VÀ NHỮNG NHÂN TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN NGUỒN LỰC CON NGƯỜI CỦA TỈNH BẾN TRE HIỆN NAY
2.1.1. Điều kiện tự nhiên và những đặc điểm kinh tế-xã hội, lịch sử văn hóa
của tỉnh Bến Tre
Điều kiện tự nhiên
Bến Tre là một tỉnh đồng bằng cuối nguồn sông Cửu Long, nằm về phía Đông Nam của khu vực châu thổ ĐBSCL. Địa hình Bến Tre là vùng đất bằng phẳng, do phù sa của bốn nhánh sông Cửu Long (Tiền Giang, Ba Lai, Hàm Luông và sông Cổ Chiên) bồi tụ qua nhiều thế kỷ, hình thành ba dải cù lao: An Hóa, Bảo và Minh. Nhìn trên bản đồ, tỉnh Bến Tre có hình rẻ quạt mà cán quạt nằm về phía thượng nguồn, các nhánh sông lớn giống như những nan quạt xoè rộng ra phía biển Đông bao bọc ba dải đất cù lao. Phía Bắc của Bến Tre giáp tỉnh Tiền Giang, có ranh giới chung là sông Tiền, phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh, có ranh giới chung là sông Cổ Chiên, phía Đông giáp biển Đông với chiều dài 65km bờ biển. Đến nay, Bến Tre là tỉnh duy nhất ở ĐBSCL còn bị tách biệt với cả nước bởi những con sông lớn, khiến cho Bến Tre giống như một ốc đảo. Chính điều kiện tự nhiên này là một trong những nguyên
nhân làm cản trở sự phát triển của Bến Tre. Do vậy, khi nào cầu Rạch Miễu được hoàn thành mới có thể hạn chế được phần nào sự tách biệt này. Diện tích tự nhiên của Bến Tre là 2.315km2, vùng lãnh hải rộng khoảng 20.000 km2, dân số 1.345.637 người (tính đến cuối năm 2004). Tỉnh Bến Tre có 1 thị xã, 7 huyện và 160 xã, phường, thị trấn. Thị xã Bến Tre là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa và khoa học kỹ thuật của tỉnh, cách Thành phố Hồ Chí Minh 87km về phía Tây. Là một tỉnh có diện tích không lớn nhưng đông dân, lại bị cách biệt về mặt địa lý, do đó, lao động và việc làm đã và đang là những vấn đề bức xúc đặt ra trong quá trình phát triển của Bến Tre.
Thành phần dân tộc ở Bến Tre chủ yếu là người Kinh, dân tộc thiểu số rất ít và hầu như hòa nhập với người Kinh. Trong suốt chiều dài lịch sử, các dân tộc anh em sinh sống nơi đây đã đoàn kết chiến đấu và chiến thắng ngoại xâm, cùng nhau xây dựng lại quê hương.
Bến Tre là tỉnh có hệ thống sông ngòi chằng chịt vào loại bậc nhất khu vực ĐBSCL, với tổng chiều dài hơn 6.000 km [43, tr.1366], bao bọc và chia cắt làm cho Bến Tre thành vùng đất cù lao bốn bề sông biển. Bến Tre có địa hình thấp, lại có nhiều sông và kênh, rạch, do đó nước sông bị nhiễm mặn nghiêm trọng vào mùa khô. Trong những năm gần đây, nước mặn xâm nhập sâu, bao phủ phần lớn diện tích của tỉnh, gây nên tình trạng thiếu nước ngọt gay gắt. Đây là vấn đề bức xúc, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân trong tỉnh.
Về vị trí địa lý kinh tế
Trong tương lai, tỉnh Bến Tre có nhiều thuận lợi trong phát triển kinh tế-xã hội do nằm trong vòng cung các địa bàn và trung tâm phát triển: Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu và địa bàn kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy có khó khăn về đường bộ, song đường thuỷ nối Bến Tre với các trung tâm này khá thuận lợi. Hiện nay, nhiều tuyến đường bộ được xây dựng nối Bến Tre với các tỉnh lân cận, một số cảng trung chuyển đang được đầu tư mới và nâng cấp theo hướng hiện đại. Đặc biệt, cầu Rạch Miễu bắc qua sông Tiền sắp hoàn thành, phà Cổ Chiên đang xây dựng, cầu Hàm Luông đang có kế hoạch thi công sẽ nối liền các dải cù lao của Bến Tre với các tỉnh lân cận. Vài năm tới đây, sự giao lưu thông suốt về đường bộ và đường thuỷ giữa Bến Tre
và các tỉnh trong vùng sẽ tạo cho Bến Tre lợi thế về vị trí giao thông quan trọng từ ĐBSCL đi Đông Nam bộ và ngược lại.
