Phát triển NLCN không chỉ làm gia tăng số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, mà còn thể hiện ở việc bồi dưỡng, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đó cho phát triển. Bến Tre có nguồn lao động dồi dào, do đó, việc tìm ra giải pháp “đột phá” để khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực này cho đẩy mạnh CNH, HĐH đang là vấn đề thu hút sự quan tâm của các cấp lãnh đạo tỉnh Bến Tre.
Một là, tạo nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn nhằm sử dụng có hiệu quả NLCN của tỉnh
Trong điều kiện ở Bến Tre, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là lực lượng lao động nông thôn - bộ phận hiện chiếm số đông trong dân cư, đang là nhiệm vụ bức xúc và là nội dung quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Cần thống nhất nhận thức của người lao động về “việc làm”, đó là tất cả các hoạt động kinh tế-xã hội tạo ra thu nhập mà không vi phạm pháp luật. Với cách hiểu như vậy, tích cực tạo ra nhiều việc làm cho người lao động bằng cách phát triển sản xuất, khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, phát triển dịch vụ và du lịch, khuyến khích mọi người, mọi thành phần kinh tế tự tìm việc làm, tự đầu tư tạo việc làm. Trong đó chú ý một số giải pháp cụ thể sau:
- Khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển. Đây không chỉ là chính sách giải phóng mọi năng lực sản xuất, mà còn là giải pháp quan trọng để tạo nhiều việc làm cho người lao động. Hiện nay ở Bến Tre, trên 93% lao động đang làm việc trong các thành phần kinh tế tư nhân và cá thể. Có thể nói, khu vực kinh tế tư nhân đang đóng vai trò to lớn trong việc tạo ra và giải quyết nhiều việc làm cho người lao động. Vì vậy, Nhà nước cần tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là thực hiện “chính sách ưu đãi cụ thể và tạo mọi điều kiện dễ dàng để thành phần kinh tế tư nhân phát triển sản xuất, kinh doanh trên mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực được pháp luật bảo hộ” [23, tr.66]. Đặc biệt kinh tế hộ gia đình vẫn là đơn vị kinh tế cơ bản tổ chức sản xuất, kinh doanh và thu hút nhiều lao động, do đó cần có chính sách hỗ trợ phát triển mạnh kinh tế hộ gia đình. Theo kết quả điều tra về kinh tế trang trại, đến tháng 7-2005 toàn
tỉnh có trên 3.800 hộ sản xuất đạt tiêu chí trang trại. Loại hình chủ yếu là trồng cây lâu năm, chăn nuôi và nuôi thủy sản, đang mang lại hiệu quả kinh tế khá cao, nhưng phát triển chưa ổn định, nhất là nuôi thủy sản [3, tr.7]. Vì vậy, tỉnh cần khuyến khích các hình thức tổ chức sản xuất quy mô lớn theo kiểu trang trại và tạo lập môi trường kinh tế, xã hội và pháp luật thuận lợi cho mô hình kinh tế này phát triển. Đây là mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội lớn như tạo khả năng huy động vốn, khai thác tiềm năng sản xuất, tạo nhiều việc làm và tăng thêm nông sản hàng hóa cho xã hội và xuất khẩu.
Tạo ra nhiều việc làm không chỉ giúp ổn định đời sống người lao động, mà có việc làm ổn định, phù hợp, còn là điều kiện khơi dậy tính tích cực, năng động sáng tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề cho người lao động trong điều kiện cạnh tranh quyết liệt của thị trường lao động.
