Điểm qua diện mạo thành phố, ta thấy rõ những đổi thay của một đô thị đang trên đà phát triển. Hệ thống giao thông trong thành phố được sửa chữa, nâng cấp và xây mới, một số trục đường quan trọng như đường quốc lộ 18A, đoạn qua thành phố (dài 30 km, mặt đường rộng từ 7 - 18m) hiện đang được cải tạo nâng cấp thành đường cấp 3; quốc lộ 18B, đoạn dài gần 50 km (bao quanh thành phố) được rải cấp phối; đường nội thị có tổng chiều dài 500 km, trong đó đã hoàn thành được một số trục đường chính rộng 25 - 35 m như đường du lịch Bãi Cháy, đường Phố Mới; các tuyến đường lớn như đường bao biển từ Cọc 3 đến Cọc 5, đường bao biển Vựng Đâng đang hình thành. Thành phố đang phát triển theo quy hoạch với tốc độ xây dựng khá nhanh, ở phía Đông (khu vực Hòn Gai), dọc theo vành đai quanh thành phố nhanh chóng mọc lên các dãy nhà cao tầng có kiến trúc hiện đại, đẹp mắt, các Kho than 1, Kho than 2 đã được triển khai xây dựng thành những khu chung cư hiện đại; phía Tây (khu vực Bãi Cháy) đang được nâng cấp thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh; nhiều khu phố mới mọc lên dọc những trục đường mới mở hội đủ các cấp độ kiến trúc hiện đại tạo cảm giác về một sức trẻ đầy triển vọng. Cầu Bãi Cháy (được dự kiến thay thế cho hệ thống phà đò bắc qua eo Cửa Lục, nối 2 vùng phía Đông và
phía Tây của thành phố) đã bắt đầu được triển khai xây dựng theo một quy mô hiện đại và độc đáo bậc nhất Đông Nam á, sẽ vừa đem lại sự thuận lợi về giao thông, sinh hoạt vừa tạo thêm vẻ hoành tráng, khỏe khoắn cho thành phố du lịch nổi tiếng xinh đẹp và thơ mộng này. Những bãi đất hoang ven biển đầy cỏ dại nay trở thành các thiết chế văn hóa quan trọng của thành phố như Thư viện tỉnh, Cung thiếu nhi, Công viên thành phố, Công viên Hoàng Gia... hay một số công trình văn hóa, khu vui chơi nghỉ mát như Đài tưởng niệm, nhà thi đấu thể thao, bãi tắm... đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng cao của nhân dân.
Cùng với tốc độ đô thị hóa nhanh của thành phố, các hoạt động xây dựng cuộc sống mới của người dân cũng được chú trọng đẩy mạnh. Từ khi thực hiện đường lối đổi mới của Đảng đến nay, thành phố Hạ Long luôn là đơn vị dẫn đầu tỉnh về xây dựng nếp sống văn minh (NSVM), gia đình văn hóa (GĐVH).
Nhờ có sự năng động tích cực của các cấp lãnh đạo và sự hưởng ứng nhiệt tình của mọi tầng lớp nhân dân, các phong trào xây dựng MTVH và đời sống văn hóa (ĐSVH) ở các xã, phường đã góp phần đáng kể điểm tô diện mạo của thành phố. Các phong trào "Xây dựng nếp sống văn minh đô thị", "Vì Hạ Long xanh - sạch - đẹp", "Ra quân làm sạch đường phố", "Phòng chống tệ nạn xã hội", "Xây dựng gia đình văn hóa mới"... liên tiếp được phát động, triển khai một cách cụ thể, có chất lượng. Các buổi lễ phát động phong trào được tổ chức theo quy mô toàn thành phố, đến tận các địa bàn dân cư, từng cơ quan, đơn vị tạo nên một sự hưởng ứng khá đồng bộ, cho hiệu quả hoạt động tốt.
