Đặc điểm của môi trường văn hóa

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Hạ Long trong thời kỳ đổi mới hiện nay ppt (Trang 25 - 31)

Là sản phẩm hoạt động tinh thần của xã hội, MTVH không thể không phản ánh và chịu sự quy định của phương thức sản xuất vật chất. Trong tiến trình lịch sử nhân loại, mỗi hình thái kinh tế - xã hội nhất định hình thành một kiểu MTVH nhất định tương ứng với nó. Trong đó, hệ tư tưởng, ý thức hệ của giai cấp thống trị luôn là hạt nhân cốt lõi của MTVH, giữ địa vị thống trị và chi phối toàn bộ sự phát triển của văn hóa, định hướng việc tạo lập và phát huy tác dụng của MTVH phù hợp với lợi ích của giai cấp thống trị trong xã hội đó. Bởi vậy, thích ứng với đặc thù của mỗi quốc gia dân tộc, mỗi vùng miền, mỗi đơn vị cơ sở là một hình thái MTVH mang sắc thái riêng biệt. Tuy nhiên, đó chỉ là những nét khác biệt tương đối. Nhìn chung, MTVH nào cũng mang những đặc điểm chung cơ bản sau:

Một là, có sự kết hợp hài hòa biện chứng giữa các giá trị truyền thống và

giá trị hiện đại trong MTVH.

Theo dòng lịch sử, mỗi cộng đồng dân tộc sinh sống trong một giai đoạn lịch sử nhất định đều tồn tại và phát triển trong một MTVH tương ứng với nó. Là dòng chảy liên tục luôn gắn kết với lôgíc phát triển của xã hội, trên thực tế không có MTVH nào xuất hiện từ con số không. Các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng không chỉ là sự tiếp nối biện chứng từ quá khứ đến hiện tại mà còn không đứt đoạn từ hiện tại đến tương lai. Mỗi cộng đồng dân tộc chỉ có thể phát triển vững

chắc trên nền tảng truyền thống nối liền quá khứ với hiện tại và chuẩn bị cho tương lai.

MTVH luôn phát triển một cách hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại, là cái "quá khứ làm nên hiện tại, và hiện tại cùng với quá khứ sẽ làm nên tương lai với cái vốn giàu có nhất, quý báu nhất của một dân tộc, của một chế độ" [18, tr. 70]. Đứng vững trên "cái nền" của truyền thống, MTVH mới có thể tiếp thu những yếu tố hiện đại một cách chọn lọc, chuyển hóa những yếu tố đó thành sức sống và giá trị lâu bền của bản thân nó. Đến lượt nó, MTVH lại trở thành động lực quan trọng để phát huy truyền thống, làm tăng bề dày truyền thống. Vì lẽ đó, quá trình xây dựng, phát triển MTVH phải hết sức chú trọng tới mối quan hệ giữa truyền thống và hiện đại, làm sao để hai yếu tố này thực sự tạo tiền đề, điều kiện cho nhau, bổ sung lẫn nhau, thúc đẩy nhau cùng phát triển nhằm đạt tới một MTVH vừa phản ánh chiều sâu văn hóa truyền thống, vừa vươn tới những chân giá trị hiện đại một cách vững chắc, đúng hướng. Nhấn mạnh tầm quan trọng của vấn đề này, nguyên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Đỗ Mười đã nói: "Việc tạo ra môi trường văn hóa của chủ nghĩa xã hội trong đó có sự kết hợp hài hòa giữa các giá trị truyền thống và giá trị hiện đại, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn là trách nhiệm to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta" [32, tr. 21].

Đổi mới, chuyển đổi giá trị là yêu cầu tất yếu của sự phát triển, nó tạo ra sự vận động không ngừng của MTVH để bổ sung thêm những nhân tố mới phù hợp với sự phát triển của thời đại. MTVH muốn phát triển bền vững phải có sự gắn bó chặt chẽ giữa truyền thống với cái mới nảy sinh từ hiện thực hết sức sinh động của đời sống xã hội. Truyền thống văn hóa Việt Nam, mà tinh hoa cốt lõi của nó là lòng yêu nước nồng nàn, ý thức cộng đồng sâu sắc, đạo lý "thương người như thể thương thân"... chính là nền tảng tinh thần để nhân dân ta vươn tới một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.

