Kiểu không gian cá nhân riêng tư:

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 80 - 82)

I. KHÔNG GIAN NGHỆ THUẬT VÀ THỜI GIAN NGHỆ THUẬT: 1 Không gian nghệ thuật

1.1 Kiểu không gian cá nhân riêng tư:

Nếu như trong tiểu thuyết viết về chiến tranh trước 1975 mô hình không gian nghệ thuật phổ biến là mô hình không gian mở, luôn hướng ra bên ngoài, vươn tới sự giao thoa, hoà hợp với những miền không gian khác, thì ở tiểu thuyết sau 1975 đã thấy xuất hiện kiểu không gian cá nhân riêng tư nhỏ bé. Đó là không gian của gian phòng, căn gác xép, căn hộ độc thân, ngôi nhà nhỏ khuất xa sự ồn ào của phố thị. Thế giới riêng tư của những con người bước ra từ cơn binh lửa khốc liệt vừa qua tuồng như muốn phong kín với môi trường bên ngoài, che lấp đi những sóng ngầm, gió xoáy mà con người phải lặng lẽ hứng chịu bên trong.

Khi đặt con người trong không gian cá nhân riêng tư, tách biệt với môi trường bên ngoài, các nhà tiểu thuyết sau 1975 đã phát hiện được chiều sâu tâm hồn vốn rất phong phú, phức tạp của những con người trở về sau cơn sinh tử khốc liệt vừa qua. Trong không gian đó, con người mới thực sự là mình, sống trọn vẹn với mọi vui buồn được mất của cá nhân một cách thành thực nhất. Và vì thế, những bi kịch cá nhân thời kì hậu chiến hơn bao giờ hết được lột tả sâu sắc hơn cả. Gian phòng nhỏ của Thu (Nước mắt đỏ) là nơi chứng kiến tất cả nỗi nuối tiếc một tình yêu dang dở, niềm khao khát làm mẹ, làm

vợ, sự chật vật kiềm chế những dục vọng bản năng của một người phụ nữ hoàn toàn rất đáng được yêu, được hưởng hạnh phúc như mọi người phụ nữ bình thường khác. Nỗi đau thời kì hậu chiến không ồn ào nhưng có cái xót xa, lặng lẽ riêng của nó mà chỉ khi trở về với gian phòng nhỏ của mình, Thu mới cảm thấu hết được. Căn gác độc thân của Kiên (Thân phận của tình yêu)

cũng có dáng vẻ lạnh lẽo, buồn tẻ như vậy. Chỉ trong cái thế giới riêng tư này Kiên mới có thể đau đáu một tình yêu trước chiến tranh với Phương và một tình yêu khác sau chiến tranh cũng với Phương. Tuy nhiên, bóng ma của chiến tranh phủ trùm lên căn gác có ánh đèn dầu dị mọ này cùng với bốn bức tường chật chội, cánh của luôn luôn đóng kín hình như không đủ sinh khí để đón đợi và nuôi dưỡng tình yêu nên với Kiên, hạnh phúc, tình yêu luôn là một thứ ảo ảnh xa vời, chập chờn trước mắt, không bao giờ có thể với tới. Sống cuộc đời thị dân xám xịt, cạn kiệt niềm vui trong căn gác nhỏ, anh tự đày ải mình bằng bi kịch tình yêu cùng quẫn, không lối thoát. Và cũng từ căn gác nhỏ này, quá khứ của anh, thời đại của anh dội về trong hồi tưởng, tuồng như cuộc chiến của anh vẫn còn đang ồn ào quanh đây chứ chưa phải đã khép lại. Những kinh hoàng về thương vong mất mát, nỗi tiếc thương và niềm biết ơn vô hạn đối với các đồng đội đã ngã xuống đã tạo nên một nỗi buồn chiến tranh lặng lẽ một màu xám chì vây bủa lấy thế giới riêng tư của Kiên. Đối với Kiên, căn gác nhỏ là nơi anh được sống lại với tuổi trẻ của mình, thời đại của mình, sống lại với cả một quá khứ bi hùng mà mình từng gắn bó, xông pha. Nhưng với Tư Chao (Ba lần và một lần), Ba Sương (Ăn mày dĩ vãng) thì gian phòng nhỏ bé riêng tư lại trở thành nơi để trốn tránh quá khứ một thời vốn rất đẹp, rất đáng tự hào. Ở đây, bi kịch cá nhân của con người không phải do chiến tranh gây nên mà là do chính bản thân con người đã bị tha hoá, choáng ngợp trước những cám dỗ thời kì hậu chiến. Cuộc sống đô thị đầy đủ, thói quen nhấm nháp hư vinh đã biến con người trở thành nạn nhân của chính

mình. Tuy vậy khi trở về với căn phòng riêng tư, mọi chiếc mặt nạ dường như bị lột bỏ- nhân vật phải đối diện với nguyên bản của mình. Ba Sương gặp lại Hai Hùng và lớp vỏ bọc "bà giám đốc Tư Lan" bị xé bỏ; Tư Chao gặp lại Sáu Nguyện... tất cả những tình huống kịch tính đó đều diễn ra trong không gian riêng tư này- không gian ẩn hình đồng thời cũng là không gian hiện hình.

Tạo dựng những mảng không gian riêng tư, tiểu thuyết viết về chiến tranh sau 1975 đã hướng vào đi sâu khám phá đời sông tâm hồn phong phú và đầy bí ẩn của những con người đã từng chứng kiến và trải nghiệm qua khói lửa đạn bom. Ở đó nhà văn đã phát hiện ra những bi kịch cá nhân với muôn nghìn dạng thái khác nhau song bi kịch nào cũng có cái đau đớn, khắc khoải riêng. Miêu tả kiểu không gian bé nhỏ này, các tác giả dường như đều cảm nhận thấy sự chật chội, bức bối cũng như âm vị lạnh lẽo, vắng lặng, buồn tẻ tựa như thân phận của những kiếp người tồn tại bên trong. Cảm thấu nỗi cô đơn, lạc lõng, sự đau đớn âm thầm từ bên trong căn gác, gian phòng, ngôi nhà nhỏ, tiểu thuyết viết về chiến tranh sau chiến tranh đã chạm tới nỗi buồn lặng lẽ, thê thiết đè nặng lên số phận con người thời kì hậu chiến.

Một phần của tài liệu Cảm hứng bi kịch trong một số tiểu thuyết tiêu biểu viết về chiến tranh sau 1975" (Trang 80 - 82)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(124 trang)
w