Trong một lần về thăm Quảng Ninh, mảnh đất giàu tiềm năng nơi địa đầu Tổ quốc, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã gọi Quảng Ninh là "đất nước Việt Nam thu nhỏ". Quả đúng như vậy, đất nước có sản vật gì thì Quảng Ninh có sản vật ấy. Thành phố Hạ Long - trung tâm văn hóa, kinh tế, chính trị của tỉnh - là nơi hội tụ nguồn tài nguyên thiên nhiên hết sức dồi dào, phong phú từ trong lòng đất, trong lòng nước, trên rừng, dưới biển, trong các hang động, núi non và cả dưới đáy đại dương. Đây chính là tiềm lực to lớn để xây dựng và phát triển thành phố Hạ Long nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung ngày thêm giàu đẹp.
Tiềm năng kinh tế biển
Thành phố có một dải ven bờ biển dài 50km với nhiều tiềm năng quý giá rất thuận lợi cho việc khai thác và phát triển ngành thủy sản với một quy mô lớn. Là vùng biển kín, nhiều cồn rạn nên vùng biển Hạ Long có nhiều hải sản cư trú và sinh sống. Biển Hạ Long có tới 950 loài cá và 500 loài động vật thân mềm, 400 loài giáp xác, trong đó có nhiều loại cá có giá trị kinh tế cao như cá chim, cá thu, cá nhụ, cá đé, cá song... Nguồn cá nổi có trữ lượng 390.000 tấn/năm. Cá sống ở tầng đáy có trữ lượng 18.500 tấn/năm. Có khoảng 10 loại mực, thu hoạch hàng năm lên tới hàng nghìn tấn. Ngoài ra, còn có một số loài như ngán, bào ngư, hải sâm, sò huyết, sá sùng... là những hải sản đứng đầu bảng trong hàng "hải vị" của biển Hạ Long.
Vùng biển Hạ Long có diện tích nước mặt lớn (gần 2.000 ha) là điều kiện thuận lợi cho phát triển nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, các khu vực bãi triều vùng Cửa
Lục, Yên Cư, Đại Yên, quanh đảo Tuần Châu và ở nhiều vùng nước mặt đang nuôi trồng hải sản theo phương pháp thâm canh và công nghiệp, mở ra những triển vọng to lớn để tăng nhanh sản lượng cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trong những năm tới. Đặc biệt, việc nuôi tôm, cá lồng, nuôi trai lấy ngọc có thể lên đến 1000 tấn tôm cá nuôi/năm và 100 triệu viên ngọc trai/năm.
Ngoài ngư trường vịnh gần bờ, Hạ Long còn có thể vươn ra các ngư trường ngoài khơi xa. Ngư trường Hạ Long với trữ lượng hải sản 110.000 tấn/năm, là một trong bốn ngư trường lớn ở nước ta, có nhiều đóng góp đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tiềm năng phát triển du lịch
Hạ Long là vùng đất được thiên nhiên ưu đãi, ban tặng cho nhiều giá trị nổi trội để phát triển du lịch, đặc biệt là Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, một trong những điểm du lịch nổi tiếng, hàng năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế.
Vịnh Hạ Long có diện tích 1.553 km2, được thiên nhiên "bài trí" vô cùng khéo léo. Sự hài hòa giữa trời mây non nước với một hệ thống hang động và đảo hết sức phong phú, diệu kỳ đã tạo cho Vịnh Hạ Long một vẻ đẹp kỳ thú hết sức hấp dẫn, quyến rũ. Vì vậy, khu vực này từ lâu đã được Chính phủ chỉ định làm khu danh lam thắng cảnh tự nhiên (theo Quyết định số 313-VH/QĐ năm 1962) và 2 lần được UNESCO công nhận là Di sản thế giới, khẳng định giá trị toàn cầu về cảnh quan thiên nhiên và địa chất, địa mạo.
Các điểm du lịch của Hạ Long bao gồm nhiều hang động, đảo và bãi biển hết sức độc đáo. Toàn vịnh có 1.969 hòn đảo lớn nhỏ với tổng diện tích là 526 km2, trong đó có khu Di sản thế giới được UNESCO công nhận và thuộc vùng bảo vệ tuyệt đối rộng trên 434 km2 với 788 đảo (460 đảo có tên và 328 đảo chưa có tên), không chỉ có giá trị về kinh tế du lịch mà còn có giá trị đặc biệt về văn hóa, thẩm mỹ, địa chất, sinh học.
