Kết quả của công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm nói chung và tội phạm cố ý gây thương tích nói riêng trong thời gian qua cho thấy lực
lượng trinh sát, điều tra viên giỏi về pháp luật, vững về nghiệp vụ. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội cũng như những dự báo tình hình đã nêu thì tội phạm này sẽ diễn biến phức tạp hơn. Trong những năm qua, do nhiều nguyên nhân, lực lượng CSHS, CSĐT Công an tỉnh Tiền Giang còn thiếu về số lượng, trình độ không đồng đều ảnh hưởng đến hiệu quả công tác, quân số lại mỏng. Khi Pháp lệnh TCĐTHS năm 2004 có hiệu lực đã phát huy hiệu quả đó là kết hợp chặt chẽ giữa điều tra tố tụng và điều tra trinh sát, tạo điều kiện cho trinh sát mở rộng vụ án, thuận lợi cho công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm. Song thực tế cho thấy rằng biên chế lực lượng trinh sát trên địa bàn tỉnh còn quá thiếu (chỉ có 105 trinh sát viên), lực lượng điều tra viên còn mỏng (có 89 điều tra viên), trình độ đại học còn thấp. Do vậy, để công tác phòng ngừa và điều tra các tội phạm cố ý gây thương tích đạt kết quả cao cần phải có sự tăng cường số lượng đội ngũ cán bộ CSĐT tội phạm về TTXH ở các cấp (cả trinh sát và điều tra viên), nhất là ở cấp huyện.
- Bên cạnh việc tăng cường biên chế lực lượng, cần phải thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng cho lực lượng CSĐT về bản lĩnh chính trị, tinh thần tấn công tội phạm và rèn luyện phẩm chất đạo đức để hoàn thành nhiệm vụ. Đồng thời có kế hoạch đào tạo nâng cao, đào tạo bổ sung về trinh độ nghiệp vụ cho lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH, nhất là phát triển số lượng học đại học chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng ở cấp huyện. Đảm bảo 100% lực lượng trinh sát và điều tra viên có trình độ trung học CSND; 70% có trình độ đại học. Kịp thời mở các lớp tập huấn đào tạo lại đội ngũ điều tra viên để không ngừng nâng cao chất lượng nhằm đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đấu tranh chống tội phạm trong tình hình mới.
- Các cấp lãnh đạo cần liên tục, thường xuyên cập nhật các kiến thức pháp luật, các văn bản luật và các hướng dẫn của ngành cho CBCS để phục vụ cho công tác phòng ngừa và điều tra tội phạm. Đồng thời quan tâm nhiều
hơn nữa về chế độ, chính sách và đảm bảo điều kiện làm việc tốt để lực lượng CSĐT phát huy tính sáng tạo, nhạy bén trong công việc.
- Công an địa phương cần tăng cường mở các lớp tập huấn bồi dưỡng về nghiệp vụ, về kiến thức pháp luật cho lực lượng Công an cơ sở nhằm nâng cao nhận thức và trình độ chuyên môn cũng như nắm vững những qui định của Pháp luật để có thể tham mưu, phục vụ tốt cho chính quyền cơ sở về công tác quản lý xã hội trong thời kỳ mới. Thường xuyên kiện toàn, nâng cao trách nhiệm của lực lượng Công an cơ sở theo hướng đủ mạnh, đảm đương được nhiệm vụ tại cơ sở. Đồng thời nâng chất các hoạt động của Tổ nhân dân tự quản về ANTT vững mạnh, đủ sức làm nòng cốt trong phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ ở cơ sở.
3.4. Kiến nghị
Để hoàn thiện về lý luận và nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm cố ý gây thương tích trong thời gian tới, trên cơ sở nghiên cứu thực trạng và dự báo tình hình tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, chúng tôi có một số kiến nghị với cơ quan chức năng như sau:
+ Cần qui định xử lý hình sự đối với những đối tượng phạm tội có hành vi cố ý gây thương tích bằng thủ đoạn tạt axít, tuy không trúng hoặc trúng nhẹ, thương tích dưới 10%, nhưng đây là thủ đoạn đê hèn, thiệt hại rất nghiêm trọng và nguy hiểm, ảnh hưởng đến đời sống tinh thần và vật chất của con người.
