GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC CÔNG TY
3.2.4.2 Qui trình đánh giá mức độ hoàn thành công việc
Qui trình đánh giá mức độ hoàn thành công việc chính là cách thức, trình tự thực hiện việc đánh giá đối với các cá nhân trong tổ chức, doanh nghiệp. Để việc đánh giá mức độ hoàn thành công việc được chính xác và đạt hiệu quả cao, thì qui trình đánh giá của Công ty phải được thiết kế cẩn thận, phù hợp với đặc trưng tổ chức hoạt động của Công ty. Có rất nhiều phương pháp đánh giá, phương pháp xếp hạng, phương pháp phân loại, phương pháp cho điểm, phương pháp so sánh yếu tố. Tương ứng với mỗi phương pháp đánh giá có một qui trình đánh giá tương ứng. Mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Tuỳ vào điều kiện cụ thể mà mỗi tổ chức, doanh nghiệp có thể lựa chọn cho riêng mình một phương pháp đánh giá phù hợp nhất. Đối với Công ty cổ phần Woodsland là doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm gỗ, căn cứ vào đặc trưng tổ chức và thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh tôi chọn đánh giá theo phương pháp cho điểm. Phương pháp đánh giá cho điểm bao gồm việc phân tích nội dung của các công việc từ các bản mô tả công việc, sau đó phân phối một số điểm cho các yếu tố cụ thể. Số điểm phân chia vào mỗi công việc xác định khoảng mức tiền công trả cho công việc đó. Các bước để đánh giá công việc bằng phương pháp cho điểm bao gồm:
Bước 1: Xác định các công việc then chốt: Cần xác định một danh mục các công việc then chốt trong số các công việc của Công ty, là những công việc có tính chất quan trọng, ổn định thường xuyên, có thể so sánh được và được trả công tương xứng.
Bước 2: Xác định các yếu tố thù lao: là các yếu tố thể hiện các khía cạnh cơ bản để điều chỉnh mức trả công cho một công việc nhiều hơn hay ít hơn các công việc khác nếu tất cả các điều kiện khác không thay đổi. Các yếu tố thường được sử dụng nhiều nhất đó là: trách nhiệm, thể lực, mức độ nguy hiểm, các kỹ năng làm việc, điều kiện làm việc, các yêu cầu về chuyên môn, trình độ tay nghề…
Bước 3: Xác định các trọng số cho các yếu tố tuỳ theo sự đóng góp của chúng vào giá trị chung của công việc. Các trọng số phân chia vào các yếu tố cần phải phản ánh được các giá trị của quản lý và xã hội.
Bước 4: Xác định tổng số điểm tối đa mà một công việc có thể được nhận và cấp độ mà mỗi yếu tố thù lao cần phải chia ra. Tổng số điểm tối đa của từng công việc có thể được ấn định ở từng mức khác nhau, các yêu tố có thể được chia thành nhiều mức độ yêu cầu.
Bước 5: Xây dựng bảng điểm, bảng điểm được xây dựng căn cứ vào trọng số của các yếu tố, số điểm ấn định cho từng mức độ phải tương ứng với trọng số của từng yếu tố.
Bước 6: Tiến hành cho điểm các công việc, hội đồng đánh giá công việc tính giá trị điểm cho từng công việc thông qua việc so sánh bản mô tả công việc với các mô tả của từng yếu tố, từng cấp độ và sử dụng bảng điểm để đánh giá cho điểm mức độ công việc của người lao động đã hoàn thành.