Đặc điểm về thủ đoạn gây án và che giấu tội phạm

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và điều tra tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Trang 33 - 39)

Thủ đoạn gây án là hệ thống những hành vi của người phạm tội ở các giai đoạn chuẩn bị gây án, gây án và những hành vi che giấu tội phạm, được thực hiện đầy đủ hay từng phần, bị chi phối bởi những yếu tố chủ quan hay khách quan, kết hợp với việc sử dụng công cụ, phương tiện thích hợp nhằm đạt được mục đích mà người phạm tội đã dự định trước.

Tội phạm cố ý gây thương tích là loại tội phạm mang tính bạo lực, thường có nhiều thủ đoạn gây án khác nhau. Để đạt được mục đích gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, bọn tội phạm thường gây án nhanh, hành vi táo bạo và liều lĩnh. Hầu hết các vụ án gây thương tích xảy ra là do mâu thuẩn giữa nạn nhân và đối tượng gây án.

- Giai đoạn chuẩn bị phạm tội là giai đoạn mà người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm. Mục đích của tội phạm là gây ra thương tích cho nạn nhân, do vậy đối tượng gây án thường có sự chuẩn bị chu đáo (đối với những vụ có tổ chức hoặc có dự mưu trước). Thủ phạm từ chỗ nảy sinh ý định (chuẩn bị tư tưởng) phạm tội, thăm dò, nghiên cứu quy luật sinh hoạt, đi lại của nạn nhân, nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu và các mối quan hệ của nạn nhân để xác định hình thức, địa điểm, thời gian, công cụ, phương tiện và lực lượng gây án. Đối với những vụ án đồng phạm thì thường có sự phân công nhiệm vụ cho từng đối tượng và dự kiến những tình huống phức tạp xảy ra để chủ động đối phó. Tuy nhiên, giai đoạn chuẩn bị phạm tội ở mỗi vụ án có sự khác nhau, điều đó phụ thuộc vào nguyên nhân

phát sinh mâu thuẫn, điều kiện hoàn cảnh ở hiện trường, lực lượng và công cụ mà người phạm tội đang có.

Qua nghiên cứu các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ năm 2002 đến năm 2006 nhận thấy rằng:

Số vụ có giai đoạn chuẩn bị gây án là 233 vụ chiếm 43,55 % tổng số vụ cố ý gây thương tích; số vụ không có sự chuẩn bị là 302 vụ chiếm 56,45 % tổng số vụ cố ý gây thương tích. Số liệu này cho thấy số vụ không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội chiếm tỷ lệ tương đối cao.

Số vụ xảy ra do có sự mâu thuẩn từ trước là 312 vụ (trong đó có 170 vụ có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, 142 vụ không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội); số vụ phát sinh từ mâu thuẩn bột phát tức thời 223 vụ (trong đó có 79 vụ có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, 144 vụ không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội). Điều này cho thấy rằng phần lớn các vụ án xảy ra giữa thủ phạm và nạn nhân do có mâu thuẩn từ trước thì có giai đoạn chuẩn bị phạm tội và ngược lại số vụ án xảy ra giữa thủ phạm và nạn nhân do mâu thuẫn bột phát tức thời thì trong đó các vụ án có giai đoạn chuẩn bị phạm tội ít hơn, số còn lại là không có giai đoạn chuẩn bị phạm tội, họ thường sử dụng những công cụ có sẳn ở hiện trường để gây án, không có thời gian lựa chọn phương pháp, thủ đoạn gây án. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là mặc dù do mâu thuẫn bột phát tức thời, nhưng có nhiều trường hợp thủ phạm có mang sẳn công cụ gây án trong người, phần lớn là dùng dao Thái Lan, dao nhíp để gây án. Tình trạng này cho thấy tính nguy hiểm cho xã hội ngày càng cao.

Đối với những vụ phát sinh từ mâu thuẩn bột phát, nếu có giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì giai đoạn chuẩn bị gây án thường diễn ra trong thời gian ngắn, hành vi chuẩn bị đơn giản. Sau khi phát sinh mâu thuẫn, người phạm tội nhanh chóng tìm thêm lực lượng và tìm công cụ, phương tiện ở gần hiện trường và tiến hành gây án ngay.

