Thời gian nghệ thuật:

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 89 - 94)

I. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT: 1 Không gian nghệ thuật

2.Thời gian nghệ thuật:

"Là hình tượng nghệ thuật, sản phẩm sáng tạo của các tác giả bằng

các phương tiện nghệ thuật"[76], thời gian nghệ thuật xuất hiện trong tác

phẩm như là một yếu tố quan trọng góp phần tổ chức thế giới nghệ thuật cho tác phẩm. Thời gian nghệ thuật không đồng nhất với thời gian vật lý vốn được miêu tả theo đúng sự vận hành của tự nhiên. Thời gian nghệ thuật chính là sản phẩm tinh thần của nhà văn được sáng tạo nên thông qua các biện pháp nghệ thuật nên luôn chứa đựng một ý tưởng nào đó của người cầm bút. Được xem là một "hình tượng nghệ thuật", thời gian nghệ thuật mang sức sống nội tại riêng gắn liền với những đặc trưng độc đáo, biểu hiện dưới nhiều dạng kiểu phong phú khác nhau trong mỗi tác phẩm văn học, trào lưu văn học, giai đoạn văn học hay một nền văn học nào đó.

Tiểu thuyết chiến tranh trước 1975 được xây dựng trên một nền không gian rộng lớn quen thuộc, gắn với một kiểu thời gian nghệ thuật mang nét riêng của thời đại. Đó là kiểu thời gian tuyến tính, kiểu thời gian lịch sử- sự kiện. Hàng loạt các tiểu thuyết: "Hòn đất", "Mẫn và tôi", "Đất nước đứng

lên", "Sống mãi với thủ đô", "Dấu chân người lính"…đều được tổ chức theo

kiểu thời gian này. Mạch truyện phát triển theo các biến cố, sự kiện với một trật tự trước sau cụ thể. Sự kiện liên tiếp sự kiện, biến cố liên tiếp biến cố

trong các tiểu thuyết trước 1975 nên thời gian nghệ thuật vì thế cũng mang âm hưởng gấp gáp, nhanh vội vốn rất phù hợp để diễn tả khí thế hào hùng sục sôi của cả dân tộc trong công cuộc cứu nước vĩ đại. Bối cảnh chiến trận nóng bỏng dường như không cho phép con người dừng lại để nghĩ sâu, nghĩ lâu một điều gì. Vả chăng cái hừng hực hăng say của triệu triệu con người cũng đã tạo nên một cơn bão lửa nóng bỏng như muốn cuốn trôi tất cả, ào ạt băng về phía trước. Bởi vậy, để ghi lại không khí rực lửa của thời đại, nhà văn thường bám sát thời gian hiện tại, vươn tới thời gian tương lai chứ không chú trọng đến thời gian quá khứ, thời gian tâm trạng.

Sau năm 1975, cùng với nhiều bình diện đổi mới khác, cấu trúc, đặc điểm của thời gian nghệ thuật trong các tiểu thuyết viết về chiến tranh đã có sự thay đổi. Xu hướng chung của tiểu thuyết sau 1975 là rút ngắn thời gian sự kiện và kéo dài thời gian tâm trạng. Không còn tham vọng tái hiện một bức tranh hiện thực rộng lớn, ngồn ngộn các biến cố sự kiện với một dung lượng nhân vật đông đảo, các nhà văn thời kỳ này tỏ ra hứng thú đi sâu khám phá đời sống tâm hồn phong phú, đầy bí ẩn của con người. Bởi vậy, biến cố sự kiện trở thành đường viền hoặc là cái cớ ban đầu để nhà văn khám phá hành trình tự ý thức của con người. Cùng với sự giảm bớt của sự kiện biến cố nhân vật của tiểu thuyết cũng được miêu tả thưa thớt hơn tiểu thuyết giai đoạn trước- ở nhiều tác phẩm thậm chí chỉ có một nhân vật chính (Thu- Nước mắt đỏ; Quy- Chim én

bay; Kiên- Thân phận của tình yêu). Nhiều nhà văn có xu hướng xây dựng cốt

truyện dựa trên dòng hồi tưởng triền miên của nhân vật. "Thân phận của tình

yêu"là một tác phẩm tiêu biểu cho xu hướng này. Bảo Ninh đã đưa nhân vật

Kiên lạc vào những miền ký ức rời rạc, đứt đoạn về quá khứ bi thương của thời đại mình. Ở đó nhân vật bắt đầu hành trình nhận thức về cuộc đời, về thân phận con người cũng như những mất mát thương đau mà chiến tranh buộc con người phải nếm trải. Toàn bộ tiểu thuyết là những dòng suy nghĩ triền miên chồng lớp

như muốn cuốn con người vào một vòng xoáy không thể nào thoát ra bên ngoài. Có thể nói sự gia tăng thời gian tâm lý đã cho phép nhà văn có điều kiện quan tâm nhiều hơn đến những vấn đề tâm lý riêng tư của con người cũng như những bi kịch cá nhân, những nghịch cảnh éo le.