Hàng ngàn hòn đảo nhấp nhô trên mặt Vịnh là những kỳ công sáng tạo của thiên nhiên một cách hết sức độc đáo. Hầu như không một hòn đảo nào không gợi lên một hình tượng quen thuộc trong đời sống hàng ngày: Hòn Dứa, Hòn Con Cóc, Hòn Gà Chọi, Hòn Lư Hương, Hòn Đũa..., tất cả tạo nên một vẻ đẹp vừa kỳ dị vừa quyến rũ làm say đắm lòng người. Đảo Tuần Châu có diện tích 220 ha, cách đất liền 2 km, cách trung tâm thành phố 10 km, quanh năm màu xanh bao phủ như một viên ngọc khổng lồ, là vị trí lý tưởng để phát triển thành khu du lịch cao cấp, đa dạng, đã chính thức đi vào hoạt động từ 2-8-2002.
Giá trị cảnh quan của Vịnh Hạ Long không chỉ thể hiện ở sự sinh động của dãy núi, sắc trời mà còn ẩn giấu trong một hệ thống hang động cũng hết sức phong phú, đa dạng. Gần 30 hang động đã được phát hiện, phần lớn là các hang nhũ thạch. Một số hang động nổi tiếng về vẻ đẹp nguy nga, tráng lệ như: Hang Trinh Nữ, Hang Bồ Nâu, Hang Sửng Sốt, Hang Trống, Động Thiên Cung, Động Lâu Đài...
Hoạt động du lịch ở Hạ Long có tiềm năng phát triển lớn lao, tham quan du lịch không chỉ là việc thâm nhập, tìm hiểu, khai thác các giá trị tự nhiên mà còn bao gồm cả việc bồi dưỡng, nâng cao nhận thức và tình cảm đối với các giá trị văn hóa bản địa tồn tại và phát triển trong "cái nôi" sinh thái của khu vực như: các di khảo cổ được phát hiện, những di tích lịch sử như Hương Cảng, Vân Đồn từ thời vua Lý Anh Tông thế kỷ XII, Hang Đầu Gỗ, Bãi cọc Bạch Đằng thế kỷ X - XIII... và những di tích kiến trúc tôn giáo. Chỉ riêng trên đảo Cống Đồn có tới 4 chùa và 1 bảo tháp, trong đó có Chùa Lấm được xây dựng từ đời nhà Trần được xem là trung tâm Phật giáo quan trọng của cả vùng hải đảo.
Trong phạm vi thành phố còn phải kể đến giá trị nổi bật của cụm di tích lịch sử - văn hóa Núi Bài Thơ - Chùa Long Tiên, danh lam thắng cảnh đặc sắc vừa mang bản sắc văn hóa dân tộc đậm đà, vừa là chứng tích của lịch sử về sự kiên trung bất khuất của mảnh đất và con người Hạ Long. Chính sự đan xen những giá trị tự nhiên với những giá trị văn hóa bản địa đã tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn của văn hóa Hạ Long.
Để bổ sung và khai thác tiềm năng phát triển du lịch của thành phố, ngành du lịch Quảng Ninh đã chú trọng xây dựng một hệ thống khách sạn, nhà nghỉ, bãi tắm, công viên... phục vụ cho nhu cầu của khách du lịch trong và ngoài nước. Các khách sạn lớn hầu hết tập trung trên địa bàn thành phố: khách sạn Heritage và khách sạn Plaza đều đạt tiêu chuẩn 3 sao với 360 phòng, khách sạn Hạ Long I, Hạ Long II, Hạ Long III bao gồm 2.000 buồng và phòng các loại, trong đó có 1.200 phòng đạt tiêu chuẩn quốc tế. Một số khách sạn liên doanh với nước ngoài có quy mô vừa, đạt tiêu chuẩn quốc tế như khách sạn Hoàng Gia 5 sao với 360 phòng, khách sạn Intourdeco 5 sao 360 phòng mới được xây dựng. Bãi tắm Bãi Cháy đang được Công ty liên doanh quốc tế Hoàng Gia tiếp tục hoàn thiện, trở thành một bãi tắm xinh xắn với nhiều loại hình dịch vụ, phục vụ nhu cầu của khách du lịch.
Có thể nói, cả không gian khu vực Hạ Long: trên mặt biển, trong lòng biển, dưới đáy biển, trên đảo, trên đất liền... đều tiềm ẩn những khả năng phát triển du lịch to lớn, có giá trị cả về tự nhiên và nhân văn, cho phép tổ chức nhiều loại hình du lịch hấp dẫn quanh năm, đóng góp một phần lớn lao trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tiềm năng phát triển hệ thống cảng biển và dịch vụ thương cảng
Nằm trên dải hành lang công nghiệp của trục đường 18, hệ thống giao thông của thành phố Hạ Long bao gồm: đường bộ (18A, 18B, Đường 10, Đường 4, Đường 279); đường sắt (Hà Nội - Kép - Bãi Cháy) và các tuyến đường biển, đường sông, cảng biển cho phép thành phố giao lưu thuận lợi với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hải Phòng, các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng, các tỉnh miền núi phía Bắc và khu vực cửa khẩu biên giới, phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố và của tỉnh. Đặc biệt, với hệ thống giao thông đường biển và cảng biển phong phú, Hạ Long là cửa ngõ quan trọng của các tỉnh phía Bắc trong việc giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế, nhất là với Trung Quốc.