Tài nguyên thiên nhiên của Bến Tre rất đa dạng và phong phú (đất đai, sông nước, các hệ sinh thái cửa sông, ven biển…) thuận lợi cho việc phát triển một nền nông nghiệp toàn diện, đặc biệt là việc phát triển nuôi trồng thuỷ sản và đang là tỉnh trọng điểm cây ăn quả của ĐBSCL. Đó là những lợi thế tuyệt đối không chỉ trước mắt mà còn có tính lâu dài, cung cấp sản phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tạo nền tảng phát triển các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ đi kèm.
Bên cạnh đó, điều kiện tự nhiên tạo cho Bến Tre cảnh sắc thiên nhiên đặc trưng của vùng Nam Bộ với nhiều khu di tích lịch sử, văn hóa, thích hợp cho việc phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch miệt vườn và đang là lĩnh vực có nhiều triển vọng cho phát triển ngành du lịch nếu được tỉnh tập trung đầu tư.
Điều kiện tự nhiên như trên, một mặt thích hợp cho sản xuất nông nghiệp, lưu thông thuận tiện bằng đường thuỷ, nhưng mặt khác, cũng tạo cho Bến Tre không ít khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và đời sống, do diện tích đất nhiễm mặn lớn vào mùa khô. Mặt khác, do địa thế cù lao, cách trở lưu thông bằng đường bộ, nên Bến Tre khó thu hút đầu tư cả trong và ngoài nước. Vì thế, để đẩy nhanh tiến trình CNH, HĐH, hội nhập với các tỉnh trong vùng và cả nước, tránh được nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế, Bến Tre phải thật sự chú trọng phát triển NLCN của mình, coi đó là nguồn nội lực quyết định cho sự phát triển nhanh và bền vững. Vấn đề là phải nâng cao chất lượng NLCN, khai thác và sử dụng có hiệu quả tiềm năng to lớn con người Bến Tre, nhằm biến NLCN thành nội lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế -xã hội phát triển. Do đó, phát triển NLCN phải được đặt ở vị trí trung tâm hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong lần về thăm Bến Tre (tháng 8-1998), Thủ tướng Phan Văn Khải có nhấn mạnh: “Để giúp Bến Tre đi nhanh hơn, không bị tụt hậu so với các địa phương khác, cần tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng của Bến Tre trong thời kỳ xây dựng, khai thác tốt những lợi thế của tỉnh, nhất là về lực lượng lao động” [2, tr.47].
Đặc điểm kinh tế-xã hội
Với 70% diện tích là đất nông nghiệp, 65km bờ biển và hệ thống sông ngòi chằng chịt, Bến Tre có lợi thế phát triển sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là kinh tế thuỷ sản và kinh
tế vườn. Trong những năm gần đây, nền kinh tế Bến Tre có mức tăng trưởng khá, giai đoạn 2001 - 2004 GDP bình quân đạt 8,7%/ năm, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế còn phụ thuộc chủ yếu vào tốc độ tăng của khu vực I (nông - lâm - thủy sản), chiếm 60,82% GDP của tỉnh (năm 2004), vì vậy, đây là sự tăng trưởng không bền vững. Mặt khác, nền kinh tế của Bến Tre đang đứng trước những khó khăn, thách thức: trình độ phát triển còn thấp, qui mô sản xuất còn nhỏ bé, vấn đề đổi mới thiết bị, công nghệ sản xuất triển khai chậm. Nhiều vấn đề bức xúc đặt ra trên lĩnh vực kinh tế-xã hội ngày càng gay gắt, nổi lên là vấn đề giải quyết việc làm cho người lao động, đời sống một bộ phận dân cư ở nông thôn còn khó khăn, tiêu thụ sản phẩm sản xuất của nông dân không ổn định; tệ nạn xã hội chưa có chiều hướng giảm… đã làm hạn chế động lực phát triển kinh tế của tỉnh.
