Tội phạm là những hành vi tiêu cực trong xã hội, bị pháp luật hình sự ngăn cấm và trừng trị, hành vi đó phải gắn với những con người cụ thể và những con người đó phải có những đặc điểm cụ thể riêng biệt. Khi nói đến nhân thân của một con người nào đó, chủ yếu là nói đến con người với tính cách là thành viên xã hội, người tham gia vào quan hệ xã hội. Nhân thân người phạm tội trong Luật hình sự Việt Nam được hiểu là tổng hợp những đặc điểm riêng biệt của người phạm tội có ý nghĩa với việc giải quyết đúng đắn trách nhiệm hình sự của họ. Những đặc điểm đó là: tuổi, nghề nghiệp, thái độ làm việc, trình độ văn hóa, lối sống, hoàn cảnh gia đình và đời sống kinh tế, thái độ chính trị, ý thức pháp luật, tôn giáo, tiền án, tiền sự.
Nghiên cứu đặc điểm cụ thể của những con người phạm tội có ý nghĩa rất lớn trong công tác phòng ngừa, điều tra khám phá tội phạm. Chỉ có thể hiểu được đặc điểm nhân thân của người phạm tội thì mới hiểu được phương thức thủ đoạn phạm tội, nguyên nhân, động cơ, mục đích phạm tội của họ. Đặc biệt đối với hoạt động điều tra thì đây là những căn cứ xác thực giúp cho điều tra viên sàng lọc đối tượng, xây dựng các giả thuyết điều tra để phát hiện, thu thập các tài liệu chứng minh cho hành vi phạm tội và người thực hiện
hành vi phạm tội nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động điều tra khám phá tội phạm, cũng như tổng kết rút ra những nguyên nhân, điều kiện làm phát sinh tội phạm, từ đó giúp cho việc đề ra các biện pháp phòng ngừa tội phạm có hiệu quả.
Nhân thân của người phạm tội trong các vụ án cố ý gây thương tích rất đa dạng phức tạp, thành phần đối tượng rất khác nhau từ cán bộ công chức Nhà nước đến người lao động tự do, người không có nghề nghiệp, người làm ruộng, học sinh, sinh viên. Song phần lớn đối tượng này là những người không nghề nghiệp hoặc làm ruộng, trình độ văn hoá thấp.
Kết quả nghiên cứu 661đối tượng phạm tội của 535 vụ án cố ý gây thương tích trên địa bàn tỉnh Tiền Giang từ năm 2002 đến năm 2006 cho thấy: (phụ lục 5)
- Về giới tính: Đối tượng cố ý gây thương tích chủ yếu là nam giới (384 người chiếm tỷ lệ 98,03 %), nữ giới chiếm tỷ lệ rất ít (13 người chiếm 1,97%). Đặc điểm này phản ánh tính bạo lực trong tội phạm cố ý gây thương tích đó là nhanh chóng dùng vũ lực để gây thương tích cho nạn nhân và nhanh chóng tẩu thoát.
- Về độ tuổi: Người thực hiện tội phạm tập trung ở độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi : 359 người chiếm tỷ lệ 54,31%; từ 31 tuổi trở lên: 221 người chiếm tỷ lệ 33,44%; số người dưới 18 tuổi phạm tội là 81 người chiếm tỷ lệ 12,25%.
Đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích xét về độ tuổi cũng rất phức tạp, bất kể lứa tuổi nào khi có động cơ, mục đích và điều kiện thuận lợi là có thể gây án. Kết quả nghiên cứu cho thấy đối tượng từ 18 tuổi đến 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số đối tượng phạm tội. Điều này cho thấy một thực trạng thất nghiệp, việc làm không ổn định, trình độ văn hóa thấp là những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến độ tuổi phạm tội của tội phạm cố ý gây thương tích.
- Về nghề nghiệp: Đối tượng làm ruộng 227 người chiếm tỷ lệ 34,34%, không nghề nghiệp 152 người chiếm tỷ lệ 22,99%; nghề không ổn định 225 người chiếm tỷ lệ 34,04%; học sinh, sinh viên 41 người chiếm tỷ lệ 6,2 %, cán bộ công nhân viên 16 ngườI, chiếm tỷ lệ 2,42%. Nghề nghiệp tác động rất lớn đến hành vi vi phạm pháp luật, từ các chỉ số trên cho thấy phần lớn người phạm tội cố ý gây thương tích ở Tiền Giang là người làm ruộng, không nghề nghiệp hoặc nghề không ổn định chiếm tỷ lệ rất cao. Đây là vấn đề mang tính cấp bách trong chính sách xã hội về tạo công ăn việc làm cho công dân trong độ tuổi lao động, nhất là trong lứa tuổi thanh thiếu niên. Đối tượng phạm tội là học sinh, cán bộ công nhân viên chiếm rất thấp. Tuy nhiên, đáng chú ý là thời gian gần đây đối tượng phạm tội là học sinh, sinh viên có mầm móng phát sinh, đã xuất hiện một số vụ học sinh gây sự đâm đánh nhau xảy ra ở học đường, trên đường đi học mặc dù hậu quả tác hại chưa đến mức nghiêm trọng nhưng cũng cần quan tâm. Điều này nói lên lối sống thiếu lành mạnh, ích kỷ, hẹp hòi, coi thường các giá trị chuẩn mực đạo đức xã hội của một bộ phận thanh niên hiện nay.
- Về trình độ học vấn: Số có trình độ trung học phổ thông là 102 người chiếm tỷ lệ 15,43%; số có trình độ trung học cơ sở là 236 người chiếm tỷ lệ 35,7%; số có trình độ tiểu học là 196 người chiếm tỷ lệ 20,65%, không biết chữ là 127 người chiếm tỷ lệ 19,21%.
Qua phân tích về trình độ học vấn của các đối tượng phạm tội cố ý gây thương tích cho thấy đối tượng có trình độ học vấn thấp chiếm tỷ lệ cao trong tổng số đối tượng phạm tội (84,57% tính từ trung học cơ sở trở xuống), điều này ảnh hưởng rất lớn đến cách xử sự của con người trong quan hệ xã hội, ảnh hưởng đến nhận thức pháp luật của mỗi con ngườ phạm tội, hiểu biết cách để xử lý các mâu thuẫn cụ thể phát sinh trong quan hệ đời sống xã hội. Bên cạnh đó là lối sống ích kỷ, coi thường chuẩn mực đạo đức xã hội, xem
thường mạng sống con người, cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực chỉ cần đạt được mục đích. Vì vậy, khi chỉ có mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống đời thường mà đối tượng sẳn sàng thực hiện hành vi pham tội để trả thù.
- Về tiền án, tiền sự: Số đối tượng có tiền án, tiền sự 176 người, chiếm tỷ lệ 26,63%, số đối tượng chưa có tiền án, tiền sự phạm tội lần đầu là 485 người, chiếm tỷ lệ 73,37%. Đáng chú ý là số đối tượng có tiền án tiền sự tham gia gây án có chiều hướng gia tăng. Đây cũng là tính phổ biến của mọi loại tội phạm hình sự nói chung và tội phạm cố ý gây thương tích nói riêng. Điều này nói lên sự hạn chế trong công tác quản lý, giáo dục đối tượng có tiền án tiền sự ngay tại cộng đồng dân cư.
Phần lớn người phạm tội cố ý gây thương tích là người phạm tội lần đầu, tuy nhiên số có tiền án tiền sự thì đa số là những phần tử côn đồ, hung hăn đã từng gây ra nhiều vụ đánh nhau gây rối trật tự công cộng hoặc phạm vào các tội khác trước đây.