Theo văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, VKSND tập trung làm tốt chức năng công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Thực hiện chức năng công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp không phải là những vấn đề mới mà đã được nhiều bài viết, nhiều tài liệu giảng dạy đề cập đến, ở nhiều góc độ và ở nhiều mức độ khác nhau. Song, cho đến nay chúng ta vẫn chưa có được sự thống nhất về mặt nhận thức đối với vấn đề này. Với nội dung trình bày dưới đây, chúng tôi đưa ra một số suy nghĩ với mong muốn góp phần làm rõ thêm khái niệm hoạt động thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp.
Hiến pháp năm 1980 là văn bản pháp lý đầu tiên của Nhà nước ta đưa ra cụm thuật ngữ "thực hành quyền công tố" khi đề cập đến chức năng của VKSND (Điều 138). Hai mươi năm qua, chúng ta luôn luôn nói về quyền công tố và thực hành quyền công tố nhưng chưa có một tài liệu chính thức nào ghi nhận rõ ràng, cụ thể khái niệm, nội
dung, phạm vi thực hành quyền công tố và điều quan trọng hơn là những cơ quan nhà nước nào thực hiện quyền công tố. Theo ý kiến của chúng tôi, nguyên nhân cơ bản có tính chất quyết định của tình hình trên là do chúng ta chưa có sự thống nhất trong nhận thức về khái niệm, nội dung, phạm vi quyền công tố. Và, do thiếu thống nhất trong nhận thức về quyền công tố nên dẫn đến sự thiếu thống nhất trong nhận thức về hoạt động thực hành quyền công tố. Bởi vậy, để có thể làm rõ thế nào là hoạt động thực hành quyền công tố, trước hết phải làm rõ thế nào là quyền công tố.
Hiện nay ở nước ta đang tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau về quyền công tố, mỗi quan điểm bên cạnh những mặt còn hạn chế đều có những nội dung hợp lý riêng của nó. Chung quy lại, chúng tôi thấy có hai loại quan điểm chính. Để có cơ sở làm rõ khái niệm thực hành quyền công tố và phân biệt nó với công tác kiểm sát hoạt động tư pháp của VKS, một vấn đề rất quan trọng là phải làm cho thật rõ được phạm vi quyền công tố. Có thể nói, phạm vi quyền công tố là vấn đề cho đến nay vẫn còn rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng chung quy lại chúng tôi nhận thấy có hai nhóm quan điểm chính:
Nhóm quan điểm thứ nhấtcho rằng, quyền công tố không chỉ có trong lĩnh vực
tố tụng hình sự mà còn cả trong lĩnh vực tư pháp khác như tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động v.v...
Nhóm quan điểm thứ haicho rằng, quyền công tố chỉ có trong lĩnh vực tố tụng
hình sự, không thể có trong lĩnh vực tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, tố tụng kinh tế, tố tụng lao động.
Theo chúng tôi thì nhóm quan điểm thứ nhất là phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và thực tiễn của pháp luật Việt Nam.
Việc xác định quyền công tố và theo đó là thực hành quyền công tố có ý nghĩa lý luận và thực tiễn rất quan trọng. Giải quyết được rõ ràng, rành mạch những vấn đề trên giúp cho việc xác định chính xác vai trò, vị trí của VKS trong hệ thống cơ quan nhà nước nói chung và trong mối quan hệ với các cơ quan tư pháp nói riêng cũng như chức năng, nhiệm vụ của VKS, đặc biệt trong tố tụng hình sự. Từ đó mới có thể đưa ra được những quyết định đúng đắn, hợp lý về mô hình tổ chức VKSND.
Trong các tài liệu pháp lý ở nước ta, khái niệm thực hành quyền công tố cũng như nội dung, phạm vi của nó, mối quan hệ giữa thực hành quyền công tố với thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp còn ít được đề cập và nếu có thì cũng chưa rõ ràng. Một số công trình nghiên cứu khoa học gần đây khi đề cập đến hoạt động thực hành quyền công tố cũng chỉ mới đưa ra được một số biện pháp pháp lý để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát hình sự như kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử hình sự, Kiểm sát giam giữ và cải tạo, Kiểm sát THA. Các công trình nghiên cứu này lấy những nguyên lý của V.I. Lênin về pháp chế XHCN và vai trò của VKSND, về vai trò và bổn phận của ủy viên công tố làm cơ sở lý luận và lấy các quy định của Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND từ năm 1960 đến nay làm cơ sở pháp lý. Bởi vậy, trong nhận thức của không ít người làm công tác nghiên cứu và thực tiễn trong cũng như ngoài ngành kiểm sát đã nhầm lẫn giữa quyền công tố và hoạt động thực hành quyền công tố trên nhiều phương diện như đối tượng, nội dung, phạm vi. Đồng thời, các công trình nghiên cứu này luôn gắn quyền công tố chỉ với VKS, coi đó là quyền của VKS. Do đó đã không lý giải được vấn đề là khi một số cơ quan khác (cơ quan điều tra, Tòa án...) sử dụng một số biện pháp như khởi tố vụ án, khởi tố bị can... thì có phải cơ quan này cũng thực hành quyền công tố hay không.
Thật ra thì thuật ngữ "quyền công tố" và "thực hành quyền công tố" đã được biết đến từ lâu và chúng ta cũng đã sử dụng quyền này trong thực tiễn hoạt động tư pháp từ nhiều năm trước đây. Nhưng mãi đến Hiến pháp năm 1980 nó được ghi nhận chính thức về mặt Hiến định trong Điều 138 khi quy định về chức năng của VKSND. Song cho tới nay, khái niệm "quyền công tố" và "thực hành quyền công tố" vẫn chưa được lý giải một cách cặn kẽ dưới góc độ pháp lý cũng như góc độ ngôn ngữ và cũng chưa có văn bản pháp luật nào của Nhà nước ta chính thức giải thích khái niệm "quyền công tố" và "thực hành quyền công tố". Hiện nay, ở nước ta đang tồn tại rất nhiều quan điểm khác nhau về quyền công tố. Chúng tôi nhất trí với quan điểm cho rằng, quyền công tố là quyền của Nhà nước đưa các vụ việc vi phạm trật tự công cộng hoặc vi phạm pháp luật liên quan đến lợi ích chung ra cơ quan xét xử, vì Nhà nước nhân danh xã hội có trách nhiệm duy trì trật tự, an toàn của cộng đồng bằng pháp luật.
Như vậy "quyền công tố" chính là quyền của Nhà nước nhân danh lợi ích xã hội để truy cứu trách nhiệm pháp lý đối với pháp nhân hay thể nhân ra trước Tòa án - cơ quan xét xử, nếu những chủ thể đó có hành vi phạm tội hoặc vi phạm pháp luật xâm hại đến lợi ích nhà nước, lợi ích công cộng, và lợi ích chính đáng của công dân được pháp luật bảo vệ. Và vì lẽ đó, quyền công tố không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực hình sự mà còn mở rộng trong cả những lĩnh vực khác như dân sự, kinh tế, hành chính, lao động.
Và như vậy "thực hành quyền công tố" là hoạt động thực thi pháp luật của cơ quan nhà nước được Nhà nước giao nhiệm vụ giữ "quyền công tố" nhằm đảm bảo cho việc truy cứu trách nhiệm pháp lý đúng với quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật đúng pháp luật, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, lợi
ích công cộng, và lợi ích chính đáng của cá nhân công dân. Trong bộ máy nhà nước ta
thì cơ quan được giao nhiệm vụ đó chính là hệ thống VKSND từ trung ương đến địa phương.