Có thể thấy, mặc dù nền kinh tế Bến Tre đang từng bước phát triển, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng nhưng còn rất chậm. Do đó, muốn đẩy nhanh CNH, HĐH, phát triển ngành nghề, ứng dụng KH-CN vào sản xuất, nâng cao chất lượng hàng nông sản, đòi hỏi Bến Tre phải chú trọng phát triển mạnh NLCN cả về số lượng và chất lượng, đủ sức thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Bến Tre có nguồn nhân lực dồi dào, lực lượng lao động trẻ chiếm số đông, người lao động cần cù, chịu khó, thông minh, hiếu học, đó là những lợi thế nhất định về NLCN trong sự nghiệp CNH, HĐH. Đời sống người dân Bến Tre từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ khá, giàu có tăng, hộ nghèo giảm dần, nhưng vẫn còn nhiều (4,62% năm 2004). Thu nhập bình quân đầu người đạt 6,2 triệu đồng (năm 2004). Như vậy, so với mức bình quân của cả nước, mức thu nhập bình quân đầu người của Bến Tre hiện nay còn thấp.
Bến Tre là một trong những tỉnh gánh chịu hậu quả chiến tranh rất nặng nề, với hơn 35.000 liệt sĩ, trên 18.000 thương binh và 2.067 mẹ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng [2, tr.9].
Truyền thống lịch sử, văn hóa và con người Bến Tre
Cả nước biết Bến Tre “quê hương Đồng khởi” với tám chữ vàng “Anh dũng Đồng khởi, Thắng Mỹ, diệt Nguỵ”. Những chiến công oanh liệt của quân và dân Bến Tre đã góp phần viết nên trang sử vẻ vang, chói lọi của dân tộc Việt Nam. Những tên đất, tên người đã trở thành niềm tự hào của bao thế hệ người dân Bến Tre hôm nay
và cả mai sau. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, quân và dân Bến Tre đã kiên cường chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, góp phần to lớn vào thắng lợi vẻ vang của dân tộc, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. Nhưng sự hy sinh của nhân dân Bến Tre là hết sức lớn lao. Bến Tre trở thành mảnh đất chịu nhiều đau thương vào loại nhất, nhì của cả nước. Lịch sử và những chiến công của quân và dân Bến Tre là bản anh hùng ca bất diệt, biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quật cường quyết chiến và quyết thắng quân xâm lược.
Từ lâu, Bến Tre đã là vùng đất "địa linh nhân kiệt", nơi sản sinh ra những nhân vật có trình độ học vấn uyên thâm. Vị Tiến sĩ đầu tiên của sứ Nam kỳ lục tỉnh, quê vùng biển Ba Tri, Bến Tre - Phan Thanh Giản, thi đỗ Tiến sĩ năm 30 tuổi. Trương Vĩnh Ký - quê vùng trái cây nổi tiếng Chợ Lách, con người “học vấn uyên bác” thông thạo hơn mười thứ tiếng, chỉ trong 40 năm hoạt động đã để lại 118 tác phẩm thuộc đủ thể loại. Sau ngọn cờ thơ văn yêu nước tiêu biểu nửa sau thế kỷ XIX - Nguyễn Đình Chiểu, phải kể đến Phan Văn Trị mà tên tuổi gắn với cuộc bút chiến sôi nổi nhất thời bấy giờ đánh vào một nho sĩ bán mình cho giặc - Tôn Thọ Tường. Ba chủ bút của ba tờ báo buổi đầu trong lịch sử báo chí ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX đều là người Bến Tre, trong đó có chủ bút tờ báo phụ nữ sớm nhất nước ta là “bà đồ” Nguyễn Thị Ngọc Khuê, bút danh Sương Nguyệt Anh, con gái nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu.
