Thực trạng phát triển nguồn lực con người trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bến Tre

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bến Tre docx (Trang 59 - 68)

hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bến Tre

Bước vào thời kỳ CNH, HĐH, Bến Tre đã bắt đầu coi trọng và có nhiều cố gắng trong phát triển NLCN của tỉnh. Đại hội đại biểu lần thứ VI Đảng bộ tỉnh Bến Tre (5- 1996) đã chỉ rõ:

Phát triển nguồn lực con người là nội dung có ý nghĩa quyết định trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh. Một mặt phải tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo diện rộng để đáp ứng yêu cầu, mặt khác phải lựa chọn, đào tạo nhân tài để có khả năng tiếp thu những công nghệ hiện đại, tập trung trước hết vào xây dựng đội ngũ các nhà kinh doanh giỏi, công nhân lành nghề, đội ngũ công chức hành chính thạo việc, công tâm. Đồng thời thu hút chất xám của cộng đồng người Bến Tre ở ngoài tỉnh và nước ngoài [22, tr.56].

Nội dung trên thể hiện rõ quan điểm phát triển NLCN của tỉnh là vừa phát triển theo “diện rộng”, vừa tập trung đào tạo nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng thu hút “chất xám” trong và ngoài tỉnh.

Thực trạng phát triển giáo dục - đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre trong thời kỳ CNH, HĐH

Để từng bước nâng cao chất lượng NLCN, tỉnh Bến Tre đã tập trung phát triển GD-ĐT cả về quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục. Mạng lưới trường lớp ở các ngành học, bậc học ngày càng được mở rộng theo hướng đa dạng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập của mọi lứa tuổi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Theo thống kê của ngành GD-ĐT, năm học 2004-2005, toàn tỉnh có 134 trường Mẫu giáo; 203 trường Tiểu học; 133 trường THCS; 41 trường THPT; 1 trường Cao đẳng; 2 trường Trung học chuyên nghiệp; 8 trung tâm giáo dục thường xuyên. Trong đó có 3 trường Mầm non, 40 trường Tiểu học và 2 trường THCS đạt chuẩn quốc gia. So với năm học 2000 - 2001, năm học 2004 - 2005 mạng lưới giáo dục toàn tỉnh phát triển thêm 118 trường và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. Việc mở rộng mạng lưới trường lớp hợp lý theo địa bàn tạo điều kiện thuận lợi phát triển quy mô ở các cấp, bậc học, ngành học. Quy mô học sinh các cấp ở Bến Tre không ngừng tăng lên. Từ năm học 2001-2002 đến nay, bình quân mỗi năm, quy mô học sinh THPT tăng 6 - 8%, học sinh THCS tăng 4 - 5%. Riêng học sinh tiểu học có xu hướng giảm 5 - 6%/ năm, do tác động tích cực của chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình [44, tr.5]. Số học sinh tốt nghiệp THCS tăng từ 15.284 (năm 2000) lên 20.389 (năm 2004), học sinh tốt nghiệp THPT tăng từ 6.598 (năm 2000) lên 11.163 (năm 2004) [13]. Đây là nguồn bổ sung vào nguồn nhân lực có trình độ của tỉnh trong những năm tiếp theo.

Thực trạng công tác đào tạo nguồn nhân lực cho CNH, HĐH ở Bến Tre

Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở Bến Tre có xu hướng tăng nhanh. Trước năm 2000, công tác đào tạo nghề cho người lao động chưa được quan tâm đúng mức, cho đến năm 2000 tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ chiếm 8,6% lực lượng lao động toàn tỉnh. Đến cuối năm 2004, tỷ lệ này tăng lên 22,12%, trong đó lao động đã qua đào tạo nghề là 6,15%. Hiện nay, hệ thống trường Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp và Dạy nghề trong toàn tỉnh tiếp tục được củng cố, kiện toàn về cơ sở vật chất cũng như đội ngũ

