Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng, giai đoạn 10 năm xây dựng đất nước, hàn gắn vết thương chiến tranh (1975 - 1985) đã đem lại cho thành phố những biến chuyển nhất định. Tuy nhiên, sự bó buộc của cơ chế quản lý kinh tế theo lối tập trung, quan liêu bao cấp làm cho kinh tế không phát triển được, MTVH hầu như không được chú ý xây dựng: các công trình văn hóa nghèo nàn, xuống cấp, đường phố đầy rác thải, cảnh quan thiên nhiên bị tàn phá nghiêm trọng, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác bừa bãi, không kiểm soát nổi v.v... Thêm vào đó là lối sống trục lợi, lợi dụng chức quyền làm giàu phi pháp; tệ tham nhũng, ăn hối lộ; lối sống
hưởng lạc, chạy theo đồng tiền, coi thường đạo lý và những thuần phong mỹ tục của dân tộc... gây nên những nhức nhối, bức xúc trong xã hội đòi hỏi phải giải quyết.
Hưởng ứng mạnh mẽ tinh thần đổi mới của Đảng, từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, thành phố Hạ Long bắt đầu có những đổi thay căn bản. Đặc biệt là từ khi đất nước bước vào thời kỳ "đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa" (1996), diện mạo của thành phố từng bước được khởi sắc. Sự kiện sát nhập thị xã Hòn Gai và thị trấn Bãi Cháy để thành lập thành phố Hạ Long theo Nghị định 102 NĐ/CP của Thủ tướng Chính phủ ngày 27/12/1993 càng có ý nghĩa quan trọng trong việc động viên nhân dân toàn thành phố phát huy mọi khả năng, lợi dụng mọi tiềm năng, tạo mọi điều kiện để xây dựng và phát triển thành phố, đưa Hạ Long trở thành một đô thị hiện đại.