Trong lịch sử, người dân nơi đây vừa kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa mang đậm những nét độc đáo riêng của con người vùng đất cù lao. Cũng như nhiều tỉnh vùng ĐBSCL, Bến Tre vốn là vùng đất hoang vu mới được khai phá theo bước chân “người mang gươm đi mở đất” của cha ông người Việt từ miền ngoài đến, vào cuối thế kỷ XVII, đầu thế kỷ XVIII. Gần ba thế kỷ đấu tranh chống giặc ngoại xâm và ách áp bức bóc lột của phong kiến, người dân Bến Tre đã phải đổ biết bao xương máu, mồ hôi để gìn giữ và biến mảnh đất hoang vu, rừng thiêng nước độc thành vùng đất trù phú, giàu tiềm năng như hôm nay.
Từ trong gian khổ và đau thương của chiến tranh, đã xuất hiện ở Bến Tre những kỳ tích lịch sử gắn liền với những người con anh hùng, vùng đất anh hùng. Gần như tay không, người Bến Tre đã vùng lên, với ngọn đuốc lá dừa từ Mỏ Cày đã cháy bùng lên
phong trào Đồng khởi “diệt ác, phá kìm” lan rộng khắp miền Nam. Phong trào đấu tranh chính trị của “Đội quân tóc dài”, của những người phụ nữ Bến Tre như một huyền thoại đẹp đã đi vào lịch sử dân tộc. Vị nữ tướng đầu tiên thời chống Mỹ, nhà lãnh đạo cách mạng tài năng của đất Bến Tre - Phó tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam - Nguyễn Thị Định. Tiếng bom tận sào huyệt báo hiệu sự sụp đổ chế độ Mỹ - Nguỵ Sài Gòn năm 1975 cũng do người con của Bến Tre, anh hùng phi công Nguyễn Thành Trung.
Những sự kiện điển hình đó đã cho thấy con người Bến Tre có đầy đủ những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam: yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất, thông minh, sáng tạo… Đó là niềm tự hào, là nguồn sức mạnh tinh thần góp phần hun đúc nên bản lĩnh, ý chí để các thế hệ người Bến Tre hôm nay vững bước tiến lên trên con đường CNH, HĐH và đổi mới đất nước theo định hướng XHCN.
Cùng với lòng yêu nước, con người Bến Tre còn "được pha đậm thêm tính ngang tàng, nghĩa hiệp, phóng khóang, dường như không bị ràng buộc bởi những quan niệm hẹp hòi, công thức, xơ cứng của Nho giáo" [43, tr.1011], kết hợp với tinh thần tự lực, tự cường, dựa vào sức mình là chính, không trông chờ, ỷ lại. Tinh thần đó không chỉ thể hiện trong sản xuất, mà còn trong chiến đấu. Từ “quê dừa” đến “quê hương Đồng khởi”, từ “Đội quân tóc dài” đến “Đội đặc công thuỷ” là biểu tượng của tinh thần sáng tạo, ý chí tự vươn lên mãnh liệt của con người Bến Tre.
Sẽ không đầy đủ và toàn diện khi nói về nét đặc trưng của con người Bến Tre mà không đề cập đến những hạn chế, tiêu cực của họ. Phải chăng do điều kiện lịch sử luôn phải đương đầu với các thế lực phong kiến và thực dân đế quốc xâm lược, chịu nhiều đau thương trong chiến tranh và vốn có một chút “ngang tàng, phóng khóang”, mà người dân trên vùng đất này cho đến nay vẫn còn tư tưởng “tự do” luôn muốn thóat khỏi sự quản lý của pháp luật. Mặt khác, với nền sản xuất nông nghiệp lạc hậu từ lâu đời, lại bị cách biệt với bên ngoài nên một bộ phận người dân Bến Tre có lối sống khép kín, ít quan tâm đến “bên ngoài”, bảo thủ trì trệ, cục bộ địa phương, không dễ chấp nhận những giá trị mới.
Việc chỉ ra những hạn chế này có ý nghĩa quan trọng trong công tác giáo dục, bồi dưỡng những thế hệ người Bến Tre hôm nay. Đó là, một mặt chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vượt khó khăn thách thức và quyết tâm đi lên, không cam chịu đói nghèo, mặt khác, coi trọng giáo dục ý thức pháp luật, quyền và nghĩa vụ công dân, tuân thủ kỷ luật, biết chọn lọc và tiếp thu những giá trị
mới, tiến bộ. Đó chính là cơ sở hình thành những phẩm chất tốt đẹp của người lao động mới trong nền sản xuất công nghiệp hiện đại.