Một là, tiếp tục khơi dậy truyền thống cách mạng, ý chí tự lực tự cường, quyết tâm vượt lên đói nghèo, tạo ra động lực mới thúc đẩy người dân Bến tre nỗ lực vươn lên thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH
Nhân dân cả nước biết đến Bến Tre như một vùng đất cách mạng anh hùng trong quá khứ. Nếu trong đấu tranh chống ngoại xâm, chính khát vọng độc lập tự do tạo nên sức mạnh kỳ diệu để người dân Bến Tre làm nên những chiến công oanh liệt, thì ngày nay cần làm cho mỗi người dân ý thức được rằng nguy cơ tụt hậu về kinh tế cũng đáng sợ như nguy cơ mất nước. Ý chí quyết tâm vươn lên không cam phận nghèo của người Bến Tre hôm nay xuất phát từ truyền thống đó. Phát huy sức mạnh truyền thống quê hương, Bến Tre đang khơi dậy một phong trào mới “Đồng khởi kinh tế”, đây sẽ là động lực mới thúc đẩy người dân Bến Tre nỗ lực vượt lên mọi khó khăn, thách thức đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển, tiến kịp và hội nhập với các tỉnh trong vùng và cả nước. Thực tế những năm qua ở Bến Tre cho thấy, sức mạnh của NLCN trong quá trình CNH, HĐH không chỉ thể hiện ở số lượng, chất lượng nguồn lao động, mà còn ở chỗ biết phát huy truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, huy động sức mạnh tổng hợp toàn dân tham gia phong trào “Đồng khởi mới”. Hơn 4 năm qua, phong trào “Đồng khởi mới” đã thực sự khơi dậy được những tiềm năng và sức mạnh nội tại của một tỉnh ven biển này. Năm 2004 là năm thể hiện rõ nét nhất những thành quả gặt hái được từ phong trào Đồng khởi mới: tỷ lệ tăng trưởng kinh tế vượt 2 con số là 10,08%, giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 5%. Năm 2005, tỷ lệ tăng trưởng kinh tế có khả năng đạt 12%, thu nhập bình quân đầu người ước đạt 500 USD [55]. Những con số này đã chứng minh cho sức mạnh của khát vọng, ý chí quyết tâm vươn lên của người dân quê hương Đồng khởi trong công cuộc xây dựng kinh tế, CNH, HĐH tỉnh nhà. Có thể nói, một khi khơi dậy được nguồn sức mạnh tinh thần, tập hợp được ý chí của toàn xã hội vào mục
tiêu phát triển sẽ tạo ra nhân tố quan trọng cho sự thành công của sự nghiệp CNH, HĐH.
Hai là, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn, giải quyết tốt các “điểm nóng” về tranh chấp đất đai
Thành tựu nổi bật trong công cuộc đổi mới mà Đảng ta khẳng định là tình hình chính trị - xã hội cơ bản ổn định. Trong những năm đổi mới, tình hình chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Bến Tre được giữ vững. Thực tế cho thấy, môi trường chính trị - xã hội ổn định là điều kiện quan trọng cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội diễn ra thuận lợi, đời sống vật chất và tinh thần người lao động được ổn định và ngày càng được nâng cao. Trong môi trường đó, con người thật sự yên tâm chăm lo phát triển kinh tế, ra sức học tập, lao động sáng tạo, cống hiến tài năng vì sự phát triển phồn vinh của xã hội và hạnh phúc của mỗi cá nhân. Vì vậy, giữ vững ổn định chính trị - xã hội là điều kiện quan trọng hàng đầu bảo đảm môi trường cho con người phát triển toàn diện. Con người được phát triển cao về trí tuệ, trong sáng về đạo đức, yên ổn về tinh thần sẽ đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển kinh tế-xã hội, tạo ra nguồn sức mạnh to lớn thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Chính vì vậy, tiếp tục giữ vững ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn là điều kiện và cũng là giải pháp thúc đẩy NLCN Bến Tre phát triển.
Tuy nhiên, trong những năm qua, ở Bến Tre tình hình tranh chấp đất đai do hậu quả cải tạo nông nghiệp để lại còn phức tạp, số vụ khiếu kiện tranh chấp, khiếu nại về đất đai còn nhiều. Từ năm 1999 đến năm 2004, có 11.372 vụ việc khiếu kiện tranh chấp và khiếu nại về đất đai, chủ yếu là đòi lại đất (6.222 vụ). Số lượt người tập hợp lại thành đoàn đông người đến các cơ quan của huyện, tỉnh, trung ương để khiếu nại khá nhiều, năm 2001 có 4 đoàn, mỗi đoàn từ 60-80 người [51, tr.1-2]. Đây là một trong những nguyên nhân gây bất ổn trong đời sống chính trị, xã hội của địa phương, cản trở quá trình phát triển kinh tế-xã hội, làm suy giảm chất lượng và sức mạnh NLCN của tỉnh trong thời gian qua. Đến nay, toàn tỉnh đã giải quyết được 97,17% đơn khiếu nại về đất đai (6.046/6.222 đơn), với các hình thức hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất và đi vùng kinh tế mới đã góp phần ổn định đời sống nhân dân và hạn chế việc khiếu kiện đông người, vượt cấp [55]. Do đó, tiếp tục giải quyết tốt các vụ việc tranh chấp, khiếu nại về đất đai là vấn đề có ý nghĩa quan trọng góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn, ngăn
chặn nguy cơ kẻ địch lợi dụng vấn đề này gây rối làm mất ổn định chính trị, đồng thời còn tạo môi trường chính trị - xã hội ổn định - điều kiện cơ bản thúc đẩy NLCN phát triển.