+ Tội phạm cố ý gây thương tích rất nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người, gây rối TTXH, làm lo sợ hoang mang trong nhân dân về trật tự pháp luật. Do vậy, cần nghiên cứu hủy bỏ qui định khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại tại Điều 105, Bộ luật TTHS về việc phạm tội cố ý gây thương tích được qui định tại khoản 1, các Điều 104,
105,106 BLHS. Bởi vì, trong thực tế qui định sẽ tạo kẽ hở cho người phạm tội dùng vật chất mua chuộc người làm chứng, thậm chí đe dọa, không chế người bị hại để họ không yêu cầu khởi tố. Vì đây là hành vi thể hiện ý thức coi thường pháp luật, côn đồ hung hãn, xâm hại đến sức khỏe con người nên đây là trách nhiệm và nghiệp vụ của Nhà nước trong bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.
+ Qui định rõ hơn ở một số điều luật trong Bộ luật TTHS để tạo sự thống nhất nhận thức trong việc tuân thủ các trình tự TTHS như: Đối với những vụ án cố ý gây thương tích nhưng nạn nhân từ chối giám định gây khó khăn cho quá trình điều tra chứng minh tội phạm của cơ quan CSĐT cho nên có thể qui định “bắt buộc giám định” nếu người bị hại từ chối giám định mà không có lý do chính đáng thì áp dụng biện pháp áp giải bắt buộc giám định nhằm ngăn chặn tình trạng những trường hợp nạn nhân từ chối giám định do bị cưỡng ép, mua chuộc,…
+ Qui định cụ thể thời điểm người bị hại có thể tiến hành giám định thương tích sau khi vụ án xảy ra, nhằm khắc phục tình trạng người bị hại chấp nhận hoặc không chấp nhận kết quả giám định trong thực tế. Bởi vì có những trường hợp người bị hại yêu cầu giám định ngay sau khi cứu chữa hoặc đang điều trị cũng có những trường hợp người bị hại đã điều trị ổn định vết thương rồi mới giám định nên kết quả không chính xác khách quan, đôi khi người bị hại nghi ngờ không chấp nhận kết quả giám định.
Kết luận chương 3
Trong chương 3, trên cơ sở nghiên cứu những đặc điểm có liên quan và thực trạng công tác phòng ngừa và điều tra tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Luận văn đã đưa ra một số dự báo về tình hình diễn biến tội phạm này trong thời gian tới. Từ đó, làm cơ sở để đề ra các giải pháp phòng ngừa và điều tra có hiệu quả cao. Trong đó tập trung vào các giải pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ trong phòng ngừa xã hội và
phòng ngừa nghiệp vụ nhằm kịp thời xoá bỏ những nguyên nhân và điều kiện làm nảy sinh loại tội phạm này; giải pháp tiến hành các hoạt động điều tra trinh sát và điều tra tố tụng và các quan hệ phối hợp để nhanh chóng điều tra làm rõ theo qui định của pháp luật; các giải pháp về tổ chức xây dựng lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH trong Công an Tiền Giang để đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm nói chung và phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích nói riêng trong thời gian tới. Đồng thời luận văn cũng kiến nghị lên một số vấn đề vướng mắc khi áp dụng các qui định của Pháp luật trong thực tiễn.
KẾT LUẬN
Tội phạm cố ý gây thương tích là loại tội phạm khá phổ biến và có xu hướng ngày càng gia tăng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, tính chất, mức độ nguy hiểm ngày càng cao. Các vụ cố ý gây thương tích không những xuất phát từ những mâu thuẫn tức thời, không có sự chuẩn bị mà ngày càng có nhiều vụ xảy ra có sự chuẩn bị kỷ lưỡng trước khi thực hiện tội phạm, xuất hiện những băng nhóm tụ tập đánh nhau gây ảnh hưởng đến TTATXH, xu hướng sử dụng hung khí nguy hiểm như: dao, mã tấu, … ngày càng tăng, gây hậu quả nguy hiểm đến tính mạng, thương tật suốt đời cho nạn nhân. Do đó, đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung và tội phạm cố ý gây thương tích là trách nhiệm của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, trong đó lực lượng CSND nói chung và cơ quan CSĐT tội phạm về TTXH là lực lượng trực tiếp đấu tranh, giữ vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, chứng minh tội phạm. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả trong công tác đấu tranh đòi hỏi phải tìm ra được nhiều giải pháp hữu hiệu, cơ bản nhất để áp dụng vào từng hoàn cảnh cụ thể ở mỗi địa phương.