- Đẩy mạnh khôi phục và phát triển các làng nghề truyền thống, du nhập và phát triển thêm nghề mới trong nông thôn là cơ sở để giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông nghiệp. Theo báo cáo của Sở Công nghiệp, những năm qua ở Bến Tre nhiều làng nghề được sắp xếp, củng cố và được trợ giúp vốn từ chương trình khuyến công, chương trình vốn mục tiêu, nên không ngừng phát triển. Nhiều làng nghề điển hình phát triển mạnh như: sản xuất than gáo dừa, chỉ xơ dừa An Thạnh - Khánh Thạnh Tân (Mỏ Cày); sản xuất kẹo dừa Phường VII (Thị xã Bến Tre); sản xuất chiếu thảm, lưới xơ dừa, hàng thủ công mỹ nghệ An Hiệp (Châu Thành)... [2, tr.72]. Việc phát triển nghề và làng nghề ở nông thôn Bến Tre đã đem lại hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn, tạo động lực thúc đẩy NLCN phát triển. Trước hết, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng CNH, HĐH, chuyển dịch cơ cấu lao động theo hướng di chuyển “tại chỗ”. Một bộ phận không nhỏ lao động nông nghiệp chuyển sang lĩnh
vực phi nông nghiệp, do đó đây là con đường nhanh chóng đến với mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Thứ hai, giải quyết được việc làm tại chỗ cho người lao động, nhất là lao động dư dôi, lao động thời vụ ở nông thôn, tăng thu nhập, góp phần thực hiện chủ trương xoá đói giảm nghèo, tạo cơ hội vươn lên làm giàu tại địa phương.
Thứ ba, nhiều lao động ở nông thôn có việc làm thu nhập ổn định, không chỉ là điều kiện giữ gìn trật tự địa bàn nông thôn, hạn chế tệ nạn xã hội, giảm bớt sức ép cho các đô
thị và thành phố lớn do dòng di cư từ nông thôn ra đô thị tìm việc làm, mà còn tạo ra môi trường rèn luyện tác phong lao động công nghiệp, khơi dậy tính năng động, sáng tạo, thích ứng nhanh nhạy với cơ chế thị trường, qua đó từng bước thay đổi tâm lý, thói quen sản xuất nhỏ của một bộ phận người lao động. Với những hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn đó, phát triển nghề mới và khôi phục, phát triển làng nghề truyền thống ở nông thôn Bến Tre cần được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn nữa từ phía Nhà nước. Bởi vì, trên thực tế, phần lớn các làng nghề ở Bến Tre phát triển manh mún, mang tính tự phát và phân tán trong các hộ gia đình, công nghệ lạc hậu, chủ yếu là thủ công truyền thống, thị trường tiêu thụ sản phẩm hạn hẹp và bấp bênh. Nhiều làng nghề gây ô nhiễm môi trường rất nặng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân trong khu vực các làng nghề. Vì vậy, tỉnh cần sớm “triển khai đề án phát triển ngành nghề nông thôn, củng cố và phát triển làng nghề truyền thống. Xây dựng các tiêu chí làng nghề, hỗ trợ các làng nghề phát triển đạt các tiêu chí theo quy định và được công nhận” [54, tr.4]. Nếu được tỉnh triển khai thực hiện phương án này sẽ tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho các cụm làng nghề ở Bến Tre hình thành và phát triển nhanh chóng. Tuy nhiên, việc đầu tư công nghệ mới, hiện đại hóa công nghệ truyền thống để xây dựng các làng nghề sản xuất chuyên môn hóa tạo ra năng suất, chất lượng sản phẩm tốt, tăng sức cạnh tranh trên thị trường phải được sự giúp đỡ về vốn, về cơ chế chính sách từ phía Nhà nước và chính quyền các cấp ở địa phương. Đồng thời với quá trình này là sự giúp đỡ, hướng dẫn, kỹ thuật chuyển giao và ứng dụng công nghệ mới vào quá trình sản xuất của các nhà chuyên môn, cán bộ khoa học cho người lao động trong các làng nghề. Việc dạy nghề cho người lao động tại các làng nghề cần được tổ chức tập trung và khoa học, trong đó chú trọng kết hợp các hình thức truyền nghề, dạy nghề tại cơ sở với sự hướng dẫn, kèm cặp trực tiếp của các nghệ nhân.