giáo viên nhằm mở rộng quy mô, nâng cao năng lực, đa dạng hóa ngành nghề đào tạo, từng bước đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế- xã hội và CNH, HĐH. Trong giai đoạn 2001-2005, quy mô đào tạo (hệ chính quy) của các trường Trung học chuyên nghiệp tăng bình quân 12-14%/ năm. Bình quân mỗi năm có trên 1000 cán bộ trung cấp kỹ thuật, công nhân kỹ thuật và trên 8.000 lao động được đào tạo nghề, riêng trường Cao đẳng Sư phạm đào tạo 1.934 giáo viên Tiểu học và THCS, đáp ứng cơ bản nhu cầu giáo viên của tỉnh [45, tr.3]. Tháng 11 năm 2004, trường Cao đẳng Bến Tre được thành lập trên cơ sở hợp nhất trường Cao đẳng sư phạm với 2 trường Trung học chuyên nghiệp: Kinh tế kỹ thuật và Kỹ thuật công nghiệp. Việc thành lập trường Cao đẳng Bến Tre đào tạo đa ngành, đa hệ với quy mô 3000 - 4000 học sinh, sinh viên cho thấy nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh đang là yêu cầu bức xúc. Hệ thống GD-ĐT nghề cũng không ngừng mở rộng quy mô theo hướng đa dạng hóa ngành nghề và hình thức đào tạo, vừa đáp ứng yêu cầu học nghề của người lao động, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế của tỉnh và cung cấp cho thị trường lao động. Toàn tỉnh hiện có 27 trung tâm, cơ sở dạy nghề (trước năm 2000 chỉ có 14 cơ sở), trong đó có 14 cơ sở dạy nghề tư nhân. Số người được đào tạo nghề từ 5.859 người (năm 2001) đã tăng lên 8.772 người (năm 2004). Ngoài ra, các doanh nghiệp, làng nghề, hội nghề ở các địa phương đã tổ chức truyền nghề và dạy nghề tại chỗ cho 10.000 đến 12.000 lao động mỗi năm [61].Với năng lực đào tạo như hiện nay, ước tính đến cuối năm 2005, tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh sẽ đạt được chỉ tiêu đề ra là 25%.

Nhìn chung, công tác đào tạo nghề cho người lao động những năm qua đã được coi trọng, mỗi năm các cơ sở dạy nghề cung cấp 8000 - 9000 lao động được đào tạo với nhiều ngành nghề khác nhau cho các cơ sở sản xuất. Tuy nhiên, so với nhu cầu xã hội, mạng lưới dạy nghề của tỉnh còn mỏng và nhỏ cả về quy mô đầu tư và tuyển sinh, lại chưa có chính sách thu hút học sinh học nghề thông qua học bổng, học phí, ưu tiên bố trí việc làm… nên công tác dạy nghề ở Bến Tre còn nhiều hạn chế. Một trong những khó khăn của công tác dạy nghề ở Bến Tre hiện nay là vấn đề nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về nghề nghiệp. Vào các trường trung học chuyên nghiệp hay trường nghề chưa phải là con đường được nhiều học sinh phổ thông lựa chọn. Việc coi trọng bằng cấp đã tạo ra dư luận xã hội không coi trọng việc học

nghề, vì thế, nhiều học sinh không muốn vào trường nghề. Hơn nữa, ở Bến Tre, thói quen lao động kỹ thuật theo kiểu truyền nghề mà không cần bằng cấp hoặc chưa có chính sách khuyến khích xã hội sử dụng người có bằng nghề, dẫn đến nhiều cơ sở dạy nghề chưa tích cực đầu tư đúng mức cho việc dạy nghề cả về cơ sở vật chất lẫn giáo trình, giáo án. Vì vậy, nếu không nhanh chóng khắc phục những hiện tượng này, sẽ là trở ngại không nhỏ trong công tác đào tạo nghề cho người lao động - một nội dung quan trọng trong chiến lược phát triển NLCN của tỉnh hiện nay.

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nhận thức được vai trò nòng cốt của nguồn nhân lực chất lượng cao trong phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh CNH, HĐH, tỉnh Bến Tre đã và đang rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực này bằng nhiều loại hình đào tạo: chính quy, không chính quy (tại chức, đào tạo từ xa) với các trình độ: cao đẳng, đại học và trên đại học. Nguồn đào tạo trình độ này không chỉ có học sinh phổ thông mà còn là cán bộ, công chức đang công tác tại tỉnh.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp CNH, HĐH, tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong chuẩn bị nguồn nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng. Số học sinh Bến Tre trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng trong cả nước ngày càng nhiều, năm 2000 có 1.871 sinh viên, năm 2003 là 2.520 sinh viên và năm 2004 là 2.068 sinh viên. Theo số liệu thống kê của Bộ GD-ĐT, tính đến 2/2005, tỉnh Bến Tre có 10.409 sinh viên đang theo học tại 83 trường đại học, cao đẳng trong cả nước [7].