Những vụ án phát sinh từ mâu thuẩn có trước, nếu có giai đoạn chuẩn bị phạm tội thì phần lớn quá trình chuẩn bị gây án thường diễn ra trong thời gian dài hơn, có một số trường hợp sự chuẩn bị diễn ra chu đáo hơn. Người chuẩn bị gây án ngoài việc chuẩn bị công cụ, phương tiện phù hợp còn có thể tiến hành một loạt hành vi khác như: quan sát, thăm dò, nắm bắt quy luật sinh hoạt đi lại của nạn nhân,… để từ đó chuẩn bị lực lượng, lựa chọn thời gian địa điểm gây án. Đối với vụ án có đồng phạm, có sự phân công nhiệm vụ cho từng người để tiến hành gây án. Tuy nhiên số vụ được chuẩn bị chu đáo chỉ chiếm tỷ lệ thấp, thông thường đây là những vụ được thực hiện với động cơ trả thù, người phạm tội là người trực tiếp có mâu thuẫn với nạn nhân, sau đó lôi kéo những người khác cùng tham gia.

Phần lớn các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn Tiền Giang do mâu thuẫn cá nhân dẫn đến việc trả thù của những nhóm thanh niên với nhau hoặc chúng lôi kéo nhiều người cùng tham gia gây án. Qua nghiên cứu 195 vụ án cố ý gây thương tích có giai đoạn chuẩn bị xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang xét thấy có những hành vi chuẩn bị như sau:

Đối với những vụ án xảy ra tại khu vực nhà ở, phần lớn những vụ án này là do giữa thủ phạm và nạn nhân có mâu thuẩn với nhau trong sinh hoạt, lao động, buôn bán… dẫn đến mâu thuẫn thù tức thì hung thủ nhanh chóng tìm kiếm công cụ, phương tiện ở gần xung quanh hiện trường và lập tức gây thương tích hoặc sau một thời gian hung thủ tìm đến nhà gây thương tích cho nạn nhân.

Đối với những vụ án xảy ra trên đường đi thì thủ phạm thường có những hành vi phổ biến sau đây: Các nhóm thanh niên thường tổ chức uống rượu, do những va chạm nhỏ đã dẫn đến mâu thuẩn, sau đó tập hợp nhóm và tìm cách trả thù, chúng thường chuẩn bị dao giấu trong người, khi có va chạm nhỏ là nhân cơ hội để sử dụng gây thương tích cho nạn nhân; trên đường đi, tình cờ

gặp những người có mâu thuẩn với thủ phạm từ trước, trong tình huống thuận lợi thì thực hiện hành vi phạm tội; đón phục ở những đoạn đường vắng, nơi ít người qua lại, lựa chọn điều kiện thích hợp khi những người có mâu thuẫn với chúng đi qua để gây án. Một số vụ do va quẹt giao thông hoặc mâu thuẩn trong lời nói, cử chỉ xảy ra ở trên đường… thủ phạm ngay lập tức tìm kiếm công cụ xung quanh để gây thương tích cho nạn nhân.