Hệ thống cảng của thành phố bao gồm hàng chục cầu cảng nổi tiếng có công suất lớn như:
Cảng Cái Lân: là cảng nước sâu có công suất đạt 2,5 triệu tấn/năm, cho phép các tàu có trọng tải 1 vạn tấn ra vào. Hiện cảng đang được mở rộng theo dự án nâng cấp cụm cảng Cái Lân - Sa Tô giai đoạn 2000 - 2010 với 24 bến, công suất 14,3 triệu tấn/năm để trở thành một trong những cảng biển lớn của nước ta.
Cảng than Hòn Gai: có công suất đạt 1,5 triệu tấn/năm, thuận tiện cho tàu trọng tải 1 vạn tấn neo đậu. Nay, cảng này đang được chuyển đổi thành cảng du lịch của thành phố.
Cảng dầu B12: nằm ở vị trí cửa vào của vùng biển Bãi Cháy, chuyên phục vụ cho việc vận chuyển xăng dầu, công suất 1,8 - 2 triệu tấn/năm, cho phép tàu trọng tải 1 vạn tấn ra vào.
Ngoài ra, còn có cảng Nam Cầu Trắng (cột 8), cảng than Cột 5, cảng phà xe khách trên eo biển Cửa Lục và một số cảng địa phương: cảng Bến Đoan, cảng Sa Tô, cảng Cá... phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, đi lại, vận chuyển hàng của nhân dân thành phố.
Các phương tiện phục vụ cho dịch vụ thương cảng, dịch vụ du lịch cũng phát triển nhanh chóng, từ 10 chiếc tàu chở khách du lịch vào năm 1990 lên đến 140 chiếc năm 1998 với công suất trung bình 30 khách/tàu. Mỗi ngày có khoảng 5.000 khách du lịch bằng tàu trên vịnh. Ngoài ra, còn có khoảng 90 xe khách du lịch trong tỉnh.
Tiềm năng phát triển công nghiệp khai thác, chế biến than và một số ngành công nghiệp mũi nhọn
Với lợi thế về vị trí địa lý, giao thông thủy bộ thuận tiện, phía trước là biển, phía sau là rừng, Hạ Long còn là khu vực có nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào, trữ lượng khá lớn và chất lượng tốt, điều kiện khai thác thuận lợi phục vụ cho các ngành công nghiệp khai thác và phát triển một số ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Than đá là nguồn khoáng sản quan trọng nhất, tập trung chủ yếu ở phía Bắc và Đông Bắc thành phố, có trữ lượng 592 triệu tấn, có thể khai thác từ 2,5 đến 3
triệu tấn/năm, xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới. Than Hạ Long chủ yếu là loại Antraxit, một loại than được nén ép thành tảng rất cứng, có nhiệt lượng rất cao, từ 7.350 - 8.200 kcal/kg. Hiện nay khai thác, chế biến than vẫn là ngành kinh tế có thế mạnh truyền thống của thành phố với các mỏ Hà Tu, Hà Lầm, Núi Béo, Tân Lập, Suối Lại..., giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động và tạo ra khối lượng sản phẩm lớn phục vụ cho các ngành công nghiệp trong nước và xuất khẩu.
Ngoài than đá, một số loại vật liệu xây dựng như đá vôi, đất sét, cao lanh... cũng là nguồn khoáng sản quan trọng của thành phố, đáng kể là đá vôi (mỏ Thống Nhất) có trữ lượng 1,3 tỷ tấn; đất sét (mỏ Làng Bang) trữ lượng 22 triệu tấn và mỏ Giếng Đáy trữ lượng 41,5 triệu m3; cao lanh (mỏ Vĩnh Thịnh) trữ lượng 263.900 tấn... dùng cho các ngành vật liệu xây dựng, sản xuất xi măng, gạch, ngói.
Ngoài địa phận Hạ Long, các khu vực khác của tỉnh Quảng Ninh cũng có nhiều loại khoáng sản khác như cát trắng (Vân Hải) trữ lượng 6,3 triệu tấn; profilit (Tấn Mài) trữ lượng 33 triệu tấn; nước khoáng (Quang Hanh); cao lanh (Móng Cái)... làm hình thành những mỏ lớn, có chất lượng cao, điều kiện khai thác tương đối thuận lợi. Đây chính là nguồn nguyên liệu quan trọng, cung cấp cho các cơ sở sản xuất tại thành phố Hạ Long và một số vùng khác trong tỉnh, góp phần thúc đẩy kinh tế của thành phố phát triển.