Sau khi nhận được thông báo về vụ việc mang tính hình sự cần tiến hành khám nghiệm, lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây phải chủ động bố trí, phân công Kiểm sát viên tiến hành kiểm sát khám nghiệm hiện trường đối với tất cả các vụ việc mà Cơ quan điều tra tiến hành khám nghiệm nên phần lớn tất cả các cuộc khám nghiệm đều có Kiểm sát viên tham gia, giám sát chặt chẽ, yêu cầu Điều tra viên khám nghiệm tỷ mỷ, đầy đủ theo quy định của pháp luật. Những vụ việc có hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, giết người không quả tang hoặc phức tạp, thì lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây đã trực tiếp tiến hành kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Tuy nhiên, sự tham gia của lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây thường rất ít và hầu như không có, thậm chí nhiều lãnh đạo còn cắt cử những cán bộ, Kiểm sát viên năng lực hạn chế đến kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, chính vì vậy hiệu quả công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường trên địa bàn tỉnh Hà Tây không cao.
Khám nghiệm hiện trường là hoạt động điều tra được quy định tại Điều 150 Bộ luật tố tụng hình sự, được tiến hành trực tiếp tại hiện trường do Điều tra viên tiến hành, nhằm phát hiện, xem xét, ghi nhận dấu vết của tội phạm, vật chứng và làm sáng tỏ các tình tiết có ý nghĩa đối với vụ án tại nơi xảy ra, nơi phát hiện tội phạm. Chính vì vậy, việc khám nghiệm hiện trường có thể được tiến hành trước khi khởi tố vụ án hình sự và điều luật quy định Kiểm sát viên phải có mặt để kiểm sát việc khám nghiệm hiện trường. Thông qua hoạt động khám nghiệm hiện trường, kết quả của hoạt động khám nghiệm hiện trường sẽ giúp Cơ quan điều tra quyết định: hiện trường có sự kiện phạm tội xảy ra không, có dấu hiệu tội phạm không, có khởi tố vụ án hình sự không.
Thứ nhất: Hoạt động kiểm sát công tác chuẩn bị trước khi đến hiện trường bao gồm những hoạt động sau đây:
+ Kiểm sát việc bảo vệ hiện trường
Ngay sau khi nhận được thông báo của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Hà Tây về việc khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây được phân công kiểm sát hoạt động khám nghiệm hiện trường phải yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện ngay các biện pháp cần thiết để bảo vệ hiện trường, như: phải kịp thời bao quát
toàn bộ hiện trường, không để người không có trách nhiệm ra vào hiện trường, không ai, không người nào được phép tự ý mang bất kỳ vật gì ở hiện trường đi nơi khác hoặc di chuyển vị trí các đồ vật tại hiện trường, không được tiết lộ các tin tức, tài liệu về hiện trường; xác định ngay các nhân chứng của vụ án, chú ý các dấu vết nguồn hơi để sử dụng chó nghiệp vụ truy tìm thủ phạm gây án. Tuy vậy trên thực tiễn công tác cho thấy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây đã không làm tốt hoạt động này, cho rằng đó là phần việc Cơ quan điều tra phải làm, nên qua khảo sát và tổng kết công tác khám nghiệm hiện trường thì 99% các vụ cần khám nghiệm chưa có trường hợp nào Viện kiểm sát nhân tỉnh Hà Tây có yêu cầu Cơ quan điều tra thực hiện công tác bảo vệ hiện trường.
