Một là, đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH làm xuất hiện nhu cầu phát triển nguồn nhân lực ở tỉnh Bến Tre
Sau thời kỳ phát triển với quy mô và tốc độ khá chậm, hiện nay nền kinh tế Bến Tre đang bước vào giai đoạn phát triển tăng tốc. Trước yêu cầu thực tiễn, đòi hỏi Bến Tre đẩy mạnh sự nghiệp CNH, HĐH, đưa nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh và bền vững hơn, thực tế đó đặt ra nhu cầu phát triển mạnh NLCN của tỉnh.
Bến Tre đang tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, chính quá trình này sẽ tác động tích cực đến chuyển đổi cơ cấu lao động của tỉnh.
Thứ nhất, cơ cấu lao động sẽ biến đổi theo hướng chất lượng lao động ngày càng nâng lên. Sự phát triển nhanh và nhu cầu sử dụng nhiều lao động của các ngành công nghiệp, dịch vụ đã dẫn đến tăng nhanh đội ngũ lao động, nhất là lao động lành nghề, có trình độ kỹ thuật cao. Từ đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo cũng không ngừng tăng lên, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nền sản xuất. Thứ hai, cơ cấu ngành nghề của tỉnh cũng thay đổi cùng với quá trình đẩy mạnh CNH, HĐH. Lao động nông nghiệp giảm về số lượng, nhưng chất lượng ngày càng được nâng cao. Hiện nay, nhu cầu lao động qua đào tạo ở nhóm
ngành nông nghiệp - thủy sản tăng cao do yêu cầu phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Việc thành lập trường Cao đẳng Bến Tre đào tạo đa ngành, đa hệ là hết sức cần thiết, giúp tỉnh có điều kiện để chủ động tăng nhanh số lượng lao động được đào tạo ở trình độ thích ứng, nhằm đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực cho sự nghiệp CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn. Sự ra đời và phát triển nhiều khu, cụm công nghiệp mới cũng đòi hỏi tăng nhanh đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật tại chỗ, đủ sức cung ứng cho các nhà máy, xí nghiệp mới hình thành. Thực tế đó không chỉ tạo ra nhu cầu phát triển nguồn nhân lực về mặt số lượng mà còn đặt ra yêu cầu quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề của tỉnh với quy mô, ngành nghề thích hợp để kịp thời cung ứng lao động kỹ thuật, lao động chất lượng cao cho nhu cầu phát triển sản xuất, phát triển kinh tế của địa phương.
Hiện nay, Bến Tre đang bằng mọi cố gắng mời gọi, thu hút đầu tư từ bên ngoài để nhanh chóng hiện đại hóa nền kinh tế. Một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư là Bến Tre cần gấp rút chuẩn bị một nguồn nhân lực đủ về số lượng, có trình độ chuyên môn kỹ thuật, đủ sức đáp ứng yêu cầu mở rộng và phát triển sản xuất.
Trước mắt, tỉnh cần tiến hành điều tra cơ bản và chuẩn xác những tiềm năng, thế mạnh, lợi thế về phát triển kinh tế của tỉnh, xác định đúng "mũi nhọn" đột phá của CNH, HĐH. Trên cơ sở đó lập kế hoạch tổng thể về phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế.
Bến Tre là tỉnh đồng bằng ven biển, hệ thống sông ngòi chằng chịt, là lợi thế để phát triển mạnh ngành kinh tế thủy sản và kinh tế vườn. Hiện nay và trong những năm tới, tỉnh Bến Tre xác định đây là hai ngành kinh tế mũi nhọn và tập trung phát triển đi vào chiều sâu. Đặc biệt, ngành nuôi thủy sản phát triển nhanh và toàn diện về quy mô, chủng loại và trình độ thâm canh, ngành khai thác thủy sản phát triển trên lĩnh vực khai thác biển, theo xu hướng chuyển từ khai thác ven bờ sang khai thác hải sản xa bờ. Trong lương lai, khi ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào ngành nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, đòi hỏi lao động ngành này phải có trình độ văn hóa và chuyên môn kỹ thuật nhất định, phải được đào tạo mới có khả năng tiếp thu và ứng dụng những thành tựu khoa học. Vì vậy, trong chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh hiện nay cần có kế hoạch mở rộng đào tạo nghề cho người lao động trong các ngành nuôi
trồng, chế biến thủy sản và khai thác hàng hải. Hiện nay, tỉnh cũng đã có bước chuẩn bị nguồn nhân lực cho lĩnh vực kinh tế này, Bến Tre đang liên kết với trường Đại học Thủy sản Nha Trang đào tạo 691 sinh viên theo học ngành thủy sản (xem phụ lục 5.1). Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu nhân lực ngày càng cao cho các ngành kinh tế mũi nhọn, tỉnh nên lập ngay kế hoạch đào tạo ở các ngành thủy sản, nông học ở trình độ trung cấp, đại học và sau đại học để kịp thời cung cấp nguồn nhân lực trong những năm tới.
Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo theo chuẩn mới, đồng thời xây dựng những chương trình, dự án kinh tế - kỹ thuật lớn với yêu cầu và quy mô ngày càng cao để thực hiện CNH, HĐH ở tỉnh. Trên cơ sở đó có chiến lược phát triển mạnh nguồn nhân lực của tỉnh phục vụ CNH, HĐH.