Thống nhất trong đa dạng văn hóa là quy luật phổ biến của quá trình phát triển văn hóa, trong đó sự đa dạng văn hóa là điều kiện để hình thành và bảo đảm cho sự thống nhất MTVH. Nền văn hóa của bất cứ dân tộc nào cũng diễn ra trong một giai đoạn lịch sử nhất định, ở một không gian và thời gian xác định nên nó vừa phản ánh quá trình phát triển từ quá khứ, vừa là yếu tố cơ bản để tạo nên MTVH thống nhất trong đa dạng.

Tính đa dạng của MTVH được quy định bởi sự khác biệt về sắc tộc, phương ngữ, tập quán, phương thức sản xuất... của văn hóa địa phương, vùng, miền, quốc gia dân tộc. Bởi vậy, mỗi MTVH như một chỉnh thể thống nhất các giá trị văn hóa của một cộng đồng nhưng chứa đựng vô vàn sắc thái đa dạng, phong phú, sống động của từng tộc người, từng vùng miền khác nhau.

Việt Nam là một quốc gia đa dân tộc, do điều kiện địa lý, sinh thái ở mỗi nơi khác nhau nên đã hình thành 6 vùng văn hóa chính với những đặc trưng riêng, tạo nên tính phong phú và đa dạng của MTVH Việt Nam (ở bình diện quốc gia dân tộc là mô hình đơn ngữ đa văn hóa, nhưng ở bình diện vùng văn hóa và văn hóa tộc người là đa ngữ đa văn hóa). Vì vậy, sự đa dạng văn hóa và tính thống nhất trong đa dạng văn hóa luôn là điều kiện, môi trường quy định sự bảo tồn và phát huy bản sắc dân tộc trong xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam. Qua các thời kỳ lịch sử, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sự giao lưu tiếp biến văn hóa và chuyển đổi hệ thống giá trị cho phù hợp với xu thế phát triển càng làm tăng thêm tính đa dạng, phức tạp của MTVH. Tuy nhiên, sự đa dạng, phong phú đó không tạo ra sự pha tạp hỗn độn mà luôn nằm trong tính thống nhất, tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam.

Ba là, MTVH không tồn tại một cách biệt lập mà luôn nằm trong mối quan

hệ tương tác hữu cơ với các môi trường khác.

Lịch sử phát triển của loài người đã chứng minh rằng: MTVH là một bộ phận quan trọng không thể thiếu được trong đời sống con người. Tuy nhiên, con người không chỉ sống trong MTVH mà còn sống trong MTTN và MTXH, trong đó:

Nếu môi trường xã hội hình thành theo dòng lịch sử và những biến đổi của thời cuộc, môi trường tự nhiên hình thành từ một không gian địa lý ảnh hưởng đến phương thức sản xuất, tâm lý và tập tục một cộng đồng dân cư, thì môi trường văn hóa hình thành theo bản chất của một chế độ chính trị và định hướng của một nền văn hóa, từ đó tạo thành mối quan hệ giữa các hình thức môi trường [27, tr. 241].

MTTN và MTXH chính là điều kiện cho sự hình thành và phát triển của MTVH, quy định đặc trưng, tính chất của MTVH cụ thể. Vì vậy, trong hoạt động thực tiễn xây dựng MTVH cần phải có sự chỉ đạo kết hợp chặt chẽ, hài hòa và đồng bộ với các nhiệm vụ chăm sóc bảo vệ MTTN thật sự trong sạch, đảm bảo cho cuộc sống lâu dài của con người và tạo dựng một MTXH thực sự lành mạnh, dân chủ, tiến bộ, văn minh nhằm phát triển toàn diện con người, qua đó tác động tới sự phát triển của văn hóa, xã hội.

