Về quản lý đạo Tin lành

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Lâm Đồng hiện nay - vấn đề và giải pháp ppt (Trang 64 - 66)

Tháng 10/1990, Bộ Chính trị có Nghị quyết 24/NQ-TW, đã đề ra các quan điểm khách quan, khoa học để chỉ đạo công tác tôn giáo trong tình hình mới, giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra. Trên cơ sở đó, nhiều địa phương đã xem xét, cho phép đồng bào tín đồ theo đạo Tin lành được sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo bình thường ở cơ sở; tạo nên không khí an tâm phấn khởi trong quần chúng tín đồ. Nhưng, trong hoàn cảnh hiện nay, khi các tôn giáo sinh hoạt bình thường lại có những vấn đề mới của đạo Tin lành đã nảy sinh và cần phải giải quyết: ở các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đạo Tin lành phát triển nhanh, trở thành nỗi lo ngại của Đảng bộ, nhân dân các địa phương, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định chính trị ở một số cơ sở. Nhiều chức sắc, tín đồ đã lén lút nhóm họp nhiều gia đình để sinh hoạt tôn giáo trái phép như: tổ chức đọc kinh thánh, hát thánh ca. Một số chức sắc, tín đồ đã làm đơn kiến nghị Nhà nước thực hiện bình đẳng tôn giáo, xin được mở cửa nhà thờ để giáo dân đến hành lễ, đòi phục hồi chức năng mục sư, truyền đạo, đòi lại cơ sở thờ tự đã hiến cho Nhà nước đang được sử dụng vào mục đích công cộng.

Một số đối tượng ở ngoài tỉnh lợi dụng đời sống của đồng bào dân tộc có khó khăn, trình độ nhận thức còn hạn chế đã tích cực đi sâu vào vùng đồng bào dân tộc, dùng tiền bạc, vật chất lôi kéo, o ép nhân dân vào đạo. ở Phú Hội (Đức Trọng), gia đình nào vào đạo được phát radio, vùng Tà In (Đức Trọng) được phát quần áo. ở Lâm Hà, ai vào đạo được hưởng 27 USD... Nếu trước đây, các mục sư, thầy giảng là người truyền đạo thì nay mỗi tín đồ là một truyền đạo viên. Chỉ có tín đồ mới dễ dàng len lỏi vào từng gia đình, người ngoài đạo để truyền giảng đức tin. Lúc đầu là lôi kéo người trong họ hàng, thân tộc, tiếp theo là hàng xóm, láng giềng.

Việc lôi kéo người vào đạo không chỉ dừng lại ở phạm vi là đối tượng nông dân mà cả một số cán bộ, đảng viên, học sinh ở trường dân tộc nội trú. ở Đạ Hoai, năm 1997, có 7 cán bộ xã và 1 hội trưởng hội phụ nữ xã theo đạo Tin lành. Ngoài ra, một số cán bộ, đảng viên đã bao che cho đạo Tin lành hoạt động và trở thành những tuyên truyền viên tích cực.

Hơn thế nữa, các hệ phái Tin lành như: Bắp tít, Đức chúa trời, Cơ đốc phục lâm... đang len lỏi vào vùng đồng bào dân tộc để tích cực truyền đạo, thành lập Ban trị sự trái phép, từng bước gây thanh thế ở các địa phương, như Lộc Châu (Bảo Lộc), Lộc Thắng (Bảo Lâm). Tình trạng tranh giành tín đồ giữa các hệ phái Tin lành diễn ra gay gắt. Các hệ phái Tin lành luôn chỉ trích lẫn nhau, làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các hệ phái với nhau. Thực trạng đó đã làm ảnh hưởng không tốt đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương và đời sống tinh thần của đồng bào có đạo.

Trong khi đó, Nhà nước và địa phương mới bắt đầu triển khai chủ trương mới đối với hệ phái "Hội liên hiệp phúc âm và truyền giáo". Do vậy, công tác quản lý nhà nước gặp rất nhiều khó khăn. Mặt khác, nhận thức của nhiều ngành, nhiều cấp về lĩnh vực dân tộc và tôn giáo chưa thật sâu sắc, thiếu đồng bộ, chưa đánh giá đúng về đạo Tin lành trên các mặt lịch sử, chính trị, tôn giáo, dân tộc và quan hệ quốc tế. Một số cán bộ, đảng viên ở cơ sở đồng nhất Tin lành với Fulrô; vì vậy, đã tìm mọi cách ngăn cấm không phân biệt nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo chính đáng của quần chúng với âm mưu lợi dụng tôn giáo của địch. Nhà nước chậm có chủ trương thống nhất, dẫn đến tình trạng mỗi nơi quản lý theo một kiểu. Một số cấp ủy, cán bộ, đảng viên chưa nhận rõ tình hình; lẽ ra phải phê phán và đấu tranh, nghiêm trị với số người truyền đạo trái phép nhưng lại phê phán, phạt hành chính người dân đi theo đạo. ở cơ sở, chính quyền có lúc ngăn cấm thô bạo, có lúc lại thả nổi, buông lỏng quản lý. Chất lượng công tác xây dựng thực lực chính trị tại chỗ còn thấp; có biểu hiện quan liêu, xa cơ sở, xa quần chúng, nhất là đối với quần chúng có đạo Tin lành. Đây là kẻ hở để những người truyền đạo trái phép và kẻ xấu lợi dụng nhằm tuyên truyền xuyên tạc, phá hoại sự nghiệp đoàn kết toàn dân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Quản lý nhà nước đối với tôn giáo ở Lâm Đồng hiện nay - vấn đề và giải pháp ppt (Trang 64 - 66)