Cùng với sự gia tăng thời gian tâm lý, một điều dễ nhận thấy trong mảng văn học chiến tranh sau 1975 là sự xuất hiện với mật độ cao của mảng thời gian quá khứ bên cạnh thời gian hiện tại. Khảo sát tác phẩm "Chim én

bay" (Nguyễn Trí Huân), "Thân phận của tình yêu" (Bảo Ninh) và "Ăn mày dĩ vãng" (Chu Lai), có thể thấy rất rõ sự ra tăng này. Ở tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu" tỉ lệ thời gian quá khứ và thời gian hiện tại là 3/1. Ở

"Chim én bay", "Ăn mày dĩ vãng" tỉ lệ này là 1/1. Điều này nói lên một thực tế: nhân vật của tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 không còn sống với thời gian sự kiện tuyến tính mà sống trong nhiều khoảng đan xen khác nhau giữa quá khứ và hiện tại. Sự đan xen quá khứ và hiện tại đó hiện diện trong hầu hết các sáng tác về chiến tranh thời kỳ này (Chim én bay, Nước mắt đỏ, ăn mày dĩ

vãng, Ba lần và một lần, Thân phận của tình yêu). Với sự gia tăng của thời

gian quá khứ, dường như nhà văn muốn khẳng định một điều rằng: chiến tranh đã lùi xa nhưng bóng đen thảm sầu của nó vẫn cứ là một ám ảnh luôn đồng hành với con người trong cuộc sống hiện tại hôm nay. Bởi vậy, bước ra từ môi trường sinh tử khó lường ấy, con người không thể yên ổn với hiện tại mà luôn bị một sức mạnh kì bí nào đấy hối thúc dấn bước vào những cuộc hành trình ngược thời gian về dĩ vãng. Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) phải lội dòng thời gian để kiếm tìm một sự thật đã làm anh không nguôi nỗi khắc khoải, đớn đau trong suốt những năm tháng còn lại của cuộc đời. Kiên (Thân

phận của tình yêu) chủ yếu sống trong thời gian quá khứ với tiếng bom rung

giật, tiếng la hét đau đớn, tiếng đạn rít mang tai, tiếng gầm dội của những chùm rốc két dội từ trực thăng xuống. Những trận đánh thần sầu trên đèo

Thăng Thiên, truông Gọi Hồn, hồ Cá Sấu, đồi Xáo Thịt luôn chờ có cơ hội là hiện về trong hồi ức của Kiên hết ngày này qua ngày khác, hết đêm thâu này thấu đêm thâu kia. Thu (Nước mắt đỏ) thường xuyên lạc vào mảnh đất quá khứ trong tiềm thức của mình với một hoài vọng quay quắt về mối tình duy nhất của cuộc đời không bao giờ có thể trở thành sự thật. Không dứt khỏi được ám ảnh của quá khứ, thường xuyên phải sống chập chờn trên cái ranh giới quá khứ - hiện tại vốn đã là hai thế giới hoàn toàn khác xa nhau, những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh ác liệt mấy chục năm vừa qua nhận ra rằng quá khứ mới đúng là mảnh đất dành cho họ. Ở đó, toàn bộ tính cách con người thiên bẩm của họ được thể hiện. Ở đó, là nơi gói trọn tất cả mọi tín điều tốt đẹp thiêng liêng của cuộc đời mà họ không thể tìm lại được trong cuộc sống hiện tại. Bởi vậy, cuộc hành trình ngược dòng thời gian của nhân vật bao giờ cũng gắn với một nỗi hoài vọng, tiếc nuối những năm tháng đáng nhớ nhất của cuộc đời con người. Hướng về quá khứ để được gặp lại gương mặt của đồng đội thân yêu, được nếm trải vị ngọt ngào hạnh phúc, được sống lại những năm tháng thanh tân tuổi trẻ đầy khao khát, rắn rỏi, mạnh mẽ và tràn đầy sinh lực- đó cũng là một cách thú nhận sự bất lực, nỗi bất hạnh của con người khi hoà nhập vào thế giới hiện tại của cuộc đời.

Bên cạnh việc xây dựng thời gian quá khứ như là một phương tiện biểu hiện sự hoài vọng, tiếc nuối quá vãng, các cây bút tiểu thuyết sau 1975 luôn đặt quá khứ trong quan hệ đối sánh với hiện tại. Thủ pháp đồng hiện thời gian với những mảng quá khứ- hiện tại đan xen đã tạo nên một sự thay đổi độc đáo trong kết cấu tiểu thuyết thời kỳ này. Hầu hết các tiểu thuyết không còn được viết theo thời gian lịch sử- sự kiện mang tính tuyến tính mà được dựng lên theo dòng hồi tưởng của nhân vật (thời gian phi tuyến tính). Các tiểu thuyết "Nước mắt đỏ", "Chim én bay", "Vòng tròn bội bạc", "Ăn mày dĩ vãng"...đều được kết cấu thời gian theo mô hình: tác phẩm bắt đầu bằng bối cảnh hiện tại,

