III. ĐẾN NỖI BUỒN CHIẾN TRANH THỜI KÌ HẬU CHIẾN: 1 Chiến tranh được nhìn nhận bằng sự trải nghiệm cá nhân:
2. Chiến tranh – hiện thực bất thường, khắc nghiệt
Cuộc sống trận mạc chịu tác động bởi đạn bom, bởi ranh giới mỏng manh giữa sự sống và cái chết nên không bao giờ có vẻ yên ả thường tình. Hiện thực bất thường đó đã được văn học 1945-1975 đề cập tới qua những thiếu thốn vật chất, sự khắc nghiệt của môi trường (địa hình, khí hậu), nỗi ám
ảnh bệnh tật mà người lính luôn phải đối mặt. Tuy nhiên, cảm hứng chung của các nhà văn khi viết về những nỗi gian truân vất vả nhọc nhằn này lại là cảm hứng lãng mạn ngợi ca. Cuộc sống gian nan, thiếu thốn không phải của riêng cá nhân nào đã trở thành niềm tự hào chung của cả cộng đồng nên dẫu phải "khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt, máu trộn bùn non" thì vẫn "gan không núng, chí không mòn". Có thể nói, trong văn học thời kì này, hoàn cảnh sống khắc nghiệt lại trở thành môi trường lí tưởng để toả sáng vẻ đẹp của chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Sau năm 1975, các nhà văn viết về chiến tranh vẫn tiếp tục lấy hiện thực bất thường đó làm đối tượng khám phá, miêu tả nhưng mạch cảm hứng chung dường như đã rẽ sang một hướng khác. Âm hưởng lãng mạn một thời tuy vẫn hiện diện trong tác phẩm của Nguyễn Trọng Oánh, Thái Bá Lợi, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai... nhưng bên cạnh đó đã có sự góp mặt của nỗi buồn đau, bi kịch. Ở nhiều tác phẩm, cảm hứng về nỗi buồn đã trở thành cảm hứng chủ đạo. Tính chất bất thường, khắc nghiệt của chiến tranh trong văn học thời kì này không dừng lại ở những đau thương, chết chóc, mà còn được khai phá sâu hơn, đề cập tới sự chi phối nghiệt ngã của chiến tranh tới thân phận con người, huỷ hoại thế giới tâm hồn đẹp đẽ, nghiền nát những ảo tưởng, hoài bão vốn rất thiêng liêng của con người.
Qua các trang viết sau ngày giải phóng có thể nhận thấy môi trường chiến tranh đã được miêu tả ở những nét cận cảnh chân thực, cụ thể gắn với nhiều hiểm nguy, khắc nghiệt. Các nhà văn nhìn thấy ở những nẻo đường hành quân gian lao sự nghiệt ngã của khí hậu, địa hình, nỗi thiếu thốn thuốc men, lương thực... đã trở thành hiểm hoạ luôn rình rập để cướp đi sinh mạng của con người bất kì lúc nào. Bảo Ninh đã đem được thực tế cùng cực, nghiệt ngã ấy vào trong tiểu thuyết "Thân phận của tình yêu". Ở tiểu thuyết này,
không gian núi rừng âm u và không gian mưa lạnh lẽo. Đặc điểm của khí hậu và địa hình của vùng rừng núi phía Nam đó vừa là một thử thách, vừa là nỗi đày đoạ buộc con người phải ép mình gắng gượng. Sống trong không gian xám xịt, bầu trời, núi non một màu bạc phếch và mưa rấm rứt, âm thầm chảy xuyên qua lớp sương mù xám trắng màu tang tóc, con người cảm nhận rõ nỗi buồn chán, sự thống khổ và mùi tử khí lờm lợm sực lên khắp mọi nơi. Cuộc sống dậy lên mùi ẩm mốc, bế tắc- "khẩu phần lương thực đang sụt xuống
nhanh như thể nước trong cái bình bị đập vỡ đáy. Khổ sở vì đói, vì sốt rét triền miên, thối hết cả máu, vì quần áo tả tơi và vì những lở loét cùng người như phong hủi"[25.386]. Cuộc sống thiếu thốn và khắc nghiệt được miêu tả
