Bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập

Một phần của tài liệu Quản trị Công ty tại Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (Trang 67 - 70)

- Quyền được tham gia và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông:

3.2.1 Bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập

Theo chiến lược phát triển của PVFC, trong năm 2011, PVFC sẽ thực hiện niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch chứng khoán Singapore. Theo quy định của Pháp luật Singapore, một doanh nghiệp khi thực hiện việc niêm yết cổ phiếu của mình trên Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện và thực hiện thủ tục pháp lý theo quy định tại Listing Manual (Cẩm nang Niêm yết) của Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore. Một trong những điều kiện mà PVFC phải đảm bảo tuân thủ là có thành viên HĐQT độc lập, không điều hành. Điều 210(5) (c) của Listing Manual quy định: “HĐQT của Công ty niêm yết phải có ít nhất 02 thành viên HĐQT không điều hành, độc lập và không có bất kỳ ràng buộc nào đối với hoạt động kinh doanh và tài chính của Công ty niêm yết”. Đồng thời, Điều 221 Listing Manual quy định: “Công ty nước ngoài

niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore phải có ít nhất 02 thành viên HĐQT độc lập thường trú tại Singapore”.

Như vậy, để thực hiện thành công việc niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Singapore, PVFC bắt buộc phải bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập. Để thực hiện được yêu cầu này, PVFC cần làm rõ sự khác biệt theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật Singapore về thành viên HĐQT độc lập để có giải pháp thực hiện. Định nghĩa về thành viên HĐQT độc lập, Mục 2.1 Đạo luật Quản trị Doanh nghiệp của Singapore năm 2005 quy định: “Thành viên HĐQT độc lập là người không có mối quan hệ với Công ty, với các công ty có liên quan đến Công ty (bao gồm các công ty con, các chi nhánh hoặc công ty mẹ của Công ty), hoặc các văn phòng có ảnh hưởng hoặc được nhận định một cách hợp lý là có thể gây ảnh hưởng đến việc thực hiện các quyết định kinh doanh độc lập của HĐQT và các lợi ích của Công ty”. Đạo luật Quản trị Doanh nghiệp của Singapore còn quy định cụ thể là thành viên HĐQT độc lập không nhận khoản tiền nào từ công ty ngoài thù lao dành cho thành viên HĐQT; không phải là cổ đông chủ chốt hoặc có thành viên trong gia đình là cổ đông chủ chốt hoặc đối tác, hoặc chuyên viên điều hành, hoặc giám đốc của một tổ chức nhận thanh toán từ công ty vượt quá 200.000 đô la Singapore mỗi năm. Theo điều 2.5 Đạo luật Quản trị Doanh nghiệp Singapore, nhiệm vụ của thành viên HĐQT độc lập là: (i) thực hiện việc xây dựng và góp vốn phát triển các đề xuất chiến lược kinh doanh của Công ty; (ii) rà soát việc tiến hành các cuộc họp thông qua những chiến lược và mục tiêu của công ty và giám sát báo cáo hoạt động kinh doanh của Công ty.

Trong khi đó, ở Việt Nam, thuật ngữ “thành viên HĐQT độc lập” mới chỉ xuất hiện rải rác và chưa đầy đủ ở một số văn bản dưới luật như: Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 16 tháng 07 năm 2009 của Chính Phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Ngân hàng thương mại; Quyết định số 12/2007/QĐC ngày 13 tháng 03 năm 2007 về việc ban hành Quy chế quản trị công ty áp dụng cho các

công ty niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán/Trung tâm giao dịch chứng khoán; Quyết định 15/2007/QĐ-BTC ngày 19 tháng 03 năm 2007 của Bộ Tài Chính ban hành điều lệ mẫu của các công ty niêm yết; Thông tư số 09/2010/TT- NHNN ngày 26 tháng 03 năm 2010 của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc cấp Giấy phép thành lập và hoạt động ngân hàng thương mại cổ phần. Nghĩa là, pháp luật Việt Nam vẫn chưa ghi nhận yếu tố “thành viên HĐQT độc lập” trong Luật Doanh nghiệp, trong khi đó, Pháp luật Singapore đã có cả một đạo luật riêng về quản trị doanh nghiệp, quy định những yêu cầu bắt buộc đối với thành viên HĐQT độc lập. Ngoài ra, so sánh về sự khác biệt giữa pháp luật Singapore và pháp luật Việt Nam về quy định thành viên HĐQT độc lập cũng dễ dàng nhận thấy yêu cầu về tính “độc lập” trong quy định của pháp luật Việt Nam còn chưa cao và không chặt chẽ như quy định của pháp luật Singapore. Cụ thể là: Pháp luật Singapore yêu cầu thành viên HĐQT độc lập phải là người không có mối quan hệ với Công ty, với các công ty liên quan của Công ty, nghĩa là tính “độc lập” của các thành viên HĐQT độc lập là rất cao. Trong khi đó, pháp luật Việt Nam chỉ yêu cầu thành viên HĐQT độc lập không được đồng thời là người nắm giữ các vị trí điều hành, quản lý chủ chốt trong công ty.

Sự khác biệt về quy định pháp luật của hai nước đã dẫn đến một số khó khăn cho PVFC khi triển khai các thủ tục để niêm yết cổ phiếu tại Singapore. PVFC phải có sự thay đổi về cơ cấu tổ chức HĐQT, phải bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập đủ tiêu chuẩn để đảm bảo đáp ứng quy định của Pháp luật Singapore. Theo đó, PVFC có thể lựa chọn một trong hai cách thức sau:

- PVFC bổ nhiệm thành viên HĐQT có đủ tiêu chuẩn theo quy định của Pháp luật Singapore và bổ nhiệm trong số những thành viên HĐQT độc lập đó làm thành viên thường trú tại Singapore; hoặc

- Tuyển chọn từ công dân có quốc tịch Singapore hoặc quốc tịch bất kỳ đủ tiêu chuẩn làm thành viên HĐQT độc lập và đủ điều kiện thường trú tại Singapore làm thành viên thường trú tại Singapore.

Tóm lại, việc PVFC bổ nhiệm thành viên HĐQT độc lập không chỉ là nhằm đáp ứng điều kiện luật định để niêm yết cổ phiếu trên thị trường quốc tế, mà còn nhằm thực hiện tốt quản trị công ty. Vì sự xuất hiện của thành viên HĐQT độc lập sẽ đảm bảo sự giám sát độc lập và giảm thiểu tối đa nguy cơ lạm dụng quyền hạn của những người quản lý, điều hành PVFC, góp phần bảo vệ lợi ích chính đáng của cổ đông.

Một phần của tài liệu Quản trị Công ty tại Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (Trang 67 - 70)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(94 trang)
w