Trên cơ sở những lý luận và thực tiễn đã được nghiên cứu, phân tích đánh giá một cách khách quan, khoa học về thực trạng công tác phòng ngừa và điều tra xử lý tội phạm cố ý gây thương tích trong 5 năm qua của lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Tiền Giang, tác giả đã nêu lên những nhận thức chung về phương pháp phòng ngừa và điều tra các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra cũng như những đặc điểm tình hình có liên quan, nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, thực trạng tình hình và đặc điểm hình sự của tội phạm cố ý gây thương tích theo qui định tại điều 104-BLHS, xảy ra trên địa tỉnh Tiền Giang từ năm 2002 đến 12/2006. Trên cơ sở đó đề xuất giải
pháp góp phần hoàn thiện hoạt động phòng ngừa và điều tra tội phạm cố ý gây thương tích là việc làm rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Trong quá trình nghiên cứu tác giả đã sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước, các phương pháp khoa học cụ thể cũng như những tri thức cơ bản, thực trạng công tác phòng ngừa và điều tra, xử lý tội phạm cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang để làm sáng tỏ những nội dung nghiên cứu.
Qua nghiên cứu, phân tích toàn diện hoạt động phòng ngừa và điều tra khám phá tội phạm cố ý gây thương trên địa bàn tỉnh Tiền Giang của lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH Công an Tiền Giang, tác giả đã nêu những hạn chế, thiếu sót khó khăn, nguyên nhân của những hạn chế, từ đó đã đưa ra một số giải pháp chủ yếu làm cơ sở hoàn thiện về mặt lý luận và lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH các cấp có thể vận dụng để không ngừng nâng cao và chất lượng, hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống đối với loại tội phạm này trên địa bàn tỉnh Tiền Giang. Những giải pháp này nếu được thực hiện đồng bộ và có chiều sâu, có trách nhiệm sẽ mang lại hiệu quả tích cực trong đấu tranh phòng, chống tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang trong thời gian tới. Ở đây cũng nêu những vấn đề cần quan tâm nhất, đó là:
Công tác phòng ngừa xã hội phải được chính quyền địa phương quan tâm, đẩy mạnh việc tuyên truyền giáo dục trực tiếp cho từng hộ gia đình, từng cá nhân đối tượng để họ nhận thức được hành vi xử sự của mình trong xã hội, có ý thức pháp luật và cố gắng vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Bởi vì, khi họ có cuộc sống ổn định, chính sách xã hội được quan tâm thì con người sẽ có những nhận thức và hành động tốt hơn, việc quản lý giáo dục con
em trong gia đình được chú tâm hơn. Từ đó sẽ góp phần làm giảm bớt những nguyên nhân và điều kiện phát sinh loại tội phạm này.
Đối với công tác điều tra tội phạm cố ý gây thương tích thì lực lượng CSĐT cần phải phối hợp nhanh chóng kịp thời với Công an cơ sở và những quần chúng tốt để phát hiện tội phạm và thu thập đầy đủ chứng cứ để chứng minh sự thật khách quan của vụ án đúng qui định của pháp luật, nhất là cần phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành giám định thực hiện tốt việc giám định tỉ lệ thương tích có hiệu quả, chính xác và đảm bảo thời gian nhanh nhất nhằm giúp cho cơ quan điều tra tiến hành các biện pháp điều tra cũng như giải quyết vụ án được nhanh chóng và đạt hiệu quả cao.
Luận văn được nghiên cứu với sự giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ của lực lượng CSĐT tội phạm về TTXH Công an tỉnh Tiền Giang và sự tận tình của thầy hướng dẫn khoa học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu mới chỉ là bước đầu, năng lực bản thân còn hạn chế, chưa qua thực tế công tác điều tra. Vì vậy, nội dung của luận văn không tránh khỏi những thiếu sót, sẽ có những vấn đề, nội dung chưa giải quyết triệt để, sâu sắc và khoa học, tác giả rất mong nhận được sự góp ý, bổ sung của các nhà khoa học, các thầy giáo để nâng cao chất lượng luận văn hơn nữa. Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của tất cả các đồng chí./.