bằng chính sự trải nghiệm của người trong cuộc nên mang sự thấm thía, chua xót rất rõ. Viết về những sự thiếu thốn, vất vả đó, các cây bút sau 1975 muốn nói lên một sự thực rằng: những nhu cầu tưởng như là tầm thường, bé nhỏ của con người thực ra lại không hề nhỏ bé, tầm thường chút nào. Bỏ qua cái bé nhỏ, tầm thường để hướng tới mục đích lớn lao; quên đi mọi khó khăn, thiếu thốn để vươn tới lí tưởng cách mạng cao cả- đó là điều dân tộc ta, đất nước ta đã làm được. Cả một thế hệ người Việt Nam đã lớn lên từ sự hi sinh đó. Đề cập đến cái đói, cái khát, đến sự thiếu thốn vật chất trong chiến tranh, tiểu thuyết sau 1975 đưa ra một cách nhìn, một quan điểm mới: con người ta nhiều khi không thể vượt qua được cái "ngưỡng" tầm thường đó. Bởi một lẽ giản đơn, trước khi là một thánh nhân, là một anh hùng thì họ vẫn là một con người bình thường. Điều này cho thấy hiện thực chiến tranh đã được tiếp cận bằng cái nhìn biện chứng, không chỉ thấy khả năng vượt lên trên hoàn cảnh của con người mà còn nhận ra sự bất lực của con người trước sức mạnh chi phối nghiệt ngã của hoàn cảnh. Khám phá sâu hơn những bất lực đó, tiểu thuyết chiến tranh giai đoạn này đã tạo nên tính bi kịch như một đặc điểm riêng của văn học sau 1975.
Với quan điểm tiếp cận hiện thực trên, Chu Lai xây dựng hình tượng Hai Hùng (Ăn mày dĩ vãng) như là một kiểu mẫu người lính tiêu biểu trong chiến tranh song vẫn không thoát khỏi vòng kìm toả của những thiếu thốn mà chiến tranh mang lại. Khai trừ Đảng một đồng chí gan dạ nhưng đã tự tiện ăn hết phần gạo qui định, Hai Hùng cũng lại thú nhận với Ba Sương rằng mình đã từng mò sang lán thương binh ăn trộm một hộp sữa - "không dao, không kéo, chỉ bằng hai hàm răng anh đã cạp thủng nắp hộp và mút một hơi đến tận đáy"[11.134]. Và khi đồng đội hồ nghi, tra vấn lẫn nhau thì anh cắm mặt
xuống đất, im lặng không nói gì. Ở nhân vật Kiêu (Nắng đồng bằng – Chu Lai), Năm Thành (Vòng tròn bội bạc- Chu Lai), Can (Thân phận của tình yêu- Bảo Ninh), Thăng (Cơn dông- Nguyễn Minh Châu)... những tác động
của môi trường sống khắc nghiệt dẫn đến những hành động quyết liệt hơn: đào ngũ, chạy trốn khỏi cõi đạn bom bạo liệt, khổ sở vì đói rét để kiếm tìm một cuộc sống đầy đủ hơn. Đói khát, khổ sở đã làm cho con người ta xấu đi - đó là một thực tế mà không phải người cầm bút nào cũng đủ dũng cảm để nói lên. Viết nhiều về những khó khăn, gian khổ, những thiếu thốn vật chất, tiểu thuyết sau 1975 không có tham vọng sử dụng hoàn cảnh để làm nền nổi bật các phẩm chất cách mạng cao đẹp của con người. Khám phá tính chất bất thường, khắc nghiệt của hiện thực- các nhà tiểu thuyết muốn lật đến góc khuất tận cùng của chiến tranh, qua đó bày tỏ nỗi cảm thông với những cực nhục, thống khổ mà con người phải chịu đựng khi bi ném vào guồng máy chiến tranh bạo tàn. Chú ý đến những tháng ngày tăm tối đằng sau mọi chiến thắng vinh quang, hướng về những thiệt thòi, cực nhục mà con người phải gánh chịu- tiểu thuyết sau 1975 đã bứt khỏi giọng điệu ngợi ca một chiều để nói lên nhiều sự thật đau buồn có thực trong cuộc chiến tranh vừa qua của cả dân tộc. Giọng điệu buồn đau, bi kịch không còn là âm hưởng nhạt mờ mà đã trở
thành giọng điệu quen thuộc của không ít tác phẩm viết về chiến tranh trong những năm tháng hoà bình này.
