Khái quát chung về thành phố Hạ Long 1 Vị trí địa lý, dân cư

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Hạ Long trong thời kỳ đổi mới hiện nay ppt (Trang 44 - 46)

2.1.1. Vị trí địa lý, dân cư

Vị trí địa lý

Thành phố Hạ Long được thành lập theo Nghị định 102 NĐ/CP ngày 27- 12-1993, do sát nhập thị xã Hòn Gai và thị trấn Bãi Cháy. Thành phố là một đơn vị hành chính và là thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh, một tỉnh lớn nằm trong tam giác kinh tế trọng điểm phía Bắc: Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Thành phố nằm ở Tây Bắc vịnh Bắc Bộ, vào khoảng 20055 - 21005 vĩ Bắc và 106050 - 107030 kinh Đông, nằm trên trục đường 18A, cách Hà Nội 165 km về phía Tây Nam, cách Hải Phòng 70 km về phía Tây. Phía Bắc và Tây Bắc giáp huyện Hoành Bồ, phía Nam thông ra biển giáp vịnh Hạ Long, phía Đông và Đông Bắc giáp thị xã Cẩm Phả, phía Tây và Tây Nam giáp huyện Yên Hưng.

Thành phố trải dài theo bờ biển và được chia cắt bởi eo biển Cửa Lục thành hai khu vực Đông và Tây có đặc trưng địa lý rất khác nhau. Phía Nam Bãi Cháy là dải bờ biển phát triển thành trung tâm du lịch với các khách sạn, bãi tắm, khu vui chơi giải trí, dự kiến kéo dài đến xã Hùng Thắng và đảo Tuần Châu. Khu vực phía Bắc Hòn Gai hiện đang phát triển thành khu công nghiệp - cảng biển nước sâu và khu dân cư Giếng Đáy, Đồng Đăng. Hòn Gai là trung tâm thương mại của thành phố, các trụ sở cơ quan hành chính đều đóng ở đây. Phần mở rộng đô thị ở phía Bắc Cửa Lục và phía Tây Hùng Thắng dự kiến cho giai đoạn 2010 - 2020 có mật độ tương đối thưa để tạo cảnh quan cây xanh cho tuyến quốc lộ 18A dẫn vào thành phố.

Thành phố có diện tích tự nhiên là 12.980,21 ha, chiếm 22% tổng diện tích của tỉnh Quảng Ninh, địa hình núi đồi trải dài ven biển. Với eo biển Quỳnh Châu ở phía Bắc và phía Nam mở ra biển Đông, thành phố là điểm trung chuyển hàng hóa thông qua đường thủy, đường bộ đi các vùng trong cả nước và khu vực.

Khí hậu ở thành phố là khí hậu nhiệt đới - gió mùa - ven biển. Nhiệt độ trung bình cả năm là 22,80C, ngày nóng nhất là 35,70C, ngày lạnh nhất là 4,20C. Từ tháng 3 đến tháng 8, thành phố chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Nam, gió từ biển thổi vào mát lành. Từ tháng 9 đến tháng 2 chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc song do liền kề biển nên nhiệt độ không quá thấp và vẫn giữ được độ ẩm không khí. Trong khoảng từ tháng 8 đến tháng 10, mỗi năm có từ 2 đến 3 cơn bão, sức gió bình quân cấp 8, cấp 9; song nhờ quần thể núi non, hang động khá dày trên vịnh mà sức gió bị cản, bớt phần nguy hại cho đất liền.

Dân cư

Thành phố Hạ Long thuộc tỉnh Quảng Ninh, bao gồm 16 phường và 2 xã. Dân số của thành phố vào năm 2001 là 184.000 người, chiếm 1/3 dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ tăng dân số hàng năm là 2,5%. Mật độ dân số là 1.273 người/km2, cao hơn 8 lần mật độ dân số cả tỉnh (158 người/km2). Tốc độ đô thị hóa của thành phố ngày càng cao làm cho dân số nội thị tăng nhanh, từ 140.836 người năm 1995 đến 162.750 người năm 2001, chiếm 88,45% dân số toàn thành phố. Thành phố có nguồn nhân lực tương đối dồi dào, số người trong độ tuổi lao động năm 2000 là 94.886 người, chiếm 57,4% dân số thành phố. Tuy vậy, số người không có việc làm cao, chiếm 11,5 - 12% số người trong độ tuổi lao động. Do điều kiện địa hình núi đồi chạy sát ven biển là chủ yếu nên dân cư thành phố phân bố không đều, chủ yếu tập trung ở dải bờ biển dọc theo tuyến quốc lộ 18A. Theo tài liệu Quy hoạch tổng thể thành phố Hạ

Long đến năm 2010, dự kiến sự phát triển dân cư trong tương lai vẫn sẽ rải dọc theo

khu bờ biển.

Cũng theo dự kiến, Hạ Long được định hướng phát triển thành trung tâm du lịch và công nghiệp cảng. Điều này xuất phát từ thực tế là 80% GDP của thành phố

là từ công nghiệp, dịch vụ. Số lao động kỹ thuật của thành phố chiếm 30,7% số lao động đang làm việc trong nền kinh tế của thành phố, là tỷ lệ cao vào bậc nhất so với các tỉnh ở Bắc Bộ (chỉ đứng sau Hà Nội). Đây chính là cơ sở vững mạnh đáp ứng nhu cầu phát triển của thành phố, là điều kiện thuận lợi cho việc tuyên truyền vận động các phong trào xây dựng thành phố, xây dựng cuộc sống mới văn minh, tiến bộ.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Hạ Long trong thời kỳ đổi mới hiện nay ppt (Trang 44 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)