Vì vậy, đẩy mạnh quá trình CNH, HĐH, nhằm tạo ra đòn bẩy trực tiếp thúc đẩy NLCN của tỉnh phát triển cả về số lượng và chất lượng là vấn đề cấp thiết đối với Bến Tre hiện nay.
Hai là, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, xây dựng môi trường đầu tư thuận lợi, tạo sức hấp dẫn thu hút đầu tư từ bên ngoài
So với các tỉnh lân cận, Bến Tre là tỉnh khó thu hút đầu tư bên ngoài không chỉ do điều kiện địa lý cách trở mà còn vì kết cấu hạ tầng yếu kém, đặc biệt là hệ thống giao thông. Thực tế cho thấy, những địa phương có cơ sở hạ tầng yếu kém rất khó thu hút nhà đầu tư, mà đã không thu hút được đầu tư thì khả năng cải tạo kết cấu hạ tầng cũng hạn chế. Chính cái vòng luẩn quẩn này tạo nên thực trạng vùng kinh tế đã phát triển thì càng phát triển thêm và những vùng kinh tế kém phát triển như Bến Tre lại càng tụt hậu. Chính vì vậy, phát triển kết cấu hạ tầng được tỉnh Bến Tre xác định là một trong những khâu đột phá quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Để phát triển mạnh kết cấu hạ tầng, đòi hỏi phải huy động tối đa các nguồn đầu tư, trong đó chủ yếu là nhờ vào vốn đầu tư của Nhà nước. Bên cạnh đó, tỉnh cần huy động tối đa các nguồn đầu tư từ các thành phần kinh tế, khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển mạnh kết cấu hạ tầng; tiếp tục thực hiện tốt phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm", từng bước nhựa hóa, bê tông hóa hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh. Nhằm tạo sức hấp dẫn và thu hút các nhà đầu tư, bên cạnh xây dựng kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn
chỉnh, tỉnh cần chú trọng ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư phù hợp nhằm khắc phục những bất lợi về vị trí địa lý, để có thể làm hài lòng các nhà đầu tư khi đến Bến Tre.
Đối với Bến Tre, công trình cầu Rạch Miễu (khởi công xây dựng ngày 30-04-2002) khi hoàn thành sẽ có ý nghĩa to lớn, góp phần phá thế cù lao, biệt lập giữa Bến Tre với các tỉnh bạn, đồng thời bảo đảm giao thông thuận lợi giữa các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng và giữa các tỉnh này với thành phố Hồ Chí Minh. Đây là điều kiện quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Bến Tre và cả khu vực ĐBSCL. Vì vậy, tỉnh cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Rạch Miễu hoàn thành và đưa công trình vào sử dụng đúng kế hoạch (dự kiến cuối năm 2006). Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các hạng mục cải tạo, mở rộng nâng cấp quốc lộ 57, 60 và phà Cổ Chiên, hình thành tuyến giao thông huyết mạch, liên hoàn với các tỉnh ven biển miền Tây Nam bộ. Dự án xây dựng cầu Hàm Luông nối liền các cù lao của Bến Tre đã được phê duyệt, vì vậy, tỉnh cần tích cực xin Trung ương nhanh chóng cho khởi công xây dựng nhằm phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội và đẩy mạnh CNH, HĐH. Về phía tỉnh, cần đầu tư đẩy mạnh tiến độ xây dựng các tỉnh lộ, huyện lộ và tiếp tục triển khai phát triển mạnh mẽ hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh.
Trong tương lai không xa, khi cầu Rạch Miễu hoàn thành, hệ thống giao thông hoàn chỉnh, Bến Tre sẽ không còn là ốc đảo, khép kín ngăn cách với các tỉnh trong khu vực và cả nước. Đó không chỉ là ước mơ ngàn đời của hàng triệu người dân trên đất cù lao xứ dừa, mà còn mở ra triển vọng phát triển mạnh mẽ cho Bến Tre và cả khu vực giàu tiềm năng - ĐBSCL, trong những năm tới đây. Đối với Bến Tre, việc mở rộng giao lưu, hội nhập với các tỉnh, thành trong cả nước không chỉ là điều kiện thu hút mạnh đầu tư, phát triển nhanh kinh tế-xã hội, mà còn giúp người dân Bến tre từng bước mở rộng tầm nhìn ra "thế giới bên ngoài", "phá vỡ" nếp sống, lối suy nghĩ khép kín hàng bao đời nay. Việc mở rộng hội nhập kinh tế với các tỉnh, thành phố lớn trong cả nước sẽ tạo ra cơ hội cho người lao động Bến Tre được tiếp cận, giao lưu, nắm bắt những thông tin thị trường, tiến bộ khoa học - kỹ thuật, ứng dụng những mô hình mới vào sản xuất, kinh doanh, từ đó, năng lực và trình độ người lao động từng bước được nâng lên, chất lượng NLCN Bến tre được đổi mới.
Có thể nói, phát triển kết cấu hạ tầng, phá thế cù lao, biệt lập là một trong những giải pháp cơ bản và cấp bách nhằm đưa nền kinh tế Bến Tre vượt qua nguy cơ tụt hậu và tạo bước phát triển nhanh và bền vững trong tương lai. Kinh tế phát triển chính là tạo ra điều kiện vật chất quan trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động, đầu tư có hiệu quả cho phát triển mạnh NLCN của tỉnh.