Cùng với nỗi đày đoạ thiếu thốn vật chất, chiến tranh còn đày ải con người trong nỗi thống khổ về tinh thần. Ở phương diện này chiến tranh mới thực sự lộ rõ bản chất huỷ diệt tàn bạo của mình. Cuộc sống trận mạc thiếu thốn, khổ sở, hết trận đánh này đến trận đánh khác nhưng ngả đường chiến tranh vẫn mở ra mênh mang vô tận khiến tâm hồn con người ngày một thêm hoang phế, trống rỗng. Niềm tin vào tương lai, vào ngày đoàn tụ hao mòn dần theo năm tháng, mệt mỏi vì chết chóc và chém giết- những chàng trai tuổi 19, 20 đã từng nhiệt tình, hăm hở dấn thân vào cuộc chiến tranh này nhận ra rằng "dần dần cái ngây ngất sau một lần đánh thắng, cái đau buồn sau một lần
chiến bại trong anh không còn nữa. Tất cả đã vón cục lại thành nghĩa vụ, thành bản năng tự vệ và một chút tự trọng đàn ông. Lí tưởng ư? Mục đích ư? Giải phóng miền Nam ư? Vẫn còn cả đó nhưng nó đã lặn vào đâu đó trong sâu lắm rồi, không dễ gì mỗi lúc mà moi ra nhấm nháp" [11.143].
Chặng đường chiến tranh mở ra mênh mang vô tận khiến cái nhìn về cuộc sống của người trong cuộc có lúc dậy lên một màu xám xịt ảm đạm, buồn chán. Cỗ máy bạo tàn đó đã nghiền nát tất cả những tín điều thiêng liêng, đẹp đẽ, đập tan mọi khát vọng, hoài bão của con người và ném trả họ vào một thế giới "bạt sầu vô cảm và tuyệt tự khủng khiếp nhất của dòng giống con
người" [25.399]. Đối với Hai Hùng, Tám Tính, Ba Thành thì lí tưởng, mục
đích giả phóng miền Nam "đã lặn vào đâu đó trong sâu lắm rồi". Kiên (Thân phận của tình yêu) cũng không thể còn nguyên vẹn sự hăng say, hăm hở để tâm niệm như trước đây: "Chiến tranh- bây giờ mới thật là sống". Cùng với thời gian, tâm hồn con người ngày một thêm hoang phế – niềm tin lụi tàn, niềm vui đối với họ cũng thật là hiếm hoi và thường là không trọn vẹn, thậm chí có vẻ đáng thương, tội nghiệp. Đó là niềm vui "khi nắng lên, vui khi
trăng tỏ, vui khi đột ấp trót lọt, vui khi quơ được mẻ cá ngon, khi được ngủ đẫy đêm không phải trở dậy đi đánh giặc, vui khi gặp nhau có bi đông rượu óc ách và vui khi thắng trận trở về. Thắng trận chứ không phải vào trận. Thắng trận có nghĩa là được nghỉ ngơi, xả hơi ít nhất mươi ngày, còn vào trận có nghĩa là sắp khổ sở, sắp chết chóc, có phải đao phủ đâu mà vui"[11.196]. Nói như Bảo Ninh – có lẽ thời buổi chiến tranh là thời buổi
ngược đời nên "những chuyện được coi như là lớn lao, những mối nguy to
tát đều là thường nhật, còn những gì nhỏ nhoi, cỏn con như niềm vui, nỗi buồn hàng ngày của kiếp người thì lại trái lẽ và họa hoằn, hãn hữu lắm mới có nổi" [25.400]. Ý thức được điều đó con người cũng đồng thời nhận ra được
bi kịch của hoàn cảnh mà mình đang nếm trải. Ở đây tính bi kịch không phải chỉ nằm ở sự đe doạ của thương vong, chết chóc mà còn nằm ở tình thế con người dường như đã bị chặt lìa hoàn toàn với thế giới bên ngoài- bị cắt lìa khỏi người thân, bị tước bỏ hoàn toàn những nỗi niềm hạnh phúc, hân hoan vốn rất thường tình, giản dị. Cuộc sống đau buồn, tàn lụi niềm tin và hiếm hoi hạnh phúc tuồng như muốn đẩy họ tới ngõ cụt không lối thoát là cái chết. Và chính bởi tình thế cùng quẫn, bế tắc, vô vọng đó buộc con người phải dựng nên những hi vọng bằng ảo ảnh của khói hồng ma để "quên đi mọi nông nỗi
