Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động của Công ty Tài chính

Một phần của tài liệu Quản trị Công ty tại Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (Trang 65 - 67)

- Quyền được tham gia và biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông:

3.1.2Hoàn thiện môi trường pháp lý cho hoạt động của Công ty Tài chính

Đồng thời với việc thực hiện và áp dụng hiệu quả các nguyên tắc quản trị công ty nói chung, PVFC cần đảm bảo tuân thủ và thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động của Công ty Tài chính. Muốn vậy, khung pháp lý hoàn thiện về hoạt động của Công ty Tài chính cần phải được hoàn thiện.

Hiện nay đã có một số văn bản quy định mô hình tổ chức và hoạt động của công ty tài chính, tuy nhiên tại rất nhiều các văn bản quy định về mô hình tổ chức và hoạt động của ngân hàng thương mại lại đồng thời quy định về hoạt động của công ty tài chính. Công ty tài chính là tổ chức tín dụng phi ngân hàng, có nhiều đặc điểm khác biệt so với các ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, do đó Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần sớm rà soát lại và ban hành hệ thống các văn bản liên quan đến công ty tài chính ở Việt Nam. Tháng 06/2010, Luật các tổ chức tín dụng 2010 đã được Quốc hội khóa 12 thông qua tại kỳ họp thứ 7 để thay thế Luật Các tổ chức tín dụng số 02/1997 và Luật số 20/2004/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng sẽ có hiệu lực thi hành vào ngày 01/01/2011. Luật các tổ chức tín dụng mới đã có một số quy định phân biệt hoạt động giữa ngân hàng và tổ chức tín dụng phi ngân hàng. Tuy nhiên, những quy định cụ thể về phạm vi hoạt động của Công ty Tài chính thì Luật vẫn chưa làm rõ, có nhiều vấn đề xử lý vẫn phải chờ quy định, hướng dẫn của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.

Đặc biệt, Chính phủ và NHNN cần sớm hoàn thiện và ban hành một khung pháp lý thống nhất về quản trị công ty đối với các tổ chức tín dụng. Quản trị công ty đối với hoạt động của các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài

chính nói riêng được coi là có tầm quan trọng lớn hơn so với các công ty khác vì vai trò trung gian tài chính quan trọng của các định chế tài chính trong nền kinh tế. Hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng chứa đựng nhiều rủi ro, tình hình tài chính và rủi ro của các tổ chức tín dụng có ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp và nền kinh tế cũng như tâm lý người dân do bản chất lây lan rủi ro ngân hàng có thể làm rung chuyển toàn hệ thống kinh tế. Vì vậy, việc xây dựng hiệu quả các quy định về quản trị công ty áp dụng đối với các định chế tài chính là cần thiết để đạt được và duy trì lòng tin của công chúng vào hệ thống các tổ chức tín dụng, đảm bảo sự vận hành của hệ thống các tổ chức tín dụng và toàn bộ nền kinh tế.

Thời gian gần đây, các cơ quan quản lý nhà nước đã có những nỗ lực trong việc xây dựng môi trường thuận lợi cho quản trị các tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, tính đến thời điểm, Việt Nam vẫn thiếu một hệ thống luật hoàn chỉnh về quản lý tổ chức và quản trị tổ chức tín dụng. Các tổ chức tín dụng tại Việt Nam chủ yếu là dựa vào những quy định riêng lẻ của Chính Phủ và NHNN để ban hành quy chế quản trị riêng của ngân hàng, công ty mình. Ngoài ra, do Nhà nước còn giữ tỉ lệ sở hữu khá lớn trong hệ thống các tổ chức tín dụng, còn can thiệp quá sâu vào quá trình ra quyết định của các tổ chức tín dụng, nên không thể tránh khỏi mâu thuẫn và xung đột lợi ích, kết quả là quản trị ngân hàng yếu kém và ảnh hưởng tiêu cực quyền lợi của các cổ đông.

Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả quản trị đối với các tổ chức tín dụng nói chung và công ty tài chính nói riêng, NHNN cần sớm ban hành chuẩn mực quản trị công ty áp dụng đối với tổ chức tín dụng để tăng cường tính độc lập và hiệu quả hoạt động của các tổ chức này. Hệ thống quản trị của các ngân hàng, công ty tài chính phải gồm có các cơ quan: HĐQT, Ban điều hành, Ban kiểm soát nội bộ, Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư, Hội đồng xử lý tài sản, Hội đồng xử lý rủi ro, Ủy ban quản lý tài sản nợ, tài sản có, …v.v. để đảm bảo an

toàn trong hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, NHNN cần có quy định chặt chẽ về tổ chức, hoạt động của HĐQT, Ban Kiểm soát của các tổ chức tín dụng để đảm bảo nâng cao trách nhiệm của các thành viên HĐQT cũng như tính khách quan, độc lập, quyền lực, minh bạch và hợp tác của cơ quan giám sát. NHNN cũng cần nghiên cứu và vận dụng các khuyến nghị của Ủy ban Basel về giám sát ngân hàng, trong đó đề cập tới 25 nguyên tắc áp dụng cho giám sát hoạt động ngân hàng để đảm bảo tính an toàn, lành mạnh và bền vững của hệ thống ngân hàng cũng như hiệu quả quản trị ngân hàng.

Tóm lại, để đảm bảo môi trường pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho việc triển khai hoạt động, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước cần sớm xem xét và ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức hoạt động cũng như các quy định về quản trị ngân hàng áp dụng cho các Công ty Tài chính như PVFC.

Một phần của tài liệu Quản trị Công ty tại Tổng Công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam (Trang 65 - 67)