từ bếp lửa hang. Phát đạn B41 do sự táy máy, bất cẩn của Tuấn trong khoảnh khắc đã khép lại cuộc đời trai trẻ của đồng đội giữa tuổi 19 vốn nhiều ước vọng, khát khao. Ở đây tính chất ngẫu nhiên nằm ngay trong hành động vô tình, không chủ ý của con người, giữa một bối cảnh hoàn toàn không chứa đựng hiểm hoạ hay mối nguy cơ đe doạ nào. Ở nhiều tiểu thuyết khác, tình huống ngẫu nhiên được tác giả xây dựng lại xuất phát từ tính ngẫu nhiên của hoàn cảnh. Cái chết của Năm Thuý (Nắng đồng bằng- Chu Lai) diễn ra khi Linh và cô đã thoát khỏi vòng vây. Cô gái nghiêng người xuống dòng sông tát nước thì từ đâu đó một viên đạn lạc đã găm vào ngực trái, nơi trái tim con gái lần đầu biết đến những rung động yêu thương. Cái chết của thằng Ngụy (Thân phận của tình yêu) giữa hố bom ngập nước lũ rừng tuồng như cũng là một trò đùa quái ác của thiên nhiên- dù Phán có nỗ lực bao nhiêu chăng nữa. Từ tình huống ngẫu nhiên này thường xuất hiện khi nhà văn miêu tả số phận nhân vật trong những thời khắc quyết định nhất. Nhấn mạnh tính ngẫu nhiên của tình huống, các cây bút tiểu thuyết thời kỳ này muốn ngầm gửi đi một thông điệp: cái bóng bạo tàn của chiến tranh sẵn sàng đổ xuống cuộc đời con người trong mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm. Và trong môi trường chiến tranh đó, con người luôn tiềm tàng khả năng gánh chịu thương đau, mất mát như một định mệnh đã an bài.

Ở tình huống bất thường và tình huống ngẫu nhiên nhà văn hướng tới việc thể hiện nỗi buồn đau, bi kịch sau từng biến cố, tình tiết và vì thế, chỉ khi tình huống đã đi đến hồi kết thúc thì người đọc mới nhận ra những thương đau mà nó mang lại. Kiểu tình huống nghịch lí có một sự khác biệt nhỏ- yếu tố bi kịch được bộc lộ trực diện, bi kịch nằm ngay trong bản thân tình huống

và tạo được dư âm kéo dài ngay cả khi tình huống đã được tháo gỡ. Trong kiểu dạng tình huống này, nhà văn chủ tâm tạo nên những trạng huống đối lập, những nghịch cảnh đối cực, dồn ép để chúng va chạm nhau- qua đó làm nổi bật lên tính chất nghịch lí và bi kịch của tình huống. Phổ biến nhất trong văn học viết về chiến tranh sau 1975 là tình huống gặp gỡ được xây dựng theo mô hình này. Lực gặp lại Thai (Cỏ lau), người lính tật nguyền với vết thương khủng khiếp trên mặt trở về quê gặp lại vợ con (Tiếng vạc sành- Phạm Trung Khâu), Thảo gặp lại người yêu cũ (Người sót lại của rừng cười)…những cuộc hội ngộ sau nhiều năm xa cách của các cặp vợ chồng, các đôi trai gái yêu nhau éo le thay lại không có chỗ cho niềm vui và hạnh phúc ngọt ngào. Chiến tranh đã chặt lìa cuộc đời của hai người sang hai ngả khác nhau, không thể nào hàn gắn lại vẹn nguyên như trước. Người trở về hoặc bất lực trước số phận đã an bài, hoặc đau đớn trước sự đổi thay của người ở lại, hoặc không đủ dũng cảm để vượt qua những di hại của chiến tranh để lại trên thân thể mình để đón nhận hạnh phúc. Chiến tranh đã định đoạt bất hạnh, tước đoạt hạnh phúc của con người một cách tàn bạo, nghiệt ngã, đẩy con người vào tình thế buộc phải chấp nhận nghịch cảnh trớ trêu, nhận lấy phần thua thiệt về mình như một giải pháp không thể nào tránh thoát. Tính nghịch lí của tình huống gặp gỡ này còn có thể nhận thấy rất rõ trong những cuộc gặp gỡ sau nhiều năm xa cách giữa các đồng đội cũ. Út Thêm gặp lại Sáu Nguyện (Ba lần và một lần) không phải trong vị thế một người lính gặp lại chỉ huy của mình mà

trong vị thế một quan toà đứng trước phạm nhân. Sáu Nguyện giáp mặt với Năm Thành trong môi trường sống hoà bình nhiều đổi thay cũng gắn với sự hoán đổi ngôi vị: người hùng đại diện cho chính nghĩa, biểu tượng của lòng can trường, dũng cảm năm xưa trở thành kẻ làm thuê bé nhỏ, còn kẻ đào ngũ hèn nhát lại xuất hiện trong vị thế của một giám đốc thành đạt, giàu có, được trọng vọng, kính nể. Ở "Vòng tròn bội bạc", tình huống Linh gặp lại Hoè