+ Kiểm sát việc thành lập Hội đồng khám nghiệm
Thông thường lực lượng khám nghiệm gồm có: các Điều tra viên; Kiểm sát viên; người chứng kiến; các nhà chuyên môn (tùy thuộc vào sự việc xảy ra tại hiện trường mà mời các nhà chuyên môn cho đúng chức năng của họ, ví dụ: hiện trường vụ việc có tử thi thì phải mời bác sĩ pháp y; hiện trường cháy nổ thì phải mời chuyên gia giám định về chất nổ...), để làm tốt hoạt động này Kiểm sát viên phải nhanh chóng xác định tính chất vụ việc nơi xảy ra để lưu ý Điều tra viên trong việc mời người chứng kiến, mời các nhà chuyên môn cần thiết tham dự vào việc khám nghiệm. Trong trường hợp vụ án hình sự đã khởi tố và hoạt động khám nghiệm hiện trường tiến hành khi đã khởi tố bị can, thì Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây khi tham gia kiểm sát khám nghiệm hiện trường phải nhanh chóng quyết định việc có thể cho bị can, người bị hại hoặc người làm chứng của vụ án tham dự vào hoạt động khám nghiệm hay không (kể cả trường hợp họ yêu cầu hoặc không yêu cầu để tránh sự phức tạp, khiếu kiện dài ngày sau đó). Thực trạng hoạt động này cho thấy, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây khi được phân công kiểm sát điều tra tại hiện trường chỉ chú trọng hoạt động kiểm sát những công việc tiến hành khám nghiệm tại hiện trường, vấn đề thành phần Hội đồng khám nghiệm, công tác chuẩn bị tiến hành khám nghiệm không được Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây chú ý, qua số liệu khảo sát cũng có tới 97,5% các vụ khám nghiệm được tiến hành Kiểm sát viên không quan tâm đến những vấn đề nêu trên. Nhiều vụ, việc xảy ra Hội đồng khám nghiệm không đúng thành phần, không đúng chức danh,
Kiểm sát viên Viện kiểm sát tỉnh không phát hiện được nên kết thúc khám nghiệm vẫn ký nhận vào biên bản khám nghiệm. Sau này phát hiện không thể khắc phục được nữa.
+ Kiểm sát, kiểm tra để bảo đảm các phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động khám nghiệm hiện trường được chuẩn bị đầy đủ, phù hợp với hiện trường vụ, việc xảy ra
Đảm bảo những phương tiện kỹ thuật được chuẩn bị đầy đủ: như các va ly dự thẩm; máy chụp ảnh; máy soi; máy ghi âm, ghi hình... các phương tiện nhằm phát hiện dấu vết vật chứng, các phương tiện nhằm thu thập dấu vết vật chứng, đặc biệt trong những trường hợp việc khám nghiệm hiện trường phải tiến hành ở nơi xa, hẻo lánh, đêm tối hoặc phải tiến hành khám nghiệm dài ngày thì công việc chuẩn bị này phải chu đáo và đầy đủ tránh thiếu phương tiện, công cụ khám nghiệm mà phải dãn cách cuộc khám nghiệm, bởi lẽ hoạt động này vừa đòi hỏi phải nhanh chóng khẩn trương, vừa đòi hỏi tính chính xác cao. Trên thực tiễn Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây đã thực hiện công việc này chưa thật nghiêm túc, chưa có thái độ kiên quyết và dứt khoát khi Điều tra viên không tiến hành những phần công việc trên theo đúng quy định của pháp luật, do đó những thiếu sót trong khâu này vẫn xảy ra nhiều, chụp ảnh hiện trường không do Điều tra viên tiến hành, vì khâu chuẩn bị không tốt nên nhờ luôn một thợ ảnh địa phương chụp, ảnh chụp không đúng yêu cầu về kỹ thuật, ánh sáng, tỷ lệ kích cỡ... những hoạt động luộm thuộm như vậy sẽ làm cho giá trị chứng minh của các tài liệu thu thập tại hiện trường không cao. Gây khó khăn cho hoạt động điều tra, khám phá vụ án sau này.
Xem xét, đánh giá các tin tức, tài liệu về hiện trường vụ việc mang tính hình sự; chủ động và trao đổi trước với Cơ quan điều tra về kế hoạch và phương pháp khám nghiệm hiện trường.