Việc phát triển làng nghề ở Bến Tre đã thu hút nhiều lao động ở các lứa tuổi, trong đó có cả trẻ em trong độ tuổi đi học. Vì muốn tăng thu nhập, không ít gia đình cho phép hoặc ép buộc con em mình phải nghỉ học để tham gia lao động. Điều này không chỉ vi phạm pháp luật lao động mà về lâu dài sẽ làm suy giảm chất lượng nguồn nhân lực của địa phương và hạn chế cơ hội phát triển bản thân của người lao động. Do đó, chính quyền các cấp cần tuyên truyền vận động các gia đình và chủ sử dụng lao động ở
các làng nghề coi trọng và tạo điều kiện cho các em có điều kiện học tập, hạn chế tham gia lao động để có thời gian tập trung học tập tốt.
Như vậy, khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống cũng như du nhập thêm nghề mới ở nông thôn Bến Tre được xem là một trong những giải pháp hữu hiệu trong vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động. Ngoài hiệu quả kinh tế, xã hội to lớn như phát triển sản xuất, ổn định xã hội, phát triển làng nghề còn tác động trực tiếp đến phát triển cá nhân người lao động, khai thác và sử dụng có hiệu quả lực lượng lao động to lớn trong nông thôn Bến Tre.
- Xuất khẩu lao động cần được xem là hướng giải quyết việc làm có hiệu quả ở Bến Tre hiện nay. Theo báo cáo của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh, từ năm 2001 đến 2005, Bến Tre có hơn 3.000 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Tính riêng năm 2004 đã có 971 người, năm 2005 ước đạt 1000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thị trường chủ yếu là Malaysia, Nhật Bản, Đài Loan và Hàn Quốc. Công tác xuất khẩu lao động không những giải quyết được việc làm, tăng thu nhập, người lao động còn tiết kiệm gửi về cho người thân một khoảng tiền khá lớn để ổn định đời sống gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Quy mô xuất khẩu lao động của tỉnh có tăng so với các năm trước, nhưng chưa đáp ứng nhu cầu xã hội. Nguyên nhân chủ yếu là hiện nay các trung tâm dịch vụ việc làm của tỉnh không có chức năng xuất khẩu lao động, phải qua trung gian là Thành phố Hồ Chí Minh. Mặt khác, phần đông lao động có nhu cầu xuất khẩu là người nghèo không có tài sản thế chấp hoặc trình độ thấp. Vì vậy, trong những năm tới tỉnh cần đẩy mạnh hơn nữa công tác xuất khẩu lao động, xem đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn lao động của tỉnh trong bối cảnh người lao động Bến Tre di cư nhiều. Để công tác này có hiệu quả, tỉnh cần quy hoạch từ chỗ xuất khẩu lao động giản đơn phải hướng đến xuất khẩu lao động kỹ thuật.
Xuất khẩu lao động giản đơn (chủ yếu là làm việc nhà, bốc xếp…)sẽ giảm nhẹ được gánh nặng đào tạo và giảm bớt sức ép nhu cầu việc làm trong thời hạn ngắn; giúp người lao động có thu nhập cao hơn so với nếu làm việc tại tỉnh. Tuy nhiên, họ sẽ dễ bị bóc lột và không có điều kiện thăng tiến, cải thiện nghề nghiệp. Tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn ở Malaysia và một số nước cho thấy rõ điều đó. Vì vậy, tỉnh cần có những liên kết chặt chẽ
về mặt pháp lý với các đối tác ngoài tỉnh và nước ngoài nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động. Mặt khác, cần có kế hoạch chủ động hướng nghiệp, đào tạo cho người lao động tham gia xuất khẩu lao động có trình độ nhất định trước khi ra nước ngoài làm việc. Điều này giúp người lao động có một số kiến thức nhất định về công việc, ngôn ngữ, văn hóa của nước sẽ đến lao động và nhất là hiểu biết và có ý thức chấp hành pháp luật, hợp đồng lao động. Đồng thời tỉnh cũng cần hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề cho người lao động nghèo và tín dụng cho người tham gia xuất khẩu lao động.