cũng là một tình huống mang đậm màu sắc bi kịch. Những con người chung chiến tuyến diệt thù năm xưa, trong cơn dâu bể của cuộc sống hôm nay đã dạt về hai hướng cực không bao giờ đồng hành cùng nhau- một người đại diện cho công lí, cất lên tiếng nói bảo vệ cho sự thật và lẽ công bằng, một người lại là hiện thân của cái xấu, của thói vị kỉ cá nhân, thao túng quyền lực cần phải tiêu diệt. Tính chất đối đầu của những cuộc gặp gỡ này đã được các nhà văn sau 1975 khai thác để làm nổi bật nỗi buồn thời kì hậu chiến vốn là nhân tố cơ bản tạo nên cảm hứng bi kịch cho văn học sau 1975.

Ở nhiều tình huống khác, tính chất nghịch lí không được xây dựng từ sự va chạm, đối đầu giữa các nhân vật trong các thái cực đối lập mà được tạo nên từ chính nỗi trớ trêu, phi lí mà nhân vật phải nếm trải. Tình huống Thu (Nước

mắt đỏ), Quy (Chim én bay) chết trong cô đơn với khao khát làm vợ, làm mẹ

không bao giờ có thể trở thành sự thực- là một tình huống mang đậm tính chất nghịch lí như vậy. Lí ra họ phải có một cuộc sống hạnh phúc song cuối cùng lại phải sống cuộc đời không chồng, không con, không gia đình. Tước đoạt quyền sống của con người bằng cái chết- nhà văn muốn giải thoát cho nhân vật khỏi sự bế tắc song đồng thời cũng lại đẩy bi kịch của con người lên đến đỉnh điểm. Tính nghịch lí trong tình huống Quảng, Tạo voi, Oanh hi sinh (Thân phận của

tình yêu) mang dư vị cay đắng: khi lòng nhân trỗi dậy thì con người lại phảI trả

một cái giá rất đắt cho phần nhân tính vốn rất đẹp đẽ, thiêng liêng của mình. Cái chết của Can còn bi đát hơn khi nằm lại trên hẻm Tò Vò- nơi quê hương Lục Bình còn vời vợi cách trở, tên tuổi, hình hài một con người đã từng vào sinh ra tử, vốn hoàn toàn không phải là đồ tồi đã bị chìm nghỉm đi. Số phận dành cho Sáu Nguyện (Ba lần và một lần) có nỗi cay cực riêng- người hùng ngang tàng một thủa lại chết trong vị thế của một tù nhân tội lỗi, chết trong tình thế đơn độc, không kịp biết rằng cuộc đời cũng có chút ưu ái với mình khi giọt máu duy nhất đã được sinh ra và nuôi dạy thành người.

Miêu tả một mảng hiện thực đầy biến động, tiểu thuyết sau 1975 có một sự tiếp nối tiểu thuyết chiến tranh trước 1975 khi dựng lên những tình huống có tính chất thử thách con người. Ở kiểu tình huống này, bao giờ các tác giả cũng hướng tới việc bộc lộ đến tận cùng bản chất con người- cao cả hay thấp hèn, trung thực hay giả dối, vị tha hay độc ác…Với văn học trước 1975, khi nhân vật được đặt trong tình huống thử thách thì đều có khả năng chiến thắng hoàn cảnh, vượt qua khó khăn để toả sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Đây là kiểu tình huống được xây dựng qua sự dàn dựng, phối hợp của các yếu tố bên ngoài. Chính những khó khăn trở ngại của môi trường bên ngoài trở thành nhân tố thử thách lòng dũng cảm, đức hi sinh, sự gan dạ mưu trí của nhân vật. Tiểu thuyết sau 1975 với xu hướng viết về cuộc chiến tranh bằng cảm hứng bi kịch đã tạo nên những tình huống thử thách mà ở đó con người không thể vượt qua và chiến thắng hoàn cảnh. Nghĩa là con người không còn được nhìn nhận trong tư thế một vĩ nhân có khả năng thay đổi tình thế mà được nhìn nhận trong vị thế một con người bé nhỏ với những năng lực có hạn của mình không phải bao giờ cũng làm nên điều kì diệu phi thường. Trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh từ âm vang của chiến tranh, kiểu tình huống này được các nhà văn dụng công xây dựng để qua đó mở ra những bi kịch đau buồn của con người thời kì hậu chiến. Thử thách đặt ra với con người lúc này không phải là cuộc sống núi rừng gian nan thiếu thốn hay sự vô tình của bom đạn khôn lường luôn đặt sinh mệnh con người chênh vênh trên làn ranh giới mỏng manh của sự sống và cái chết. Những thử thách đặt ra lúc này là cuộc sống thời bình nhiều cám dỗ, nơi mà tiền tài, địa vị, quyền lực luôn có một ma lực kì bí cuốn hút con người. Nhiều nhân vật của tiểu thuyết

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 94 - 103)