Các hoạt động trên cùng với nhiệm vụ "xã hội hóa các hoạt động văn hóa" được đông đảo nhân dân tham gia, ủng hộ đã tạo nên một không khí tích cực, sôi động ở nhiều nơi trên địa bàn thành phố. Trong ba năm (1998 - 2000) đã có 10/18 phường xã có sân chơi cho thiếu nhi với kinh phí hàng tỷ đồng từ nguồn đóng góp. Năm 2001, phong trào chỉnh trang đô thị được tiến hành theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", trong đó Nhà nước chi 60% ngân sách, nhân dân đóng
góp 40% kinh phí để "bê tông hóa" đường tiểu mạch; tổng số tiền nhân dân đóng góp lên đến 15 tỷ đồng [41, tr. 3].
Nhiều hoạt động văn hóa do nhân dân tự tổ chức như các buổi sinh hoạt, biểu diễn văn nghệ tại khu phố, hội diễn văn nghệ cấp phường, xã... hoạt động đều tay, làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần ở các địa phương.
Phong trào xây dựng NSVM, GĐVH được phát triển sâu rộng đã góp phần giảm thiểu, ngăn ngừa TNXH và những hủ tục lạc, hậu mê tín dị đoan. Nếp sinh hoạt nơi công sở cũng có nhiều chuyển biến tốt, ý thức văn minh cộng đồng đã phát triển sâu rộng. Phong trào "xanh - sạch - đẹp" được triển khai thành các hoạt động cụ thể và được đông đảo nhân dân ở các cụm dân cư tham gia như: khơi cống rãnh thoát nước, đổ rác đúng nơi quy định, trồng cây xanh làm đẹp nhà, đẹp đường phố. Các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh được tu bổ, giữ gìn. Các hoạt động văn hóa, thể dục thể thao (TDTT) được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức phong phú trong các dịp lễ, tết như: bơi lội, đua thuyền, vật dân tộc, cờ tướng, cầu lông, bóng bàn...
Tất cả các hoạt động trên đã góp phần tạo vẻ đẹp cảnh quan đô thị, bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy những nét độc đáo của văn hóa Hạ Long, tạo nên sức thu hút mạnh mẽ khách du lịch. Bởi vậy, lượng khách du lịch đến thành phố ngày một tăng, làm cho du lịch ngày càng khẳng định vị trí ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế của thành phố (xem bảng 2.1).
Bảng 2.1: Một số chỉ tiêu về ngành du lịch
TT Đơn vị 1990 1995 2000 Tăng trưởng
BQ 96-2000
1 Số lượt khách du lịch Người 60.150 239.685 1.151.60 0
36,88
tế Khách trong nước 49.558 128.385 688.672 39,93 2 Doanh thu du lịch Tr. đ 7,8 52.682 248.837 36,41
Nguồn: Phòng Thống kê thành phố Hạ Long, 2000.
Có thể nói, mọi lĩnh vực hoạt động của thành phố trong thời kỳ đổi mới đều thể hiện sự quyết tâm và ý chí phấn đấu vươn lên cao độ của nhân dân thành phố. Sự khởi sắc đáng tự hào về diện mạo của thành phố dự báo việc trở thành một đô thị hiện đại của thành phố Hạ Long không còn là viễn cảnh xa xôi. Thành phố đang có tốc độ đô thị hóa nhanh, không chỉ trong địa bàn mà còn lan tỏa ra các vùng xung quanh. Đời sống vật chất của nhân dân từng bước được cải thiện, nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày một cao, các sinh hoạt văn hóa tinh thần ngày càng thêm phong phú, có chất lượng. Các hoạt động xây dựng NSVM, xây dựng ĐSVH cơ sở được triển khai thực hiện có tổ chức, có nề nếp và thường xuyên, tạo cho người dân ý thức tự giác tham gia vào các hoạt động văn hóa vừa để thỏa mãn nhu cầu văn hóa của mình, vừa góp phần làm sinh động, lành mạnh và phong phú hơn các giá trị văn hóa cộng đồng.
Điểm qua một cách khái quát diện mạo của thành phố như trên có thể thấy, thành phố Hạ Long từ khi đổi mới đã mang một sắc diện mới, đang trên đà phát triển theo hướng đô thị hóa để trở thành một đô thị văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, để hiểu được một cách chính xác thực trạng của MTVH Hạ Long cần phải đi sâu khảo sát ở một số lĩnh vực cụ thể.