toàn bộ bức tranh hiện thực của quá khứ đều được nhân vật hồi tưởng lại từ thời điểm hiện tại để tạo nên kiểu thời gian quá khứ trong hiện tại. Ở "Thân

phận của tình yêu" (Bảo Ninh) có một sự khác biệt nhỏ- nhà văn không chỉ

sáng tạo nên dòng thời gian quá khứ trong hiện tại mà còn viết về chiến tranh, miêu tả chân dung, số phận con người bằng mô hình thời gian quá khứ trong qúa khứ, hồi tưởng trong hồi tưởng. Sử dụng thủ pháp đồng hiện thời gian, các nhà tiều thuyết sau 1975 dễ dàng tạo nên một sự đối sánh giữa quá khứ và hiện tại, từ đó phát hiện ra những thăng trầm của kiếp người dâu bể trong cỗ máy vận hành nghiệt ngã của thời gian. Trong qúa khứ, Hai Hùng, Thiên, Ba Thành, Sáu Nguyện là những chàng trai rắn rỏi, tràn trề sinh lực "vòng ngực

vênh cong như rá úp, tóc dày cộm, chân tay xoắn chằng như chão bện"[11.35], thì hiện tại họ lại là những "lão già ốm o và sầu muộn"[25.586].

Người hùng đánh giặc có sỏi trong đầu, ngang tàng, kiêu bạc năm xưa giờ đã trở thành "con nộm rơm khốn khổ giữa cánh đồng đời đấy giông bão"[11.6], bị gạt ra bên lề của cuộc sống bon chen tất bật của thời bình. Quá khứ đối với Thu, Quy là thời con gái trẻ tuổi, nhan sắc, đã từng yêu và được yêu, đã từng say mê và được say mê - nhưng hiện tại lại phải sống một cuộc đời không chồng, không con, hoàn toàn không thể thực hiện cái thiên chức cao cả của một người vợ, một người mẹ như bao nhiêu người phụ nữ bình thường khác. Với thủ pháp đồng hiện thời gian, nhà văn đã tái hiện được sống động nhiều chặng đường khác nhau trong đường đời của nhân vật mà trên các chặng đường đó, quãng đời qúa khứ dẫu có chứa đựng cả những đau thương cay cực thì vẫn cứ là quãng đời đẹp nhất. Vì thế nhân vật của tiểu thuyết sau 1975 khi sống trong môi trường sống hoà bình vẫn luôn nhập thân vào dòng hồi tưởng ngược thời gian về qúa khứ như muốn một lần nữa được sống lại cái thời khắc đẹp đẽ, huy hoàng bậc nhất của cuộc đời mình. Không kiếm tìm được hạnh phúc và tiếng nói chung trong cuộc sống hôm nay, cảm nhận rõ vị thế cô đơn

của mình ở hiện tại, con người lại hướng về quá khứ như muốn kiếm tìm nguồn sức mạnh để nâng đỡ mình trong cuộc sống hiện tại. Đối với Kiên (Thân phận của tình yêu) thì "không phải cuộc sống mới, thời đại mới, không phải là những hi vọng về tương lai tốt đẹp đã cứu giúp tôi, mà trái lại chính những tấn thảm kịch của quá khứ đã nâng đỡ tâm hồn tôi, tạo sức mạnh tinh thần cho tôi thoát khỏi vô tận những tấn trò đời hôm nay. Chút lòng tin và lòng ham sống còn lại (….) không phải do những ảo tưởng mà là nhờ sức mạnh của những hồi tưởng" [25.420]. Đó cũng là suy nghĩ chung

của những người may mắn hơn các đồng đội đã ngã xuống, có thể bỏ lại sau lưng cánh rừng đại ngàn khét lẹt mùi bom đạn đầy chết chóc để trở lại cuộc sống hoà bình.

Tiểu thuyết viết về chiến tranh sau 1975 đã chứng tỏ sự sáng tạo vươn lên của các nhà văn với mong muốn kiếm tìm cái mới, tạo ra những phá cách độc đáo trên nhiều bình diện mà một trong số đó là cách tổ chức các mô hình không gian, thời gian nghệ thuật của tác phẩm. Với việc dựng lên nhiều mảng không gian xen kẽ nhau, tái hiện đan cài nhiều khoảng thời gian khác nhau, tiểu thuyết chiến tranh sau 1975 đã mở rộng được phạm vi phản ánh hiện thực, khai phá sâu hơn thế giời tâm linh đầy bí ẩn cũng như theo sát và tái hiện được chân dung con người với tư cách cá nhân, có số phận riêng tư trong dòng chảy trầm luân dâu bể của cuộc đời. Chính nhờ mô hình không gian, thời gian này nhà văn đã thể hiện được chân thực, sâu sắc những bi kịch cá nhân riêng tư của con người cũng như nỗi buồn chiến tranh thời kỳ hậu chiến lặng lẽ nhưng lại có dư âm tê tái riêng.

(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 89 - 94)