Bốn là, MTVH được tạo nên bởi sự kết hợp hai yếu tố: bên trong (nội sinh)

và bên ngoài (ngoại sinh).

Trong thế giới hiện thực, sự vật phát triển được trước hết là nhờ có nội sinh. Nhân tố ngoại sinh có khả năng kích thích hoặc giữ vai trò xúc tác nhưng cũng phải thông qua nội sinh mới phát huy được tác dụng. Điều đó cho thấy, sức mạnh nội sinh giữ vai trò nền tảng, có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển. Trong lĩnh vực văn hóa, MTVH của một cộng đồng, một quốc gia trong quá trình tồn tại và phát triển cũng luôn có sự tác động của những yếu tố nội sinh và ngoại sinh. Quan hệ biện chứng giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh trở thành quy luật vận động tất yếu của mọi nền văn hóa. Phát huy nội lực của văn hóa dân tộc chính là tạo nên một dòng chảy liên tục của truyền thống văn hóa dân tộc nhằm khẳng định bản sắc và bản lĩnh của văn hóa. Đây chính là nền tảng chủ yếu để xây dựng "nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", là "bộ kênh sàng lọc" các giá trị văn hóa ngoại nhập, chống lại những tác động phi văn hóa, phản văn hóa từ bên ngoài.

Nói đến những yếu tố ngoại sinh của văn hóa là nói đến việc tiếp thu những giá trị văn hóa của thế giới để bổ sung và làm giàu cho văn hóa nội sinh, biến chúng thành động lực cần thiết cho sự phát triển. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, những yếu tố ngoại sinh mang ý nghĩa tích cực sẽ thúc đẩy MTVH của các cộng đồng, quốc gia và khu vực phát triển phong phú, đa dạng hơn. Sự chi phối, tác động của những yếu tố ngoại sinh đối với mỗi nền văn hóa là một quy luật tất yếu khách quan. Theo cố Thủ tướng ấn Độ, danh nhân văn hóa thế giới Nêru thì không một nền văn hóa nào trên thế giới lại tuyệt đối cổ xưa, thuần khiết, không bị ảnh hưởng bởi một nền văn hóa khác. GS. Vũ Khiêu cũng từng nhận định:

Chỉ dựa vào nhân tố nội sinh và đóng cửa không tiếp nhận gì từ bên ngoài thì một con người dù lành mạnh, một dân tộc dù có truyền thống lâu đời cũng sẽ dần dần suy yếu đi và không còn sinh khí nữa. Ngược lại, chỉ chú ý đến nhân tố ngoại sinh, không chuẩn bị đầy đủ những điều kiện nội sinh thì nhân tố ngoại sinh dù hay đến đâu cũng sẽ bị bật ra ngoài. Đó là điểm rất quan trọng trong quan hệ bên trong và bên ngoài [25, tr. 175-176].

Trong bối cảnh giao lưu văn hóa toàn cầu hiện nay, việc giải quyết mối quan hệ giữa nội sinh và ngoại sinh trong xây dựng MTVH có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của quốc gia, dân tộc. Nhật Bản là một nước tư bản, do giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa các yếu tố nội sinh và ngoại sinh nên đã liên tục đạt được những bước tiến "thần kỳ" về kinh tế, rất đáng để chúng ta học tập.

ở nước ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự nghiệp phát triển đất nước một cách bền vững đang được đẩy mạnh trên nền tảng văn hóa dân tộc. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã chủ trương phát huy nguồn lực văn hóa dân tộc bằng cách: "Dựa vào nguồn lực trong nước là chính, đi đôi với tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài" [14, tr. 84]. Quán triệt đường lối đó, toàn Đảng, toàn dân ta đang cố gắng khơi dậy và phát huy tới mức cao nhất nội lực của