Ngoài lực lượng sinh viên đang học tại các trường đại học, cao đẳng trên cả nước, Bến Tre còn rất chú trọng phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao tại tỉnh bằng các hình thức liên kết đào tạo, đào tạo từ xa với các trường đại học, cao đẳng trên toàn quốc ở các ngành, nghề đang là mũi nhọn kinh tế của tỉnh và cả các ngành đang là nhu cầu của người học. Đối tượng theo học các lớp này bao gồm học sinh phổ thông và cán bộ, công chức đang làm việc tại tỉnh. So với giai đoạn 1996 - 2000, loại hình đào tạo không chính quy hiện nay tăng 3,9 lần. Trong giai đoạn 2001 - 2005 đã có 1.724 sinh viên cao đẳng và 918 sinh viên đại học được cấp bằng tốt nghiệp. Hiện có 2.688 sinh viên đang theo học hệ đại học với 8 ngành đào tạo [45, tr.3]. Những số liệu trên cho thấy nguồn nhân lực chất lượng cao có trình độ cao đẳng, đại học của tỉnh đang phát triển nhanh về số lượng. Có thể xem đây là bước chuẩn bị nguồn nhân lực cho giai đoạn

phát triển nhanh hơn trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH ở Bến Tre, giai đoạn 2006 - 2010 và những năm tiếp theo.

Để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về số lượng, giỏi về chuyên môn, có đạo đức cách mạng, trung thành với Đảng và yên tâm phục vụ lâu dài tại tỉnh, tỉnh Bến Tre đã ra quyết định số 4051/2001/QĐ-UB ngày 4-9- 2001 quy định cụ thể về chế độ trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và sinh viên đi học đại học và sau đại học (xem phụ lục 4). Hơn 3 năm thực hiện chính sách trợ cấp cho các đối tượng sinh viên, đã có 76 sinh viên tốt nghiệp loại giỏi, 269 tốt nghiệp loại khá, 583 sinh viên học giỏi, 812 sinh viên con liệt sĩ, thương binh và 84 sinh viên diện gia đình nghèo được hưởng trợ cấp. Tổng kinh phí trợ cấp cho sinh viên thuộc các đối tượng trên là 3.325 triệu đồng [49, tr.2-3]. Trong điều kiện kinh tế của Bến Tre, chính sách trợ cấp đào tạo sinh viên những năm qua, có thể nói là một sự ưu tiên trong phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao. Chính sách đã có tác dụng khuyến khích sinh viên phấn đấu học tập, rèn luyện đạt kết quả tốt và có ý thức trở về phục vụ tỉnh nhà.

Công tác phát hiện và bồi dưỡng nhân tài được tỉnh chú trọng hơn trong những năm gần đây. Năm 2003, tỉnh đã mở hội thảo và giới thiệu rộng rãi về việc du học, tạo điều kiện thu hút tài trợ và đưa học sinh của tỉnh đi học nước ngoài. Số học sinh đi học nước ngoài ngày càng nhiều, nếu những năm 1996 - 2000 mới chỉ có 8 học sinh Bến Tre đi du học, thì giai đoạn 2001 - 2005 có đến 44 em đi học ở 10 nước (có 15 em được cấp học bổng) [45, tr.3].

Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ cán bộ, công chức có nhiều chuyển biến rõ nét

Trước những năm 1996, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chủ yếu do các ngành và Trung ương tổ chức, nên đội ngũ cán bộ, công chức hàng năm được cử đi đào tạo, bồi dưỡng số lượng còn hạn chế, chủ yếu theo quy hoạch và kế hoạch được phân bổ. Bước vào thời kỳ CNH, HĐH, tỉnh đã có những chủ trương, chính sách cụ thể về tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, từng bước nâng cao nhận thức chính trị, trình độ văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh đủ trình độ, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Năm 1998, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng “Đề án tổng quan quy hoạch đào tạo cán bộ đến năm 2000 và