đời lính, quên đói khổ, quên chết chóc, quên béng ngày mai"[25.376]. Những
ảo mộng mà khói hồng ma mang lại thực tế đã nâng đỡ con người vượt qua được mọi chết chóc, đau buồn của những tháng ngày thống khổ này. Kiên "lại
được thấy Hà Nội của anh Hồ Tây, chiều hạ, hàng phượng vĩ ven hồ, tiếng ve sầu ran lên khi hoàng hôn xuống anh cũng nghe thấy và cảm thấy sóng vỗ mạn thuyền. Anh mơ thấy Phương đang ở trên thuyền với anh, tóc vờn trước gió, trẻ trung, xinh đẹp không một nét sầu thương (...). Cừ thì rượu sắn hay hồng ma đều chỉ khuấy lên độc một cảnh tượng uỷ mị, khó tin của
ngày trở về với cảnh sum họp, đoàn tụ.(...) Vĩnh chỉ rặt mơ thấy đàn bà. (...) Tạo voi đặc biệt hay mơ sự ăn uống" [25.376].
Đi sâu vào thế giới tâm hồn của con người, các cây bút viết về chiến tranh sau 1975 nhận thấy tính chất nghiệt ngã của chiến tranh hiện hình ngay trong sức mạnh tàn bạo đè bẹp, nghiền nát mọi khát vọng, mơ ước giản dị của con người- khát vọng về tình yêu và hạnh phúc. Câu chuyện tình hoang dại giữa các đội viên phân đội trinh sát với 3 cô gái trong khu trại tăng gia của huyện đội 67 diễn ra dưới sự đồng loã của bóng đêm và những cơn mưa rừng ướt rượi (Thân phận của tình yêu- Bảo Ninh); căn bệnh kì lạ phải nhờ đến bàn tay đàn ông chữa trị của Thu (Ba lần và một lần – Chu Lai), của các cô gái thanh niên xung phong trong truyện ngắn "49 cây cơm nguội" (Nguyễn Quang Lập), "Người sót lại của rừng cười" (Võ Thị Hảo)...; nỗi nhớ vợ cồn cào của Khiển (Ăn mày dĩ vãng- Chu Lai) được hóa giải bằng những lần tắm sông gắn với ám ảnh nhức nhối về cái đêm cuối cùng từ biệt vợ vào chiến trường… tất cả là kết quả của những cảm xúc đẹp đẽ, trần thế của tuổi thanh xuân hừng hực bị chiến tranh, bom đạn, bị núi rừng hoang sơ thần bí đè bẹp nay bỗng nhiên trỗi dậy với một sức mạnh cuồng si. Những mối tình trong văn học chiến tranh sau 1975 nói chung và tiểu thuyết nói riêng bao giờ cũng mang đậm nỗi éo le, đau buồn như vậy. Tình yêu và chiến tranh- cái ngọt ngào đắm say nảy sinh từ trong chết chóc đau thương, đượm mùi tử khí – nghịch cảnh ấy dường như gây một ấn tượng mạnh đối với người cầm bút. Tiểu thuyết chiến tranh trước 1975 viết nhiều về tình yêu nhưng là một thứ tình yêu đậm màu sắc lãng mạn, có thể vượt lên trên khói lửa đạn bom để thắp sáng niềm tin lí tưởng. Đó là thứ tình yêu đồng hành với tình yêu quê hương, xứ sở, gắn với sự ngưỡng mộ, tôn thờ các phẩm chất tốt đẹp có ở trong nhau. Mối tình của Hảo- Quỳnh. Đông-Thuỳ (Vùng trời- Hữu Mai), Lữ-Quỳnh (Dấu chân người lính – Nguyễn Minh Châu), Lãm – Nguyệt (Mảnh trăng
cuối rừng- Nguyễn Minh Châu)... đều mang đậm màu sắc lãng mạn như thế.