một nền văn hóa có bề dày truyền thống và bản lĩnh cao cường trong suốt hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước. Đồng thời, cũng trong gần nửa thế kỷ qua, chúng ta đã kịp thời bổ sung cho mình một số giá trị văn hóa của nước ngoài mà chế độ thực dân luôn tìm cách ngăn trở, cấm kỵ; nâng cao được sự hiểu biết nhất định về tri thức nhân loại cho nhân dân ta. Tuy nhiên, trong điều kiện đổi mới hiện nay, vấn đề là làm sao để có thể nhận thức được nhanh hơn, chắc hơn và kịp thời hơn những tinh hoa văn hóa của nhân loại cần thiết cho sự phát triển nhanh chóng của đất nước. Điều quan trọng là phải biết biến những cái của người thành những cái của ta thông qua một sự sàng lọc và thực tiễn hóa, Việt Nam hóa theo kinh nghiệm của Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước khác.

Năm là, MTVH luôn có sự đan xen giữa văn hóa và phản văn hóa, giữa giá trị

và phản giá trị.

Qua quá trình phát triển của lịch sử, MTVH ngày càng được bổ sung thêm nhiều giá trị mới kết tinh từ thành quả lao động sáng tạo của nhiều thế hệ tiếp nối nhau. Song, cũng trong quá trình phát triển, con người bộc lộ những tật xấu như: bảo thủ, ngu dốt, tham lam, ích kỷ, coi đồng tiền là thước đo mọi giá trị xã hội... làm hình thành và tồn đọng không ít những phản giá trị. Hơn nữa, giao lưu văn hóa vốn là điều kiện cần thiết để phát triển thì ngoài mặt tích cực là tỏa sáng giá trị văn hóa dân tộc góp phần làm phong phú thêm tinh hoa văn hóa nhân loại, trong khi tiếp nhận các yếu tố văn hóa từ bên ngoài, hoạt động này đã làm cho không ít những giá trị ngoại lai, độc hại, xa rời đạo lý truyền thống dân tộc..., những yếu tố phản văn hóa từ nước ngoài tràn vào, uốn lệch, gây tập nhiễm, độc hại MTVH của dân tộc, xác lập những định hướng giá trị xa lạ với cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Phản văn hóa là hiện tượng có tính tất yếu lịch sử và xét theo phạm vi không gian, nó có tính chất toàn cầu. Bên cạnh sự phát triển tiến bộ hướng tới tương lai của các quốc gia dân tộc với những giá trị tinh hoa truyền thống và những giá trị nhân bản hiện đại là những dấu hiệu của phản văn hóa gây nên tình trạng lệch chuẩn xã hội: khủng hoảng về định hướng giá trị, về xu hướng nhân cách, kèm theo các tệ nạn xã hội... (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

Trong quá trình phát triển của xã hội, chuyển đổi giá trị là một tất yếu đặt ra yêu cầu lựa chọn giữa cái cũ và cái mới, cái bảo thủ, lạc hậu và cái tiến bộ, văn minh, các giá trị và phản giá trị. Hệ quả của quá trình chuyển đổi là có những giá trị chuẩn mực trong điều kiện mới không còn phù hợp, trở thành những phản giá trị gây lực cản nguy hại đối với sự phát triển của xã hội, cần phải loại bỏ. Tuy nhiên, do có cả một quá trình định hình và ăn sâu bám chắc vào phong tục tập quán, tâm lý, lối sống của cả một cộng đồng nên những phản giá trị này thường tồn tại dai dẳng trong MTVH của thời đại mới, không dễ gì chối bỏ và loại trừ ngay được. Điều đó đòi hỏi phải có sự cân bằng và hợp lý trong phương thức xử lý nhiều chiều và đa dạng. Quan trọng nhất là phải nhận diện được các hiện tượng phản văn hóa, phản giá trị, lấy đó là cơ sở đầu tiên của việc loại trừ nó. Từ đó tiến tới chống tự phát văn hóa (thực chất là tự phát về chuẩn giá trị), xóa bỏ tình trạng xô bồ, cào bằng giữa giá trị và phản giá trị, xác lập một hệ giá trị chân chính cho sự phát triển tiến bộ của xã hội, làm trong sạch và lành mạnh MTVH.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Hạ Long trong thời kỳ đổi mới hiện nay ppt (Trang 25 - 31)