Ví dụ: Trần Văn Toản, sinh năm 1984 sống chung gia đình ngụ ấp 6, xã Mỹ Thành Nam, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Ngày 27/5/2004, Toản cùng gia đình che trại để tổ chức đám cưới Trần Văn Bình (anh ruột của Toản). Trại dựng lên có lấn sang phần đất của Trần Văn Mười (chú ruột của Toản), do có mâu thuẫn từ trước về việc tranh giành đất đai, sau khi có uống rượu Mười gây sự, dùng lời lẽ thô tục chửi gia đình Toản về việc che trại lấn sang phần đất của Mười. Toản không nói gì đến khoảng 14 giờ cùng ngày Toản lấy một đoạn sắt có sẳn trong nhà (đoạn sắt dài 56cm, đường kính 2cm), tay phải Toản cầm một đầu đoạn sắt chạy vòng vào cửa nhà sau của Mười, thấy Mười đang đứng bên trong nhà ngay tức khắc Toản chạy đến đưa đoạn sắt lên đánh một cái rất mạnh vào phần bụng của Mười, lúc này Mười hoảng sợ bỏ chạy ra sân trước nhà. Toản rượt đuổi theo và dùng đoạn sắt nói trên đánh từ trên xuống trúng vào lưng của Mười 03 cái gây thương tích, những người ở xung quanh đến can ngăn và đưa Mười đến bệnh viện Đa khoa khu vực Cai Lậy cấp cứu, điều trị đến ngày 04/6/2004 thì xuất viện. tại bản giám định y pháp số 102/GĐYP ngày 03/8/2004 của tổ chức giám định pháp y tỉnh Tiền Giang kết luận tỉ lệ thương tật của Mười là 33%. Sự việc trên cho thấy những vụ án có mâu thuẫn từ trước thường có sự chuẩn bị tư tưởng sẽ trả thù hoặc chuẩn bị công cụ, phương tiện để gây án.

Sau khi kết thúc giai đoạn chuẩn bị thì đối tượng phạm tội bắt tay vào việc thực hiện hành vi phạm tội. Khi bắt đầu thực hiện hành vi phạm tội, ở giai đoạn tiến hành gây án thủ phạm thường lợi dụng vào điều kiện, hoàn cảnh khách quan, lựa chọn thời điểm thuận lợi như khi nạn nhân sơ hở, mất cảnh giác, vắng người để nhanh chóng tiếp cận gây thương tích cho nạn nhân rồi nhanh chóng tẩu thoát khỏi nơi gây án mà không bị phát hiện, truy đuổi. Tuy nhiên có những vụ án không nhất thiết phải có quá trình chuẩn bị, đó là những vụ án do bột phát bất ngờ. Trong giai đoạn gây án thủ phạm sẽ dùng nhiều thủ đoạn để thực hiện hành vi tấn công nạn nhân. Một số dạng chủ yếu sau:

Do va chạm về lời nói, cử chỉ trong cuộc sống giao tiếp, uống rượu say... dẫn đến xô xát, hai bên cãi cọ, chửi bới xô đẩy nhau, thúc đẩy mâu thuẫn phát triển và cuối cùng là xông vào đánh nhau. Người phạm tội sẳn có công cụ phương tiện ở trên người như : dao, cây, tuýp sắt… hoặc không có sẳn trên người nhưng đã nhanh chóng tìm kiếm ở gần hiện trường như: đá, gạch, cây tre, mảnh vỡ thủy tinh .. để gây thương tích cho nạn nhân.

Do mâu thuẩn từ trước, để trả thù người phạm tội hoặc người thân của người phạm tội đã chuẩn bị sẳn công cụ, phương tiện phạm tội như: dao, mác, dung dịch axit, .. tìm đến nhà nạn nhân hoặc lợi dụng điều kiện nạn nhân không để ý khi đang đi trên đường gây thương tích cho nạn nhân.

- Giai đoạn sau khi gây án

Phần lớn các vụ án cố ý gây thương tích được thực hiện một cách công khai, có nhiều người chứng kiến, giữa người thực hiện tội phạm với nạn nhân có mối quan hệ thân thích, làng xóm láng giềng hoặc có sự quen biết nhau từ trước. Cũng có một số vụ nạn nhân không quen biết nhau, nhưng đã bất ngờ gây án rồi nhanh chóng rút khỏi hiện trường nhằm tránh sự nhận diện của nạn nhân và những người khác có mặt tại hiện trường. Về hiện trường các vụ án

cố ý gây thương tích cũng rất đa dạng, thủ phạm thường lợi dụng những sơ hở của nạn nhân, những điều kiện tự nhiên sẳn có tại hiện trường để gây án.