Xuất khẩu lao động kỹ thuật trong điều kiện tỉnh đang thiếu lực lượng lao động này cũng làm hạn chế sự phát triển kinh tế của tỉnh. Tuy nhiên, cũng không thể ngăn cản nguồn lao động có trình độ kỹ thuật này đi nơi khác khi cơ hội việc làm và thu nhập tại tỉnh chưa được cải thiện. Số lao động này sẽ là nguồn nhân lực có chất lượng của tỉnh sau khi hợp đồng làm việc với nước ngoài được ký kết, vì ngoài thu nhập được cải thiện, họ có điều kiện tiếp cận với thiết bị tiên tiến, tiếp nhận tri thức khoa học mới, rèn luyện tác phong công nghiệp, ngoài ra còn chuyển một khoản thu nhập về cho gia đình, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế địa phương.
Như vậy, tạo nhiều việc làm cho người lao động bằng phát triển sản xuất, khôi phục và mở mang ngành nghề, xuất khẩu lao động,... đó là những giải pháp nếu thực hiện tốt sẽ đem lại hiệu quả cho công tác giải quyết việc làm ở Bến Tre hiện nay, nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả NLCN, chuyển thành nguồn nội lực thúc đẩy nhanh quá trình CNH, HĐH.
Hai là, có chính sách hữu hiệu để thu hút và trọng dụng nhân tài, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho sự nghiệp CNH, HĐH của tỉnh
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa dựa trên nền tảng KH-CN, mà sự phát triển KH- CN đòi hỏi sự tích tụ “chất xám”. NLCN Bến Tre hiện tại trên nhiều mặt chưa đáp ứng yêu cầu CNH, HĐH, đặc biệt, đội ngũ hoạt động KH-CN của tỉnh còn quá nhỏ bé, vì vậy, nếu chỉ dựa vào NLCN hiện có, Bến Tre chưa đủ sức đẩy nhanh sự nghiệp CNH, HĐH. Thấy được vấn đề này, trong vài năm gần đây, Bến Tre đã và đang thực hiện các chính sách thu hút và đãi ngộ nhân tài nhằm cải thiện chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Tuy nhiên, trên thực tế các chính sách này chưa hướng tới lực lượng lao động có
trình độ và chuyên gia ngoài tỉnh, chưa thu hút được nhiều người tài giỏi và chuyên gia trẻ tham gia vào các vị trí quan trọng trong nền kinh tế địa phương. Đây cũng là một trong những yếu tố làm hạn chế khả năng cạnh tranh của tỉnh trong việc mời gọi các nhà đầu tư. Vì vậy, trong thời gian tới, ngoài việc tạo ra sự khác biệt về chế độ đãi ngộ vật chất và tinh thần, cần tạo điều kiện và môi trường làm việc thuận lợi cùng với sự tôn vinh đúng mức nhân tài, sẽ có thể tạo ra “lực hút" mạnh hơn trong thực hiện chính sách “cầu hiền” của tỉnh hiện nay. Về lâu dài, tỉnh cần có kế hoạch đầu tư đúng mức, tập trung và có trọng điểm trong việc đào tạo những chuyên gia giỏi, chuyên gia “đầu đàn” trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên mà tỉnh đang thu hút. Có thể nói, sự thành công của phát triển kinh tế trước hết do thành công của sự phát triển KH-CN, mà sự thành công của KH-CN lại phụ thuộc chủ yếu vào tính hiệu quả của chính sách thu hút, khai thác và trọng dụng nhân tài. Hơn lúc nào hết, “Tôn trọng trí thức, quý trọng nhân tài” cần được thể hiện một cách rõ nét trên thực tế ở Bến Tre.