Những giá trị lịch sử văn hóa, xã hộ

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Hạ Long trong thời kỳ đổi mới hiện nay ppt (Trang 51 - 55)

Hạ Long là vùng đất có lịch sử và văn hóa lâu đời. Các nền văn hóa khảo cổ như Soi Nhụ, Cái Bèo, Hạ Long và các di chỉ khảo cổ thời Hùng Vương cho thấy, Hạ Long là một trong những cái nôi của người Việt cổ. Từ thời tiền sử, sơ sử cách đây hơn 1 vạn năm, con người đã liên tục cư trú ở vùng đất này. Tại địa điểm khảo cổ Giáp Khẩu nằm bên bờ sông Diễn Vọng ở phía hạ lưu tìm thấy các di vật của người nguyên thủy nằm khá sâu dưới lớp bùn biển. Văn hóa Soi Nhụ (hay văn hóa tiền Hạ Long) là nền văn hóa bản địa cổ xưa nhất của vùng đất Hạ Long; di chỉ hang Soi Nhụ nằm trên một hòn đảo đá vôi nay thuộc xã Thạch Hà, huyện Vân Đồn. Trong hang, ngoài các loại công cụ bằng đá, gốm hoa văn vặn thừng, những chiếc răng động

vật, vỏ ốc nước ngọt... người ta còn phát hiện được 3 bộ xương người hóa thạch có niên đại từ 7.000 đến 15.000 năm. Sự phát triển tiếp nối của văn hóa Cái Bèo là tiền đề cho nền văn hóa Hạ Long rực rỡ sau này.

Nói đến giá trị văn hóa Hạ Long, không thể không nhắc đến Di sản thế giới Vịnh Hạ Long, một vùng thiên nhiên đẹp nổi tiếng, biểu tượng của non sông gấm vóc Việt Nam. Truyền thuyết kể lại rằng, xa xưa khi đất nước bị giặc ngoại xâm kéo sang xâm lược, Rồng từ Thượng giới được sai xuống giúp dân trừ giặc. Từ miệng Rồng phun ra hàng ngàn châu ngọc, biến thành các đảo đá cản bước tiến của quân thù. Nơi rồng xuống từ đó có tên là Hạ Long. Hạ Long có làn nước trong xanh như ngọc bích soi bóng trời mây, dáng núi; có khí hậu biển trong lành và rất nhiều hang động đẹp là nơi du ngoạn kỳ thú bậc nhất ở nước ta. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng có lần về thăm Quảng Ninh, khi chiêm ngưỡng vẻ đẹp Vịnh Hạ Long đã phải thốt lên:

"Một cảnh hay bao cảnh Cảnh trần hay cảnh nào?"

Còn nhà thơ Nga, Paven Antôcônxki cũng phải thừa nhận: "Muốn có ý niệm về vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long, ta phải lấy bờ biển Krưm của chúng ta nhân với miền Nam Capcadơ, được bao nhiêu đem lũy thừa ba tích số đó" [51, tr. 7].

Thiên nhiên Hạ Long muôn đời không thay đổi, mãi mãi vẫn là nơi quyến rũ khách bốn phương. Vì vậy, khách nước ngoài đến thăm Việt Nam không thể không đến thăm Vịnh Hạ Long, như nhà thơ Tiêu Tam (Trung Quốc) từng nói: "Chưa xem Vịnh Hạ Long, chưa phải đến Việt Nam" [3, tr. 7].

Gắn với những giá trị văn hóa đặc sắc đó là con người Hạ Long, truyền thống hào hùng của vùng đất Hạ Long xưa nay.

Theo thư tịch cổ, nguồn gốc của người Việt cổ ở Hạ Long là cư dân của vùng châu thổ sông Hồng di cư tới, tìm đất mới để khai hoang lập nghiệp hoặc đi trấn thủ vùng biên ải, thậm chí có những người di cư để trốn bắt lính. Làn sóng di

cư bắt đầu vào cuối những năm 30 của thế kỷ XIX, với cuộc khai hoang của Nguyễn Công Trứ. Đặc biệt, từ cuối thế kỷ XIX đến những năm 40 của thế kỷ XX, số lượng dân ở đây tăng lên rất nhanh do những cuộc mộ phu của người Pháp để khai thác than đá, nguồn khoáng sản nổi tiếng về chất lượng và trữ lượng ở đất này. Đây cũng là nguyên nhân trực tiếp hình thành lớp công nhân công nghiệp đầu tiên ở nước ta.

Cư dân hiện đang sinh sống trên địa bàn thành phố chủ yếu là người Kinh, phần lớn được hội tụ từ nhiều vùng miền khác nhau tạo nên sắc thái văn hóa đa dạng của người Hạ Long: tính cần cù, thuần phác của người lao động vùng châu thổ sông Hồng, tính cương trực "ăn sóng nói gió" của dân vạn chài nhiều đời sinh sống trên biển, sự nhạy cảm, năng động, dễ thích nghi của cư dân thành thị..., đặc biệt nổi trội là lòng hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ những người ở nơi xa mới đến thành phố. Cũng do cư dân phần lớn ở nơi khác đến lập nghiệp nên hệ thống họ tộc không có sự ràng buộc mạnh mẽ như cư dân ở những vùng vốn có sự định cư lâu đời. Đây là những đặc điểm gần với phong cách đô thị, rất thuận lợi cho việc phát triển thành phố du lịch cũng như việc tăng cường hoạt động cộng đồng tại các phường, xã, cụm dân cư của thành phố. Tuy vậy, thành phố cũng có một số hạn chế: trình độ tổ chức xã hội đô thị chưa đủ mạnh, tác phong làm việc tập thể của người dân chưa bắt kịp với nhịp sống của xã hội hiện đại, hệ thống giáo dục chưa đào tạo được những con người có năng lực tự chủ, sáng tạo, thích ứng nhanh để tiếp thu và ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thế giới, thúc đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH của thành phố.