Thực tế các vụ cố ý gây thương tích xảy ra thì hiện trường là nơi phản ánh các hành vi vật lộn, ẩu đả giữa nạn nhân và thủ phạm cùng với các vật tồn tại ở hiện trường như: Cây, gạch đá, chai lọ, … là công cụ phương tiện mà thủ phạm sử dụng để gây án. Có một số vụ cố ý gây thương tích dẫn đến hậu quả chết người, có đông đối tượng tham gia, việc xác định đối tượng gây ra hậu quả dẫn đến cái chết cho nạn nhân là hết sức khó khăn bởi các đối tượng đều có tác động ngoại lực lên nạn nhân.

Ví dụ: Ngày 08/7/2006 Trần Ngọc Sơn, sinh năm 1979, Đoàn Văn Được, sinh năm 1986 và Lê Văn Quí, sinh năm 1981, cùng ngụ ấp 3, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy, Tiền Giang. Sau khi đã có uống rượu, bia, Sơn điều khiển xe mô tô 2 bánh, xuất phát từ chợ Thạnh Lộc về nhà, vào khoảng 22 giờ 30 phút cùng ngày thì bị một nhóm thanh niên đang ngồi uống rượu trên sàn gỗ (cách cầu Ba Sạch khoảng 5m) gồm: Nguyễn Văn Đủ, sinh năm 1986; Thái Văn Đảm, sinh năm 1989, cùng ngụ ấp 4, xã Thạnh Lộc, huyện Cai Lậy; Nguyễn Thành Giỏi, sinh năm 1988; Trần Thanh Thái, sinh năm 1989; Trần Hoài Thanh, sinh năm 1989; Phạm Văn Quan, sinh năm 1955; Trần Thanh Hiền, sinh năm 1984 và Nguyễn Văn Bình, sinh năm 1989, trong nhóm thanh niên này có Đủ, Đảm đứng đái trên cầu cản đường gây sự, Sơn kêu Được và Quí xuống xe chạy bộ theo xe Sơn, Hiền rượt đuổi theo đánh Sơn, Được và Quí thấy vậy cả bọn đều chạy theo Hiền để nhằm mục đích đánh Sơn, Được và Quí, khi đến cầu ngang kinh Thầy Cai cách đó khoảng 70m Hiền đuổi kịp và dùng dây thắt lưng đánh trúng vào vai Sơn làm Sơn té xuống kinh Thầy Cai, lúc này Quí quay trở lại bị Hiền dùng tay đánh trúng vào bụng, lưng Quý nhiều cái và dùng tay phải bóp vào cổ Quí kéo Quí cùng té ngã xuống kinh nước. Hậu quả làm Quí chết. (Quí chết ngạt dưới nước). Riêng Đủ, Đảm,

Bình, Quan, Thái và Giỏi trong lúc chạy theo Hiền khi đến cầu ngang kinh Thầy Cai mỗi người có gở một miếng ván gỗ cầu, ngoài ra Giỏi còn xuống một chiếc xuồng ở gần đó lấy một ống tiếp kim loại tròn, rỗng ở giữa, dài 85cm, đường kính 3cm, mục đích đánh Quí, Sơn té xuống kênh, còn Được thì bỏ chạy.

Nhìn chung, các vụ án cố ý gây thương tích xảy ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang dù có chuẩn bị hay không có sự chuẩn bị trước khi gây án hoặc do bột phát thì các đối tượng sau khi gây án thường tìm mọi cách cất giấu, vứt bỏ hoặc tiêu hủy công cụ, phương tiện gây án. Trong nhiều trường hợp, trên đường rút chạy khỏi hiện trường, thủ phạm vứt bỏ hung khí xuống sông, cống rãnh, mương ao, …hoặc tìm mọi cách che giấu hành vi phạm tội của mình. Sau khi bị bắt giữ, thủ phạm chối tội hoặc đổ tội cho nạn nhân tấn công trước, hành vi của đối tượng gây thương tích cho nạn nhân chỉ là phòng vệ. Phần lớn các vụ án cố ý gây thương tích, sau khi gây án thì chúng đều có điểm chung là bỏ chạy. Sau khi bị bắt thì thường khai báo quanh co, đổ lỗi cho nhau hòng che giấu để được nhẹ tội.

Một phần của tài liệu Nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa và điều tra tội phạm cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (Trang 33 - 39)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(132 trang)
w