Sau 1975, tình yêu thời chiến được chú ý miêu tả ở một góc độ khác, hoàn toàn xuất phát từ bản năng tự nhiên của con người. Những cảm xúc, cảm giác tự nhiên trong tình yêu được các nhà văn miêu tả rất tự nhiên, thành thực. Tám Tính "cứ thấy hơi hướng đàn bà, bất kể già trẻ lớn bé, miễn là có da có
thịt là tâm hồn bấn loạn, mắt nhìn như lồi ra, toàn thân cứng ngắc như bị thôi miên, như bị hoá thạch..."[11.78]. Khói hang ma đưa Vĩnh (Thân phận của tình yêu- Bảo Ninh)thoát khỏi hiện tại chết chóc để đến với những giấc
mơ rặt bóng dáng đàn bà... Tình yêu, hạnh phúc vốn là khát những vọng bình thường giản dị của mỗi con người- nhưng trong thời buổi chiến tranh này nó lại là một khát vọng quá xa xỉ và hiếm hoi lắm mới có cơ hội trở thành sự thật. Đó là cõi chập chờn bất định, ngỡ là có thể nắm giữ trong tầm tay mà kì thực lại hết sức xa xôi. Bởi vậy, dường như tồn tại tư tưởng hưởng thụ, sống gấp trong hiện tại vì tương lai, ngày mai có thể là cái chết, là vĩnh viễn lặng câm trong lòng đất mà chưa một lần được nếm trải niềm hạnh phúc ngọt ngào, trần thế nhất của dòng giống con người. "Một lần nữa thôi cũng là đủ cho
mãi mãi bởi vì đêm mai, đêm mốt, có thể một trong hai người, một trong chúng ta sẽ không còn"[11.78]– suy nghĩ đó của Hai Hùng cũng đồng thời là
tâm lí chung của phần đông những nhân vật của tiểu thuyết chiến tranh sau 1975. Bởi vậy trước giờ khắc quyết định phải đối mặt với kẻ thù, Thu mới trao gửi cho Tuấn cuộc đời con gái trinh trắng của mình, Hai Hùng và Ba Sương mới đi đến sự khám phá tận cùng của tình yêu, Tám Tính- Hai Hợi mới bùng nổ cơn khát thèm tình cảm (Ăn mày dĩ vãng). Mối tình cuồng si, bí ẩn, hoang dại giữa những người lính trong phân đội trinh sát của Kiên với 3 cô gái bị chiến tranh bỏ quên trong rừng thẳm (Thân phận của tình yêu) diễn ra hằng đêm, bất chấp những cơn mưa nặng nề xối dội hay những cơn mưa rào rào vội vã, ướt át, lầy lội, khốn khổ, sự hiến dâng của Thu với Dong
(Nước mắt đỏ) trong một mối tình ngắn ngủi nhưng lại ám ảnh đau đớn suốt cuộc đời... đều xuất phát từ tâm lí hưởng thụ gấp gáp đó. Hạnh phúc đến vất