Là mảnh đất có nguồn tài nguyên thiên nhiên vô tận, có cảnh quan nổi tiếng thế giới, đặc biệt còn là cửa ngõ giao thông quan trọng để giao lưu với các nước trong khu vực và quốc tế, Hạ Long xưa nay luôn là miếng mồi béo bở trước dã tâm xâm lược hòng chiếm đoạt của kẻ thù. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, dường như mỗi ngọn núi, bến sông, mỗi tên đất, mỗi cung đường nơi tiền đồn của Tổ quốc này đều thấm bao nước mắt và máu xương của người dân nơi đây để chinh phục thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm, giữ gìn quê hương, bảo vệ non sông gấm vóc của Tổ quốc. Cùng với nhân dân cả nước, người dân Hạ Long, mảnh đất Hạ Long đã góp

phần xứng đáng của mình vào bản anh hùng ca chống xâm lăng của dân tộc xưa nay. Tiêu biểu là ba trận chiến chống giặc ngoại xâm trên sông Bạch Đằng (Vịnh Hạ Long ngày nay) từ thế kỷ X đến thế kỷ XIII mà sử sách còn lưu lại thành những trang vàng của dân tộc: chiến thắng quân Nam Hán của Ngô Quyền năm 938, chiến thắng quân xâm lược Tống của Lê Hoàn năm 981, chiến thắng quân Nguyên Mông của Trần Quốc Tuấn năm 1288, gắn với địa danh Bạch Đằng giang và các chứng tích lịch sử lưu danh hậu thế như hang Đầu Gỗ, bãi cọc Bạch Đằng...

Chiến công nối tiếp chiến công, ở thế kỷ XX, truyền thống anh hùng bất khuất của người dân Hạ Long được hun đúc qua hàng ngàn năm lịch sử, lại tiếp tục được phát huy cao độ trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Vùng đất Hạ Long trở thành "cái nôi" của phong trào cách mạng và công nhân mỏ, rất nhiều lãnh tụ của cách mạng Việt Nam đã được rèn luyện và trưởng thành ở nơi này vào giai đoạn 1930 - 1940 như các đồng chí: Hạ Vũ Cang (tức Hoàng Quốc Việt), Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Văn Xứng (tức Lê Thanh Nghị), Vũ Văn Hiếu, Trần Văn Nghệ, Phan Thị Khương, Vũ Thị Mai, Đặng Châu Tuệ..., trong số đó nhiều người đã anh dũng hy sinh, tô thắm thêm truyền thống bất khuất của dân tộc. Noi gương các thế hệ đi trước, trong cuộc kháng chiến trường kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, nhân dân thành phố Hạ Long lại cùng nhân dân cả nước giáng cho kẻ thù những đòn chí mạng, bắn rơi 46 máy bay Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái và vinh dự được Nhà nước và Chính phủ tặng danh hiệu Anh hùng. Cũng trong cuộc kháng chiến này, người dân thành phố phải chịu bao đau thương mất mát, trong thời kỳ Mỹ đánh phá có tính chất hủy diệt, thành phố có hơn 600 người chết và bị thương, 3.000 ngôi nhà biến thành gạch vụn...

Hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, nhân dân đồng sức, đồng lòng, chung tay xây dựng cuộc sống mới chưa được bao lâu, chiến tranh lại nổ ra ở biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Tỉnh Quảng Ninh trong đó có thành phố Hạ Long trở thành nơi đầu sóng ngọn gió, đã nêu cao tinh thần quả cảm chiến đấu hy sinh với những tấm gương của anh hùng liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, liệt sĩ Lê Đình Chinh... Tổng kết chiến tranh, toàn tỉnh Quảng Ninh có 88 bà mẹ

Việt Nam anh hùng, 39 đơn vị và 13 cá nhân anh hùng lực lượng vũ trang, 13 đơn vị và 26 cá nhân anh hùng lao động; trong đó có phần đóng góp tích cực của mảnh đất và con người Hạ Long.

Ngày nay, trong giai đoạn cách mạng mới, kế thừa và phát huy truyền thống yêu nước, dũng cảm, sáng tạo của những người đi trước, tự hào được sống trên mảnh đất có truyền thống lịch sử hào hùng, bất khuất và rất giàu tiềm năng, nhân dân thành phố Hạ Long đang phát huy mọi sức lực, trí tuệ, phấn đấu xây dựng thành phố Hạ Long trở thành một đô thị hiện đại với MTVH trong sạch, lành mạnh, góp phần cùng nhân dân toàn tỉnh xây dựng Quảng Ninh trở thành "khu công nghiệp hiện đại nhất Việt Nam" như nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đã nói [45, tr. 1].

Tóm lại, với những điều kiện thuận lợi về địa lý, dân cư, những giá trị lịch

sử - văn hóa đặc sắc và tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội dồi dào..., thành phố Hạ Long trở thành trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của tỉnh Quảng Ninh. Từ khi đổi mới, đời sống vật chất của nhân dân thành phố được cải thiện rõ rệt, mức hưởng thụ văn hóa ngày một nâng lên, các hoạt động nâng cao dân trí và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân được chú trọng đẩy mạnh... Tất cả tạo nên một môi trường thuận lợi để phát triển nguồn lực con người, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, nâng cao đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Xây dựng môi trường văn hóa ở thành phố Hạ Long trong thời kỳ đổi mới hiện nay ppt (Trang 51 - 55)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)