Trước khi bắt tay vào hoạt động kiểm sát khám nghiệm hiện trường, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây phải chủ động nắm bắt tình hình, yêu cầu Cơ quan điều tra Công an tỉnh thông báo rõ về sự việc đã xảy ra để tham gia ý kiến vào việc chuẩn bị khám nghiệm; kiểm sát chặt chẽ và chủ động yêu cầu Điều tra viên tiến hành khám nghiệm hiện trường theo đúng thủ tục và quy định tại Điều 150; 154 Bộ luật tố tụng hình sự. Trường hợp người làm chứng, người bị hại hoặc bị can có thể chết hoặc
mất khả năng khai báo thì Kiểm sát viên phải yêu cầu Điều tra viên lấy lời khai và ghi âm lời khai của họ.
Khi Hội đồng khám nghiệm có mặt tại hiện trường, trách nhiệm của Điều tra viên chủ trì khám nghiệm trước hết phải kiểm tra công tác bảo vệ hiện trường để quyết định phạm vi hiện trường cần được bảo vệ, cũng như xử lý nhanh chóng kịp thời các biện pháp khẩn cấp tại hiện trường. Nhiệm vụ của Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây là phải kiểm sát được các hoạt động trên đây của Điều tra viên. Cụ thể là: Kiểm sát viên phải cùng Điều tra viên đi kiểm tra hiện trường và công tác bảo vệ để có biện pháp tiếp tục bảo vệ và xác định phạm vi cần phải được bảo vệ, sau đó cùng Hội đồng khám nghiệm nghe báo cáo về quá trình bảo vệ hiện trường và những biến đổi ở hiện trường. Việc nắm thông tin về hiện trường và những biến đổi ở hiện trường sẽ là một trong những cơ sở giúp cho việc nhận định về vụ việc sau khi tiến hành khám nghiệm. Ngoài ra, việc nắm vững những thông tin này còn giúp Hội đồng khám nghiệm lý giải được sự thiếu hụt hay sự mất đi hoặc có sự thêm vào những dấu vết vật chứng xuất hiện ở hiện trường.
Trong thực tiễn công tác bảo vệ hiện trường chưa được tốt, nhiệm vụ đặt ra với Kiểm sát viên là kiểm sát bảo vệ hiện trường, nhưng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây thường đến sau, đến muộn, nên hiện trường thường đã bị xáo trộn, một phần do người dân đến xem đã làm hiện trường xáo trộn, mặt khác hoạt động sơ cứu, cấp cứu nạn nhân đã làm hiện trường xuất hiện một số dấu vết mới và làm mất đi một số dấu vết vật chứng của hiện trường
Nhìn chung, công tác chuẩn bị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây còn biểu hiện của sự qua loa, đại khái, không chu đáo, không khẩn trương nên khi đến hiện trường thì đoàn khám nghiệm đang khám nghiệm hoặc đã khám nghiệm xong nên chỉ giải quyết khâu thủ tục mà không có hoạt động thực chất tại hiện trường. Chính vì thế hoạt động kiểm sát chuẩn bị khám nghiệm hiện trường của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây trên thực tiễn còn nhiều hạn chế, một trong những khâu yếu kém của Viện kiểm sát Hà Tây là việc nắm thông tin sự việc xảy ra hoàn toàn phụ thuộc vào thông báo của Cơ quan điều
tra, nên việc giải quyết thường lúng túng, bị động. Đây cũng là vấn đề đòi hỏi Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Tây phải rút kinh nghiệm và có những biện pháp hữu hiệu để hoàn thiện quy trình của hoạt động này. Những yêu cầu của công tác kiểm sát điều tra tại hiện trường đặt ra đối với mỗi Kiểm sát viên rất nhiều, cụ thể và chi tiết từng phần việc phải làm, phải tiến hành. Nhưng trên thực tiễn qua khảo sát cho thấy khâu công tác này còn quá nhiều bất cập và yếu kém, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhiệm vụ đặt ra.