2010”. Ban Tổ chức chính quyền tỉnh cùng với các ngành, các cấp tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá chất lượng cán bộ, công chức các ngành, các cấp. Trên cơ sở đó, đề án đã xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo và mục tiêu đào tạo từng loại cán bộ, ở từng cấp, từng ngành hàng năm. Tuy nhiên, qua một số năm thực hiện đề án, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chưa thực sự phát huy hiệu quả. Do vậy, “đội ngũ cán bộ vẫn còn hụt hẫng, chưa đồng bộ, thiếu cán bộ giỏi về quản lý kinh tế, sản xuất kinh doanh, khoa học kỹ thuật” [23, tr.38]. Trước yêu cầu thực tiễn, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ra Quyết định số 2103/2003/QĐ-UB ngày 31/7/2003 “Về việc sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức và thu hút cán bộ, công chức có trình độ, năng lực tốt” (xem phụ lục 4). Theo quyết định này, cán bộ, công chức đi học sau đại học có bằng tốt nghiệp được thưởng: 7 triệu đồng cho bằng bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 1; 10 triệu đồng cho người có bằng thạc sĩ, bác sĩ, dược sĩ chuyên khoa cấp 2 và 20 triệu đồng với bằng tiến sĩ. Đặc biệt, để thu hút cán bộ, công chức có trình độ, năng lực tốt về công tác tại tỉnh, Quyết định đã quy định chế độ ưu đãi như sau: Tốt nghiệp đại học hệ chính quy được trợ cấp 3 triệu đồng/người. Đối với những chức danh, ngành nghề mà tỉnh ưu tiên thu hút (theo danh mục tỉnh công bố hàng năm), được trợ cấp một lần 6 triệu đồng/ người. Người có học hàm, học vị có năng lực thật sự, cam kết công tác lâu dài ít nhất là 5 năm, được trợ cấp một lần: Thạc sĩ 15 triệu đồng/ người ; tiến sĩ 30 triệu đồng/ người ; phó giáo sư - tiến sĩ 35 triệu đồng/ người và giáo sư - tiến sĩ là 40 triệu đồng/ người và được tạo điều kiện thuận lợi về nhà ở trong thời gian công tác tại tỉnh.

Những quy định trong Quyết định số 4051 và số 2103 thật sự là bước ngoặt trong nhận thức của tỉnh Bến Tre về vai trò của nguồn nhân lực chất lượng cao trong tiến trình CNH, HĐH. Sau hơn 3 năm thực hiện quyết định trên, đã có 171 cán bộ, công chức của tỉnh được đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ (trong đó có 7 tiến sĩ), 1.841 người có trình độ đại học, 1.714 người có trình độ trung cấp và hơn 4.200 người được bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, tin học, ngoại ngữ. Ngoài ra, thu hút được 628 sinh viên có trình độ đại học về tỉnh công tác. Tổng kinh phí thực hiện chính sách đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ, công chức của tỉnh từ 9/2001 đến nay (3/2005) là 21.130 triệu đồng từ ngân sách của tỉnh (17.020 triệu đồng) và Trung ương phân bổ (4.110 triệu đồng) [49, tr.3].

Những kết quả đạt được trong công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút cán bộ, công chức có năng lực, có trình độ những năm qua đã góp phần to lớn nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức - bộ phận quan trọng trong nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh. Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách trợ cấp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, do mới chú trọng phát triển về số lượng, ít chú ý mặt chất lượng nên hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chưa cao. Tình trạng tăng nhanh số lượng bằng cấp nhưng chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức chưa được nâng lên ngang tầm do tác động ngoài mong muốn của việc thực hiện chính sách trợ cấp ưu đãi trong đào tạo, bồi dưỡng ở Bến Tre là một thực tế. Thực trạng này là nguyên nhân dẫn đến tình trạng thừa nhân lực có bằng cấp nhưng lại thiếu người tài, có năng lực thực sự phục vụ sự nghiệp CNH, HĐH ở tỉnh Bến Tre.

Những nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến quá trình phát triển nguồn lực con người ở tỉnh Bến Tre trong thời gian qua

Nguyên nhân khách quan

Một là, Bến Tre bước vào thời kỳ đổi mới, tiến hành CNH, HĐH trong hoàn

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN: Phát triển nguồn lực con người trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở tỉnh Bến Tre docx (Trang 59 - 68)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(103 trang)